Lời Giới Thiệu: Hằng năm Hoa Kỳ thường chọn ngày Monday trong tuần thứ hai của October, năm nay rơi vào ngày 8 tháng 10, làm ngày lễ Columbus Day để tưởng niệm phút giây đầu tiên Christopher Columbus đặt chân lên Châu Mỹ năm 1492. Và đây là một sự kiện quan trọng được nhân loại ghi nhận trong lịch sử phát triển thế giới.

Không chỉ Hoa Kỳ làm lễ tưởng niệm Columbus mà ở Ý và Tây Ban Nha, họ cũng làm lễ tưởng niệm ông. Tuy nhiên, Spain chọn ngày ông mất là ngày May 20th, 1506 để tưởng nhớ ông vào 20 tháng 5 hàng năm. Tôi may mắn khi đến thăm Spain lại trúng ngày lễ trên nên chứng kiến được sự kiện lịch sử này. Những nhà thờ đã làm lễ, đèn, cờ, và lẵng hoa được treo khắp nơi trong nhiều thành phố.
Ðoàn du lịch chúng tôi được ghé thăm thành phố Seville, Spain là nơi có ngôi nhà thờ Trung cổ lớn nhất thế giới, có lăng mộ chôn cất Columbus khi ông mất. Tôi được vào xem các tác phẩm nổi tiếng họa về ông và chuyến hải hành mà nhà thờ này đã lưu giữ. Ðó là những bức họa nổi tiếng thế giới của các họa sĩ Tây Ban Nha El Greco, Murillo, Zurbarán. Tháp chuông Giralda của nhà thờ này cao hơn 91m.

Seville là thành phố ở phía nam Tây Ban Nha, thủ phủ của vùng Andalucía và tỉnh Sevilla. Thành phố có hải cảng bên sông Guadalquivir cho tàu biển vào. Thành phố này xuất cảng rượu vang, dầu olive, cam và mỏ kim loại. Còn có nhiều kiến trúc được xây dựng thời Trung cổ như dinh hoàng gia Alcázar, là hoàng cung được người Moors xây năm 1181. Các di tích của nền văn minh Moors tại thành phố này còn lưu lại ở các tuyến phố nhỏ hẹp và ngoằn ngoèo là các tòa nhà trắng, các đài nước và các tường thành bao quanh thành phố một thời. Seville còn là cái nôi, nơi khai sinh của Flamenco.
Chưa bao giờ tôi đứng trước một quảng trường có các lâu đài cổ đẹp đến vậy. Ðó là quảng truờng Plaza de España trong khu công viên Maria Luisa được xây dựng vào năm 1928 cho cuộc triển lãm Ibero-Hoa Kỳ năm 1929. Ðây là một ví dụ điển hình cho một bước ngoặt thay đổi qua các thời đại trong các kiến trúc cổ. Nó có sự pha trộn của thời Phục hưng và Moorish Revival (Neo-Mudéjar) trong phong cách kiến trúc Tây Ban Nha.

Giữa những lâu đài phế tích, trong một góc cầu, người đàn ông vẽ mặt, mặc trang phục dân da đỏ, buông lơi những nốt thấp trầm bổng rồi đột nhiên bắt hơi vọt lên những nốt cao vút của bài “El Condo Pasa” cổ điển. Tiếng sáo theo gió ban mai phả nhẹ vào không gian của Quảng trường Plaza de España làm xao động tim tôi. Không cần nhắc, hình ảnh của người da đỏ thổi sáo khiến người ta nhớ đến việc Kha Luân Bố tìm ra châu Mỹ. Ông ta là một trong những nghệ sĩ đường phố ở nhiều thành phố du lịch mà tôi bước chân qua, nhất là Âu Châu. Một góc khác của khu lâu đài cổ lại có một nghệ sĩ đường phố khác. Anh ngồi với mái tóc dài buông rũ, chiếc quần Jean bạc màu, trong tay anh âm nhạc đã khơi lên. Tiếng đại hồ cầm trầm ấm, réo rắt những tấu khúc Beethoven, Mozart, làm sống dậy những bóng ma quý tộc quá khứ hiện về, chập chờn quay cuồng trong những điệu luân vũ. Thành quách, lâu đài còn đây, đâu rồi những con người muôn năm cũ? Những bức tranh bằng gạch men khảm trên vách tường còn lưu dấu các cuộc đối thoại xa xưa của Kha Luân Bố lúc xin tiền bảo trợ của triều đình Tây Ban Nha cho chuyến hải hành xuyên đại dương của ông.
Kha Luân Bố hay Christopher Columbus (1451-May 20,1506) là một hoa tiêu, nhà thám hiểm người Ý, sinh ra tại Cộng hòa Genova, và đã hoàn thành bốn chuyến đi qua Ðại Tây Dương dưới sự bảo trợ của các vị vua Tây Ban Nha. Ông đã dẫn đầu các cuộc thám hiểm châu Âu đầu tiên đến vùng biển Caribbean, Trung Mỹ và Nam Mỹ. Ông đã đi biển từ lúc còn nhỏ và thường du lịch rất xa về phía Bắc. Ông hiểu biết rất rộng về địa lý, thiên văn học và lịch sử. Ông đã hoạch định và tìm kiếm một lối đi bằng đường biển về phía tây đến Ðông Ấn, hy vọng thu được nhiều lợi nhuận từ việc buôn bán gia vị.

