Mùa hè năm 2014, tại Berks County, tiểu bang Pennsylvania, một nhân viên của bộ Canh Nông nhận dạng một loài côn trùng lạ mắt, cả một tổ côn trùng ấy quây quần tụ họp trên thân cây ailanthus. Đây là một loại côn trùng “bay nhảy”, nhảy thì nhiều nhưng bay thì ít, chúng nhảy từ cây này sang cây kia, thân mình lớn khoảng 1 phân Anh (cỡ 2.5 cm) với những chấm đen và đôi cánh sau màu đỏ tươi. Trông rất đẹp.

Chúng là loài côn trùng có tên khoa học Lycorma delicatula, tên phổ thông “spotted lanternfly”; một loài côn trùng hút nhựa cây xuất phát từ Á Châu. Không biết làm thế nào mà sinh vật nhỏ xíu kia vượt đại dương xa thẳm mà đến đây? Chúng theo các kiện hàng nhập cảng? Nằm trong hành lý của người du lịch? Chỉ trong vòng một tháng sau khi nhận dạng, bộ Canh Nông của Pennsylvania đã dùng mọi biện pháp ngăn chặn việc sinh sôi nảy nở của spotted lanternfly và khuyến cáo cư dân trong vùng. Cố gắng như thế nhưng đến mùa hè năm ngoái, 2017, spotted lanternfly lại xuất hiện. Theo ông Sven-Erik Spichiger, một viên chức của bộ Canh Nông, spotted lanternfly là một thứ côn trùng vô cùng tai hại. Khi được chủ vườn báo tin trong lúc hoa cỏ vẫn tươi đẹp, chưa có dấu hiệu hư hại nào, nhưng chỉ vài ngày sau khi ông Spichiger đến quan sát thì khu vườn nọ hầu như hư hại hoàn toàn. Một tổ spotted lanternfly đã lan tràn thành mấy mươi tổ và côn trùng đua nhau sát phạt cây cỏ. Thì ra spotted lanternfly sinh sôi nảy nở vô cùng nhanh chóng. Dù ưa chuộng chủng cây Ailanthus altissima hay “Tree of Heaven” nhưng spotted lanternfly cũng ăn sát rạt khoảng 70 chủng thảo và mộc khác kể cả các giàn nho, ngũ cốc và cây ăn trái.
Những cuộn phim thu góp bởi các nhà côn trùng học từ đại học Penn State cho thấy spotted lanternfly hút nhựa cây và chỉ trong vòng 13 giây đồng hồ, một con spotted lanternfly đã tiết ra loại chất nhờn từa tựa như dưa honeydew; chất nhờn có vị ngọt và dính này giúp mốc tăng trưởng nhanh chóng và chính loại mốc ấy đã huỷ hoại cây cỏ.
Từa tự như aphids, lanternfly cũng hút nhựa cây và thải ra chất nhờn nuôi nấm mốc và thu hút các côn trùng khác như ong, muỗi mắt (gnat).
Lanternfly trưởng thành có thể bay nhưng không bay xa, nhưng các chùm trứng lại lan xa; trứng có khả năng chịu đựng nhiều mức thời tiết và có thể bám vào mọi loại mặt phẳng từ cây cỏ đến kính xe… mà nảy nở. Con cái đẻ trứng khắp nơi nên dễ hiểu là lanternfly có thể chu du khắp chốn qua các chiếc xe vận chuyển, từ thôn quê đến thành thị nhất là khi chủng cây ưa thích Ailanthus altissima có mặt trên 44 tiểu bang tại Huê Kỳ. Mỗi con lanternfly cái đẻ khoảng 30-50 trứng, trứng nở thành côn trùng khá nhanh chóng.
Ðó là lý do khiến bộ Canh Nông của Pennsylvania lo ngại, ngành canh nông ở đó bị đe dọa nặng nề và sự tổn thất có thể lên đến 17 tỷ Mỹ kim: nho mang lại khoảng 28 triệu Mỹ kim lợi tức, 87 triệu lợi tức từ táo, 19 triệu từ đào chưa kể các chủng cây được trồng để lấy gỗ.

