Ở Việt Nam, cưới không cần mùa, lúc nào cũng có thể cưới. Nhưng dù là đám cưới kiểu nào thì sự kiện ‘sáo sổ lồng, sáo sang sông’ thường mang tới sự mới mẻ, thuận lợi, đông vui cho những người liên quan, và cả khu phố, cơ quan, làng xóm nơi ‘đôi trẻ’ công tác, cư trú.

Ðám cưới rình rang nổi trội, quy tụ nhiều người đẹp nhất là đám cưới hoa hậu, người mẫu, ca sĩ, diễn viên, cầu thủ nổi tiếng. Ðám cưới ‘bội thu’ nhất là đám cưới hoàng gia ‘đỏ’. Ðám cưới ‘xanh vỏ đỏ lòng’ là đám cưới có yếu tố ngoại quốc, ngoại kiều. Ðám cưới hiếm hoi là đám cưới người đồng tính, người có cuộc sống tính từng ngày. Ðám cưới thương nhất là đám cưới người khiếm thị, tật nguyền. Ðám cưới bí mật nhất là đám cưới người trái cựa, ‘ngoài luồng’ (không loại trừ tội phạm đang bị truy nã)… Tuy nói cưới không cần mùa nhưng theo thông lệ thì cứ khi trời trở lạnh, bớt mưa, từ đầu tháng 11 kéo dài luôn tới Tết cổ truyền, là thời điểm dịch cưới bùng phát mạnh nhất. Anh Lư- làm bảo vệ xí nghiệp, mặt mũi thiểu não, nói như khóc: ‘Không đi thì nó dọa cạch mặt không chơi mà đi thì chết dở. Lương bốn triệu, ba cái đám cưới mất đứt triệu rưỡi, còn đâu tiền chợ, điện nước, đóng hụi, gửi về quê’. Một giáo viên trung học- chị Kiều Mai- cũng than gia đình bốn người, lãnh ba thiệp cưới. Ông bà già chung một thiệp. Vợ chồng chị một thiệp. Thằng con lớn một thiệp…Rồi có đi hay không? Phải đi! Ði đám cưới mà dùng chữ ‘phải’ nghe mệt quá! Mệt nhưng cái lệ là vậy. Mình không đi nó, mai mốt mình mời, nó cũng không đi mình…Chuyện cưới hỏi, té ra không phải chỉ toàn vui. Nhìn từ góc độ khách mời đã ‘oải’, vào vai nhà đám càng ‘oải’ hơn.

Trước khi tổ chức cưới vài tháng, nhà đám có khối việc phải lo. Trước tiên là lo tiền. Nếu cô dâu chú rể, nhất là chú rể, có nghề nghiệp, thêm cha mẹ khá, họ hàng đông thì việc cưới xin tạm ổn, có thể nói một cách tự tin: ‘Anh nghèo nhưng họ anh đông. Mỗi người một đồng cũng đủ cưới em’. Lo thứ hai là lo lên danh sách khách mời, in thiệp. Những người có vai vế, chức tước, những người do nghề nghiệp mà quan hệ rộng là khổ nhất. Bỏ sót một người không phát thiệp có thể làm mất lòng, gây thù oán, mà mời ‘tất tần tật’ thì bị mang tiếng kinh doanh đám cưới. Xong vụ thiệp, tới lo ‘sân khấu’, ‘đạo cụ’, nhân viên hậu đài, quân hầu, tì nữ… Ngoài ‘đôi trẻ’, cả ‘đôi già’ cũng tham gia ý kiến để rồi hờn giận, khóc lóc, năn nỉ, bóp trán đau đầu, nâng lên hạ xuống… Với quan niệm đời người một lần, ai cũng muốn ‘không hơn thì ít nhất cũng không thua nó (nhà nó, họ nhà nó…)’ dù vì thế sau này có thể vừa kéo cày trả nợ vừa chì chiết nhau dai dẳng. Chủ tiệm ảnh cưới Quốc Vinh ở Tân Uyên- Bình Dương cho biết càng gần cuối năm đám cưới càng nhiều. Thợ thầy ngày đi quay ngoại cảnh mệt đừ, đêm về thức suốt, chỉnh sửa, lên album cưới. Ai cũng trắng dờ con mắt. Một bộ ảnh cưới thường gồm hai album, một album chụp ngoại cảnh trước khi cưới, một album chụp ngày đón dâu, đãi tiệc. Giá cả từ 2 triệu tới 10 triệu, thậm chí vài chục triệu do ngoại cảnh xa hay gần, dễ hay khó, thực hay giả, số hình chụp ít hay nhiều. Khi giao ảnh, ngoài hai album chính, nhà đám được khuyến mãi một ảnh cô dâu chú rể khổ lớn 40×60 để dựng trước nhà hàng hay trước cổng chào (giúp khách đi đám khỏi lộn trong trường hợp nhiều đám cưới tổ chức cùng lúc tại cùng một nhà hàng lớn).

