Menu Close

Mùa hè không trở lại

Trong không khí đã cảm giác có một thứ gì của mùa hè đang tới. Trên những con đường rợp bóng cây, hoa phượng tím đã bắt đầu nở rộ. Khi mới đến đây, chúng tôi không hề biết lai lịch loài hoa này nó từ đâu tới, tên là gì, nhưng đây là loài hoa báo hiệu mùa hè. Hoa tím nở, rồi rụng tím cả một khoảng đường. Hoa của mùa hè, nhân gian gọi tên là hoa phượng, ở quê nhà cũng như ở tiểu bang Hạ Uy Di ấm áp của Mỹ thì phượng đỏ, còn ở Cali thì phượng tím, mỗi phương trời mỗi sắc hoa. Làm sao trong lòng không có một chút xao xuyến nhớ lại những ngày tháng đã qua. Nhưng hình như mùa hè ở xứ này có màu sắc mà thiếu âm thanh, đó là tiếng ve làm xao động những buổi trưa hè của một thời thơ ấu.

Nhắc đến mùa hè là nói đến đời học sinh, tuổi hoa niên của những ngày cắp sách đến trường. Thời gian này kéo dài cho đến tuổi trưởng thành hay chỉ có được vài năm cho những người kém may mắn không có cơ hội đến trường. Thời học trò là thời trong trắng, ngây thơ nhất của một đời người, khi chưa hề có sự lo lắng của một người có gia đình, chưa hề biết ganh đua cho sự nghiệp, chưa có vinh nhục cho nợ cơm áo của cuộc đời.

Tác giả những bài hát mùa hè đã say sưa mô tả mùa này như là một mùa Xuân: “Ðây suối trăng rừng thơ/Ðây gió nhung thuyền mơ/Ðây phím ngọc đường tơ/ Ðây tứ nhạc ngàn xưa.”(Hùng Lân- Hè Về), hay:“Về đây ta lắng nghe muôn cung đàn/Ðường tơ tha thiết vương hương nồng nàn/Về đây nghe bao câu hát du dương mơ màng/Và về đây tắm ánh trăng huy hoàng.”(Canh Thân- Khúc Ca Mùa Hè). Cả thi sĩ Xuân Tâm (tiền chiến) cũng viết rằng:“Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ.”

mua-he-khong-tro-lai
nguồn nguoiviet.com

Nhưng mùa hè đã không có những niềm vui như thế!

Ðó là chưa nói đến thời gian có những mùa hè nghe tiếng con chim quốc gọi hè trên núi rừng Việt Bắc.

Không được như bạn bè, những năm tháng đầu tiên khi phải nghỉ học, tôi mang một nỗi buồn pha lẫn tiếc nuối và thường có những giấc mơ thấy mình vẫn còn đang ôm cặp sách hay ngồi trên băng ghế cũ trong lớp học ngày nào. Những ngày trở lại quê hương, nhất là vào mùa hè, đi qua lại ngôi trường cũ, “dẫy thềm hoa rụng”, cửa đóng then cài, sân trường vắng lặng, chỉ có ngọn gió hè cuốn tròn những chiếc lá và tiếng chim hót đâu đây trong bóng mát của chòm cây, tôi mang tâm trạng một người đã đánh mất tuổi thơ.

Rồi từ ngày ấy, “cuốn theo chiều gió”, không bao giờ tôi có dịp trở lại nhà trường, dù là được ngồi trong giảng đường trong những ngày tóc đã sương pha.

