Menu Close

Lễ hội Kate của người Chàm Ninh Thuận

Trong khi những chiếc phi cơ đang gầm rú quần thảo diễn tập trên bầu trời, thì dưới đất là hình ảnh đoàn người Chàm lũ lượt rồng rắn nối đuôi nhau, từng bước một đội lễ vật trên đầu để leo lên đền tháp Po Klong Girai. Trong sự thành kính và tôn nghiêm, người Chàm mong thần linh, tổ tiên phù trợ để con cháu được cuộc sống an lành, gia đình luôn được thuận hòa.

le-hoi-kate4
Đoàn người “lên tháp” để cúng kiếng thần linh, tổ tiên

Bà chủ quán phở ở phường Ðô Vinh, nằm gần đền tháp Po Klong Girai nói:

– Hôm qua đâu có nghe tiếng máy bay gì đâu. Tự nhiên hôm nay ngày lễ mà mấy ổng bay ầm trời vậy đó chứ.

Bà chủ quán phở đang nói về việc diễn tập của phi công quân đội được thực hiện ở phi trường Thành Sơn cách đền tháp Po Klong Girai không xa. Như đã thành thường lệ, cứ hàng năm khi người Chàm lên tháp để cúng nhớ tổ tiên thì phi cơ lại gầm rú trên bầu trời.

le-hoi-kate6
Kiệu rước Y trang được đặt tại đền Po Klong Girai trong làng Hữu Đức

Người Chàm không thường xuyên mang lễ vật “lên tháp”, mà nó chỉ được thực hiện trong dịp Kate (Ka-tê)- tên đầy đủ mà người Chàm gọi ngày lễ này là “M’bang Kate. Trong dịp này, họ mời gọi tổ tiên, những người đã khuất núi về chung vui cùng gia đình, đồng tộc.

Lễ hội Kate đã có từ lâu đời. Sau những biến cố tang thương, cương vực lãnh thổ người Chàm ngày càng nhỏ hẹp. Khi lãnh thổ của Ðại Việt ngày càng phình to thì người Chàm ở miền Trung Việt Nam cũng phai dần những lễ hội của mình. Kate chỉ mới được người Chàm khôi phục lại vào khoảng thập niên 60s của thế kỷ trước và nó được duy trì cho đến tận ngày nay. Thoạt đầu, Kate chỉ là hoạt động lên đền tháp để tưởng nhớ các vị vua có công với dân tộc nay đã hiển linh hóa Thánh, như: Po Klong Girai, Porome… Cùng với đó là ghi nhớ công đức của tổ tiên, những người đã khuất. Dần dà, Kate được mở rộng, ngày nay có thêm phần hội và tiệc tùng tại các palei (làng) của người Chàm.

le-hoi-kate5
Một thầy Chàm tại đền Po Klong Girai

Rất nhiều người, ngay cả người Chàm cũng nhầm tưởng Kate là ngày Tết của họ, như người Kinh đón Tết Nguyên Ðán. Thực sự không phải như vậy. Kate là lễ hội của người Chàm theo tín ngưỡng Balamon. Với những người theo tín ngưỡng Bà Ni hay Islam họ không đón Kate. Với người Chàm ở vùng Ninh Thuận, Bình Thuận lễ Rija Nugar có thể được coi là ngày lễ đón năm mới. Ðó là thời điểm giao mùa, từ mùa khô chuyển sang mùa mưa. Nó tương đồng với lễ hội Chol Chnam Thmay của người Khmer và lễ hội Songkran của người Thái (Thái Lan) diễn ra vào khoảng tháng Tư Dương lịch. Nhưng vào những ngày diễn ra Kate, bất kể là người Bà Ni hay Islam hay người Kinh đều được chào đón tại các gia đình của người Chàm Balamon.

Cứ thường niên vào ngày 1 tháng 7 theo Chàm lịch (tức là vào khoảng cuối tháng 9 đến giữa tháng 10 Dương lịch) sẽ diễn ra lễ hội Kate. Người Chàm ở Ninh Thuận mở hội trước, rồi sau đó các làng ở Bình Thuận sẽ tiếp nối khai hội. Ðặc biệt trong năm nay, cả ở Ninh Thuận và ở Liên Hương (Tuy Phong, Bình Thuận) cùng diễn ra lễ hội Kate trùng ngày.

le-hoi-kate3
Lễ vật được bày biện quanh đền tháp chính Po Klong Girai

Một người làm trong Ban tổ chức lễ hội Kate ở làng Hữu Ðức (tiếng Chàm là Hamutanran) cho chúng tôi biết, họ vô cùng lo lắng vì trước đó sắp đến ngày Kate thì bỗng dưng ông Ðỗ Mười, cựu lãnh đạo chính quyền CSVN lăn đùng ra chết. Họ thấp thỏm vì chẳng biết ngày quốc tang của ông Mười có trùng với ngày khai hội Kate hay không. Vì nếu trùng ngày thì bao nhiêu công sức diễn tập của các cháu học sinh cho các màn múa sẽ được diễn ra tại sân vận động coi như hủy bỏ. Rất may, nhà cầm quyền tổ chức quốc tang trong hai ngày 6 và 7 tháng 10, trong khi lễ hội Kate diễn ra vào ngày 8 và 9. Các màn múa hát vẫn được diễn ra đầy đủ.

