Miền trung Miến Điện đang vất vả đối đầu với trận lũ lụt nặng nề sau khi một đập thủy điện bị vỡ, hàng trăm ngôi làng bị ngập. Trước đây, năm 2016, ở biên giới phía bắc Miến Điện, giáp với Bangladesh, không dưới bảy trăm ngàn người Rohingya theo đạo Hồi bị xua đuổi, phải bỏ chạy sang Bangladesh nương nhờ. Năm 2017, cuộc khủng hoảng nhân đạo của tộc người Rohingya từng là tâm điểm chú ý của thế giới phương Tây… Nói chung đất nước này cũng đang trong những vấn nạn lớn, người viết nhân được bạn rủ làm một chuyến du lịch ngắn ngày nên chỉ ghé Yangon, thủ đô cũ của Miến Điện, ở miền nam (thủ đô mới là Naypyidaw, không xa mấy với cố đô), thăm viếng hai ngôi chùa độc đáo, nổi tiếng là quốc bảo, chứ không lên miền trung, miền bắc.



- Chùa Đá Vàng (Kyaikhtiyo)
Chùa Kyaikhtiyo- còn gọi là chùa Ðá Vàng – thuộc bang Mon, cách Yangon trên dưới 300 cây số. Xe chạy trăm cây số giờ thoải mái trên đường cao tốc mới mở. Hai bên đường đồng cỏ hoang vu, nhà cửa thưa thớt. Chợ họp ven đường khá giống Việt Nam. Nhiều chó chạy rong trong mưa. Người bạn giải thích: ‘Chó bên này không có chủ. Không cắn người, không sủa ồn ào, cứ lang thang, ai cho gì ăn nấy. Kiệt sức thì rúc bụi bờ hay nằm lề đường, chết lặng lẽ’. Hết đường cao tốc, chuyển từ xe hơi sang xe bán tải, chuẩn bị leo núi. Một xe bảy băng ghế gỗ. Mỗi băng lèn sáu người chật ních. Ðường dài 11 cây số, đổ bê tông, mặt đường khía ngang để tăng độ bám cho bánh xe. Một bên vách núi, một bên vực thẳm, con đường như sợi chỉ uốn lượn ở giữa. Những khúc cua zích zắc nối tiếp nhau, dốc đứng. Xe chạy như bay. Khách lắc lư nghiêng ngả, ướt như chuột lột (xe chỉ có mui, không có bạt che mưa hai bên hông xe). Tài xế bình thản nhai trầu, đánh tay lái thật vững vàng. Ðến đỉnh núi, xe dừng. Khách lục tục xuống xe, đi bộ thêm khoảng hai cây số. Nhiều khách lớn tuổi, yếu sức phải gọi cáng- mỗi chiếc cáng to dài, ngồi thoải mái, được khiêng bởi hai thanh niên địa phương khỏe mạnh. Dọc đường lên chùa, hotel, nhà dân, quầy lưu niệm mọc san sát. Tới tam quan chùa tất cả khách hành hương bỏ giầy dép, đi chân không. Càng lên cao không khí càng tịch mịch, thoáng đãng như Sa Pa của Việt Nam. Cuối con đường lát đá cẩm thạch trắng mịn, Chùa Ðá Vàng (Golden Rock) kỳ lạ hiện ra sừng sững, vươn mình giữa biển mây…Tương truyền năm 575 trước Thiên Chúa giáng sinh, vua Miến Ðiện đã cho dựng stupa bằng vàng khối (stupa là tháp, tạm gọi là chùa, không đúng) trên tảng đá to lớn, cheo meo này đã cất giữ một sợi tóc nhiệm mầu của Phật. Từ đó tới nay, tảng đá vẫn đứng vững vàng đúng vị trí hiện tại, tư thế hiện tại. Do được dát vàng toàn bộ nên tảng đá được khách phương Tây gọi là Golden Rock. Bao quanh Golden Rock có đường lát đá, có chỗ treo chuông cầu nguyện, chỗ tắm Phật, chỗ nghe Pháp, cúng dường, nghỉ chân…