Ngày mong đợi cuối cùng cũng đến. Không biết từ bao giờ thói quen chơi giờ dây thun đã hình thành. Chỉ biết ai cũng ghét nhưng bỏ không được. Tiệc trưa mời 11 giờ, tiệc tối mời 18 giờ, khách tới trễ một tiếng là chuyện bình thường. Càng người có vai vế, người đẹp, người nổi tiếng càng cho mình quyền tới trễ. Nhà quê, vườn rộng, đám cưới dễ xoay trở. Cảnh dẫn cưới, rước dâu đi trên đường làng lên ảnh rất ‘bắt’, việc che rạp đãi ăn cũng thoải mái, khách cao hứng hát hò văn nghệ, dù gào to, gào cả đêm thì chỉ khổ tai trâu bò gà vịt chứ không mấy khi bị hàng xóm cằn nhằn, hỏi tội. Hiện tại, các gia đình miệt vườn miền Tây, nếu có điều kiện kinh tế, đám cưới vẫn đãi hàng ngàn khách, ăn uống vui chơi hai ba ngày liền. Cỗ cưới khoán cho dịch vụ. Một phần ăn thường 5, 6 món. Tùy phẩm chất mà dao động từ 150,000 đồng tới 200,000 đồng. Bia, nước ngọt tính riêng. Ở thành phố do nhà cửa chật chội, đám hỏi đám cưới đều tổ chức ở nhà hàng. Khách 10 người ngồi thành bàn, cụng ly côm cốp, nói chuyện rào rào, ban nhạc chơi vài bài lả lướt trước khi anh MC hắng giọng ‘Kính thưa hai họ cùng…cái lọ độc bình’. Y phục đi đám cưới, nam ít khi complet-cravate dù phòng ăn có máy lạnh. Nữ ‘lên’ đồ đầm. Nhân vật nổi bật nhất đám cưới đương nhiên là cô dâu. Khi xuất hiện, cô dâu luôn bị săm soi bình phẩm kỹ càng về dung mạo, trang phục, cách đi đứng, ăn nói….Vì vậy, phải tập dượt, phải ‘lên đồ’ cho ‘chiến đấu’, mình mẩy tóc tai càng ‘chiếu chiếu’ càng chứng tỏ đẳng cấp. Như một cô dâu miệt vườn Ngũ Hiệp- huyện Cai Lậy (Tiền Giang) đã trình làng với cổ tay nặng trịch bộ vòng ‘xi men’ ba cây vàng 24k (38 triệu một cây). Mười ngón tay…Chúa ơi, hơn chục chiếc nhẫn vừa trơn vừa nạm hột đá quý, vừa mầu vàng, vừa mầu trắng sáng lóa (vàng trắng và vàng tây 18k giá bằng nhau, 25 triệu một cây). Chưa kể cổ, tai…Nói tóm lại, toàn thân cô là một cây vàng biết đi. Nhà giầu thì oanh liệt vậy. Nhà thường thường, thậm chí nghèo, ngày hôn lễ vẫn đủ nữ trang, cô dâu chú rể vẫn áo dài, áo đầm, complet lịch sự. Tất cả đều nhờ dịch vụ cho thuê đồ cưới. Từ làm cổng chào, quần áo, nữ trang, mâm quả, đội phù dâu phù rể, trang điểm, làm tóc cô dâu, chụp hình, ban nhạc…đều có thể thuê trọn gói với giá vài ngàn đô la.