Lễ hội Kate được diễn ra trong ba ngày. Ngày thứ nhất là phần rước Y trang. Theo truyền thuyết, vua Chàm sau khi thất trận đã bỏ chạy lên vùng đồi núi để trốn tránh sự truy đuổi của kẻ thù. Ông mất đi và để lại cho người sắc tộc Raglai bộ hoàng bào của mình. Từ đó hàng năm, người Chàm tái hiện lại nghi thức nhận lại Y trang từ người anh em Raglai như để tưởng nhớ đến vị vua đã có công chống giặc ngoại xâm, nhằm giữ yên bờ cõi.

le-hoi-kate2
Mọi khoảng trống trên đền tháp Po Klong Girai đều được tận dụng để bày biện lễ vật.

Mặc dù nghi thức mang nhiều ý nghĩa giáo dục con cháu nhưng nó lại thực hiện trong thời gian rất ngắn ngủi. Tại Ninh Thuận, tất cả các làng Chàm đều tề tựu về làng Hữu Ðức (Palei Hamutanran) để cùng nhau đi rước Y trang. Các chức sắc Chăm sẽ chuẩn bị sẵn võng kiệu, lễ vật dẫn đầu đoàn rước từ ngôi đền thờ Po Klong Girai trong làng đến một nơi đã được dựng sẵn ở cuối thôn. Tại đó, họ sẽ  nhận Y trang từ những người anh em Raglai. Sau một số nghi lễ, đoàn rước lại quay trở về đền Po Klong Girai ở trong làng. Buổi rước Y trang chấm dứt ở đó.

Cũng trong ngày rước Y trang, bất chấp cái nắng chói chang của xứ Phan Rang, người  dân ở đây tổ chức trình diễn văn nghệ ngay tại sân đá banh của làng. Múa hát và nghi lễ rước Y trang được diễn ra song song cùng với nhau. Sau khi rước Y trang xong, người dân kéo nhau về sân đá banh để coi trình diễn văn nghệ.

le-hoi-kate1
Là sắc tộc theo chế độ mẫu hệ nên việc cúng kiếng thần linh, tổ tiên đều phải do những người phụ nữ đảm trách

Ðối với người Chàm, ngày “đi lên tháp” được coi là phần chính của lễ hội. Trong ngày “đi lên tháp” gia đình nào mang lễ vật lên cúng cho thần linh, tổ tiên thì phải chuẩn bị trước. Lễ vật nhìn chung không quá đa dạng, mà gồm những thứ như: Thịt gà, chuối, trầu, cau, rượu, bánh, trái cây, thuốc lá…Lễ vật được bày biện khắp trên các khoảng đất trống của đền tháp, rồi theo thứ tự từng gia đình sẽ mang lễ vật của mình lên tháp. Các chức sắc Chăm sẽ thay họ đọc những lời khấn gởi lên với thần linh, tổ tiên.

Do bị ảnh hưởng của người Kinh nên tại đền tháp Po Klong Girai còn có thêm hiện tượng người dân mang tiền đến nhờ chức sắc đọc lời khấn cúng vái. Số tiền đó sẽ được bỏ vào trong “hòm công đức” để sử dụng vào việc riêng.

le-hoi-kate
Lễ rước Y trang

Trong ngày “lên tháp” nhiều cô gái Chàm thi nhau khoe chiếc áo diêm dúa, sặc sỡ của mình. Trong khi các chàng trai cũng khoe chiếc áo đẹp và cái xà-rông được quấn kỹ càng. Họ chụp những tấm hình bên đền tháp để lưu lại tuổi thanh xuân, khoảnh khắc của thời gian.

Ngày thứ ba trong lễ hội Kate được diễn ra ngay tại làng, từng gia đình sẽ làm lễ mời tổ tiên về vui vầy cùng con cháu. Trong ngày này, mỗi làng Chàm đều có các hình thức vui Kate khác nhau. Người Chàm đặc biệt hiếu khách, cho dù bạn là khách lạ nhưng đến vào ngày này cũng sẽ được tiếp đón nồng hậu.

NTT

Nha Trang – VN