- Chùa Vàng Shwedagon
Nằm trên ngọn đồi cao 190 feet giữa lòng cố đô Yangon, ngọn tháp vàng cao 326ft (khoảng 100 m) của quần thể Chùa Vàng Shwedagon vươn mình kiêu hãnh, bảo đảm đứng ở vị trí nào trong thành phố cũng có thể trông thấy. Ðỉnh tháp hình búp sen, nhụy sen là viên kim cương nặng 76 ca-rat, chung quanh nạm 4,351 viên kim cương nhỏ hơn. Những ngày có trăng, chùa tắt hết đèn. Ánh trăng chiếu trên viên kim cương 76 ca- rat, tỏa sáng rực rỡ. Du khách có thể nhìn ngắm hiện tượng kỳ thú này qua ống dòm (dựng ở một góc cố định trong sân chùa, khách sử dụng miễn phí). Bước vào Chùa Vàng là lạc vào mê cung đầy bạc vàng lộng lẫy. Trên khoảng đất rộng 6 ha, chằng chịt những điện thờ, tháp, tượng Phật, hành lang…Ban đầu còn cầm bản đồ, gióng phương hướng. Ði riết, xem riết mắt mũi hoa lên, thấy chỗ nào cũng giống chỗ nào. Miến Ðiện là quốc gia theo Phật Giáo Tiểu Thừa. Người Miến có vàng ngọc quý không sử dụng riêng mà dâng cúng dát chùa, tô tháp, khảm tượng Phật. Nhờ thế, hệ thống chùa chiền Miến Ðiện nói chung, chùa Shwedagon nói riêng, đều ‘bị châu báu hóa’ một cách hào phóng. Bản thân đất nước Miến Ðiện nhiều nội chiến sắc tộc, nhiều lần bị ngoại bang đô hộ, và mới nhất, từ nửa thế kỷ trở lại đây liên tục là đấu trường so găng giữa hai phe dân chủ- quân sự độc tài nhưng chùa chiền không bị tàn phá, ngược lại vẫn được bảo tồn, tôn tạo, xây mới. Ðiều này có thể minh chứng qua việc chùa Loka Chantha mới được xây dựng rất bề thế trên một ngọn đồi nhiều cây xanh, không xa Chùa Vàng Shwedagon bao nhiêu. Chùa Loka Chantha nổi tiếng vì pho tượng Phật Thích Ca tọa thiền tạc bằng đá cẩm thạch nguyên khối, nặng 600 tấn, do gia đình thương gia U Taw Taw cúng dường năm 2000. Ngòai sân chùa đặt một bình bát khổng lồ cũng bằng đá cẩm thạch, nặng 30 tấn. Suốt thời gian làm chùa, tạc tượng, bình bát này luôn đầy ắp cơm nóng, đủ cúng dường cho tất cả sư sãi trong vùng…

- Sinh hoạt đời thường
Trong sinh hoạt, người Miến Ðiện không chuộng âu phục bằng quốc phục (áo thun hay áo kiểu, quấn xà rông, chân đi dép xẹp). Người lao động, buôn bán, nông dân nhai trầu thường xuyên. Có điều trầu không tự têm mà mua từng gói têm sẵn- Mỗi miếng trầu vuông vức, nhỏ bằng hai ngón tay, dẹp lép chứ không ‘gồ ghề’ như trầu Việt Nam. Ðường phố Yangon và các danh thắng đông khách du lịch, hoàn toàn không có cảnh ăn xin đeo bám, hàng rong chèo kéo ồn ào. Hàng bán đồ lưu niệm, đồ pháp khí được sắp xếp dọc theo hành lang chùa, dọc hai bên đường rất trật tự. Giá cả có thể chặt chém dã man nhưng người bán, dù là em nhỏ chân đất hay thanh niên lanh lợi, phụ nữ lớn tuổi đều nhã nhặn, lễ độ. 100 đô la Mỹ đổi tại sân bay Yangon được 145,000 kyats (đơn vị tiền Miến Ðiện). Nếu khách chưa quen tính toán, trả tiền Kyats khi mua bán, đi taxi, thanh toán dịch vụ, người Miến đều kiên nhẫn đợi, hoặc tính giùm. Không thấy ai cằn nhằn, hay lợi dụng để tính sai cho khách. Cứ thế, nụ cười và sự đàng hoàng, lương thiện của người dân Miến đã chinh phục được thiện cảm của du khách, nhất là khách Việt Nam. Người Miến không giấu diếm đời sống của họ còn nghèo, Yangon, một thời từng là thủ đô của Miến Ðiện vẫn còn nhiều mảng tối. Theo những người Việt đang kinh doanh ở Miến Ðiện thì bốn năm trước, xứ này chưa điện khí hóa, đường phố ngập ngụa bẩn thỉu, muốn kiếm cục nước đá trong mùa hè nóng 43 độ cũng đỏ con mắt. Bây giờ Miến Ðiện lột xác, khá hiện đại! Ðiều này thể hiện ngay từ khi khách xuống máy bay, bước vào ga hàng không mới toanh, thơm mùi sơn, mùi gỗ. Khắp nơi trải thảm, bật máy lạnh và bật cả…nụ cười. Ngoài sân bay, hàng loạt tài xế taxi mặc xà rông, nhai trầu, đứng xếp hàng, vẫy tay mời chào. Khách đi xe của họ hay gọi grab đều ô kê, giá cả không chênh lệch bao nhiêu. Không đi taxi, khách có thể gọi xe đạp lôi nhẩn nha thăm thú nơi này nơi nọ. Xe đạp lôi ở Việt Nam người đạp ngồi trước, lôi khách phía sau hoặc xe xích lô khách ngồi trước, người ngồi đạp cao hơn, phía sau. Xe đạp lôi Miến Ðiện khác, có một thùng xe nhỏ gọn bằng inox. Khách ngồi trong thùng xe, song song với chủ, (kiểu ngồi xe mô tô bình bịch).

