“Người Trong Bóng Tối” là tiếng ông tự gọi đùa mình khi tôi tắt ánh đèn trên trần phòng giùm ông trước khi tôi ra về. Quả vậy, câu nói tự trào ấy diễn tả được phần nào hình ảnh ông ngay lúc tôi bước vào phòng để thăm ông. Hình dáng gầy gò ngồi thu nhỏ trên chiếc xe lăn nơi một góc nhà tranh tối, tranh sáng đã làm tôi xúc động. Dù nụ cười mỉm của ông làm sáng cả khuôn mặt, khi vừa thấy tôi, cũng không xua được bóng tối nhuộm đen ¼ cuộc đời của người đàn ông phải ngồi trên xe lăn suốt 20 năm trời dài đăng đẳng.
Kỳ 1
Khác với những lần ghé thăm trước gặp ông trong phòng khách, vì nhà đang được sửa chữa, nên lần này tôi được vào thẳng phòng ông. Nơi ông sinh hoạt hàng ngày, ông ngồi trước một chiếc bàn có bánh xe và hai cái ly, một cà phê, một trà. Giọng nói khẩn khoản, nhẹ nhàng nhưng tha thiết của ông qua điện thoại, “Ðến chơi thăm chú đi, lúc nào chú cũng rảnh” cũng là lời mời gọi của ông với bạn bè, người quen chứ không riêng gì tôi. Ghé thăm ông cũng là món quà tinh thần làm ông tươi tỉnh và vơi đi nỗi buồn chán của một người chỉ loanh quanh suốt ngày trong nhà bằng bốn bánh xe lăn. Sau một hồi trò chuyện, tấm bằng vinh danh NS Lam Phương để trên bàn ngủ ông, gợi ý tôi hỏi chuyện ông về chương trình âm nhạc của Paris By Night dành cho ông. Ông bảo ông có cả chục tấm như thế, do họ tặng sau mỗi lần họ làm chương trình nhạc của ông.
Tôi hỏi ông về chương trình The Gift của ca sĩ Hoàng Hiệp và Phạm Quỳnh Anh mới thực hiện cho ông vào cuối tháng 8 vừa qua. Ðây là một dự án lớn của hai ca sĩ này hát và trình diễn nhạc của ông được phát sóng rộng rãi trên mạng theo dạng Youtube cho cả khán giả trong và ngoài nước xem. Mỗi thứ 7 hàng tuần, khán thính giả ở Úc, Việt Nam và Hoa Kỳ đều được xem chương trình hai ca sĩ này trình diễn nhạc của ông được thực hiện thành một tập kéo dài suốt 4 tháng. Tôi đã vào xem thử, thấy được lối trình diễn của họ khác lạ, cùng ban nhạc hoà âm công phu lôi cuốn người xem. Với kỹ thuật tân tiến ngày nay, quảng cáo trên facebook và các trang mạng, mà chương trình dự án Lam Phương với The Gift trên MV đã đến được với mọi người Việt trên thế giới, thật là diệu kỳ. Tuy nhiên báo chí trong nước đua nhau tường thuật dự án này dường như thất bại vì con số khán giả vào xem ít hơn các chương trình MV khác. Có lẽ vì đây là lần đầu Phạm Quỳnh Anh hát nhạc vàng Lam Phương, nên cô bị một số khán thính giả là fan nhạc xưa phê bình cô một cách gay gắt, thậm chí nhiều ý kiến còn khuyên cô nên từ bỏ ý định lấn sân sang dòng nhạc này, sau khi ca khúc Biển Tình lên sóng. Họ chê cô hát dở, hát đơ, thiếu hơi, lại không có cái ngọt ngào của miền Nam khi hát nhạc Lam Phương. Hát nhạc Lam Phương mà mang cái kiểu hát nhạc teen như ‘Bụi bay vào mắt’ không được phù hợp. Khán giả cho rằng cô hát Biển Tình, thua xa ca sĩ Ngọc Lan hát Mưa trên Biển Vắng và họ vẫn thích Cho em quên tuổi ngọc qua giọng hát của danh ca Bạch Yến hoặc giọng ca hải ngoại Ngọc Anh hơn. Quả thật, ai cũng tưởng hát nhạc Bolero dễ, thật ra lại khó, nhất là các ca sĩ vì khán thính giả đã quen thuộc với phong cách hát của các ca sĩ đàn anh, đàn chị trước rồi. Cũng bài hát đó mà phong cách ca sĩ đàn em hát khác đi rất khó cho họ chấp nhận.

Tôi được xem một cảnh quay trong clip thu hình bài Một Mình của dự án the Gift. NS Lam Phương ngồi trên xe lăn xem ban nhạc và ca sĩ hát, ông trầm ngâm như đang nhớ về kỷ niệm của một thời quá khứ. Tôi ngạc nhiên hỏi chú, “Chú về VN thu hình với họ hở?”(vì hai ca sĩ này ở VN) . Ông nói, “Ðâu có, họ qua Mỹ thu hình dự án này ở Mỹ cho chú đó chớ”. Ông thêm, “Từ ngày qua Mỹ đến giờ chú chưa từng trở lại VN”. Tôi liền hỏi ông có hài lòng hay nhận xét ra sao về các ca sĩ hát và trình diễn nhạc của ông sau năm 75 nói chung và các ca sĩ trong nước hiện tại nói riêng?. Ông cho biết cách hát và trình diễn của các ca sĩ qua các thời kỳ hay giai đoạn có đổi thay, có thể khác đi, mới, lạ hơn nhưng tựu trung vẫn đều giông giống nhau. Bởi vì, tương tự như người ta nói, người này nghe người kia hát rồi bắt chước hát theo. Ca sĩ đàn em nghe đàn anh, đàn chị hát, rồi họ hát theo. Tôi hỏi “Chú có khó chịu khi một ca sĩ nào đó hát nhạc chú mà chú không thích như NS Nguyễn Ánh 9 bảo Ðàm Vĩnh Hưng đừng hát nhạc của ông không? Thậm chí họ đổi một vài nốt nhạc hay chế và đổi lời nhạc của chú?”. Ông đáp “Không, chú thì dễ dãi, tự do, họ muốn hát sao thì hát, kể cả đổi lời như nhạc chế, miễn sao đừng tầm bậy tầm bạ, tục tĩu là được. Họ đổi thế nào thì đổi, bài hát vẫn là của mình.”
