Một ngày cuối tháng 9, 2018 vừa qua, những người của “Mùa thu Paris” và “Mùa thu Cali” đã gặp gỡ nhau một cách tình cờ trong một tao ngộ rất thu, rất nghệ thuật ở Việt Báo Gallery, thành phố Little Saigon. Họ là nhà văn Đặng Mai Lan, Phan Thị Trọng Tuyến và Lê Tài Điển của Paris đến Cali trong chủ đề ra mắt sách và triển lãm “Viết và Vẽ”.

Khách thưởng ngoạn tranh đã có dịp xem những bức tranh trừu tượng của HS Lê Tài Ðiển trong chủ đề “Những bức tường nhân gian”. Phần giới thiệu sách, nhà thơ Trịnh Y Thư chủ trương nhà xuất bản Văn Học Press, đã ưu ái trình làng tác phẩm mới của nhà văn Ðặng Mai Lan “Người lạ, người quen” và “Hồng đăng ở Amsterdam” của Phan Thị Trọng Tuyến. Trong các quan khách có sự hiện diện của nhiều nhà văn, nhà thơ và hoạ sĩ như Nhã Ca, Thành Tôn, Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Hồ Như, Nguyễn Thị Khánh Minh, Nguyễn Thị Ngọc Lan, Kiều Chinh, Phạm Quốc Bảo, Huy Phương, Trịnh Cung, Nguyễn Ðình Thuần, Phan Chánh Khánh, ca sĩ Thu Vàng v.v.
Nhắc đến Phan thị Trọng Tuyến và Ðặng Mai Lan, bạn đọc ở hải ngoại vào thập niên 1980, 1990 đã từng quen thuộc với hai ngòi bút nữ này. Không biết do cơ duyên nào mà họ đã cầm bút trở lại, có lẽ như cụ Nguyễn Du đã nói “Ðã mang lấy nghiệp vào thân” thì khó bỏ. Hay như nhà văn Trịnh Y Thư đã phát biểu trong buổi khai mạc Ra Mắt Sách:

– Chị Mai Lan và Trọng Tuyến là những người lớn lên cùng một thế hệ. Sau 75, ra nước ngoài tuy gặp phải khó khăn mưu sinh vẫn đam mê văn chương và viết cho đến bây giờ. Tôi xin mượn câu nói của một nhà văn Nga làm ví dụ cho trường hợp này, “Những người cầm bút sống tha hương giống một nhà làm xiếc đi dây, mà không có cái gì đỡ hay bảo vệ bên dưới”. Ý nói vật bảo vệ chống đỡ ấy chính là mảnh đất quê hương. Là dòng sông, kỷ niệm, tập quán, ngôn ngữ, người thân, hiện hữu ở chung quanh. Tuy thiếu cái vốn sống lâu dài trên quê hương, họ vẫn viết và không bỏ được sự đam mê của người cầm bút vì nó đã nằm trong tiềm thức và sẽ tiếp tục đeo đẳng họ cho tới ngày nhắm mắt.
Nhà văn Ðặng Mai Lan cũng khôi hài đổ thừa cho ông chủ nhà xuất bản Trịnh Y Thư là kẻ bỏ bùa cho hai chị em Ðặng Mai Lan và Phan thị Trọng Tuyến phải “Ðốt lò hương cũ”, nên họ đã viết và in sách”. Vì thế “Người lạ, người quen” và “Hồng đăng ở Amsterdam” ra đời, Ðặng Mai Lan thêm, “Với chị Phan thị Trọng Tuyến thì đó là quà tặng cho sự nghiệp văn chương của chị, và chị có nhã ý tặng lại cho chúng ta”.

