Menu Close

Bảo hiểm xe cho con cái mới lớn

Bên cạnh chuyện tập lái xe, lấy bằng lái, mua xe cho con cái bước vào độ tuổi lái xe, việc thêm tên con cái vào hồ sơ bảo hiểm gia đình hay mua bảo hiểm xe cho các em cũng là một vấn đề quan tâm của các bậc phụ huynh, khi nó chiếm thêm một phần đáng kể trong ngân sách gia đình. Không chỉ vậy, bảo hiểm xe còn mang tính liên đới trách nhiệm về tài chính và pháp luật khi hữu sự. Tiếp tục loạt bài liên quan đến xe cộ cho con cái mới lớn, chuyên mục xin mời các bạn gặp gỡ cô Katie Dương- tốt nhiệp MBA tại University of Houston – Clear Lake và từng đạt nhiều giải thưởng danh dự của bảo hiểm Allstate, hiện đang cùng chồng là anh Daniel Skiba sở hữu văn phòng bảo hiểm Apex Insurance Group (Allstate) tại Garland, Texas.

bao-hiem-xe-cho-con-cai-moi-lon1

Đinh Yên Thảo (DYT): – Xét về vấn đề bảo hiểm thì một khi các em có bằng viết để bắt đầu tập lái xe thì Katie cho biết phụ huynh cần phải làm gì? Giá hồ sơ bảo hiểm có tăng khi các em chỉ mới có bằng viết và đang tập lái xe?

Katie Dương (KD): – Mỗi hãng bảo hiểm có quy định riêng cho người lái xe dưới 25 tuổi vì vậy phụ huynh cần liên lạc với người đại diện bảo hiểm để được giải thích chính xác nên làm gì. Với Allstate thì khi các em có bằng viết và lái xe của cha mẹ thì vẫn được bảo hiểm miễn phí cho đến ngày hãng gởi thông báo về nhà, yêu cầu xác nhận các em có sử dụng chung xe hay không. Một khi nhận thông báo thì cha mẹ có hai chọn lựa, hoặc là phải thêm tên các em vào hồ sơ bảo hiểm và đóng thêm tiền, hoặc loại trừ tên các em và ký giấy xác nhận miễn bồi thường nếu các em lái xe gây tai nạn.

Cũng nói thêm rằng, các hãng bảo hiểm thường cập nhật hồ sơ những người nào có bằng lái xe trong gia đình rất nhanh chóng. Allstate thường hỏi khách rất sớm là quý vị có muốn mua bảo hiểm cho con em mình hay không, mặc dù các em chỉ mới có bằng viết mà thôi. Nếu quý vị không trả lời, các hãng bảo hiểm mặc nhiên có quyền thêm tên người đó vào hồ sơ quý vị và giá sẽ tăng. Sở dĩ các hãng bảo hiểm có quyền làm điều này là vì theo luật định, hãng bảo hiểm bị buộc phải đền bù thiệt hại gây ra nếu con em trong gia đình lái xe gây tai nạn (cũng có một vài hãng không theo luật này). Nếu trả lời không, quý vị phải ký giấy miễn trừ người lái xe có tên đính kèm (exclusion form) để tránh trường hợp hãng tự thêm tên các em vào hồ sơ. Một khi đã bị loại trừ, nếu các em lái xe bị tai nạn sẽ không được bồi thường.

ĐYT: Chúng ta luôn mong đợi mọi chuyện suôn sẻ, nhưng trong trường hợp có va chạm hay tai nạn xảy ra trong lúc các em tập xe hay lái xe có cha mẹ ngồi kèm thì sẽ như thế nào?   Nếu chiếc xe có bảo hiểm một chiều hay toàn phần thì trách nhiệm và quyền lợi bảo hiểm sẽ ra sao?

KD: – Khi các em tập lái xe tức là có sự rủi ro thật sự. Phụ huynh cần chuẩn bị tinh thần là các em sẽ có thể mắc sai lầm và khả năng gây va chạm hoặc có tai nạn là rất cao. Bảo hiểm một chiều (liability) là bắt buộc phải có, là phần mà bảo hiểm của mình sẽ bồi thường cho bên bị thiệt hại.

