Chiếc giày lịch sử của chị Thùy Dương
Từ RFA, tác giả Trương Duy Nhất
“Cả nhà nuôi giấu cách mạng, cha là tù chính trị, nhưng cả nhà chị Nguyễn Thị Thuỳ Dương lại bị mất đất trong uất ức. Hôm nay, chị là 1 trong 5 người đến sớm nhất nhưng khi đăng ký “phiếu phát biểu” lại là số 39. Trong khi qui định mọi người chỉ được phép phát biểu 120 phút”.
Trích những dòng trên trang của nhà báo Trương Châu Hữu Danh, tường thuật vụ người dân Thủ Thiêm ném giầy vào bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh.
“Chiếc giầy đã bay thẳng tới trước mặt bà Quyết Tâm. Chỉ một chút nữa thôi nó đã phang vào mặt” – Chủ nhân chiếc giầy, chị Nguyễn Thị Thuỳ Dương, viết trên facebook của mình, sau khi bị lập biên bản và thu giữ “chiếc giầy tang vật”.
Chiếc giầy cao gót của chị Dương, khiến ta nhớ lại cảnh dân tình giận dữ vung những trận đòn giầy dép ném vào mặt Phó Chánh toà cao cấp Trần Văn Tuân, trong buổi xin lỗi ông Hàn Đức Long, người bị tuyên án tử hình oan và ngồi tù 11 năm, ngày 25/4/2017.
Những chiếc giầy phản kháng. Tôi muốn gọi đúng như thế.
Bất lực. Trước những mất mát và oan ức thấu trời thế, họ không còn cách phản kháng nào khác. Đừng qui kết đó là hành vi phạm pháp. Trong các cuộc trấn áp, chính quyền đã có lúc dùng súng bắn về phía nhân dân, bắt bớ bỏ tù dân. Thế thì tại sao người dân không có quyền chống lại, dù chỉ là những chiếc giầy cao gót, như của chị Dương?
Chiếc giầy ấy, đã là gì so với nhà cửa, ruộng vườn, đất đai và xương máu đồng bào Thủ Thiêm? Những trận đòn giầy dép nhắm vào mặt Phó chánh toà cấp cao Trần Văn Tuân, có là gì so với bản án tử hình oan và 11 năm tù đày của công dân Hàn Đức Long?
Hành hạ, cướp bóc dân tàn độc thế, phải xem là tội ác và phải bị trừng trị. Chỉ “rút kinh nghiệm” và “xin lỗi”, thì hứng vào mặt những trận đòn giầy dép của dân, vẫn còn nhẹ.
Thậm chí, không chỉ là giầy dép. Khó tránh những phát súng phản kháng như Đoàn Văn Vươn.
Trong một diễn biến khác. Cũng buổi tiếp xúc dân Thủ Thiêm hôm nay, một cử tri lớn tuổi đã phát biểu, gọi đích danh thủ phạm gây nên tội ác Thủ Thiêm là “tập đoàn Lê Thanh Hải – Tất Thành Cang”.
—–
Đường bay của một chiếc giày
Từ Blog RFA, tác giả Cánh Cò
Biên bản câu lưu tang vật
Mạng xã hội bùng nổ thật sự khi một chiếc giày từ tay người dân Thủ Thiêm đã được ném thẳng vào bà Nguyễn Thị Quyết Tâm vào sáng 20 tháng 10 trong buổi họp dân Thủ Thiêm được gọi là tiếp xúc cử tri.
Chiếc giày của một người phụ nữ còn trẻ, chị là Nguyễn Thùy Dương sinh năm 1990 ngụ tại quận 2 thành phố HCM, một trong hàng chục ngàn nạn nhân của khu đô thị mới Thủ Thiêm. Chị ném chiếc giày đi khi bà Quyết Tâm đang cố thuyết thục người dân rằng chính quyền thành phố sẽ giải quyết các bức xúc của họ bằng mọi cách. Và trong lúc câu chữ của bà chưa kịp “thuyết phục” thì chiếc giày, như một cách trả lời hàm xúc nhất mà một người dân tay không tấc sắt dám ném trả vào mặt cả hệ thống cầm quyền để chứng tỏ cho bọn tham quan ô lại biết rằng tận cùng của nỗi đau sẽ là những phản ứng.
Chiếc giày của chị hôm nay tuy trượt nhưng nói lên rất nhiều điều, mà điều lớn nhất là nó đã tập trung được toàn bộ oan ức, đau khổ, lầm than của cả một cộng đồng để ném vào chế độ này, một chế độ hoàn toàn không có trái tim lẫn khối óc.
