(tiếp theo)
Trong vụ động đất sóng thần xảy ra năm 2011, người dân Nhật Bản đã khiến cả thế giới nghiêng mình khâm phục vì tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau của họ. Thảm họa kép đi qua, mất mát, tan hoang khắp chốn song không bạo loạn, cướp bóc, người Nhật vẫn tràn đầy tự tin, lạc quan và tự hào dân tộc.
“Cả một thảm họa tự nhiên xảy ra mà đất nước không “loạn” là vì cả xã hội người ai cũng thật thà, nghiêm túc và chăm chỉ, chẳng còn chỗ cho những kẻ gian dối, lười biếng.
Còn ở ta, khi đa số ở phía ngược lại (nghĩa là xấu xa, ích kỷ, tham lam…) còn một vài người không như vậy sẽ trở nên lạc lõng, không hòa nhập và thậm chí bị gọi là “hâm”… Chỉ cần ghé vào một bến xe, nhà ga, hay phải xếp hàng dài chờ thanh toán trong siêu thị là thấy ngay sự rối ren, bon chen, ích kỷ!” – một độc giả VietNamNet nhìn nhận.
Xét về khía cạnh văn hóa, quả thực, hành xử của người Việt trong nước hiện nay qua nhiều sự việc, hiện tượng đang cho thấy những lỗ hổng trầm trọng.

Chia sẻ về kỷ niệm đi thưởng hoa tại Hội hoa anh đào ở Kyoto – Nhật Bản, một độc giả so sánh: “Hàng vạn người trải thảm, ngồi ngắm hoa ăn uống, 9h sáng hôm sau họ ra về, bãi cỏ vẫn sạch tinh như chưa hề có cuộc vui của ngàn người vậy… Còn ở ta, không phân biệt giàu nghèo, cứ chùa chiền, lễ hội là có chen lấn, cướp giật, cãi chửi nhau chí chóe….”
Suy cho cùng, khi người lớn hành xử thiếu văn hóa, thì trẻ em sẽ bắt chước làm theo, và ngược lại. Ðể chặn đứng những thói hư tật xấu đang làm “mất mặt” người Việt trong mắt bạn bè quốc tế, thật sự cần nhận thức và sự thay đổi của những người lớn. Thay đổi trước, rồi mới đến giáo dục trẻ em trong gia đình, nhà trường… Ðến lúc đó, những bài học về dạy trẻ của người Nhật mới thật sự có giá trị và người ta mới dám hy vọng về những thế hệ trẻ nối tiếp văn minh, lịch sự.
(theo Minh Tâm)