Nếu xe có mua bảo hiểm phần mình (collision) thì khi va chạm xảy ra, phần thiệt hại xe của chính quý vị sẽ được hãng đền bù. Nếu xe thường đậu ngoài khu vực không có mái che, thì nên cân nhắc mua thêm trọn phần (comprehensive) để được đền bù thiệt hại xe khi bị mưa đá, cây ngã, mưa lụt, xe bị mất cắp hoặc bị phá hoại…

Khi đền bù collison hoặc comprehensive, hãng bảo hiểm sẽ trừ phần khấu trừ của khách hàng (deductible) trước khi trả thiệt hại. Phần khấu trừ này rất quan trọng, chọn càng thấp thì giá tiền bảo hiểm càng cao. Ðể tiết kiệm tiền, phụ huynh có thể cân nhắc chọn phần khấu trừ cao lên một chút nếu phần giá bảo hiểm chênh lệch là đáng kể.

bao-hiem-xe-cho-con-cai-moi-lon
Katie Dương

ĐYT: – Như vậy cũng theo nguyên tắc bảo hiểm chung phải không? Vậy khi các em đậu và có bằng lái thật sự thì vấn đề bảo hiểm ra sao? Có gì khác biệt trong trường hợp các em chưa có xe mà chỉ chạy chung với cha mẹ và trong trường hợp các em có xe của riêng mình?

KD: – Với Allstate thì giá bảo hiểm khi thêm tên của các em có bằng viết hay khi có bằng lái thật sự là như nhau.  Nếu các em chưa có xe mà đi xe của cha mẹ thì phải mua bảo hiểm chung. Nếu các em tự mua xe riêng thì có thể tự mua bảo hiểm riêng. Việc giá bảo hiểm chênh lệch ra sao nếu mua chung hay riêng với cha mẹ rất phức tạp và phụ thuộc nhiều yếu tố:

– Mua chung với cha mẹ thì có thể được nhiều giảm giá hơn nếu hồ sơ bảo hiểm của cha mẹ không có nhiều tai nạn trong ba năm vừa qua.

– Mua riêng có thể sẽ tiết kiệm hơn nếu các em lái một chiếc xe trị giá bình thường và chỉ cần bảo hiểm trách nhiệm bắt buộc (liability) trong khi xe của cha mẹ khá sang trọng và đắt tiền và đang có mua phần bồi thường toàn phần cho Collison và Comprehensive.

– Mua riêng hay chung còn tùy thuộc ai là người đứng tên sở hữu xe và chỗ ở của các em. Nếu là xe của cha mẹ đứng tên thì các em phải mua chung hồ sơ. Nếu các em sống riêng và sở hữu xe riêng thì phải mua hồ sơ bảo hiểm riêng tên mình.

ĐYT: – Giá cả bảo hiểm cho các em mới lái xe thường là khá đắt, vậy Katie cho biết các em và phụ huynh có thể làm những gì để nhận được các khoản miễn giảm cao nhất?

KD: – Ða phần là giá bảo hiểm sẽ tăng khi thêm người lái xe dưới 25 tuổi. Giá bảo hiểm của các em thường tùy vào loại xe và các quyền lợi đi kèm mà có thể dao động từ $50/tháng cho đến $500/tháng.

Nếu phụ huynh có một chiếc xe ít giá trị để riêng cho các em chạy thì giá sẽ tiết kiệm hơn. Hồ sơ bảo hiểm nhiều xe thường được giảm giá nhiều hơn một xe. Ði kèm hồ sơ bảo hiểm nhà và nhân thọ nữa thì giá bảo hiểm xe sẽ giảm thêm nhiều. Với Allstate, nếu các em có điểm học từ B trở lên, hoàn tất Driver Training Education và sử dụng Drivewise (một ứng dụng điện thoại để đo lường mức độ lái xe an toàn)  thì cũng tiết kiệm hơn 30% giá ban đầu.

ĐYT: – Còn nếu các em chỉ thỉnh thoảng mới chạy xe nên cha mẹ không bỏ tên các em vào hồ sơ bảo hiểm của gia đình thì sao?     

