Menu Close

Nhà văn Thụy An (kỳ 2)

(tiếp theo và hết)

Là nhà văn nữ tiên phong nổi tiếng nhưng phải trải qua cuộc đời nhiều oan khốc dưới chế độ Cộng Sản. Sau đây là phần kế tiếp của bài viết về Thụy An.

Thụy An và Nhân Văn-Giai Phẩm

Về vai trò của Lưu Thị Yến trong phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, Bàng Sĩ Nguyên cho biết: Thụy An là người phụ nữ duy nhất – ở trong hay ở ngoài phong trào – bị kết án là “gián điệp”. Bà là một trường hợp đặc biệt, theo Lê Ðạt và Nguyễn Hữu Ðang, bà không ở trong Nhân Văn Giai Phẩm, vậy mà tên bà được nêu lên hàng đầu trong “hàng ngũ phản động” với nhãn hiệu “Con phù thủy xảo quyệt” và những lời lẽ độc địa nhất dành cho bà: “Như vắt ngửi thấy máu, Thụy An như rắn bò tới các câu lạc bộ Hội Nhà văn phun nọc độc mạt sát chế độ ta bần cùng hoá nhân dân”. Vậy, vụ án Thụy An có phải là một vụ án chính trị? Hay là một sự quy kết oan uổng?

Ông Nguyễn Hữu Ðang nói nguyên văn như sau: Bà Thụy An không tham gia gì vào nhóm Nhân Văn Giai Phẩm cả. Bà ấy không viết một bài, một câu, một chữ nào cho Nhân Văn cả. Bà ấy cũng không hề mách nước, bàn bạc gì với người khác hay với tôi bao giờ cả. Không, không hề có, tuy rằng có quan hệ, thỉnh thoảng có gặp nhau, cũng nói chuyện.

Nhà thơ Lê Ðạt cũng khẳng định: Tôi nhắc lại một lần nữa là chị Thụy An chưa bao giờ ở trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm cả. Nhưng chị Thụy An rất thân với anh em trong Nhân Văn Giai Phẩm và đặc biệt là thân với tôi. Người ta buộc tội chị Thụy An thế này: Là gián điệp cài lại để lũng đoạn nhóm Nhân Văn Giai Phẩm. Nhưng cho đến khi tôi biết thì tôi cũng chẳng thấy chị ấy viết bài nào cho Nhân Văn Giai Phẩm cả. Thế mà chị ấy đối với tôi thì lại rất quý, chị ấy luôn luôn mua đồ đạc cho tôi, cho vợ con tôi, và tôi cũng chẳng thấy chị ấy bàn với tôi về việc viết một bài nào cho Nhân Văn Giai Phẩm cả. Thế cho nên việc ấy tôi cho cũng là một cái oan rất lớn.Tôi có thể bảo đảm 100% chị ấy không phải là gián điệp. Tại vì thế này: Nếu là gián điệp thì phải có chứng cớ chứ! Chị nhận tiền của ai? Nhận tiền ở đâu? Liên lạc với ai? Cho đến bây giờ tôi vẫn thấy đó là một câu hỏi mà nhà nước chưa trả lời tôi được. Chưa có chứng cớ thì làm sao có thể kết luận người ta là gián điệp được. Thì cứ cho tôi là người mù mờ đi, tôi bị chị mua chuộc đi. Tôi nhớ lại tất cả cuộc đời của tôi, thì chị ấy chưa mua chuộc tôi lần nào cả. Và chị ấy chỉ giúp đỡ tôi rất nhiều. Cho nên đến bây giờ tôi thấy là: Riêng về trường hợp chị Thụy An, tôi vẫn rất ân hận. Tại vì chúng tôi đã được phục hồi nhưng chị Thụy An chưa được phục hồi gì cả. Mà một trong những tội lớn nhất của chị ấy là mua chuộc tôi. Thì như các bạn đã biết, tôi chưa từng cảm thấy bị mua chuộc mà chắc cũng chưa ai mua chuộc được tôi. Cho nên tôi thấy riêng tôi bây giờ nói những dòng này, tôi vẫn khao khát và thiết tha có một dịp nào đó, người ta phục hồi chị Thụy An một cách chính thức.

nha-van-thuy-an
Nhà văn Thụy An – nguồn RFI

Về vai trò của Thụy An trong vụ án Nhân Văn Giai Phẩm, nhà viết sử Trần Gia Phụng nhận định:

Sau năm 1954, tại Bắc Việt Nam nhà văn lão thành Phan Khôi chia giới văn nghệ sĩ Hà Nội thành hai thành phần rõ rệt:

1) Nhóm “lãnh đạo văn nghệ” hay những “ông quan văn nghệ”, viết văn theo lệnh của đảng Lao Ðộng (LÐ tức đảng Cộng Sản), được đảng LÐ tin cậy, giao nhiệm vụ chỉ huy, đứng đầu là Tố Hữu.