Tôi không được làm như “ông quan to nước Pháp” Carnot trở lại thăm trường cũ, trông thấy ông thầy dạy mình lúc còn bé, bây giờ đầu đã bạc phơ, để chạy ngay lại trước mặt thầy giáo mà lễ phép thưa rằng:“Tôi là Carnot đây, thầy còn nhớ tôi không?” Tôi không được là đứa học trò xuất sắc hay đứa trẻ nghịch ngợm để thầy còn nhớ đến tôi. Tôi cũng không có chút danh vọng gì để Thầy biết đến tôi hay đứng trước đám hậu sinh mà cao giọng nói rằng:“Các em hãy noi gương tôi, nhờ chăm chỉ nghe lời Thầy dạy dỗ mà tôi có được ngày hôm nay!” Tôi chỉ là một con người tầm thường, không có gì để đem lại sự hãnh diện cho thầy cũ, trường xưa. Nhiều khi giữa đám đông trong một đám hội hè ái hữu, người ta xướng danh, gọi nhau bằng những chức tước mà quên đi những thằng bạn cũ tầm thường, không danh phận, lạc lõng giữa đám đông.

mua-he-khong-tro-lai1
nguồn mmhomepage.com

Nếu thời tuổi trẻ có điều ân hận thì điều đó là không được đến trường thông suốt. Gia cảnh, hôn nhân hay chiến tranh đã tách rời những cô cậu học trò ra khỏi ghế nhà trường quá sớm. Có những người bạn phải nghỉ học nửa chừng để ở nhà lo chuyện ruộng đồng giúp cha mẹ vì neo người, không có tiền thuê mướn người làm. Có những “giai nhân” chưa qua hết trung học đã có người đem xe hoa đến “rước nàng về dinh.” Rồi chiến tranh đã xô đẩy bao nhiêu chàng trai phải “xếp bút nghiên” vào chiến trận giữa tuổi thanh xuân. Tôi biết tìm lại mùa hè ở nơi đâu! “Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng/Em chở mùa hè của tôi đi đâu?”(Đỗ Trung Quân)

Tôi không rõ ngày nay tại các trường Trung Học ở Mỹ người ta có những bảng tưởng niệm những chàng trai trẻ nguyên học sinh của nhà trường đã hy sinh trong các trận chiến tại Việt Nam, Iraq, hay tại Afghanistan không, chứ từ đầu thế kỷ 20, nhiều trường trung học như Papanui School ở New Zealand hay Belfast School ở tiểu bang Maine của Hiệp Chủng Quốc đã có những đài tưởng niệm ghi danh những cựu học sinh của trường đã chết trong trận Thế Chiến Thứ I.

Trong một hai thập niên vừa qua, tại Việt Nam, cả thầy và trò đều bị cuốn hút trong chiến tranh. Chúng tôi gặp nhau ở quân trường, đơn vị, chiến trường, cùng chung vinh nhục và cuối cùng số phận đưa đẩy, lại gặp nhau trong nhà tù tập trung sau chiến tranh. Ngày nay chúng tôi lại gặp nhau trên đất khách, thầy và trò, đầu đều bạc tóc, ngậm ngùi nhớ lại những kỷ niệm nửa thế kỷ đã trôi qua. Phải chăng sự hoài niệm chỉ dành cho những người luống tuổi, không ai ở tuổi trung niên lại thích nhớ về dĩ vãng, khi đường đời chưa mỏi mệt đôi chân và tâm hồn. Mọi điều quá ngắn ngủi trên thế gian này làm cho người già thường quay lại nhìn đoạn đường đã đi qua.

Tôi không còn nhớ mùa hè nào đã để lại nhiều ấn tượng trong tôi. Mùa hè cuối cùng bỏ trường, mùa hè của bom đạn, mùa hè của người tù biệt xứ hay là mùa hè bỏ nước ra đi. Bây giờ mùa hè hình như đang ở đâu đây, ở nơi này hoặc nơi kia, không gian đã thay đổi, thời gian quá xa xôi, không còn những chiếc xe đạp, không còn em,“ôm nghiêng tập vở, tóc dài tà áo vờn bay”, nhưng trưa nay trong nắng oi nồng, tôi nghe trong tâm tưởng như có tiếng trống trường dội lại từ một thời rất xa.

Như mơ đường khói lên trời nắng, Trường học làng kia tiếng trống vào.”(Bàng Bá Lân)

HP