Nếu có trái tim nó đã không công khai một dự án gây phẫn nộ như Nhà hát Giao Hưởng trong khi hàng ngàn người dân còn đứng đó dưới lòng đường chờ được trả lại vài mươi thước đất mà chúng đã cướp từ hơn 20 năm qua.
Nếu có khối óc nó đã không làm trò hề trên sự căm phẫn của quần chúng, không riêng gì dân Thủ Thiêm mà cả nước hiện đang dõi theo những con người bần cùng do chế độ tạo ra. Theo dõi, đồng cảm và nhất là cười khóc cùng dân chúng Thủ Thiêm. Cùng lên tiếng và cùng nổi giận.
Chính quyền thành phố vẫn tỏ ra ngoan cố và xem thường sự uất ức không còn giới hạn của người dân. Họ giàu có quá nên quên rằng chén cơm của người dân đang kiếm ra bằng mồ hôi có khi là nước mắt của họ thật khác xa với những xấp tiền dầy cộp được mang tới tận nhà dâng cho họ. Chén cơm bần hàn của người cùng khổ không thể bị chà đạp thêm nữa khi cả một tập đoàn tham nhũng xếp hàng bấm vào tin nhắn mà mỗi tin được cho là bố thí 20.000 cho người dân đen, và bỉ ổi hơn, bọn chúng chỉ giả vờ bấm còn tiền thật thì không. Hai chục ngàn tiền đồng lớn đến vậy sao hỡi những kẻ vô lương tâm đang đục khoét vào nỗi đau của dân chúng?
Từ chỗ bắt đầu đến nơi kết thúc chỉ không đầy 30 thước, nhưng chiếc giày đáng được gọi là lịch sử vì đường bay của nó cần đến hai mươi năm để tiến tới mục tiêu. Trong hai mươi năm đằng đẵng ấy nó đồng hành cùng với những người dân oan sống và thở cùng hơi thở của họ để biết rằng Thủ Thiêm là nơi cuối cùng, là tận điểm của bọn cường hào ác bá đỏ.
Nó bay tới đống rác được gọi là chính quyền thành phố để đánh động đám ruồi nhặng đang bu vào ung nhọt Thủ Thiêm. Chiếc giày như một tia chớp của sự căm phẫn đã lên tới cực điểm và bà Quyết Tâm được chọn không hẳn người dân ghét vì mồm miệng điêu toa mà họ chọn vì bà là chiếc loa của tập đoàn cướp đất.
Cái loa ấy chỉ xứng đáng với một chiếc giày.
Đảng Cộng sản chắc sẽ thức tỉnh vì tác động của chiếc giày lên từng bộ phận trong đảng. Nó không chỉ là sự nhục nhã, đáng xấu hổ mà nó còn nhắc tới một sự thật mà Đảng Cộng sản Việt Nam đang phải đối mặt: Sự sợ hãi của quần chúng nay đã không còn và chiếc giày vượt qua nỗi sợ ấy đã trúng đích nhắm của nó: Đảng Cộng sản Việt Nam, nơi phát sinh mọi oan khuất, bần cùng của người dân cả nước.
Sau sự cố bị ném giày đảng có lẽ sẽ buộc phải thay đổi chứ không còn im lặng trước bức xúc của quần chúng. Một là sẽ đàn áp bạo liệt, tàn nhẫn hơn, hai là sẽ làm lành, hòa dịu nhằm hạ nhiệt một lò lửa đang ngùn ngụt cháy là Thủ Thiêm
Chắc chắn trong hai họ phải chọn một, nhưng nếu chọn biện pháp đàn áp, khủng bố, trả thù hay ém chặt thông tin tiêu cực họ sẽ gặp thêm những phản ứng khác của dân chúng. Càng ém chặt thì sức bùng phá càng lớn và sức dân không có một lực lượng vũ trang nào chống lại nổi. Những bài học đàn áp trên khắp thế giới đã quá rõ để thấy rằng bạo lực, đàn áp nhân dân chỉ là con đường ngắn nhất khiến quần chúng nhanh chóng hiểu ra mình phải làm gì.
