Đối với không ít người khi đến tuổi 40 – nhất là những người chưa được công thành danh toại – hẳn sẽ lo nghĩ rất nhiều. Họ thức thâu đêm, chân gác lên trán suy ngẫm về cuộc đời kém may mắn của mình. Họ băn khoăn và cố sức đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi: Tại sao đời mình lận đận đến dường này trong khi hầu hết những người cùng độ tuổi đã an vị ở một “tư thế” đáng nể hơn? Nhưng thật ra tuổi 40 vẫn… trẻ chán để mơ ước và còn khối hy vọng cũng như thời gian để đạt được thành công.

Thử nhìn lại lịch sử, những ai ở tuổi tứ tuần đang mang tâm trạng lo ngại sẽ khám phá rằng có vô số nhân vật mà bây giờ được sách vở tôn vinh là thiên tài chỉ “tự khẳng định” khi họ bước sang tuổi 40. Howard Florey chỉ bắt đầu viết thêm một trang mới cho lịch sử y học khi ông tìm ra được cách sản xuất hàng loạt penicillin. Lúc ấy, Florey vừa mừng sinh nhật thứ 40. Hay như Ronald Ross phát giác sự có mặt của ký sinh trùng sốt rét trong bụng muỗi anopheles năm 1897 và giật được giải Nobel y học khi tròn 45 tuổi.
Sherpa Tenzing Norgay ở độ tuổi 40 – cùng với Edmund Percival Hillary – đã đường hoàng vác balô băng rừng vượt núi để rồi cuối cùng ngạo nghễ đứng trên đỉnh Everest đụng mây xanh, trở thành nhân vật đầu tiên trên hành tinh chinh phục ngọn núi cao nhất thế giới. Hoặc như Ferdinand Magellan chu du thiên hạ biết đó biết đây mà cũng được lưu danh ngàn đời trong lịch sử địa lý học khi ông trên đường đến Cape Horn, lúc mới 40 xuân tròn. Khi đã 46, Juan-Manuel Fangio vẫn còn dư sức phóng xe bạt mạng để giật được giải Grand Prix vào ngày 4-8-1957. Còn Arthur Gore thì ôm cúp vô địch giải quần vợt Wimbledon khi đã 41.

Thuở xa xưa, ông hoàng Marcus Aurelius đã nắm trọn được đế chế La Mã vào năm 161 sau Công nguyên, khi mới 40 tuổi! Năm xấp xỉ 40, Napoléon Bonaparte đã đem quân chinh phục toàn bộ châu Âu. Winston Churchill – nhà hùng biện tài ba đến độ đoạt cả giải Nobel văn chương năm 1953 – bước vào sân khấu chính trị với cương vị đảng viên đảng Bảo thủ khi mới 26 tuổi; năm 32 đã hoàn thành tác phẩm Lord Randolph Churchill và khi chưa vượt hết độ tuổi 40 thì bắt tay viết tiếp The World Crisis, 1916-1918. Kẻ độc tài lừng danh số một thế giới – Adolf Hitler – trở thành kẻ lãnh đạo đệ tam đế chế của Ðức quốc xã lúc chỉ vừa ở tuổi 45. Francisco Franco trở thành tên độc tài Tây Ban Nha năm 47 tuổi. Thời hiện đại, ông Bill Clinton đã đắc cử tổng thống thứ 42 của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ khi mới 47.
Chưa hết, William Fox Talbot đã khám phá nguyên lý chủ yếu của nhiếp ảnh khi mới 40. Enrico Fermi thực hiện thí nghiệm phản ứng dây chuyền hạt nhân trong tình trạng kiểm soát được lúc 41 tuổi. Michael Faraday sáng chế máy phát điện lúc cũng vừa hết tuổi 39. Cũng ở độ tuổi 40, Robert Oppenheimer đã làm giám đốc phòng thí nghiệm Los Alamos – nơi cho ra đời quả bom nguyên tử đầu tiên. Ông trùm Aristotle Onassis mua cả một đoàn tàu khổng lồ khi mới 40. Henry Ford sáng lập công ty Ford Motor lúc vừa được 40 tuổi thôi. Năm 1991, khi vừa 45 tuổi, quí ông Robson Walton đã dựng lên tất cả 1,737 siêu thị Wal-Mart trị giá đến 44 tỷ USD.
Ở lĩnh vực văn học, Thomas Carlyle viết tác phẩm The French Revolution lúc mới 42 (mà nàng hầu gái đểnh đoảng lại đem nhóm lửa, để rồi Carlyle có dịp sử dụng trí nhớ siêu việt của mình viết lại nguyên văn tác phẩm kinh điển ấy). James Joyce lau bút mãn nguyện sau khi hoàn tất tác phẩm Ulysses lúc cũng vừa 40. George Bernard Shaw hoàn thành thiên tình sử Caesar and Cleopatra năm mới 45, rồi hai năm sau tung ra tiếp tác phẩm triết học Man and Superman, chưa kể vở hài kịch vĩ đại Arms and the Man được Shaw cho ra đời khi mới 42. Thi hào, kịch sĩ kiêm kịch tác gia vĩ đại nhất nước Anh – William Shakespeare – viết xong Othello năm mới 40 tuổi, viết tiếp Macbeth khi 42 và ngay năm sau đã bắt tay thực hiện Antony and Cleopatra (chưa kể các tác phẩm khổng lồ khác như As you like it, Twelfth Night, Hamlet được viết trong những năm ở độ tuổi 30!). Ðại văn hào Mỹ Nathaniel Hawthorne gây sóng gió với tác phẩm bất hủ The Scarlet Letter năm mới 46 tuổi (mà hồi năm 1995, đạo diễn Roland Joffé cùng kịch tác gia Douglas Day Stewart đã dựng thành bộ phim cùng tên với hai tài tử Demi Moore và Gary Oldman).

