Menu Close

Chơi giữa mùa mưa

Sài Gòn ô nhiễm, Sài Gòn nghẹt thở, người Sài Gòn cuối tuần cũng phải tìm cách đi về các tỉnh miền quê tìm chút hương đồng gió nội. Ai vui chơi thì vui chơi, cũng có những nhóm vừa đi chơi vừa làm từ thiện. Những tấm lòng nhân ái ấy làm cuộc đời bớt được chút thảm sầu!

choi-giua-mua-mua5
Ngồi chịu trận trên ‘chuồng cu’ suốt mùa nước nổi 

choi-giua-mua-mua4

Khu trung tâm Sài Gòn đang xây dựng. Từ  ‘Phố Tây’- Ðề Thám dài ra chợ Bến Thành tới công trường Lam Sơn, chỗ nào cũng quây tôn che kín. Mặt đường bị thu hẹp. Vỉa hè bị lấn chiếm. Trong cơn mưa, xe bus, xe hơi, xe gắn máy các loại chen chúc. Khói xe xám xịt tràn vào buồng phổi những người lái xe, người bán hàng rong, người sinh sống quanh khu vực đang xây dựng. Du khách phàn nàn, Sài Gòn không có gì để coi, để chơi. Những ngày cuối tuần thiên hạ thường muốn ra khỏi thành phố. Thích biển thì về Miền Ðông, tắm biển Vũng Tầu, Bình Thuận. Thích ăn trái cây, nghe vọng cổ thì về Miền Tây, ghé Bến Tre, Tiền Giang, Sa Ðéc…Cứ thế ba lô lên vai. Giắt theo smart phone, thêm vài triệu đồng trong túi, vợ chồng con cái, bạn bè tha hồ vi vu trên đường cao tốc. So với chục năm về trước, khách du lịch ngắn ngày bây giờ hiểu biết hơn, chủ động hơn, ‘sói’ hơn. Trước khi đi, họ lên internet tìm thông tin, dọ giá, hỏi đường. Ðang đi, cũng internet. Ðến nơi, càng internet! Có mặt trong chuyến ‘phượt’ ngắn ngày với nhóm từ thiện Hoa Mặt Trời, kẻ viết bài được ‘về tuyến sau’ – mọi việc lái xe, khiêng vác, móc túi chi tiền, giải quyết sự việc… đều bị truất quyền.

choi-giua-mua-mua3
Sông nước Tiền Giang nhiều ghe xuồng buôn bán nông sản, khá thu hút khách du lịch

Ðiểm ghé đầu tiên là cù lao Thới Sơn ở Mỹ Tho. Mặc đội ngũ chèo ghe mời mọc, hệ thống nhà hàng giăng lưới, các nhà vườn nuôi ong mật, làm kẹo dừa chèo kéo… các em các cháu trong nhóm đều xua tay từ chối. Chấp nhận cuốc bộ chừng vài trăm thước,  qua khuất mấy vườn xoài chúng mới móc cái a lô. Chưa đầy năm phút, hai anh nông dân xuất hiện, vui vẻ ‘hốt gọn’ cả đoàn đưa về vườn nhà. Muốn mật ong nhãn, mật ong chôm chôm. Có! Muốn lẩu mắm, canh chua, cá kho. Có! Muốn tòong teng trên võng ăn trái cây, nghe đờn kìm mùi rệu. Có! Ðủ thứ sướng khoái như vậy mà chỉ trả hai triệu đồng, bằng phân nửa sở hụi của đám khách Tây tội nghiệp bị các ‘thợ vẽ’ chia nhau ‘rỉa xác’ ngay từ lúc mới chân ướt chân ráo tới cù lao. Anh nhóm trưởng cho biết, hai nông dân hồi nãy là ‘Thới Sơn thứ thiệt’. Họ rất bất mãn  kiểu gạt gẫm, bán khách, bóc lột khách, nhất là khách Tây, của các công ty du lịch (vốn ăn chia với các dịch vụ ăn uống, giải trí, làm đồ thủ công tại địa phương) nhưng họ không có tiếng nói, chỉ đưa thông điệp ‘ai biết thì tui giúp. Ai tin thì tui chỉ’ lên Facebook. Nhóm từ thiện Hoa Mặt Trời theo đó thử liên lạc. Không ngờ thành công ‘gực gỡ’!