- Bà Aung San Suu Kyi và những ảnh hưởng
Ðất nước Miến Ðiện nằm trong khu vực Ðông Nam Á, đất đai rộng gấp đôi Việt Nam nhưng dân số chỉ bằng nửa Việt Nam. Miến cũng ‘bần cố nông’ thâm căn cố đế, cũng nội chiến ngọai chiến triền miên, cũng thiên tai lụt lội, dịch bệnh hoành hành, cũng phong tỏa cấm vận, tham nhũng độc tài tá lả, nhưng sao chỉ chưa tới chục năm cắt cái đuôi xã hội chủ nghĩa xù xì lông lá Miến đã không còn là cọng miến bở rẹt ẻo lả mà hóa thành sợi hủ tiếu dai thứ thiệt. Tại sao người Miến có thể xây dựng đất nước một cách khôn ngoan như vậy? Người bạn trả lời: Vì Miến có một nữ lãnh tụ đáng mặt anh thư, là bà Aung San Suu Kyi, con tướng Aung San lừng danh (bị ám sát năm 1947). Bà này từng làm việc tại Liên Hiệp Quốc thời ông U Thant (người Miến Ðiện) làm Tổng thư ký LHQ, từng học đại học Anh, lấy chồng người Anh. Năm 1988 bà về Miến Ðiện chịu tang mẹ. Vốn sinh trưởng trong gia đình chuyên hoạt động chính trị, bà Aung San Suu Kyi đã ở lại đất nước, thành lập Liên Minh Vì Dân Chủ, chống chính phủ độc tài quân sự, và vì thế bị quản thúc tại gia nhiều năm liền, không thể đi lãnh giải Nobel Hòa Bình năm 1991, không thể về thăm chồng lúc ông bị ung thư (và sau đó qua đời tại Anh)… Ðời tư trong sạch, phong thái cao quý, nền tảng trí thức vững chắc và lòng yêu đất nước thực sự khiến bà được người dân yêu mến. Trên chính trường thế giới bà là biểu tượng của đất nước Miến Ðiện, như bà Indira Gandhi từng là biểu tượng của Ấn Ðộ. Kể về bà Aung San Suu Kyi thì mãi không hết chuyện, chỉ tóm tắt thế này: Ðường phố Yangon đang vắng lặng, người dân sinh hoạt đang bình thường, các sư khất thực đang bước chậm rãi… Nhưng nếu thấy xe cộ nghẽn tắc, đám đông nhốn nháo xô đẩy thì đừng tưởng có bạo loạn, đừng tìm chỗ ẩn núp mà hãy chạy theo đám đông. Có thể bạn sẽ thấy một cảnh tượng không có ở các nước khác. Cảnh gì? Cảnh dân chúng vây quanh bà Aung San Suu Kyi. Nhiều người quỳ xuống, vái lạy. Họ coi bà là Bồ Tát, là người mẹ xứ sở. Tất cả những điều bà nói đều được dân nghe theo, làm theo, như chuyện nhặt rác. Năm ngoái, đường phố còn khá nhớp nhúa. Chính bà đã xuống đường nhặt rác. Phóng viên tới quay phim, bà mắng, ‘Nhặt đi, quay cái gì’. Sau trận đó, Yangon và các thành phố khác sạch sẽ hẳn. Mọi người bỏ dần thói quen xả rác nơi công cộng. Việc ăn trầu nhổ bậy cũng bớt. Ngày cuối cùng trong chuyến du lịch Miến Ðiện, kẻ viết bài làm hai việc: Uống cà phê và đi chùa cúng dường. Về cà phê, hơi ngỡ ngàng khi biết quán cà phê bên đây không có ‘cái nồi ngồi trên cái cốc’ mà chỉ có cà phê gói xé ra châm nước sôi hay cà phê pha máy kiểu capuchino. Quán trang trí hiện đại, có máy lạnh, nhỏ xinh nhưng bán phần lớn là trà sữa, nước trái cây. Còn chuyện cúng dường thì thế này: Vị đại diện chùa nhận vật cúng dường rồi viết biên nhận, tặng bảng kỷ niệm công đức. Vật phẩm cúng dường sau đó trở thành tài sản quốc gia, được đặt trong tủ kiếng cho khách thập phương chiêm bái. Xem ra chuyện cúng dường rất minh bạch, công khai, không giống bên ta: hòm tiền công đức bị trộm khiêng ban ngày ban mặt, đồ thờ bị đánh tráo, bị ‘chà nhám’, tiền cúng xong không rõ về đâu. Nhưng thôi, so sánh riết, thấy tội Việt Nam! Càng tội hơn khi ngồi trên máy bay Thai Airway rời Yangon, nghe một anh thanh niên phát biểu: Ðất và người Miến hiền hòa, thăm một lần thấy mến, đi một lần thấy nhớ, muốn đi nữa. Chớ đâu như xứ mình!

XH
SÀI GÒN – Việt Nam