2) Nhóm “quần chúng văn nghệ” là những thành phần còn lại, yêu tự do dân chủ, không muốn gò bó trong giáo điều và sự quản lý của “lãnh đạo văn nghệ.” Nhóm thứ hai đông đảo hơn, vận động cởi trói văn nghệ. Cao điểm của cuộc vận động là các báo Giai Phẩm và Nhân Văn xuất hiện năm 1956.

Ðảng LÐ liền trấn áp, tổ chức học tập, bắt bớ, tù đày những văn nghệ sĩ phản kháng. Thế nhưng vẫn chưa đủ. Thụy An không tham gia và không viết bài cho cả hai báo Giai Phẩm và Nhân Văn, vẫn bị bắt giam tại ngục thất Hỏa lò Hà Nội vì bị cộng sản cho rằng bà tác động mạnh đến hai nhóm nầy. Khi viên công an cộng sản hỏi cung, y nói với bà Thụy An rằng: “Chị có mù đâu mà không thấy chế độ tốt đẹp ra sao, lại không giác ngộ và mất tin tưởng ở chế độ, trong đầu chứa chấp toàn ý tưởng phản động.” Trở về lại phòng giam, Thụy An tự chọc mù một mắt. Cán bộ trại giam hỏi Thụy An lý do vì sao tự chọc mù một mắt, bà trả lời: “Chế độ của các anh nhìn một mắt cũng đã thấy quá nhiều cái xấu xa chịu không nổi rồi, để cả hai mắt chắc tôi không sống nổi.” (Thụy An kể chuyện cho người cháu là ông Q.) Ðúng là đàn bà dễ có mấy tay!

Ngày 21-1-1960, Thụy An bị Tòa án cộng sản kết tội 15 năm tù giam, vì bị tố cáo là tiếp tay cho cả hai nhóm Giai phẩm và Nhân văn, và làm gián điệp cho Pháp. Tuy nhiên, theo Thụy An, vụ án nầy chỉ là sự trả thù cá nhân của Tố Hữu mà thôi. Thụy An kể rằng trong một lần gặp nhau ở Hội nhà văn Hà Nội, Tố Hữu nói với Thụy An: “Tôi thấy chị làm thơ cũng khá, sao không đưa cho báo đăng?” Thụy An liền trả lời: “Thơ thì chỉ có một cái chiếu mà anh ngồi hết cả chỗ thì còn đâu ra chỗ mà ngồi. Tôi không thích ngồi ở mép chiếu.” Từ đó Tố Hữu để tâm thù ghét và kiếm cơ hội ám hại Thụy An. Ðó là nguyên nhân chính đưa đến việc Thụy An bị bộ máy tuyên truyền cộng sản dưới quyền Tố Hữu vu cáo và bà bị truy tố ra tòa án, để cuối cùng lãnh 15 năm tù giam. (Bà Thụy An kể cho ông Q.)

Thụy An bị nhà cầm quyền cộng sản giam từ 1960 đến 1973. Sau hiệp định Paris (27-1-1973), bà ra khỏi tù trong dịp mà cộng sản gọi là “Ðại xá chính trị phạm”. Bà được cộng sản cho vào sinh sống ở Sài Gòn năm 1977. Lúc đó, một số con của bà đã di tản qua Hoa Kỳ. Bà liên lạc được với các con nhưng chưa có cơ hội gặp lại.

Ðọc những trang viết về Thụy An ta nghĩ tới một bông hoa bị cơn bão vùi dập. Một phụ nữ phẩm hạnh, học thức, có tài văn chương bị nhiều nỗi oan khiên do cảnh ngộ và chế độ vùi dập nhưng vẫn đứng vững qua thời gian. Cuộc đời bà, tài năng và phẩm giá cùng những đóng góp văn học của bà cần được nhìn nhận và tuyên dương. Thật ra cũng chẳng cần tới chế độ hay bất cứ thế lực nào. Chính lịch sử làm công việc đó.

NGUYỄN & BẠN HỮU – tổng hợp