KD: – Nếu cha mẹ không thêm tên các em vào hồ sơ bảo hiểm thì khả năng bị từ chối bồi thường khá cao, tùy thuộc quy định của từng hãng. Có hãng sẽ hoàn toàn không bồi thường do họ chỉ bồi thường người nào có tên trong hồ sơ thôi. Có công ty sẽ cân nhắc bồi thường nhưng phụ thuộc nhiều yếu tố sau khi điều tra. Nhưng nếu tên các em đã bị vào danh sách loại trừ (excluded driver) thì khả năng được bồi thường là rất hiếm. Do vậy, nếu các em thỉnh thoảng chạy xe, cha mẹ vẫn nên thêm tên các em vào hồ sơ. Ngoài ra, việc thêm tên các em sẽ giúp các em tạo dựng lịch sử bảo hiểm sớm để sau này nếu các em có xe riêng và muốn mua bảo hiểm riêng để được tự lập thì giá cũng sẽ tốt hơn cho các em.

Trường hợp riêng nói thêm là các em đang có lịch sử bảo hiểm lâu dài, nhưng vì các em về Việt Nam hoặc đi chơi xa hơn một tháng nên cha mẹ muốn loại tên các em khỏi hồ sơ để tiết kiệm tiền thì quý vị nên cân nhắc vì như vậy, các em sẽ mất lịch sử bảo hiểm liên tục, các hãng sẽ có thể tính lại từ đầu như người mới mua bảo hiểm nếu các em cần mua bảo hiểm riêng sau này.

bao-hiem-xe-cho-con-cai-moi-lon2
Nguồn Auto Insurance

ĐYT: – Chúng ta hiểu là bảo hiểm mang mục đích giảm thiểu những trách nhiệm tài chính trong trường hợp rủi ro, như vậy phụ huynh có chịu trách nhiệm tài chính và pháp luật gì không nếu các em có liên quan đến tai nạn xe?

KD: – Phụ huynh sẽ phải chịu trách nhiệm liên quan về tài chính và pháp luật khi đứng tên xe và hồ sơ bảo hiểm. Vì vậy quý vị nên cân nhắc xem lại hồ sơ bảo hiểm của mình phần giá trị bồi thường cho bên bị thiệt hại (liability) để bảo đảm rằng mình mua định mức khá cao, ít nhất là 100/300/100 (ngàn) trở lên. Nếu quý vị có nhiều tài sản hoặc không muốn bị liên lụy tài chính và pháp luật thì cũng rất nên cân nhắc mua thêm bảo hiểm Personal Umbrella Protection để được bảo đảm trách nhiệm đền bù lên đến một triệu đô hoặc hơn.

ĐYT: – Đến bao giờ là thích hợp để các em có thể đứng tên chủ quyền xe và có bảo hiểm riêng cho mình, cũng như giá cả bảo hiểm trở lại bình thường như những người trưởng thành thông thường?

KD: – Câu trả lời tùy thuộc quyết định của gia đình muốn cho con mình tự lập sớm lúc nào. Có những gia đình cho con đi làm, tự mua xe, tự đứng tên và trả tiền bảo hiểm từ lúc 18 tuổi. Giá bảo hiểm thấp hơn bình thường hay không dựa vào rất nhiều yếu tố, nhưng các yếu tố chính là thông tin của chủ hồ sơ bảo hiểm như điểm tín dụng, lịch sử bảo hiểm phải từ 12– 36 tháng trở lên (không bị gián đoạn), có sở hữu nhà cửa, không có tai nạn trong vòng ba năm qua. Ngoài ra zip code, loại xe, giới tính, tình trạng hôn nhân, và thông tin người lái xe đi kèm cũng là những yếu tố quan trọng.

ĐYT: – Cảm ơn Katie Dương đã dành thời gian để trả lời cuộc phỏng vấn với nhiều thông tin thiết thực và hữu dụng hôm nay.

KD: – Cảm ơn quý độc giả đã cùng Katie chia sẻ thông tin. Nếu quý vị có thắc mắc riêng tư khác cần giải đáp hoặc có vấn đề nào chưa được trình bày rõ phía trên, xin đừng ngần ngại liên lạc Katie Dương để được giúp đỡ thêm.

ĐYT thực hiện