Mậu Thân 1968. Sài Gòn đóng cửa. Chiến tranh đã tràn tới thành phố. Tôi nằm nhà, đọc mấy bộ truyện của E.M. Remarque, nghe tới nghe lui đĩa 33 tua “Love Is Blue” của ông anh phi công mua bên Mỹ về.
“Blue, blue, my world is blue
Blue is my world now I’m without you
Gray, gray, my life is gray
Cold is my heart since you went away…”
“Xám xanh, xanh xao cơn đời
Buồn như màu xanh, lúc ta mất em rồi
Xám xanh, xanh xao phận người
Tình như màu xanh, khi em bỏ ta đi…” (*)
Tôi mê Paul Mauriat từ đó. Tới bây giờ.
Nhạc phẩm “ L’amour Est Bleu” do Pierre Cour viết, được Andre Popp hòa âm năm 1967. Sau đó Brian Blackburn soạn qua tiếng Anh. Ca sĩ người Hy Lạp Vicky Leandros đã trình diễn đầu tiên bằng tiếng Pháp như một tiết mục tham gia của Bỉ tại cuộc thi Âm Nhạc Âu Châu năm 1967. Từ đó bài hát này đã được rất nhiều nhạc sĩ trình diễn và thu âm, đáng chú ý nhất là nhạc trưởng người Pháp Paul Mauriat. Bài hòa tấu quen thuộc của ông ta đã được thu năm 67 và trở thành tác phẩm hay nhất của một Nhạc Trưởng hàng đầu, người Pháp, trong Billboard Hot 100 tại Mỹ.
Nhà soạn nhạc, nhạc trưởng Paul Mauriat sinh vào tháng 3, năm 1925, tại Marseille, Pháp trong một gia đình có hai nhạc sĩ. Khi Paul lên 4, Ba ông bắt đầu dạy cho ông piano, làm quen với nhạc cổ điển và nhạc hiện đại. Paul đã tham gia nhiều show khác nhau, nhưng ông chấm dứt sau vài tháng, để theo học tại Viện Âm Nhạc.

Mười tuổi, cậu Paul học piano tại Nhạc Viện Marseille. Tại đây các bạn đã giới thiệu về nhạc Jazz, thể loại trước đây cậu chưa hề nghe. Nhịp điệu Jazz đã làm Paul rất thích, nên cậu muốn làm loại nhạc này. Trong một cuộc gặp gỡ tại hội môn sinh nhạc Jazz, Paul đã nảy sinh ý tưởng dựng một dàn nhạc Jazz cho riêng mình. Cậu muốn trở thành nhạc trưởng, vì nhạc trưởng được tự do chọn lựa thể loại nhạc. Sau khi tốt nghiệp danh dự tại Viện Âm Nhạc Marseille năm 1939, Paul tự biết rằng kiến thức về nhạc cổ điển của mình vẫn chưa đủ để trở thành một nhạc sĩ Jazz, vì vậy ông quyết định tiếp tục học.
Mười bảy tuổi thì Paul thành lập ban nhạc đầu tiên và đã thành công trong những dạ tiệc, nhà hát ở Pháp và khắp Âu Châu. Khán giả rất để ý tới phong cách trình diễn khác lạ của Paul Mauriat. Ông tự sáng tác và soạn hòa âm cho ban nhạc, chơi cả Jazz và Pop. Mauriat cho biết ông đã lấy cảm hứng theo dàn nhạc Pop-Jazz của Franck Pourcel. Sau đó, ông được một chi nhánh công ty Pháp “A&R” ở Bắc Mỹ mướn chơi nhiều show, và cuối cùng thì ông tới Paris, trung tâm của Âm Nhạc thế giới.
Cho đến bây giờ “R&R” vẫn là một trung tâm đầy uy tín trong việc giới thiệu những tài năng Âm Nhạc xuất chúng như Billy Holiday, Bod Dylan, Bruce Springsteen ngay cả Aretha Franklin (Vừa qua đời ngày 16-8-2018) và nhiều ca sĩ nổi tiếng khác.
Lần này thì Ca sĩ nổi tiếng của Pháp, Charles Aznavour đã để ý và mướn Paul Mauriat làm nhà soạn nhạc riêng, sau đó thì ông cho biết đây là một chuyện quan trọng của đời ông. Suốt những năm 1950, Paul Mauriat là giám đốc Âm Nhạc cho các ca sĩ nổi tiếng của Pháp, như: Maurice Chevalier, Dalida, Henri Salvador. Ông đã đi trình diễn và thu âm cùng với họ, dĩ nhiên là có cả Aznavour.
