Tài liệu tổng hợp trên mạng
Tạ Chí Đại Trường sinh ngày 21 tháng 6 năm 1938 tại Nha Trang, nhưng quê gốc ở Bình Định. Ông là con trai Cử nhân Hán học Tạ Chương Phùng, nhà hoạt động phong trào độc lập dân tộc thập niên 1940 – 1950 cùng với ông Ngô Đình Diệm, sau làm Tỉnh trưởng tỉnh Bình Định và là thành viên nhóm Caravelle.
Năm 1964, Tạ Chí Đại Trường tốt nghiệp bằng Thạc sĩ chuyên ngành Lịch sử tại Viện Đại học Sài Gòn rồi nhập ngũ. Ông phục vụ trong Quân lực VNCH từ năm 1964 cho tới năm 1974 với cấp bậc Đại úy. Trong thời gian chiến tranh ông bắt đầu sưu tập tiền cổ và tập trung nghiên cứu về đề tài này. Những bài viết của ông về tiền cổ được giới nghiên cứu sử học quốc tế đánh giá cao.
Năm 1964, trong thời gian học cao học, Tạ Chí Đại Trường cho ra đời một cuốn tiểu luận về lịch sử Việt Nam giai đoạn 1771 đến 1802, với những sự kiện xoay quanh cuộc nội chiến giữa nhà Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Tác phẩm này đã đoạt Giải thưởng Văn chương Toàn quốc, Bộ môn Sử, năm 1970 và được nhà xuất bản Văn Sử Địa in thành sách năm 1973, với tựa đề “Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ năm 1771 đến 1802”. Sau năm 1975, cuốn sách với nội dung đặt lại vấn đề về nhà Tây Sơn đã khiến ông gặp nhiều rắc rối. Chính quyền CS kết án cuốn sách “hạ thấp Quang Trung, đề cao Gia Long” và nó bị cấm lưu hành tại Việt Nam trong một thời gian dài, chỉ được in lại trong nước từ cuối thập niên 2000.
Dưới chế độ mới, Tạ Chí Đại Trường phải đi cải tạo 6 năm. Năm 1994, ông định cư tại Hoa Kỳ. Do điều kiện cuộc sống, phải tới mười năm sau ông mới quay trở lại Việt Nam và khó có cơ hội tiếp xúc với tài liệu sử học trong nước, vì vậy ông phải từ bỏ những đề tài chuyên biệt để tập trung nghiên cứu lịch sử Việt Nam nói chung thông qua các tài liệu ông thu thập được ở Mỹ, kể cả từ các chợ sách ngoài trời. Tại Mỹ ông bắt đầu cho in các tác phẩm chính của mình như Những bài dã sử Việt (1996) vốn là tập hợp các bài viết ở Việt Nam của ông giai đoạn 1984-1986 [2] hay cuốn Thần, Người và Đất Việt (1989, 2000). Cuốn Thần, Người và Đất Việt khi xuất hiện không chính thức ở Việt Nam đã được đánh giá cao; nhiều nhà sử học Việt Nam đã nhận xét rằng Tạ Chí Đại Trường là một chuyên gia sử học, dân tộc học đáng tin cậy. Kể từ cuối thập niên 2000, sách của Tạ Chí Đại Trường mới được chính thức in và phát hành tại Việt Nam. Năm 2014, ông được Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh trao Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh, hạng mục Giải Nghiên cứu.
Ngày 24 tháng 3 năm 2016, ông qua đời tại nhà riêng ở Sài Gòn. Trước đó, sau khi nhắm không qua khỏi căn bệnh nan y, ông đã từ Mỹ về lại Việt Nam vào ngày 4 tháng 10 năm 2015 với ý nguyện sẽ “gửi nắm thân tàn” lại nơi quê hương.
Dưới đây là danh sách các tác phẩm của Tạ Chí Đại Trường đã được xuất bản tại Hoa Kỳ:
– Thần, Người và Đất Việt (1989, 2000)
– Những bài văn sử (1999)
– Những bài dã sử Việt (1996)
– Việt Nam nhìn từ bên trong (viết cùng Nguyễn Xuân Nghĩa, 1994)
– Một khoảng Việt Nam Cộng Hòa nối dài (1993)
– Lịch sử nội chiến Việt Nam (1771-1802) (1991, in lại từ bản gốc năm 1973)
Từ cuối thập niên 2000, một số tác phẩm của Tạ Chí Đại Trường bắt đầu được in và phát hành tại Việt Nam như Thần, Người và Đất Việt, Những bài dã sử Việt và Lịch sử nội chiến Việt Nam (1771-1802).
Tạ Chí Đại Trường là một trí thức đáng quý được nhiều học giả, nhà văn đánh giá cao. Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu cho biết là bà rất tâm đắc với những bài viết về khảo cổ và văn hóa của ông: “Bác làm cho các nghiên cứu khảo cổ gần với đời sống con người hơn. Các kiến thức khảo cổ trở nên gần gũi với người đọc bình thường, mang những kiến thức về văn hóa, khảo cổ, lịch sử đến với cộng đồng, với công chúng, nhưng không làm cho các kiến thức ấy bị sai lạc, mà vẫn phân tích khoa học, rất đúng. Người ta cảm thấy rằng các sự kiện, những câu chuyện lịch sử ấy gần gũi với con người chứ lịch sử không khô cứng, không phải chỉ là những sự kiện.”