Một trong những triết gia gây ảnh hưởng thế giới – Friedrich Wilhelm Nietzsche – đã viết Thus Spake Zarathustra khi ông vừa 40 và năm 42 tuổi cho ra đời tiếp tác phẩm Beyond Good and Evil. Sigmund Freud lặng lẽ khám phá thế giới bí ẩn của tâm lý con người và cho ra đời tác phẩm The Interpretation of Dreams năm mới 44. Jean-Paul Sartre viết xong Les Chemins de la liberté lúc tròn 40. René Descartes chiêm nghiệm về tư duy con người thể hiện trong Discours de la méthode năm ông chỉ mới 41. Voltaire viết xong Lettres philosophiques khi vừa 40. Thiên tài hài kịch Molière làm người ta cười ra nước mắt với tác phẩm L’Ecole des Femmes khi tròn 40. Và Johann Wolfgang von Goethe đã đưa ra cho nhân loại thấy thế nào là cái đẹp và sức mạnh với tuyệt phẩm thi ca Hermann and Dorothea năm ông 48 tuổi.
Nhà soạn nhạc Johann Sebastien Bach đã làm vô số quý bà khóc nức nở với tác phẩm Passion according to St Matthew được cho ra đời năm 44. Tuổi tứ tuần cũng là giai đoạn sáng tác và trình diễn sung mãn nhất đối với cây violin người Ý Niccolò Paganini. Và năm 46 tuổi, họa sĩ tranh Thánh vĩ đại thời Trung cổ Hans Memling (hay Hans Memlinc) đã vẽ xong hai bức lưu truyền hậu thế The Mystic Marriage of St Catherine và Adoration of the Magi.
Như vậy, chẳng có gì đáng phải lo lắng lắm khi trải qua 40 năm cuộc đời – với “20 năm đầu sung sướng không bao lâu” rồi “20 năm sau sầu vương cao vời vợi”; hoặc thậm chí ngấp nghé 50 mà cuộc đời vẫn chưa bừng sáng. Biết đâu được, khi vận may gõ cửa đúng lúc thì “phất” mấy hồi. Nhưng có thể ai đấy lại than phiền rằng bây giờ vẫn lận đận lắm, thậm chí còn chưa biết… đi xe đạp nữa là chuyện “lên voi”. Cũng chẳng thành vấn đề nốt: Lev Tolstoy chỉ bắt đầu tập đạp xe đạp lúc đã 66 tuổi, rất lâu sau khi cụ đã hoàn thành Chiến tranh và hòa bình năm 41 và bắt tay viết tiếp Anna Karenina khi vừa 47 tuổi đời!
MK
Westminster, CA-