Mình xa Sài Gòn như thế là cũng đã ngoài 20 năm rồi đấy nhỉ. Nhiều khi nghe nhạc bỗng thấy nhớ da diết:
Đêm nhớ về Sài Gòn / Tiếng nhạc vàng gọi từng âm xưa / Ánh đèn vàng nhạt nhòa đêm mưa / Ai sầu trong quán úa…
Giờ đây nếu có ai hỏi, trong những nỗi nhớ về Sài Gòn anh nhớ cái gì nhất? Nguyễn sẽ trả lời không chút nghĩ ngợi: Nhớ những cơn mưa trên thành phố ấy.
Vâng, đúng rồi. Trong ca từ bài Ðêm Nhớ Về Sài Gòn của Trầm Tử Thiêng trích dẫn trên cũng đã có nhắc đến: Ánh đèn vàng nhạt nhòa đêm mưa…Và hẳn bạn cũng dư biết: Trong những nỗi nhớ của đời người xa xứ, bao giờ cũng có nỗi nhớ về thời tiết. Vì nó từng bám trên da thịt ta, ăn vào hồn ta, sống cùng với những giấc mộng, và không hề biết đến cái chết. Màu nắng quái, cơn heo may, tiếng sấm tháng Ba… Liệu bạn quên được không?
Và những cơn mưa Sài Gòn. Biết nói làm sao đây về những cơn mưa Sài Gòn nhỉ. Anh đã sống những cơn mưa Huế từ ấu thơ cho tới ngày bước lên xe lửa ra đi cùng với một bóng hình, và anh đã thấy cái buồn của một bầu trời lúc nào cũng chập chùng mây, và anh đã nghe mưa suốt những ngày tháng mù mù u tịch — mưa trên rặng cây bàng ngoài Vương Phủ, mưa trên hàng sầu đông ướt tím. Mưa ở Huế là như thế. Bếp lửa ngày nào mẹ nhóm lên trong sương chiều còn tỏa ấm không? Rồi mưa những ngày tháng lưu đày đất Bắc. Mưa phùn. Ôi, mưa phùn. Ai đã viết về những cơn mưa phùn ở Ðà Lạt, của những quán sách và quán cà phê, có phải Phạm Công Thiện? Một quán cà phê mở cửa dưới mưa phùn / rộn rã áo mưa và nón dạ… Nhưng Thiện đã sống những cơn mưa phùn miền Bắc chưa? Nó không thơ, không dịu dàng một chút nào. Nó là vang hưởng, là hình ma bóng quế của nghèo đói, đọa đày. Và anh chợt thấy mình đi dưới những cơn mưa phùn như thế. Và anh cũng thấy mình ngồi co ro trên một ngọn đồi dưới trời mưa, mưa nhẹ như hư không, nghĩ về một thành phố có lửa nến xanh và ly rượu óng vàng long lanh trong màu mắt của Agnès. Anh ngồi như gã chăn bò thời Cựu Ước, trước mặt anh là cây gỗ rừng nặng gãy lưng, chờ anh vác trên đường về lán tù bên suối. Mưa phùn những năm tháng ấy! Nó nhẹ như tơ. Không tiếng vang. Không đời trước đời sau, không tiền duyên nghiệp chướng, mà sao thấm sâu và đau như dao cắt.

Không. Mưa Sài Gòn không như thế. Em còn nhớ hay em đã quên, những cơn mưa Sài Gòn? Chẳng lẽ sống hàng chục năm ở thành phố đó mà em không nghe tiếng mưa rộn ràng, như reo như hát trên dãy phố xanh? Những trận mưa của bầu trời nhiệt đới ấy chợt đến chợt đi như những mối tình thời mới bước vào ngưỡng cửa đại học. Hai đứa đang đi giữa phố thì cơn mưa đổ ập xuống. Xối xả, ồn ào. Nắm tay nhau chạy tuột vào một mái hiên trú ẩn. Nghe như có tiếng cười của ai đó bên tai, một người con gái Sài Gòn những năm 60 có tên Hải Ðường? Cười trên một góc phố. Cười suốt những mái nhà, hàng cây. Và mưa chạy rượt đuổi nhau ngoài đường. Hai đứa đứng nép mình co ro. Người con trai đứng che cho người yêu. Những đợt mưa tạt vào mái hiên, mù mịt. Trong hơi mưa, có hương tóc, hương áo ai, hay hương của những bông sứ đỏ dưới mưa. Chiều ấy, sau này cô gái nhớ lại, tóc ướt, mắt ướt. Màu xanh hàng cây cũng ướt. Thế rồi bỗng dưng mưa thưa hột, rồi dứt hẳn. Cây lá ngẩn ngơ. Mái ngói ửng sáng. Người và xe cộ lại kéo nhau ra đường. Ồ ạt, đông vui. Nắng hớn hở trên đầu ngọn cây. Trời lại xanh, vang vang, thăm thẳm.
Anh đến với Sài Gòn trong những cơn mưa như thế. Lòng hớn hở, trí chưa muộn phiền. Và hình như cũng chưa yêu ai, chỉ là tình vui lúc người ta hai mươi tuổi và tương lai còn phơi phới. Những ngày ấy ở xóm Nguyễn Ngọc Sương, Phú Nhuận. Những đêm theo Hồ Ðăng Tín đi phòng trà Ðức Quỳnh trên đường Cao Thắng nghe Thanh Thúy hát. Dáng gầy, “tay xao dòng tóc tay mời âm thanh”*, nức nở trong tiếng mưa đêm. Và dường như bài Ướt Mi của Sơn được viết ra trong hình ảnh ấy? Rồi những đêm ở cà phê Ánh góc chợ Thái Bình, cùng với Tín ngồi kể chuyện cổ tích cho mấy chị em nghe. Ngày ấy Ánh là chị lớn, còn Hồng và các em còn nhỏ xíu. Bây giờ về đâu, còn nhớ không những cơn mưa Sài Gòn?
TN
*Thơ Hoàng Trúc Ly