Sau đây chúng tôi giới thiệu thêm bài viết của nhà thơ Lữ Quỳnh tưởng niệm Tạ Chí Đại Trường.
NGUYỄN & BẠN HỮU
Tưởng niệm anh Tạ Chí Đại Trường
Lữ Quỳnh
Tôi gặp Tạ Chí Ðại Trường lần đầu tiên năm 1964, sau khi chúng tôi rời trường Bộ binh Thủ Ðức để về trường Quân Y học giai đoạn 2, ngành Hành chánh Quân y. Cùng thời gian này anh học Cao học, chuẩn bị lấy bằng Thạc sĩ và đang sưu tập, nghiên cứu về tiền cổ. Anh từng cho tôi xem những đồng xu mà anh sưu tập được. Trường là người kín đáo, có lẽ do bản tính của anh. Ngày chọn đơn vị phục vụ, anh và tôi có tên sát nhau và đều cùng muốn chọn Ðại đội Quân y Thủy quân lục chiến ở Thị Nghè. Với tôi, chỉ vì muốn ở Sài Gòn, trong khi anh cần ở đây để học và viết cho xong luận văn Lịch sử nội chiến Việt Nam từ 1771 đến 1802, mà bấy giờ tôi hoàn toàn không biết. Anh thuyết phục tôi nên về Tổng y viện Duy Tân ở Ðà Nẵng cho gần nhà. Không ngờ sự chọn lựa này chỉ vài năm sau đã đẩy chúng tôi mỗi người lao đao một cách.
Bẵng đi một thời gian dài, từ đó chúng tôi không gặp nhau, mà cũng không liên lạc cho đến lúc tôi qua định cư ở Mỹ. Chúng tôi có người bạn thân chung là Nguyễn Mộng Giác, gặp gỡ nhau thường xuyên, có thể nói là hàng tuần, lúc tôi làm việc cho hãng Craftech ở Anaheim. Giác thường xưng hô với Trường là anh em, cũng như với anh chị Võ Phiến là chú thím. Tôi không hiểu sự liên hệ giữa những anh chị gốc Bình Ðịnh này như thế nào. Tôi thường chỉ nghe mà không bao giờ hỏi. Anh Trường lớn tuổi hơn Giác nhiều, nhưng anh rất hồn nhiên, ít nói; đã nói là có chút khôi hài nhẹ nhàng. Những ngày Nguyễn Mộng Giác còn khoẻ, Giác đã chở chúng tôi đi ăn sáng, uống cà-phê ở quán Factory, đôi khi cùng ăn trưa ở một nhà hàng.

Tạ Chí Ðại Trường sống giản dị. Anh âm thầm làm việc. Có lần anh nói với tôi về Ải Nam Quan, tôi giật mình, vì cả đời mình không nghĩ tới. (Những ý tưởng tôi không thể viết ra trong bài tuỳ bút này, để dành cho các nhà sử học, thế nào cũng có lúc họ nhìn ra.)
Gần như chỉ có nhà của Nguyễn Mộng Giác là nơi anh thường lui tới. Niềm vui đời thường của anh là đi casino. Anh Giác thường chở hai đứa. Sau này Giác không lái xe được thì cả bọn đi bus. Chúng tôi thích cái không khí của casino. Anh Trường chỉ chơi kéo máy và hồn nhiên kể chuyện thắng thua trên đường về.
Gần như các sách của anh, từ Thần, Người và đất Việt đến Sử Việt đọc vài quyển, anh đều có tặng tôi. Mấy năm trước, lúc anh nằm ở nursing home, tôi và Ðinh Cường vào thăm. Anh nằm gác tay lên trán, nói chuyện về sức khoẻ. Anh cười, dù chỉ nhếch môi, nhưng tôi thấy là nụ cười an nhiên tự tại.
Nhớ lại khoảng cuối năm 2004, lần đầu tiên Trường về Việt Nam sau hơn mười năm đến Mỹ, tôi cũng có mặt ở quê nhà nhân dịp Tết Nguyên Ðán. Vào một trong những ngày đầu năm, anh điện thoại cho tôi hỏi địa chỉ, muốn đến nhà chơi. Tôi dành một buổi sáng chờ anh. Từ nhà ở An Dương Vương Chợ Lớn, đến nhà tôi đường Hồ Biểu Chánh Phú Nhuận, anh phải đi ba chuyến xe buýt. Bây giờ tôi không nhớ chúng tôi đã nói gì với nhau hôm đó. Chỉ thấy lòng vui, ưu tư và đồng cảm. Quá trưa, tôi tiễn anh ra đầu hẻm. Nhìn dáng anh cao, gầy, khuất sau con đường chính.
Anh Tạ Chí Ðại Trường có những điều đến lúc mất nhau rồi mới nhận ra mình đã kín tiếng, đôi khi thấy không cần thiết. Với Nguyễn Mộng Giác cũng thế. Bây giờ các anh đã bên nhau rồi. Quê hương lẫy lừng Bình Ðịnh với sông Côn, đầm Thị Nại, một vùng đất anh kiệt đang chờ đón anh về.
LQ