Menu Close

DNA chuyện dài (kỳ 2)

Với sự tiến bộ của khoa học ngày nay, từ việc phân tích đến việc sử dụng những khám phá từ cơ thể con người, ta có thể dùng DNA để nhận dạng và chữa trị bệnh tật cùng nhiều áp dụng khác như tìm kiếm thân nhân gốc rễ và điều tra tội ác. Bài viết này tóm tắt một vài cách dùng DNA hiện nay.

chuyen-dai-dna
nguồn: californiainnocenceproject.org

kỳ 2

Dùng kỹ thuật

phân tích DNA để tìm kiếm tội phạm

Gần đây, báo chí loan tải các bản tin về việc nhà chức trách bắt được tội phạm qua các kỹ thuật phân tích DNA dù tội ác đã xảy ra cả 20-30 năm trước. Ðiển hình là vụ tội phạm Joseph James DeAngelo can tội hãm hiếp và giết luôn các nạn nhân để phi tang. Trên thi thể các nạn nhân, nhà chức trách đã thu góp được các mẫu mô như máu, da, tinh dịch… chứa DNA của nghi phạm. Những mẫu DNA kể trên được lưu trữ trong kho dữ liệu bấy lâu nay vì chưa tìm được các mẫu DNA tương đồng để so sánh. Gần đây khi các kho dữ liệu thu góp DNA từ những người tự ý thử nghiệm (the open-source genealogy hay kho dữ liệu [được] sử dụng ‘tự do’) được nhà chức trách đem ra so sánh với các mẫu DNA thu góp từ hiện trường của tội ác thì họ nhận diện một số người có liên hệ huyết thống với nghi phạm. Và từ đó, nhà chức trách tìm ra thủ phạm.

Từ năm 1998, cơ quan hữu trách Hoa Kỳ, the FBI, đã thành lập một hệ thống lưu trữ dữ kiện về DNA, the National DNA Index System (NDIS). Kho dữ kiện này là một thành phần của hệ thống Combined DNA Index System (CODIS), giúp các cơ quan hữu trách [từng] địa phương chia sẻ và sử dụng các mẫu DNA trong việc truy tầm tội phạm ở tầm mức quốc gia. Tính đến năm 2012, nhà chức trách Hoa Kỳ đã thu góp được dữ kiện về DNA của trên 10 triệu người.

Ðể truy tầm nghi phạm, các thám tử chuyên môn về DNA thử nghiệm đã so sánh mẫu DNA thu góp từ hiện trường nơi tội ác xảy ra với mẫu DNA có sẵn trong kho dữ liệu, các ‘reference samples’.  Tại một vài tiểu bang, nhà chức trách tự động thu góp DNA từ những người bị bắt giữ trong khi tại các nơi khác, cơ quan hữu trách cần trát tòa để thu góp các mẫu DNA này; nghĩa là tùy theo luật lệ tiểu bang, việc thu góp DNA có thể không có sự đồng ý của chủ nhân. Tuy nhiên, khi tội ác xảy ra, cảnh sát tự động thu góp các mẫu DNA từ nạn nhân bất kể tội ác xảy ra tại nơi nào trên toàn cõi Hoa Kỳ.

Với các cơ quan hữu trách, việc sử dụng kỹ thuật phân tích DNA để tìm người tương đối mới mẻ trong khi các chuyên viên về phả hệ (genealogist) đã sử dụng kỹ thuật này khá lâu để giúp thân chủ tìm kiếm người có chung huyết thống. Việc sử dụng DNA lâu như thế nhưng chỉ mới đây khi nhà chức trách công bố việc tìm ra thủ phạm của các tội ác xảy ra trước đây rất lâu nhờ có nhiều mẫu DNA để so sánh thì mối băn khoăn về sự riêng tư mới bùng nổ. Các chuyên viên về phả hệ lo âu rằng thân chủ của họ chẳng mấy ai biết rằng DNA đã được [bị?] sử dụng làm “mẫu” để so sánh với mục đích tìm thủ phạm người đã nhúng tay vào tội ác. Tạm hiểu là các dữ kiện kể trên không còn “riêng tư” nữa; và khi biết như thế thì sẽ có bao nhiêu người tự ý “dấn thân” để mẫu DNA được sử dụng rộng rãi như thế mà không cần xin phép? Còn những người không hề thử nghiệm DNA nhưng cũng bị “nhận diện” vì có cùng huyết thống với người được/bị thử nghiệm DNA thì sao?