Khách dự tiệc cưới càng đông, không khí càng náo nhiệt, đám cưới càng thành công, chủ đám càng tươi tỉnh chắc ‘thắng’. Còn khách thưa, bàn trống nhiều, thùng tiền ‘nhẹ hều’ thì nhà đám thở dài, gượng gạo. Ðể đỡ gánh nặng tài chính cho nhà đám, nếu không đi, khách được mời sẽ gửi phong bì hai trăm ngàn đồng, nếu đi ‘mình ên’ ba trăm ngàn, đi hai vợ chồng năm trăm ngàn, khá nữa thì tờ 50 đô, 100 đô, tùy hỷ! Ðể cho tiện, khách hay lấy chính phong bì đựng thiệp cưới mà mình đã nhận, rút thiệp cưới ra, điền số tiền muốn cho vào đó, khi qua ‘trạm thuế’ thì bỏ phong bì vào thùng ‘mãi lộ’, coi như xong thủ tục.

Ngày cưới thường ưu tiên chọn Thứ Bảy, Chủ Nhật. Nhiều đám mời trùng giờ, trùng ngày, người được mời phải ‘phân thân’ chạy sô. Ở quê còn đỡ, ở thành phố, nạn kẹt xe trầm trọng, muốn gửi xe lấy xe rất lâu, rất khó, dân bay sô rất căng thẳng, mệt mỏi. Mệt mỏi nhưng bảo dẹp đám cưới đi, không ai đồng ý. Vì đám cưới là kết quả của tình thương, trách nhiệm người làm cha mẹ, là bằng chứng của sự chín chắn trong tình cảm, nhận thức, hành động ‘dám làm dám chịu’ của đôi lứa yêu nhau. Viết đến đây, kẻ viết bài khựng lại. Ngòi viết có phần phân vân khi đối chiếu với thực tại quê mình- Bưng Kè- Xuyên Mộc chỉ là một xã nhỏ nhưng những đám cưới học sinh trung học, hỏi ra đều do ‘ăn cơm trước kẻng’. Có đám, cưới dâu về tuần trước, tuần sau sanh. Có đám đẻ đầy tháng mới cưới. Ðám cưới ‘chạy bầu’ thật trơ trẽn khó coi. Mặc cho bố mẹ hổ thẹn, khách khứa xì xầm, cô dâu vẫn vác ‘ba lô ngược’ chào bàn vui vẻ, chú rể nhậu bí tỉ với bọn bạn vắt mũi chưa sạch. Bà mẹ chú rể tâm sự với kẻ viết bài: ‘Không thích cũng phải bấm bụng cưới. Không thì nó dọa bỏ nhà dắt nhau đi chết’.

Bên cạnh chuyện cưới xin ‘đoản hậu’ thì chuyện cưới xin ‘có hậu’ không khỏi làm ấm lòng người. Mới đây thôi, chỉ hai ba tuần trước, ở Sài Gòn. Nhân vật chính của đám cười đều lớn tuổi, tật nguyền. Do nghèo khổ, mồ côi, xa xứ… khi đến với nhau các anh các chị đã không có gì ngoài một cái gật đầu, một cái nắm tay, một giọt nước mắt cảm thương. Họ đã tổ chức đám cưới tập thể với đủ đầy lệ bộ (quần áo cưới, nhẫn cưới, bánh cưới, hoa cưới, ảnh cưới, tiệc cưới). Nhìn nụ cười sáng bừng, mãn nguyện trên những gương mặt xạm đen nắng gió, những ngón tay cùn mằn đan chặt vào nhau, dìu nhau, đẩy xe lăn cho nhau… kẻ viết bài thấy cay mắt, ước ao giá những đám cưới công nhân tập thể, đám cưới người khuyết tật tập thể kiểu này được tổ chức thường hơn, nhiều hơn để người hằng tâm hằng sản không còn sợ dịch cưới, không ‘chạy mặt’ thiệp cưới mà ngược lại dang tay bảo bọc đám cưới, chúc phúc cô dâu chú rể thực lòng, thay vì những lời chúc trăm năm hạnh phúc sáo mòn, trống rỗng…

XH
Sài Gòn – VN