Menu Close

First Man – Người Thứ Nhất

1969, chiến tranh Việt Nam đang nóng. Hôm đó cả nhà bu lại trước cái TV trắng đen nhỏ xíu để xem Apollo 11 đổ bộ lên mặt trăng. Lúc đó trong đầu tôi chỉ nghĩ, vầy là hết chú Cuội rồi! Thoắt cái gần 50 năm. Hôm nọ đi coi “First Man” trên màn ảnh lớn, nhớ cái TV ngày xưa gì đâu…

nguoi-thu-nhat3
Neil Armstrong trên cung trăng nguồn: NASA

Phim “First Man” kể câu chuyện về Neil Armstrong, được thế giới biết đến như người đầu tiên bước chân lên mặt trăng. Chuyện phim dựa theo quyển tiểu sử Neil Armstrong do James Hansen chấp bút, tựa là “First Man: The Life of Neil A. Armstrong” (Người Thứ Nhất: Cuộc Ðời của Neil A. Armstrong).

Theo lời kể của Hansen, Neil Armstrong là một người ít nói, kín đáo, có bộ óc của một nhà toán học và kỹ sư. Từ nhỏ Neil đã mê máy bay. Anh luôn vòi Mẹ mua cho mình những chiếc máy bay bằng gỗ balsam mỏng và nhẹ, về ráp lại để tập cho em trai và em gái mình phóng từ cửa sổ trên lầu xuống. Ðứng dưới đất, Neil dùng que cà rem để đánh dấu chiếc nào bay xa, chiếc nào bay gần, được ném kiểu nào v.v. Xong cậu bé ghi tất cả vào một quyển sổ. Năm lên 16 Neil Armstrong lấy bằng lái máy bay. Lúc ấy cậu ta vẫn chưa có bằng lái xe!

Armstrong ghi danh học Kỹ Sư Không Gian/Hải Hành (Aeronautical Engineering) tại trường Purdue University. Tiền học được đài thọ bởi chương trình đào tạo sĩ quan trừ bị Holloway Plan của Hải Quân Hoa Kỳ. Vì vậy mà năm 1950 Armstrong được đưa sang tham chiến ở Ðại Hàn tuy chưa học xong. Trong một phi vụ ném bom chiếc F9F Panther của ông bị bắn rớt; Armstrong phải nhảy dù thoát hiểm. Sau chiến tranh Armstrong trở về Purdue để học tiếp và lấy bằng cử nhân.

nguoi-thu-nhat1
Neil Armstrong, Eric, Janet Armstrong. nguôn: ảnh gia đình

Ra trường, Armstrong làm test pilot (phi công thử nghiệm) cho cơ quan nghiên cứu không gian NACA (tiền thân của NASA). Ông từng lái chiếc siêu phản lực cơ X-15 bảy lần, đạt tốc độ trên 3,000mph và bay ra khỏi tầng khí quyển. Phim “First Man” mở đầu bằng một màn bay thử nghiệm này của Neil Armstrong. Ðạo diễn Damien Chazelle (“Whiplash”, “La La Land”) đã vận dụng mọi chiêu thức kỹ thuật để tạo cho người xem cảm giác đang ngồi trong buồng lái một chiếc X-15. Ðáng chú ý nhất trong màn này, cũng như trong toàn bộ phim, là âm thanh. Nếu để ý kỹ ta sẽ nghe ra đủ thứ tiếng của máy móc, đinh ốc, động cơ, gió rít, hơi thở dồn dập v.v.

Trong phim, tài tử Ryan Gosling (“La La Land”, “Blade Runner: 2049”) nhập vai Armstrong rất thuyết phục. Gosling đã thể hiện thành công con người trầm lặng, chai lì ấy. Một sự kiện hay được nhắc đến trong phim là cái chết lúc mới 2 tuổi vì ung thư não của Karen, con gái Neil Armstrong. Theo lời kể của James Hansen thì Neil rất kín miệng về chuyện này, ông không muốn nói về nó với ai, kể cả vợ mình là Janet Armstrong (Claire Foy thủ diễn). Ryan Gosling nói anh đã đọc rất kỹ quyển sách của Hansen, đã phỏng vấn tác giả, bà quả phụ Janet (Neil Armstrong mất năm 2012) và hai người con trai để chuẩn bị cho vai Armstrong.

Có người cho rằng trong phim Karen Armstrong được nhắc đến hơi nhiều, nhưng ta cần phải hiểu sự mất mát lớn lao ấy đã ảnh hưởng đến tâm lý Neil Armstrong ra sao. Không những nó làm cho ông đôi khi bị phân tâm lúc cầm lái để xảy ra tai nạn, mà còn gây căng thẳng và xung đột trong gia đình, dẫn đến việc hai vợ chồng ly dị sau 38 năm. Một người bạn thân của gia đình cho biết Neil Armstrong là mẫu người không thích biểu lộ tình cảm, ông hay bù đầu vào công việc để tránh trực diện những tình huống nhạy cảm mà ông không muốn giải quyết.