Tôi bồi thêm “Còn nhạc VN và các tác giả trong nước bây giờ, chú có theo dõi và có ý kiến không?”. “Chú không có ý kiến vì cùng trong nghề, chê người ta không được. Mỗi nhạc sĩ có một lượng khán thính giả riêng yêu thích nhạc của họ, sáng tác thiếu chất lượng thì tự họ làm mất lượng khán thính giả mà họ chịu trách nhiệm.”

Lúc ông quơ tay lấy ly nước, tay ông đụng vào tủ thuốc gần đấy với rất nhiều chai lọ. Ông bảo thuốc của các bác sĩ quen và người ta thương ông đem lại cho ông rất nhiều mà ông có bệnh gì đâu, ông rất khoẻ. Tôi thấy có tượng Chúa Jesus trên bàn khiến tôi liên tưởng đến lời hát da diết trong bài Lời yêu cuối mà Hoàng Hiệp hát trong The Gift. “Tiếng chuông ngân trong mùa hoa cưới /Chúa ơi con khổ đến muôn đời /Giúp cho con về dưới chân người.”. Tôi hỏi ông có sáng tác nhạc tôn giáo không?. Ông bảo, hầu hết nhạc ông sáng tác là nhạc tình, còn tượng Chúa là của mấy đứa nhỏ để đó, ông không có đạo. Con người ông bá đạo nhưng trong lòng ông không làm điều ác, hại ai cả. Ông cười vui bảo, đạo ông là đạo vòng vòng. Ðạo nào ông cũng vô, chùa, nhà thờ nơi nào ông cũng đến, riết rồi các thầy cứ mời ông hoài. Tính khôi hài dẫn ông về quá khứ, ông cười tiết lộ tôi nghe. Thật ra ngày còn trẻ, ông ra vào những nơi đó là vì các người tình của ông viếng chùa, nhà thờ, ông tháp tùng đi theo cho họ vui lòng vì đạo nào cũng dạy con người lẽ phải cả. Nhân lúc vui ông tâm sự, bản chất ông thực tế không suy nghĩ viển vông, cái gì tới thì tới, có trời đất sắp đặt sẵn, ông thuận theo mệnh trời. Cuộc đời ông ba chìm bảy nổi, thuở nhỏ nghèo, sau khá lên nhờ sáng kiến tự in và sản xuất nhạc (hồi đó chưa có ai làm như vậy), cũng bởi cái khó ló cái khôn. Ông mơ màng nhớ tới một thời oanh liệt mới hai mươi mấy tuổi đầu đã có xe hơi. Trước 75 ông đã có 4 chiếc xe hơi, Dauphine, xe hơi của Ðức, Peugeot và Subaru. Hồi ấy Sài Gòn chỉ có 5 chiếc Subaru mà ông đã có một chiếc mới cắt chỉ. Ông cười, phải bán thêm ruộng mới tậu được. Vậy mà qua Mỹ lúc xuống dốc làm đủ nghề để sinh nhai mà không nề hà miễn sao có tiền nuôi gia đình. Tuy nhiên chuyện trái lương tâm ông không bao giờ làm.
Tôi tròn mắt tấm tắc khen, “Hồi đó chú là một nhạc sĩ trẻ tài hoa, cao ráo, đẹp trai lại đi xe hơi, oai vậy làm sao phụ nữ nào mà không mê?” Ông cười rạng rỡ, “Vậy mà chú chẳng làm hại ai, nếu họ đến với chú thì do họ tự nguyện, chú không ép buộc ai cả”. “Vậy chú có viết nhạc tặng họ không, họ có đòi chú viết về họ không?”. Ông lắc đầu “ Tự chú viết”- “Vậy chú có tiết lộ cho họ biết là chú viết cho họ không?”- “Cần gì nói, nghe là biết liền”.
Trong lòng tôi không muốn hỏi thêm chuyện đời tư của ông nhưng thấy ông mở lòng, vả lại chuyện riêng đời ông cũng đã được kể khá nhiều trên truyền thông. Hơn nữa mỗi tình khúc của ông sáng tác đều có một đoạn đời liên hệ nên tôi cũng không ngại hỏi thêm. “Cháu có đọc nhiều bài phỏng vấn đời tư của chú trên mạng và trong hồi ký Nguyễn Ngọc Ngạn viết về chú ngoài những mối tình lẻ tẻ, chú có đến 5 mối tình lớn với các tuyệt sắc giai nhân, chú thiệt là may mắn, nghe nói người cuối cùng là cô Cẩm Hường rất đẹp phải không chú?”
Ông gật đầu “Ừ đẹp lắm” và tiếp với nét ngưỡng mộ còn trên khuôn mặt, “Ðẹp nhất Paris mà”.
(mời xem tiếp kỳ 2)