choi-giua-mua-mua6
Anh Sáu dẫn đường lội vào xóm An Long, huyện Tam Nông, thăm người già đơn chiếc

Từ giã cù lao Thới Sơn, cả nhóm bon qua Ðồng Tháp. Ðồng Tháp mùa này sen hồng rất đẹp. Người Ðồng Tháp chục năm nay đã chú trọng khai thác đầm sen, hoa sen…, thu hút nhiều khách Sài Gòn và các tỉnh lân cận mỗi dịp lễ Tết, nghỉ cuối tuần… Tại khu du lịch Ðồng Tháp Mười rộng rãi, có những cầu tre bắc qua đầm sen thơ mộng, nối những chòi lá riêng biệt giữa đầm. Khách có thể câu cá, thuê xuồng hái sen, thuê đồ bà ba khăn rằn, vào vai ‘tía em, má em’, hay thưởng thức cá lóc nướng trui cuốn bánh tráng chấm mắm nêm cùng gia đình, bè bạn. Không giống người Huế, người Hà Nội trồng sen kép nhiều cánh (sen bách diệp) lấy gạo sen ướp trà, người Ðồng Tháp trồng sen đơn, lấy hoa sen bán cúng Rằm, Mồng Một; lấy củ sen, ngó sen bán cho người làm gỏi, nấu nước mát; lấy tim sen sấy làm thuốc nam chữa bệnh hồi hộp, khó ngủ, nóng trong; lấy hạt sen bán cho người làm mứt, nấu chè, làm sữa sen. Nói thêm, sữa sen là món giải khát rất được ưa chuộng vì chế biến dễ, uống nóng uống lạnh đều ngon và bổ. Khách du lịch một lần uống sữa sen, khi về rất khó cầm lòng trước những quầy bán sữa sen đóng hộp và các sản phẩm khác từ sen. Ai có tâm hồn nhậu, thích ‘chơi tới bến’ món rượu xoài – một đặc sản mới của Ðồng Tháp, cùng lẩu lươn, rùa hấp, cua rang me, gỏi cá, thì phải xuống mấy huyện ven sông Tiền như Hồng Ngự, Tam Nông gần biên giới Cam-pu-chia. Năm nay nước về sớm; giữa Tháng Tám mực nước đã lên cao. Người dân tấp nập sắm sửa ngư cụ, xuồng ghe giăng câu, đặt lợp. Vì thế chợ Cao Lãnh, chợ Hồng Ngự, Tam Nông lền khên trăn, rùa, lươn, chuột, cá, ốc. Khu bán cá cặp sông, xuồng ghe neo đậu rất đông vui. Sát chợ cá là một dọc hàng bán mắm, bán rau ăn lẩu, ăn gỏi. Mua cá xong, tạt qua mua mắm sống, rau điên điển, rau đắng, bông súng, ngó sen, măng chua, rau nhút…Trong vòng mười phút là mua đủ đồ nấu nướng, rất tiện lợi. Khách chơi chợ Ðồng Tháp mùa nước nổi, nếu sợ chém giết máu me, tốt nhất đừng héo lánh chợ cá. Nơi đó chỉ cần ngã giá xong là những con chuột đồng chưa kịp kêu chít chít đã bị người bán quật xuống nền chợ, lột da điệu nghệ; những con rắn bị túm cổ đạp đuôi, rọc một đường dao lam bén ngót từ trên xuống dưới, móc trọn bộ đồ lòng để riêng, phần thân khoanh tròn lại bỏ vô… hũ rượu. Mười con rắn như chục, gọn hơ. Bảo đảm con rắn chưa kịp hiểu chuyện gì đã chết tươi, đúng nghĩa chữ tươi!

choi-giua-mua-mua2
Du khách trẻ thích tự khám phá Tiền Giang, không mua tua; lên internet tìm thông tin.

