Menu Close

Một mắt và hai mắt

Hầu hết chúng ta đều nhìn đời qua cả hai mắt. Nhưng khi nào chúng ta chụp hình thì chúng ta dùng một mắt.

Tôi muốn khuyến khích bạn đảo ngược thói quen này.

mot-mat-va-hai-mat2

Tại sao nhìn thế giới với một mắt?

Trong phần lớn thị trường nhiếp ảnh phổ thông, các loại máy ảnh chỉ mang một ống kính. Chúng không có “hai mắt” như con người. Chúng thâu hình qua một ống kính (con mắt) duy nhất, và đó là lý do tại sao ảnh kết quả luôn luôn bị thiếu chiều sâu.

Nhưng khi bạn nhìn qua hai ống kính, như nhìn qua ống dòm, bạn sẽ nhận thấy thêm chiều sâu trong khung cảnh. (Ðó là tại sao chúng ta nhìn với hai mắt. Ðiều này giúp chúng ta nhận thấy chiều sâu và khoảng cách giữa những vật thể.)

Với một mắt nhắm lại, chúng ta sẽ thấy cảnh vật hai-chiều giống như máy ảnh thấy.

Ðiều này có thể giúp bạn hình dung tấm hình trước khi chụp. Khi bạn dùng một mắt, bạn sẽ thấy mối quan hệ giữa các vật thể trong tầm nhìn một cách khác biệt. Kỹ thuật này cũng sẽ giúp khi bạn chụp ảnh chân dung, hoặc chụp bất cứ chủ thể nào bạn muốn tách rời khỏi hậu cảnh.

Với cả hai mắt đều mở, có lẽ bạn sẽ không chú ý những sơ sót như… có một vật gì ‘mọc’ từ trên đầu của nhân vật chính. Nheo lại một mắt sẽ cho bạn thấy những chi tiết đó dễ hơn.

Hãy làm thí nghiệm này

Ðưa ngón trỏ ra và chỉ thẳng tay ra phía trước về hướng một cái ly (hoặc vật gì tương tự) nằm cách bạn khoảng hai ba thước. Nếu bạn nhìn nó với cả hai mắt bạn sẽ vẫn thấy cái ly đó. Nhưng nếu bạn nheo một mắt lại, bạn sẽ ‘giấu’ nó sau ngón trỏ của bạn.

mot-mat-va-hai-mat1

Nhắm một mắt và đưa bàn tay ra để che mặt trời sẽ giúp bạn thấy mây đang bay tới đâu, và nếu có cụm mây nào sắp sửa che mặt trời.

Như bạn càng làm quen với cách làm việc của phương pháp này, bạn sẽ bắt đầu nhìn qua ống kính một cách khác. Biết rõ sự hạn chế cảm nhận chiều sâu khi nhìn qua một mắt và một ống kính sẽ giúp bạn đặt máy ảnh ở địa điểm một cách chính xác hơn.

Bằng cách di chuyển máy ảnh lên, xuống, qua trái, phải, bạn có thể loại đi những thứ bạn không muốn ra khỏi khung ảnh.

Tại sao nhìn qua ống nhìn máy ảnh với cả hai mắt?

Với cả hai mắt đều mở, bạn sẽ nhận thức nhiều hơn những gì đang diễn ra xung quanh bạn. Khi bạn nhìn thấy một chủ thể thú vị trong lúc nhìn qua ống kính, bạn sẽ dễ dàng bị lôi cuốn và có thể sẽ không thấy những chuyện hay khác đang diễn ra xung quanh.

Bạn sẽ có thể “canh” thời điểm chụp tốt hơn khi bạn quan sát được những gì sắp bước vào khung hình (và bố cục) của bạn. Với cả hai mắt mở, bạn có thể thấy được ai sắp bước vào khung và lúc đó bạn có thể lựa chọn nếu bạn muốn cho người đó vào trong hình của bạn sắp chụp hay không.

mot-mat-va-hai-mat

Khi bạn mở cả hai mắt, bạn sẽ khó tập trung vào những gì bạn thấy qua ống nhìn hơn. Học cách phân chia  thị lực của hai mắt riêng biệt là một thử thách. Như bất cứ cái gì bạn muốn học, bạn phải thực tập. Ngay cả khi bạn không đang chụp hình, bạn vẫn có thể tập mở mắt phụ trong khi mắt chính của bạn đang nhìn vào ống nhìn. Bạn tập càng nhiều thì hành động này càng trở nên quán tính.

Kết luận

Ða số những người làm được bất cứ chuyện gì giỏi một cách phi thường thì hơi lạ – và đôi khi còn bị xem là kỳ nữa. Nhắm một mắt để nhìn cảnh vật và rồi mở cả hai mắt khi nhìn qua máy ảnh có thể bị xem là chuyện kỳ lạ. Nhưng bạn đừng quan tâm người ta nghĩ gì.

Hai kỹ thuật nói trên sẽ cần một thời gian để làm quen. Nhưng một khi bạn đã quen rồi, bạn sẽ nhìn thế giới một cách khác chụp hình thế giới đó tốt hơn.

AN