Những người lo âu về việc riêng tư thì không mấy hoan hỷ khi hiểu rằng DNA của họ có thể bị sử dụng trong việc tìm tội phạm trong khi cũng có những người khác tự ý góp mẫu DNA vào một kho dữ liệu ‘công cộng’ như trang nhà GEDmatch nơi bá tánh có thể tự so sánh DNA của mình với DNA của những người khác.

Dùng kỹ thuật phân tích DNA để nhận diện bệnh tật

Một số bệnh tật xuất phát từ các di thể bị biến thái, gene mutation. Các bác sĩ có thể dùng kỹ thuật phân tích DNA để chẩn bệnh ngay khi cơn bệnh còn tiềm ẩn, và khi tìm ra bệnh, ta có thể phòng ngừa. Thí dụ như thân nhân của một sộ bệnh nhân bị ung thư vú với một số di thể đặc biệt. Những người thân này có thể chịu giải phẫu để phòng ngừa sau khi thử DNA tìm di tính bệnh tật kể trên. Một thí dụ khác là sự biến thái của di thể gây ung thư ruột già, di tính này truyền sang con cháu.  Ðể phòng ngừa, bác sĩ có thể thử nghiệm DNA, nếu truyền nhân mang di thể kể trên, các biện pháp phòng ngừa như quan sát thường xuyên bằng nội soi hàng năm có thể được áp dụng để truy tìm bệnh tật trong giai đoạn sớm nhất.

Khoa học còn có thể thay đổi một vài thành phần của DNA (đổi vị trí hoặc thứ tự của một hoặc nhiều nucleic acid trên chuỗi DNA) để chữa trị bệnh tật, một kỹ thuật có tên “gene modification” (gene manipulation / gene editing), chưa kể thay đổi di thể cho các mục đích khác như thay đổi sắc diện (màu da, màu tóc), thể lực… Thay đổi di thể với mục đích “làm đẹp” được gọi là ‘gene enhancement’, một loại ‘gene editing’.

Việc thay đổi các di thể để chữa trị bệnh tật / ‘làm đẹp’ ảnh hưởng trực tiếp đến người bệnh nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến truyền nhân trong các thế hệ sắp tới. Do đó, việc sử dụng kỹ thuật thay đổi di thể trong y học cũng đối diện với những câu hỏi khá phức tạp khi một số các nhà đạo đức cho rằng con người “lạm quyền” khi thay đổi những gì tạo hóa đã ban phát, từ việc thay đổi di thể đến các cách giải phẫu thẩm mỹ.

Khác với việc dùng kỹ thuật phân tích DNA để tìm người, việc dùng kỹ thuật phân tích rồi thay đổi DNA để chữa trị bệnh tật hoặc ‘làm đẹp’ đòi hỏi sự “đồng thuận” của người bệnh / thân chủ (informed consent). Dù như thế nhưng vẫn có câu hỏi băn khoăn về sự “đồng thuận” của truyền nhân khi việc thay đổi DNA kể trên ảnh hưởng đến con cháu về sau. Nhóm chú trọng đến quyền tự quyết của mỗi con người thì sự băn khoăn kể trên không đáng kể, con người có toàn quyền quyết định những gì xảy ra trên thân thể mình, bất kể truyền nhân nếu có.

Khoa học tiếp tục thay đổi đời sống và xã hội con người, kỹ thuật phân tích DNA cũng không ngoại lệ, kỹ thuật này mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng là mối băn khoăn lo ngại về sự riêng tư cá nhân và “quyền lợi” của truyền nhân và của những người cùng huyết thống. (Hết)

TLL (Orlando – FL)