Tiểu sử sơ lược của Đặng Mai Lan
Sinh tại Đà Nẵng. Sau 78 qua sống ở Pháp đến nay. Từng viết cho tuần báo Tuổi Ngọc và nhật báo Công Luận trước 75. Sau 1991 cộng tác với các tạp chí ở hải ngoại Văn, Văn Học, Thế Kỷ 21, Phụ Nữ Diễn Đàn. Tác phẩm: Phòng 111, 2000, Tập sống, 2009, Người lạ, người quen, 2018.
Riêng đối với Họa sĩ Lê Tài Ðiển, đây không phải là lần đầu ông có mặt tại Cali, ông đã có một buổi chào đón bởi các thân hữu ở đây năm 2012 nhân một buổi ra mắt sách “Những mảng rời” của ông. Ông sang đây lần này để đích thân trao tận tay tác phẩm của ông cho nhà văn Hoàng Thị Bích Ti, người mua tranh của ông, mà cũng là một nhà văn mà ông quý mến. Tuy nhiên có một động lực mãnh liệt bắt ông phải đi là tình bằng hữu, đồng môn đã thúc đẩy ông đi. Qua Cali ông sẽ gặp lại nhà văn Nhã Ca, Nguyễn Xuân Nghĩa và các bạn hữu ngày xưa trong Hội Họa Sĩ Trẻ như Trịnh Cung chẳng hạn.
Tôi có hỏi ông về phong cách vẽ của ông và được ông cho biết sau khi học và tốt nghiệp ở Ðại Học Mỹ Thuật Huế, ông qua Pháp tiếp tục vẽ và sinh sống. Ông có hoạt động trong Hội Họa Sĩ Trẻ với Trịnh Cung và Ðinh Cường là bạn thiết. Ngày đó phải nói là phong cách hội họa Pháp ảnh hưởng đến tâm thức của những sinh viên học sinh VN. Ra trường ông vẽ theo phong cách hàn lâm của trường ốc nhưng tự hỏi có nên đi con đường đó hay không rồi tự mình tìm một hướng đi riêng cho mình và ông chọn trừu tượng. Lần này ông mang theo một số tranh nhỏ vì phương tiện di chuyển không cho phép.

Tiểu sử sơ lược của Lê Tài Điển
Sinh tại Mỹ Tho, tốt nghiệp Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế và Cao Đẳng Mỹ Thuật tại Pháp về điêu khắc và trang trí. Năm 1974, cùng nhà báo Viên Linh thực hiện tờ Thời Tập. Đã sinh hoạt trong Hội Hoạ sĩ Trẻ cùng thời với HS Đinh Cường, Trịnh Cung, Nguyên Khai v.v. Có tranh triển lãm ở Pháp và Việt Nam. Các giải thưởng từng đạt: Giải nhất “4eme Rencontre Internationale de peinture” tại Turin, Ý, 1967 và giải ba “Grand Prix de New York”, Mỹ, 1968.
Nhà văn Ðặng Thơ Thơ của Da Màu đã hỏi Ðặng Mai Lan về việc tại sao bà đổi sang thể tạp văn thay vì truyện ngắn như trước đây và theo bà thì thế nào là một tạp văn hay và có tiêu chuẩn nào để xác định không? Ðặng Mai Lan:
–Nếu Ðặng Thơ Thơ hỏi viết tạp văn dễ hay khó thì Mai Lan có thể trả lời ngay. Còn thế nào là một tạp văn hay thì quan điểm do ở người đọc. Hơn nữa, không có một thước đo nào để xác định là cuốn này hay, cuốn kia dở cả, có nhiều cuốn hay mà không có ai mua ngược lại dở mà bán rất chạy. Do đó Ðặng Mai Lan không thể trả lời Ðặng Thơ Thơ câu này được. Kỳ này chị chuyển qua tạp văn vì chị không thích thể tạp ghi vì nhiều người viết quá rồi. 14 khuôn mặt trong cuốn này đều là khuôn mặt thật được chuyển thành văn chương. Ðối thoại cũng thật luôn.
Ðặng Thơ Thơ cũng hỏi Phan Thị Trọng Tuyến về tác phẩm “Hồng đăng ở Amsterdam” của bà.