Nếu chọn con đường hòa dịu như cách chữa lửa thì đảng sẽ càng thất bại. Quá nhiều lần nói dối, quá nhiều lần hứa nhưng không làm mà Đồng Tâm là vụ mới nhất, đã khiến nhân dân khinh bỉ và không mấy ai còn tin vào những kịch bản tệ hại mà các diễn viên mập ú vì tham nhũng đang thủ vai người hòa giải. Khi dân không còn tin vào bất cứ lời nói nào của chính quyền thì chính quyền ấy chỉ nên làm một điều duy nhất: tự giải thể trước khi quá muộn.
Nếu không lần sau không phải là giày mà là đá tảng.
—-
Không đơn giản chỉ là việc ném giầy, mà là lời cảnh tỉnh cho chế độ
Từ blog RFA, tác giả Kami
Sáng 20/10/2018 là ngày Ngày “Phụ nữ Việt Nam”, song hai người phụ nữ ở Sài Gòn đã tạo ra một sự kiện lớn. Đó là việc sau khi phát biểu ý kiến tại Hội nghị tiếp xúc cử tri, cô Nguyễn Thị Thùy Dung ở Quận 2 đã tiến lên phia trước và ném một chiếc giầy về phía bàn Phó Chủ tịch HĐND Thành phố HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đang ngồi chủ trì phiên họp. Theo mô tả cô Nguyễn Thị Thùy Dung, viết trên facebook của mình cho biết, “Chiếc giầy đã bay thẳng tới trước mặt bà Quyết Tâm. Chỉ một chút nữa thôi nó đã phang vào mặt” (bà Nguyễn Thị Quyết Tâm).
Ngay lập tức, cô Nguyễn Thùy Dương đã bị một vài nhân viên bảo vệ áp tải ra khỏi phòng họp và đưa về trụ sở Công an. Được biết ở đây, cơ quan Công an đã lập biên bản và cho cô Dung về nhà. Song sáng nay 21/10, trên Facebook cá nhân, cô Nguyễn Thùy Dương cho biết, nhân viên an ninh đến hỏi và họ đe rằng, hành động ném dép mang động cơ chính trị.
Điều đó cho thấy, một hành động ném giầy dép về phía lãnh đạo chính quyền là một việc lớn.
Sự kiện một dân oan Thủ thiêm, ném chiếc giầy như vừa kể, làm người ta nhớ đến việc đã từng xảy ra ở Hoa Kỳ vào năm 2008, tại một cuộc họp báo nhà báo Irac tên là Muntadhar al-Zaidi, 39 tuổi đã ném giày chiếc giày của mình vào cựu tổng thống Mỹ George W. Bush (Bush “con”). Rất may, dù ông W. Bush còn kịp né được, nhưng đó là chiếc giầy chứ không phải là một trái nổ. Sau đó anh phóng viên Muntadhar này phải hầu tòa với bản án 36 tháng tù. Điều đó cho thấy, việc làm nhục một lãnh đạo cũng là một tội chứ không bình thường như “bà chủ ném đầy tớ”, theo tư duy như chúng ta nghĩ kiểu AQ.
Qua tìm hiểu được biết, những oan khuất ở Thủ thiêm theo Bản Kết luận Kiểm tra của Thanh Tra Chính phủ kết luận rằng, đã có 4,3ha thuộc khu phố 1, Phường Bình An bị thu hồi sai quy hoạch, nhưng trên thực tế theo người dân ở Thủ thiêm cho biết, khu dân cư bị ảnh hưởng do thu hồi sai quy hoạch lên tớ 60ha – tức gần gấp 14 lần, và ở trên địa bàn 5 khu phố, thuộc ba phường Bình An, An Khánh, Bình Khánh. Và trong 60ha đất này, có tới khoảng 3000 hộ từng sinh sống bị ảnh hưởng.
Việc nhà nước thu hồi sai quy hoạch tới 60ha đất mà thực chất là hành động ăn cướp, để rồi đẩy tới 3.000 hộ dân lâm vào cảnh mất đất, mất nhà cửa. Đó là chưa kể có những người chịu oan khuất rồi tự tử hay chịu tù đày. Vậy mà hơn 20 năm qua, về phía chính quyền không những chỉ không ai chịu trách nhiệm, mà chính quyền TP HCM thì đùn đẩy, quanh co chối tội với những thủ đoạn bẩn thỉu. Tóm lại, phía chính quyền TP HCM có một lối hành xử đúng như một lũ cướp.
Nếu như nói, ném giày về phía một quan chức là hành động thể hiện sự phẫn nộ tột cùng, cũng như sự phẫn uất của một công dân ở mức mất kiểm soát trước sự bất công, thiếu công lý thì quả thực cũng không ngoa. Bởi đến con giun xéo mãi cũng oằn, huống chi họ là những con người.
