Menu Close

Biệt phủ. khu mộ & những nỗi oan khiên

Nhìn về đất nước hiện nay, dù chỉ là mới qua một số hình ảnh, lương tri của những người như chúng ta không khỏi bị dằn vặt, đau đớn và phẫn nộ. Không thốt ra lời nhưng lòng tự nhiên thấy nghẹn. Như vừa uống phải chén đắng.

Ta nhìn thấy gì? Trước hết là những cảnh tương phản đến gây nhức nhối. Những biệt phủ trùng trùng của các quan chức đại gia nằm trong thành phố, ven biển, ven rừng, trong khi ở đâu đó là những xóm làng xác xơ, ruộng đồng nắng cháy, mái tranh nát mưa. Người dân mất đất mất nhà trong khi biệt phủ dựng lên khắp nơi. Sông biển ô nhiễm, cá chết chỉ có người dân gánh chịu. Ai đói, ai nghèo, ai cán bộ, đại gia. Ðất nước sao lắm điều oan trái.

Thật không thể nào hiểu nổi chủ nhân những biệt phủ kia lấy đâu ra lắm tiền để chi phí cho việc mua đất, mua gỗ quý đá quý, xây cất. Vâng. Thật không thể nào hiểu nổi, trên một đất nước còn nghèo khổ sao lại có những người giàu tới mức ấy nếu không ăn cắp, tham nhũng, hối lộ, mánh mung, đút lót, mua chuộc cấp trên, móc ngoặc với ngoại bang. Vậy mà không ai đụng đến họ, không ai đặt câu hỏi những đồng tiền vấy máu kia từ đâu đến. Chung quanh đều nín thinh, kể cả báo chí truyền thông vốn được coi như tiếng nói của người dân.

Gần đây, người viết những dòng này là Nguyễn tôi được xem một số hình ảnh và tin tức đây đó trên lưới mà lòng cảm thấy vừa hổ thẹn, vừa đau đớn, uất ức. Ðó là việc những cán bộ chóp bu như Nguyễn Tấn Dũng, Trần Ðại Quang đi chùa cúng Phật. Ðây là những tên đại gian đại ác mọi người đều kinh tởm. Chắc chúng muốn cho mọi người thấy ta đây là những Phật Tử thuần thành. Riêng Trần Ðại Quang còn  sang tận Ấn Ðộ tới chùa Mahabudhi gục đầu lên phiến đá giác ngộ. Y làm gì? Sám hối tội lỗi chăng? Chắc y và Nguyễn Tấn Dũng nghĩ rằng buông con dao đồ tể xuống là thành Phật. Rõ ra, Nguyễn Tấn Dũng và Trần Ðại Quang là những tay xài bạc giả. Ðã thế, Trần Ðại Quang còn chu đáo lo hậu sự của mình. Một mặt y đem những khối bạc lớn mua tượng cúng chùa (để được siêu độ?). Mặt khác, Quang lo mua cả một khu đất vuông vức rộng lớn ở Ninh Bình để xây khu mộ cho mình. Tin trên lưới cho biết: Khu mộ của Trần Ðại Quang rất hoành tráng rộng tới 3 hécta đang được gấp rút “thi công” ngày đêm với sự tham gia của hàng trăm công nhân, kỹ sư, hàng trăm ô tô, xe tải, xe cơ giới các loại, hàng trăm nông dân cùng biết bao nguyên vật liệu như đá xanh, gỗ quý, gạch ngoại, xi măng… cùng những con đường, con kênh, cây cầu với nhiều ngọn đèn cao áp sáng trưng.

biet-phu-khu-mo
Một lớp học ở Mường Nhé- Điện Biên – nguồn chinhtrivn.net

A, thử hỏi y có công đức gì mà chết đi để lại lăng mộ cho đời sau chiêm ngưỡng. Y và Nguyễn Tấn Dũng và Ðỗ Mười v.v… đã làm gì cho đồng bào khốn khổ, cho những trẻ em mồ côi cù bơ cù bất, đói nghèo?! Theo bản tiểu sử chính thức được nhà văn Huy Phương ghi lại trong Ga Cuối Ðường Tàu thì Trần Ðại Quang xuất thân trong một gia đình, cha làm nghề đơm đó bắt cá trên sông, còn mẹ làm nghề bán chuối. Năm 1973, từ một học viên cảnh sát lúc 16 tuổi, Trần Ðại Quang đã leo lên đến chức Chủ Tịch Nước (Tổng Thống) năm 2016. Trong tiểu sử chính thức, không thấy ghi thời gian đi học ngày nào nhưng lại có tới ba bằng: bằng Cử Nhân Ðại Học An Ninh Nhân Dân, bằng Cử Nhân Ðại Học Luật Hà Nội, bằng Tiến Sĩ  Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Trần Ðại Quang bước những bước vững chắc trên hoạn lộ: Y từ trong Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng, lên Bộ Chính Trị, Bộ Trưởng Công An rồi Chủ Tịch Nước.

