Ngày 14-9-2018
Phuong Ha
Trước đây báo Trẻ có đưa tin Mỹ đang nợ 21 ngàn tỉ đô la, (đổ đồng mỗi người dân Mỹ “gánh” 65 ngàn đô la). Trong đó phần lớn “chủ nợ” là Trung Quốc và Nhật. Nhưng Mỹ lúc nào cũng xem Trung Quốc như “cóc nhái” và coi Nhật như đàn em. Tại sao kẻ thiếu nợ lại dám hành xử như vậy? Liệu sau này Mỹ có bị Trung Quốc khống chế như một số nước bị TQ “gài bẫy” nợ hay không?
Mỹ khác với những quốc gia nghèo. Những món nợ của Mỹ đều trong khả năng chi trả một cách dễ dàng. TQ đã nhiều lần dùng món nợ này như một áp lực với Mỹ nhưng kết quả như… gãi ngứa vậy. Bạn yên tâm!
Ngày 18-9-2018
Alex
“Điệp khúc” của Cao Bình Minh (chú thích của tòa soạn: Mục “Trong hầm rượu” do Trần Vũ phụ trách, đã đăng tại http://baotreonline.com/diep-khuc/), thật lôi cuốn, hấp dẫn. Một lối viết thật duyên dáng, độc đáo. Tôi ưa đọc sách báo, truyện này truyện kia mà chưa gặp tác giả này. Đúng là văn học mênh mông và hiểu biết mình thì quá giới hạn:) Vui thật!
Ngày 30 tháng 8
Trần Duật
Nhân đọc bài “Hành Trình 25 Năm Một Giáo Xứ “trên Báo Trẻ số 1107, ngày 23-8-2018, tôi xin có một nhận xét: KTS Lê Hùng giải thích “Gian cung thánh cao vút lên xuyên qua mái chính, diễn tả chúng ta hướng về quê trời….” Ý nghĩa rất hay, nhưng trên thực tế, tuy gian cung thánh được thiết kế “cao vút” thật đấy, nhưng vì mái chính hơi thấp đã che khuất tầm nhìn, ngồi ở dưới không được chiêm ngưỡng cái “cao vút” ấy để tâm hồn có thể “hướng về quê trời”. Nhà thờ rộng rãi, ít bày biện luộm thuộm, nhưng mái thấp như đè tâm hồn xuống, thay vì được nâng cao lên. Trộm nghĩ, giá mà nhà thiết kế nâng mái cao dốc lên thì vừa thêm sức chịu lực cho mái vừa giúp tình cảm hướng thượng cho tâm hồn kẻ tín mộ.
Trích trả lời của KTS Lê Hùng: “Xin hết lòng cảm ơn anh đã đóng góp ý kiến hay (….) ngày đó tình trạng tài chánh của giáo xứ cũng còn khiêm tốn lắm… Cuối cùng làm sao cho vừa với túi tiền lúc đó là vấn đề được đặt ra, để tránh nợ nần đặt trên vai giáo dân. Thân, LH