Ðầu Tháng Chín, Ðồng Tháp mênh mông một màu nước son. Người Ðồng Tháp cố thủ trên nhà cao cẳng, cột chiếc xuồng với cây sào bên hông nhà. Cần đi đâu thì bước xuống xuồng, cầm cây sào, chống đi tự nhiên như người Sài Gòn ngồi lên xe gắn máy, vặn ga… Nơi nhóm Hoa Hướng Dương tới thuộc huyện Tam Nông, mấy tháng trước còn khô ráo. Leo cầu thang lắt lẻo, hư mục, lên thăm những ông cụ trên tám mươi tuổi bị con cháu ‘quên’, những bà già ‘mát dây’ nghễnh ngãng, liệt nhược… Lúc đó tuy khó nhưng dù sao cũng còn lên được. Bây giờ trở lại, bốn bề toàn nước. Ðiệu này chó gà đem đi đâu, đun nấu cách nào, đau bệnh kêu ai???. Những câu hỏi này đem hỏi anh Sáu N. dẫn đường, anh cười buồn, ‘Mấy chú hỏi tui, tui biết hỏi ai’. Nhìn anh lội nước gần tới thắt lưng, mấy thành viên hăng hái xắn quần tính lội. Anh Sáu xua tay, ‘Ðừng! Không quen, té lọt mương, lọt sông chết đó!’ Cũng may, nhóm không thồ theo gạo, mì lỉnh kỉnh, chỉ gởi tiền mặt nhờ anh Sáu thỉnh thoảng châm cho mấy cụ hộp sữa, cái mền, cái áo ấm, chai dầu gió, viên thuốc cảm. Hỏi tới gia cảnh nhà nào anh Sáu đều tường trình vanh vách. Giọng anh đều đều, ‘Nhà vợ mù, chồng chín mươi bảy tuổi đó hả, bả nằm cả tháng nay rồi. Ông ngồi dòm suông. Ai cho gì ăn đó. Sáu đứa con, mấy đứa bỏ xứ đi luôn. Mấy đứa khác ở gần cha mẹ, nhưng tụi nó làm lơ hết. Bị cũng nghèo dữ lắm’. Còn vợ chồng ‘lục bình, hủ tiếu’ nữa – có tên vậy vì quanh năm ra chợ coi ai ăn hủ tiếu dư, nhào vô bưng tô húp. Bị đánh đuổi, ra sông vớt lục bình nhai sống. Hỏi tên gì, tuổi gì hai vợ chồng ngơ ngẩn lắc đầu. Bà vợ chết. Ông chồng tưởng vợ ngủ, để yên không đánh thức. Chừng nghe mùi, hàng xóm đổ tới, lôi cái xác đi. Ông này nhìn theo, thản nhiên… Chuyện thê lương vậy, sao kể tỉnh vậy anh Sáu? Thì ban đầu cũng buồn, cũng khóc chớ. Sau đi đâu cũng thấy y vậy. Riết quen! Tội nghiệp người già neo đơn, khùng khịu nên ai cho cơm áo gạo tiền, xa mấy cũng ráng chở. Ðầu tháng, lội vô cho họ một đồng bạc, một miếng thịt, một viên thuốc, cương quyết không có mẻ chút nào…Nghe anh Sáu tâm sự, nắm bàn tay chai sạn của anh, kẻ viết bài và nhóm Hoa Hướng Dương đều bùi ngùi, cảm phục…

choi-giua-mua-mua
Một hàng bán chuột đồng trong chợ cá Tam Nông

Kết thúc chuyến du lịch kết hợp từ thiện ngắn ngủi, trở lại Sài Gòn những ngày đầu niên học thấy phụ huynh chèo… xe chở con đi học, quần áo bảnh bao, nhăn nhó cằn nhằn than khổ. Kẻ viết bài chạnh lòng nhớ Ðồng Tháp mênh mông, thương những phận người…

choi-giua-mua-mua1
Nhà vợ chồng già, dù rách nát nhưng trong mùa khô còn leo lên leo xuống được. 

XH – VN