Tiểu sử sơ lược của Phan Thị Trọng Tuyến
Sinh tại Bến Tre, sau 75, sống tại Pháp đến nay. Bắt đầu viết tại hải ngoại 1984, cho các báo, tạp chí và báo văn học nghệ thuật tiếng Việt ở Pháp, Mỹ, Canada… (Đồng Nai, Văn, Văn Học, Hợp Lưu, Việt Báo, Viễn Đông…). Tác phẩm: Mùa hè một nơi khác, 1986, Một trang đời, 1988, Mùa xuân và những con dã tràng, 1995, Những mảng rời, tuyển tập tranh Lê Tài Điển, thực hiện với Lê Tài Điển và các bạn văn, 2012, Trần Văn Thạch, cây bút chống bạo quyền áp bức, với Trần Mỹ Châu, 2014, Hồng đăng ở Amsterdam, 2018.
–Nhà văn Trịnh Y Thư có nói tác phẩm của chị là một chiếc cầu không-thời-gian nối liền những mảnh không gian và thời gian khác nhau. Theo em nó còn có một chiều kích khác như những mảnh đời của người tị nạn mà chị viết về những người VN đi vượt biên trong “Trăng Ðảo”. Trong “Hồng đăng”có những người sống trong Xã Hội Chủ Nghĩa đã phải trả tiền để được đi lao động ở các nước như Hòa Lan, Ðông Ðức. Kết cuộc có những cô gái phải đi vào hồng đăng ở Amsterdam. Những mảnh đời đó có những trải nghiệm khác nhau nhưng nỗi đau giống nhau. Câu nói mà 2 cô gái trong lầu hồng nói với nhau tỏ rõ một điều. Họ nghĩ rằng họ đã khổ quá rồi không thể khổ hơn thế nữa. Em cảm thấy nỗi đau này không chỉ là nỗi đau của 1, 2 cá nhân mà là nỗi đau của cả một dân tộc, một tập thể. Có phải đây là động lực chính thúc đẩy chị viết tác phẩm này không?
– Nghe Ðặng Thơ Thơ nói, chị rất cảm động vì có thể nói đây là lần đầu tiên nghe được một người có được sự đồng cảm với tác giả như vậy. Em mới đọc sách hôm qua mà em nói rất đúng. Những chuyện này chị biết khi qua thăm các nước Ðông Âu, chị bắt gặp những người VN đó ở Amsterdam. Chị chắc chắn 2 cô đó là người VN từ miền Bắc sang. Chị hy vọng khi viết chị lột tả được hết nỗi khổ đó vì rất khó để lột tả, vì không có gì khổ hơn nữa. Khi tiếp xúc với họ, chị rất xúc động.

Ðặng Thơ Thơ nói thêm,
–Chị nói là không lột tả được nhưng em là người đọc, em cảm thấy rất xúc động. Có lúc em thấy như chị thảy em vào hoàn cảnh đó, việc đó, vai trò hay số phận của nhân vật, mà mình cũng không biết mình sẽ ứng phó thế nào trong hoàn cảnh ấy. Theo nhận xét của em trong cuốn truyện rất dày này, chị có nét miêu tả nhân vật rất linh động. Sự cảm thông của chị vừa sâu sắc, vừa thiết tha với cuộc sống và chị có một bút lực dồi dào và mạnh mẽ. Chị có nghĩ, sẽ viết một cuốn tiểu thuyết khác trong tương lai không?
-Tương lai rất khó biết, chuyện quá khứ qua rồi nói dễ hơn. Sống trên đời mình còn chứng kiến rất nhiều chuyện, nhất là khi mình xúc động mà xúc động đủ để viết ra thì chắc là còn nữa.


Bạn đọc có thể mua sách trực tiếp ở Amazon.com:
Hồng đăng tại Amsterdam của Phan Thị Trọng Tuyến link:
Người lạ, người quen của Ðặng Mai Lan link:
TTT
Orange County – CA