Trong khi đó Janet Armstrong cũng từng là sinh viên đại học Purdue và là một phụ nữ mạnh mẽ, điềm tĩnh, quyết đoán. Khi mới cưới nhau bà đã biết Neil muốn làm astronaut để bay vào không gian, và đã chấp nhận một cuộc sống như vậy. Sau cái chết của con gái, Neil Armstrong ghi danh thi tuyển vào chương trình Gemini và được chọn. Janet, trong vai người vợ có chồng làm một nghề vô cùng nguy hiểm, đã phải đương đầu với nhiều áp lực từ bên ngoài lẫn bên trong. Claire Foy đã diễn tả vô cùng xuất sắc một cảnh then chốt trong phim, khi Neil Armstrong đang sắp xếp va-li chuẩn bị cho Apollo 11. Biết rằng đây có thể là chuyến đi không có ngày trở lại, bà bắt chồng mình phải ngồi xuống nói chuyện với hai con để chuẩn bị tinh thần cho chúng (và cho mình!) Màn này đã được dựng lại đúng theo lời kể của hai người con trai. Rất tiếc bà Janet vừa mất hồi tháng 6 trước khi “First Man” hoàn tất.

nguoi-thu-nhat2
Ryan Gosling và Claire Foye trong phim “First Man” nguồn: Universal Pictures

Phim được làm rất chi tiết và cẩn trọng. Từ quần áo, xe cộ cho tới các kiểu tóc… nhất nhất đều rặt mùi thập niên 60. Thỉnh thoảng người xem được nhắc khéo mình đang ở thời điểm nào bằng những chi tiết nho nhỏ như nhạc ‘Peter, Paul and Mary’ trên radio, hình ảnh dân miền Nam VN chạy giặc trên TV, cảnh thanh niên Mỹ xuống đường v.v. Ðộc đáo nhất có lẽ là bài “Whitey on the Moon” của nhạc sĩ đấu tranh người da đen Gil Scott-Heron (Leon Bridges thủ diễn), phản đối chương trình Apollo với những ca từ rát rạt như:

Chị tao bị chuột cắn, thằng Trắng lên cung trăng

Tay chân bả sưng vù, thằng Trắng lên cung trăng

Không tiền đi bác sĩ, thằng Trắng lên cung trăng

Trả 10 năm chưa hết, thằng Trắng lên cung trăng…

Phải nói màn này, và bài nhạc này, là một chọn lựa dũng cảm của đạo diễn Damien Chazelle, vì nó trưng ra một hình ảnh về chương trình Apollo khá trái ngược với những gì dân Mỹ xưa nay có trong đầu. Không phải ai cũng ủng hộ cuộc chạy đua lên không gian do John Kennedy đề xướng năm 1961. Nhiều người cho rằng nó phí tiền thuế của dân trong khi xã hội còn quá nhiều vấn đề cần phải giải quyết như nhà thương, trường học, công ăn việc làm, dân quyền, chiến tranh VN v.v. “Whitey on the Moon” được xem là một lời phê phán nghiêm khắc về thực trạng xã hội thời đó.

nguoi-thu-nhat
Neil Armstrong (8 tuổi) và em gái. nguồn: ảnh Gia đình

Ngoài những bản nhạc xưa, phần nhạc đệm của do Justin Hurtz biên soạn cũng là một điểm son của phim. Có vài đoạn tiếng nhạc được phát ra trong dạng mono, y như ta đang nghe trên AM radio thời đó. Nói chung, mảng âm nhạc và âm thanh trong “First Man” được thiết kế rất kỹ lưỡng. Không có gì ngạc nhiên, vì Chazelle là người am tường âm nhạc và đã thắng 6 giải Oscar với nhạc-phim “La La Land” năm 2017.

Chazelle còn dùng nhiều loại camera khác nhau trong phim. Có những cảnh ông sử dụng camera cầm tay cho hình ảnh nhảy tưng tưng giống như home-movie thời 60. Nhưng khung cảnh bao la và sâu lắng của mặt trăng lúc Neil Armstrong vừa mở cửa phi thuyền sau khi đáp xuống đã được quay bằng camera IMAX, để người xem có thể chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp của nó với độ sắc bén không thể nào căng nét hơn được nữa. Ðây có lẽ là khoảnh khắc “ăn tiền” nhất trong “First Man”.

Cảnh cuối cùng trên nguyệt cầu, theo lời đạo diễn Chazelle, không có trong sách. Có thể nó đã xảy ra, nhưng cũng có thể không, vì Armstrong đã bước ra khỏi tầm ngắm của máy thu hình của NASA. Trong giây phút riêng tư ấy  bên miệng hố, Neil Armstrong đã làm gì? Chỉ có một mình ông và chị Hằng biết mà thôi.

PA

Dallas – TX