Cái quan định luận. Bây giờ xin trở lại với câu hỏi đã nêu trên: Trần Ðại Quang có công đức gì mà chết đi để lại lăng mộ hoành tráng đến thế. Ngược lại nhà báo Bùi Quang Vơm cho biết: dưới thời ông Trần Ðại Quang là Bộ trưởng công an, có hơn 260 người chết vì “tự chết” trong trại giam đồn công an. Ðó là hơn 260 oan hồn, gọi đích danh tên ông, mỗi lần tuần rằm hương khói. Thêm nữa trong vụ đàn áp Nhà nước Ðề-Ga mà ông là Trưởng ban chỉ đạo Tây nguyên, tổng chỉ huy chiến dịch, người ta không biết được con số chính xác, nhưng có hàng trăm người chết, hàng nghìn gia đình phiêu tán vì bị cướp đất, đốt nhà. Ðó cũng là những oan hồn và những uất hận của lòng người. Làng chó Nhật Tân còn tan hoang vì tai hoạ liên tiếp đến từ oan hồn của những con chó, thì ông Quang làm sao yên ổn được.

Một nhà báo khác cũng ghi nhận: Mộ phần to và hoành tráng hoàn toàn không có khả năng khẳng định tầm vóc nhân cách – trí tuệ của một người khi còn đang sống. Nhưng chắc chắn, mộ phần to và hoành tráng khẳng định tính không nhân bản và nhân văn trong quá khứ của người đã chết, khẳng định nhận thức thấp kém của những người quyết định xây dựng mộ phần đó, khẳng định một thực tế đau xót rằng người vừa chết có một gia sản rất đồ sộ.

Thêm một quan chức nữa vừa nằm xuống: ông Ðỗ Mười. Nghe nói rồi đây người ta cũng sẽ xây khu mộ của ông ở ngoại thành Hà Nội. Ðể làm việc này, người nhà ông Mười còn đòi san bằng cả một trường tiểu học trong vùng!

Tới đây phải nêu lên một câu hỏi: Trên thế giới ngày nay có nước nào như VN bây giờ cho xây lăng mộ đồ sộ tưởng niệm một nguyên thủ quá cố. Nước Mỹ giàu mạnh và hùng cường vào loại bậc nhất thế giới, nhưng mộ phần của các công dân Mỹ, các tỉ phú Mỹ và mộ phần của các tổng thống Mỹ bao giờ cũng nhỏ nhoi, đơn sơ và bình dị. Mộ phần của Tổng thống John Kennedy và Tổng thống Richard Nixon chỉ là mảnh đất bằng phẳng rộng 4-5 m2, trên đó có nắp mộ khắc ghi cây thánh giá, tên và năm sinh năm mất. Mộ của tổng thống, tỉ phú hay vĩ nhân Mỹ đều lặng thầm như những ngôi mộ của thường dân.

Với tinh thần nhân bản, nhân văn tột cùng, người Mỹ chỉ luôn nghĩ về người sống, dành hết vật chất để chăm sóc người sống, không hoang phí vật chất của cải vào mộ phần. Một đám tang ở Mỹ chỉ có chi phí trung bình 1,000 USD. Mọi phúng điếu đều hạn chế hoa, và tiền phúng điếu được dành cho các quỹ thiện nguyện.

Nhưng ở Việt Nam, mọi chuyện rất khác. Bức ảnh đầu tiên có xuất xứ từ báo Thanh Niên online ngày 24-9 cho biết, khu đất rộng mênh mông này sẽ là nơi đặt mộ phần của chủ tịch Trần Ðại Quang (dù ông Quang có suất mộ phần ở nghĩa trang Mai Dịch dành cho cán bộ cao) với những công trình phụ trợ cầu kỳ. Chắc chắn trên khu đất bao la này sẽ hiện hình một ngôi mộ hoành tráng như những ngôi mộ hoành tráng khác ở Việt Nam được hình thành từ những nguồn tiền không sạch, hoặc từ ngân sách nhà nước- tiền thuế của dân, hoặc từ nguồn tiền của gia đình mà xuất xứ cũng rất đáng nghi ngờ.

Vậy đó. Có những tấm hình làm con người phẫn nộ, nhưng cũng có tấm hình làm con người day dứt không nguôi. Người viết là Nguyễn đã được xem hình những trẻ em VN ở  vùng cao phải lội trên dòng nước lũ hoặc đu dây qua sông tới trường. Xem mà xót thương muốn rơi nước mắt. Vào đầu tháng 9-2018 này, tấm hình chụp một lớp học ở Mường Nhé- Ðiện Biên cũng đã gây xúc động, gây bão trên mạng xã hội. Trong tấm hình này, tất cả các em bé đều suy dinh dưỡng, quần áo rách rưới, tất cả đều không có giày dép, tất cả các em đều buồn và thiểu não… Ánh mắt nhìn của các em hiện hình lên sự tuyệt vọng, khổ đau và cầu cứu. Phía sau lưng các em là một lớp học tận cùng tiêu điều và xơ xác, chơ vơ và cô đơn giữa núi rừng hiu quạnh.

Nước mắt nào sẽ nhỏ xuống một khu an táng hoành tráng, nước mắt ai sẽ nhỏ xuống một lớp học rách nát, với những hình hài trẻ thơ tiều tụy…?

Ôi, đất nước tôi dưới thời Cộng Sản. Ðau thương và oán hận ngút trời biết thuở nào nguôi.

TN (Tổng hợp)