Đáng chú ý, theo nhà báo Trương Châu Hữu Danh cho biết nhân thân của “thủ phạm” ném giầy Nguyễn Thị Thùy Dung như sau: “Cả nhà nuôi giấu cách mạng, ngoại là tù chính trị, nhưng cả nhà chị Nguyễn Thị Thùy Dung lại bị mất đất trong uất ức. Hôm nay, chị là một trong 5 người đến sớm nhất nhưng khi đăng ký “phiếu phát biểu” lại là số 39 trong khi mọi người chỉ được phép phát biểu trong 120 phút. Những uất ức dồn nén vào chiếc dép hiệu Uyên (sản xuất tại quận 2) đã bay thẳng vào cán bộ. Câu chuyện đau lòng của gia đình chị, sẽ sớm phơi bày.”
Vâng, những người con, người cháu của thế hệ gây dựng nên chính thể hiện hành ở Việt Nam còn phải chịu những oan khuất như thế, trong một xã hội thiếu công lý như vậy thì những thành phần xã hội khác thì sẽ ra sao?
Có người cho rằng, sau vụ việc giá như bà Phó Chủ tịch HĐND Thành phố HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm tiến đến nhặt chiếc giầy mà người ta ném tới phía bà ta và trả lại chủ nhân, thì “số má” và uy tín của bà Tâm sẽ tăng lên. Cũng như việc nhân viên an ninh sáng ngày 21/10 có đến gặp cô Dung có ý thanh minh rằng, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm không phải là thủ phạm gây ra nỗi oan khuất đó, đừng trách bà ta.
Không, họ đã nhầm. Mà cần phải hiểu cô Nguyễn Thị Thùy Dung ném chiếc giầy không chỉ ném vào một bà Phó Chủ tịch HĐND Thành phố HCM, mà cô Dung đã trút nỗi phẫn uất lên chiếc giầy – một đồ vật biểu tượng cho sự thấp kém nhất vào cả chế độ hiện hành. Hành động phản kháng này được dư luận đánh giá rất cao, vì nó thể hiện được sự thật của lòng dân đối với Đảng CSVN và chính quyền của họ. Đa phần người dân Việt Nam cũng có suy nghĩ như cô Nguyễn Thị Thùy Dung.
Dẫu rằng việc ném chỉ một chiếc giầy của cô Dung, không nhiều chiếc giầy như trận mưa giầy dép ném vào Phó Chánh Án Toà Cấp cao Trần Văn Tuân, trong buổi xin lỗi công khai đối với tử tù oan Hàn Đức Long, người bị tuyên bản án tử hình oan và 11 năm tù trước đây. Song cũng có thể coi nó là một tiếng sét cảnh báo cho sự sụp đổ của một chế độ đã hết sức mục ruỗng, chỉ cần chờ có cơ hội là sụp đổ.
Sau sự kiện ném giầy của cô gái trẻ Nguyễn Thị Thùy Dung, đã có những ý kiến hưng phấn lên cho rằng, đến bao giờ sẽ có những chiếc giầy, chiếc dép bay về phía kẻ đầu đảng Nguyễn Phú Trọng? Câu trả lời sẽ là, không lâu nữa đâu, nếu như họ không tỉnh ngộ để thay đổi.
Không chỉ có một mình cô Nguyễn Thị Thùy Dung, một gia đình có công với cách mạng đến mức hết chịu nổi, phải sử dụng đến biện pháp cực đoan để cảnh tỉnh nhà nước. Mà còn hàng vạn vạn các gia đình cũng như hàng chục triệu người khác cũng có cùng nỗi niềm chung như vậy, nhưng chỉ khác là họ chưa biểu lộ ra mà thôi.
Mới đây, tôi có dịp gặp một bà cụ 98 tuổi, nhưng còn rất mạnh khỏe và minh mẫn. Bà xuất thân từ một gia đình dòng dõi trước năm 1945, sau đó cả gia đình bà đã đi theo cách mạng. Dưới chế độ Cộng sản, bà và gia đình vẫn nhận được không ít ân sủng, mưa móc. Tuy vậy bà không ngần ngại nói với tôi rằng, “Gia đình tôi góp phần xây dựng nên chế độ này, đến nay chúng tôi đã quay lưng lại với họ thì điều gì sẽ xảy ra?”.
Mấy ông Trời con có biết điều này hay không? Hãy liệu chừng!
Ông phó chánh án bị người dân chọi giày vì phán án oan