Pennsylvania lo ngại và bộ Canh Nông liên bang cũng lo âu không kém vì từ Pennsylvania, spotted lanternfly có thể lang thang sang các tiểu bang kế cận. Tháng Hai năm nay, bộ Canh Nông liên bang đã đặt một ngân sách khoảng 17.5 triệu Mỹ kim dành riêng cho chương trình ngăn chặn sự lan tràn của loài bọ ấy. Ngân sách này sẽ giúp cơ quan Animal and Plant Health Inspection Service (APHIS) mở rộng các chương trình theo dõi và diệt trừ spotted lanternfly để bảo vệ mùa màng và lâm sản.
Việc diệt trừ spotted lanternfly đòi hỏi sự hiểu biết, không chỉ từ những chuyên viên về côn trùng mà cả cư dân, chủ vườn, chủ đất…, và ngay cả những người thích sinh hoạt ngoài trời: Ðầu tiên là nhận diện được loài côn trùng này, spotted lanternfly hình dạng ra sao, để kịp thời báo cho nhà chức trách, các cơ quan canh nông và lâm sản giúp họ có đủ thời giờ thẩm xét và bắt đầu các chương trình diệt trùng trước khi spotted lanternfly sinh sản lan tràn khắp nơi. Dù ta chưa khẳng định được mức thiệt hại lâu dài do loài côn trùng này gây ra nhưng trước mắt, theo bà Julie Urban, một chuyên viên nghiên cứu tại đại học Penn State, spotted lanternfly đã hủy diệt trọn một mùa nho chỉ trong vòng vài tháng trong năm ngoái!
Các viên chức kiểm tra nông nghiệp tại Pennsylvania đã bắt đầu xem xét các tổ ong để tìm kiếm trứng của lanternfly. Họ đã đặt một khu vực cách ly rộng trên 3,000 dặm vuông tại 13 quận hạt trong tiểu bang kể cả thành phố Philadelphia. Tiểu bang này nghiêm cấm việc di chuyển những vật dụng trong khu cách ly, từ củi đốt, bàn ghế dùng ngoài trời đến các món phế thải từ các công trình xây cất. Các công ty chuyên việc chuyển vận sản phẩm từ khu cách ly phải xin giấy phép và chịu sự khám nghiệm của chuyên viên canh nông.
Nhà chức trách Pennsylvania cho rằng bọ spotted lanternfly không phải chỉ là một trận dịch côn trùng trong nông nghiệp mà là một vấn nạn về mậu dịch ảnh hưởng đến sự buôn bán giữa nhiều tiểu bang, liên quan đến cư dân, các nhà nông và những người hành nghề vận chuyển.
Những nhà côn trùng học nghiên cứu về spotted lanternfly đã bày tỏ sự lo ngại, Tiến Sĩ Michael Saunders, một giáo sư hồi hưu tại Penn State, nói rằng trong năm 2015, ta mới tìm thấy vài chùm trứng, vậy mà chỉ hai năm sau, một thời gian ngắn ngủi, loài bọ này đã xuất hiện tại nhiều nơi. Khả năng sinh sản của chúng quả là kinh khiếp. Ông ấy nói thêm rằng, ta đã từng trải qua vài trận dịch côn trùng lớn, nhưng spotted lanternfly xem ra là loài côn trùng tai hại nhất!

Nam Hàn, quốc gia duy nhất (ngoài Hoa Kỳ) bị bọ spotted lanternfly xâm nhập, xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2004, chỉ trong ba năm, loài côn trùng này đã có mặt khắp nơi và vẫn còn là một nỗi bận tâm của cơ quan canh nông địa phương cho đến nay.
Một số các loại thuốc diệt bọ đang được thử nghiệm. Tháng Ba vừa qua, tiểu bang Maryland đã ngưng việc ban hành dự luật cấm sử dụng chlorpyrifos, một hóa chất diệt bọ hữu hiệu nhưng xem ra không mấy an toàn cho môi sinh, tiểu bang này cho rằng họ sẽ phải đối đầu với spotted lanternfly và có thể sẽ cần đến chlorpyrifos.
Một chương trình diệt spotted lanternfly khác cũng đang được phác thảo, phương pháp dùng côn trùng diệt côn trùng, biological control, như nuôi và thả ong vò vẽ nơi spotted lanternfly xuất hiện để ong diệt bọ. Phương pháp này sẽ được sử dụng khi các loài hóa chất diệt bọ không hữu hiệu.
Ngoài ra, chương trình nghiên cứu việc diệt bọ spotted lanternfly còn tiến xa hơn nữa, các chuyên viên nghiên cứu tại University of Kentucky đang thử nghiệm cách sửa đổi di tính, RNA interference hay RNAi, của loài bọ này. Thay đổi di tính là thay đổi cách sinh sản hoặc cách sinh sống của một chủng loại; khi áp dụng vào việc diệt bọ như thay đổi di tính của loài rootworm ăn bắp ngô, loài bọ này có thể không sinh sản nữa và ta bảo vệ được mùa màng trong khi không gây ảnh hưởng đến môi sinh.
Tuy nhiên, phương pháp thay đổi di tính không hữu hiệu với một số côn trùng như ong, ngài.
Bộ Canh Nông Hoa Kỳ cho rằng năm nay, 2018, sẽ là năm đánh dấu việc thắng / thua của các chuyên viên nông nghiệp trong việc diệt trừ bọ spotted lanternfly.
TLL
(Florida – USA)