Cuộc phiêu lưu kỳ thú của ông.
Thời ấy chủ nghĩa đế quốc và sự cạnh tranh kinh tế giữa các nước đang phát triển ở Âu Châu. Các quốc gia giàu mạnh tìm cách kiếm của cải từ việc thành lập những con đường thương mại và chinh phục các nước yếu làm thuộc địa. Từ lâu Châu Âu đã có những con đường giao thương an toàn tới Trung Quốc và Ấn Ðộ.
Âu Châu thời đó ít có các gia vị vì khí hậu và phong thổ họ không thể trồng các cây gia vị, trà…. Do đó gia vị rất đắt. Các thứ tơ lụa tinh xảo và mỹ thuật từ Ấn Ðộ và Trung Quốc được đưa tới Âu Châu bằng đường bộ rất xa trở nên mắc mỏ. Từ lúc Ðế chế Mông Cổ nắm quyền bá chủ (Pax Mongolica, hay “Hòa bình Mông Cổ”) cộng thêm sự sụp đổ của Constantinopolis vào tay những người Hồi giáo năm 1453, con đường bộ dẫn tới châu Á không còn an toàn nữa. Các thủy thủ Bồ Ðào Nha phải đi về phía nam vòng quanh châu Phi để tới châu Á.
Năm 1480, Kha Luân Bố đã phát triển một kế hoạch đi tới Ấn Ðộ (Indies) (sau này dùng để chỉ tất cả vùng phía nam và phía đông châu Á) bằng cách đi thẳng về phía tây xuyên qua “Ðại Dương” (Ðại Tây Dương).

Có ý kiến cho rằng Columbus đã gặp nhiều khó khăn khi vận động tài trợ cho kế hoạch của mình bởi vì những người châu Âu tin rằng Trái Ðất phẳng. Trên thực tế, có ít người ở thời đại ấy tin vào chuyến đi của ông (và rõ ràng không có thủy thủ hay nhà hàng hải nào) tin vào điều đó chỉ vì khoảng cách giữa 2 lục địa vào thời ấy quá xa để tàu bè có thể mang theo đầy đủ thức ăn và nước uống. Những lý luận của Columbus dựa trên chu vi của hình cầu đó.
Vấn đề Columbus phải đương đầu là các chuyên gia không chấp nhận những ước tính khoảng cách tới Ấn Ðộ của ông. Chu vi thực của Trái Ðất khoảng 40,000 km và khoảng cách từ Ðảo Canary tới Nhật Bản là khoảng 19,600 kilô mét. Không con tàu nào ở thế kỷ 15 có thể mang đủ lương thực và nước ngọt để đi từ Ðảo Canary tới Nhật Bản. Ða số các thủy thủ và nhà hàng hải châu Âu kết luận một cách chính xác rằng, những thủy thủ từ châu Âu đi về hướng tây để tới châu Á sẽ chết vì đói khát trước khi tới nơi.

Họ đã đúng, nhưng Tây Ban Nha, chỉ vừa mới thống nhất sau cuộc hôn nhân của Ferdinand và Isabella lại muốn liều lĩnh để có lợi thế thương mại với Ðông Ấn trước các nước châu Âu khác. Columbus đã hứa hẹn điều đó với họ.
Những tính toán của ông về chu vi Trái Ðất và khoảng cách từ quần đảo Canary tới Nhật Bản không chính xác. Nhưng hầu như mọi người châu Âu đều sai lầm khi cho rằng khoảng cách đại dương giữa châu Âu và châu Á là không thể vượt qua. Dù Columbus đến khi chết vẫn cho rằng mình đã mở ra một con đường hàng hải trực tiếp tới châu Á, trên thực tế ông đã lập ra một con đường biển giữa châu Âu và châu Mỹ. Chính con đường tới châu Mỹ này, chứ không phải con đường tới Nhật Bản đã mang lại lợi thế cạnh tranh cho Tây Ban Nha để trở thành một đế chế thương mại. Khi ông tới Châu Mỹ, ông lại tưởng lầm mình đã tới Ấn Ðộ (India) ở Châu Á. Do đó khi thấy thổ dân Da đỏ ông gọi họ là Indian (người Ấn) vì vậy ngày nay người thổ dân Da Ðỏ được gọi là Indian trùng với lối gọi người Ấn Ðộ cũng Indian.
Sự kiện khám phá ra châu Mỹ của Columbus là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại, là sự tiếp xúc giữa hai thế giới vốn phát triển tách biệt nhau kể từ buổi bình minh của loài người.

TTT
ORANGE COUNTY – CALIFORNIA
Tài liệu tham khảo
Christopher Columbus