Bộ phim tài liệu “Mẹ Vắng Nhà” về nữ tù nhân lương tâm Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh do đạo diễn trẻ Clay Phạm thực hiện và được tổ chức VOICE phát hành đã về đến Dallas cuối tuần qua. Ban Tổ Chức – Hội Quảng Đà DFW cũng chẳng lường trước sự đón nhận của khán giả địa phương sẽ như thế nào, nhưng như tin tức về các lần công chiếu tại nhiều thành phố khác, người xem đã đến và ngồi chật kín cả hội trường trụ sở cộng đồng. Không đủ ghế, nhiều người phải đứng cả phía sau và hai bên hông. Có hề chi. Đứng hay ngồi thì khán giả cũng đã chia sẻ chung niềm xúc động khi theo dõi trọn vẹn bộ phim dài khoảng 45 phút. Xem xong cứ ngẩn ngơ, nhiều người mắt đỏ hoe khi đèn sáng.
Không tiểu xảo, không có góc quay nghệ thuật, không dàn dựng và cũng chẳng cố tạo kịch tính, những thước phim mộc “Mẹ Vắng Nhà” lại tạo ra nhiều cảm xúc trong khán giả bởi chính câu chuyện sống thực, nhiều thử thách và đầy nghị lực của gia đình Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Về sự bươn chải, tất bật và chịu đựng của bà Tuyết Lan – người mẹ của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, một tay gánh vác mọi chuyện gia đình khi lo cho một mẹ già ngồi xe lăn, lo cho con gái đang tù tội và cho hai đứa bé-Nấm và Gấu, hai con của Như Quỳnh trong khi “mẹ vắng nhà”.

Tâm tình qua điện thoại ngay sau buổi chiếu phim, từ Việt Nam đạo diễn Clay Phạm cho biết anh làm bộ phim bởi sự ngưỡng mộ khi biết đến câu chuyện của Mẹ Nấm và “chỉ là món quà cho mẹ Nấm, để bao giờ ra tù chị sẽ thấy mẹ và hai con mình đã sống ra sao”. Dù được thực hiện với mục đích gì và có thể đã phần nào đánh động tiếng nói lương tri những ai đã xem qua cuốn phim trong việc vận động trả tự do cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh – người đang chịu bản án mười năm tù phi lý mà nhà cầm quyền đã áp đặt lên chị vì những hoạt động chống Trung Cộng hay liên quan đến biển đảo, môi trường trong vụ Formosa, nhân vật chính của bộ phim dễ nhận thấy là bà ngoại Tuyết Lan. Tất bật mưu sinh qua công việc giữ xe cho các sinh viên học sinh, một tay lo cho người mẹ đã chẳng còn đi đứng được, bà còn thay mẹ Nấm để chăm sóc cho hai con nhỏ của chị là Nấm và Gấu. Không chỉ bằng trách nhiệm mà là sự yêu thương bởi bà đã nuôi các cháu từ khi lên ba, sau khi cha mẹ ly dị bởi người chồng không chấp nhận con đường tranh đấu của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Chạy xe máy chở cháu đi học, đi mua sách. Tắm giặt cho cháu. Tay quẹt điện thoại, chỉ cho đạo diễn những hình ảnh bà chụp lại những tấn công, sách nhiễu hèn hạ của nhà cầm quyền khi cho người quăng nhớt trộn nước mắm, phân vào nhà bà. Bà lên mạng, bàn tay gầy guộc của một người làm lụng vất vả gõ thành thạo vào facebook hay các trang mạng đưa tin tức liên quan đến con gái của bà. Rồi trả lời những cá nhân, tổ chức hay báo giới hải ngoại liên lạc với gia đình. Giữa lúc trước hiên, quanh ngõ của bà luôn đầy những an ninh, luôn túc trực theo dõi, canh chừng. Các vất vả của sự bươn chải đời sống là một, sự tra tấn tinh thần đặt lên gia đình bà hay gia đình của những nhà đấu tranh dân chủ nói chung là gấp bội phần. Phải một nghị lực phi thường mới sống và trò chuyện một cách bình thản như bà đã làm.

Có lẽ tôi lại lặp lại điều mình đã viết bên trên: nhiều người bảo họ đã khóc khi xem phim. Khóc dù họ đã biết, đã hiểu cái thách đố của những nhà đấu tranh dân chủ quốc nội cùng gia đình họ đang chịu đựng, nhưng vẫn không cầm lòng khi cái đời sống khắc nghiệt trên màn hình kia hiển hiện cái tột cùng của một gia đình, một số phận đang đối diện trước bạo tàn. Khóc bởi câu chuyện một đứa bé gái không được phép ôm mẹ khi đến thăm mẹ trong tù. Khóc bởi hình ảnh đứa con ngoài mười tuổi đầu đã ngồi chắp tay lặng lẽ trong thánh đường để cầu nguyện. Ðiều gì? Ắt không ngoài việc mẹ được tự do, mẹ thôi vắng nhà để đêm đêm ba mẹ con lại ôm nhau ngủ trên tấm nệm nơi góc nhà.

Xin cảm ơn VOICE (Vietnamese Overseas Initiative of Conscience Empowerment – Sáng Kiến Thể Hiện Lương Tâm Người Việt Hải Ngoại) đã thúc đẩy cho sự phát triển xã hội dân sự và vận động dân chủ nhân quyền cho Việt Nam đã thực hiện và phổ biến cuốn phim. Cảm ơn những Ban Tổ Chức khắp mọi nơi đang góp phần phổ biến cuốn phim đến địa phương mình. Và phải xin cảm ơn sự can đảm của đạo diễn trẻ Clay Phạm, người còn đang ở Việt Nam đã thực hiện bộ phim này. Anh cũng đang phải sống một cuộc sống không còn bình yên từ khi bộ phim xuất hiện và nhà cầm quyền truy tầm ra anh là người thực hiện. Mẹ Nấm đã là nguồn cảm hứng, sự ngưỡng mộ để anh làm bộ phim. Và bộ phim đã và sẽ gây niềm cảm hứng để thôi thúc những người khác suy nghĩ hay dấn thân cho con đường Việt Nam. Cho đến một ngày mẹ thôi vắng nhà. Và những con người yêu nước, tranh đấu cho Việt Nam không còn vắng nhà. Trong một ngày không xa.
ĐYT – 10/2018
Dallas – Texas