Năm 1962, với bút danh “Del Roma”, Paul Mauriat phát hành nhạc phẩm “Chariot”, kiệt tác tầm cỡ quốc tế đầu tay của mình. “Chariot” đã được Paul Mauriat soạn chung với một số bạn bè: hòa âm soạn cùng Franck Pourcel; lời do Jacques Plante viết; Raymond Lefevre điều khiển dàn nhạc. Bên Mỹ, tác phẩm này đã được “Little Peggy March” thu âm với tựa “I will follow him” và đứng hạng nhất của mọi thể loại liên tục trong 3 tuần lễ. Vào đầu năm 90 nhạc phẩm này đã là nhạc chính cho phim “Sisters Act” phần 1, 2 của diễn viên Whoopi Goldberg. Ngoài ra, tác phẩm này đã được nhiều nghệ sĩ thế giới viết lại: Eminem thường dùng bài “Chariot” làm nền của nhạc phẩm “Guilty Conscience”. Ca sĩ nhạc Rap nổi tiếng của Mỹ Snoop Dogg đã cải biên nhạc phẩm “Plaine, ma plain” của Paul Mauriat năm 1956, thành phiên bản riêng của mình.
Cuối cùng thì tới năm 1965, Paul Mauriat có dịp tìm được sự chọn lựa trong đời và có thể trình diễn theo phong cách nghệ thuật riêng, gây tiếng tăm trên thế giới cho đến hôm nay. Vì vậy “Dàn nhạc vĩ đại Paul Mauriat” ra đời, đã phát hành, biên soạn cả trăm dĩa nhạc với hãng thu thanh Philips đến 28 năm tới. Năm 1969, dàn nhạc Paul Mauriat lưu diễn thế giới lần đầu tiên: Mỹ, Canada, Nhật, Nam Hàn, Ba Tây và những nước Trung Mỹ khác. Ðến 1970, 80 Mauriat phát hành toàn bộ tác phẩm thể hiện cái gốc âm nhạc của ông, “Paul Mauriat Joue Chopin”, “Classic in the air” như “Grande valse brillante” của Chopin “Toccata” Bach và “Canon” của Pachelbel đã làm lẫy lừng Paul Mauriat. Hiện tượng “Paul Mauriat” xảy ra tại Nhật vào năm 70. Ông là người nghệ sĩ quốc tế duy nhất đã trình diễn 2 show bán sạch vé trong một ngày tại Hí viện nổi tiếng Nippon Budokan, Tokyo.

Qua nhiều thập kỷ, những tác phẩm của ông đã được Liên-Xô sử dụng làm nhạc nền của chương trình TV và những phim ngắn như: “Polygon”, “In the World of Animals”, “Kino Panorama”.
Năm 1994, Paul Mauriat ký hợp đồng với hãng thu âm “Pony Canyon” của Nhật, nơi mà ông đã viết nên những tuyệt tác của mình và sáng tác những nhạc phẩm mới.
Paul Mauriat đã có một số lượng lớn về những danh mục đĩa hát đã thu âm, phát hành vào khoảng hơn 1,000 bài từ hãng đĩa Polygram (1965-1993). Ông được giải lớn nhất của French Recording Industry—Cúp MIDEN. Năm 1997 ông được Bộ Văn Hóa Pháp trao giải “Commander des Arts et des Lettres”. Ông đã bán hơn 40 triệu album trên toàn thế giới, ngoài ra còn biểu diễn 28 show tại Nhật từ 1969 đến 1998.
Paul Mauriat nói lời giã từ với khán giả vào giờ cuối của đêm trình diễn “Sayonara Concert” tại Osaka vào năm 1998. Nhưng “Dàn nhạc vĩ đại Paul Mauriat” vẫn lưu diễn khắp thế giới trước khi ông qua đời vào ngày 3 tháng 11 năm 2006, lúc 81 tuổi, tại Perpignan, Pháp.
Sau khi Paul Mauriat ra đi, dàn nhạc Paul Mauriat không còn tồn tại. Thế giới và chúng ta đã mất đi một Nghệ Sĩ Âm Nhạc tài ba.
Các bạn có thể vào paul-mauriat.com để chọn lựa danh mục những nhạc phẩm nổi tiếng của Paul Mauriat.
HĐV – Boston
(*) lời Việt: ianbui