Menu Close

Chuyện về Thành Cát Tư Hãn

Tuy là một nhân vật lịch sử nổi tiếng nhưng Thành Cát Tư Hãn có nhiều điều lạ lùng bí ẩn mà có thể không phải ai cũng biết, cũng như nhiều điều chúng ta có lẽ sẽ không bao giờ biết được. Chẳng hạn như…

thanh-cat-tu-han4
Kỵ binh Mông Cổ tấn công. nguồn: xici.net

Đông Con

Thủ lãnh Mông Cổ Genghis Khan, tức Thành Cát Tư Hãn, được biết đã có rất nhiều con với vô số phụ nữ. Một nghiên cứu cho thấy khả năng truyền giống của ông ta gấp 10 lần một người đàn ông Á Châu trung bình. Năm 2003, một cuộc khảo nghiệm phát hiện có khoảng 16 triệu đàn ông (0.5% đàn ông trên thế giới) mang dòng máu di truyền của Genghis Khan. Ðáng kinh ngạc hơn nữa là có tới 8% đàn ông sống trong những khu vực thuộc Mông Cổ xưa mang nhiễm-sắc-thể Y của Hoàng tộc Mông Cổ, một giòng giống có mặt vào khoảng 1000 năm trước.

Thành Cát Tư Hãn sinh năm 1162, tại Mông Cổ. Ông cưới vợ lần đầu vào lúc 16 tuổi, nhưng sau đó đã có nhiều vợ và tình nhân suốt cả đời. Người vợ đầu tiên, Borte, hạ sinh bốn người con trai, và đã họ trở thành những người kế vị của Vương Triều. Trong thời Thành Cát Tư Hãn trị vì, quân Mông đã chinh phạt cả Á Châu bằng đạo quân hùng mạnh với chiến thuật kỵ binh thần tốc. Mỗi khi một thành phố lớn bị chiếm lĩnh, đa số dân chúng và súc vật đều bị tàn sát; người sống sót bị cướp hoặc hãm hiếp, một số bị bắt làm bia đỡ đạn cho những cuộc tấn công kế tiếp. Các cô gái đẹp thì được Thành Cát Tư Hãn chọn vô hậu cung. Người ta ước tính cả ngàn phụ nữ đã có bầu với ông; không ai biết Thành Cát Tư Hãn đã làm cha bao nhiêu đứa trẻ (kể cả ông ta).

Thành Cát Tư Hãn chết năm 1227; có nghi vấn là do kiệt sức.

Những người kế vị ông cũng rất sung mãn; một trong những người con trai đã có tới 40 đứa con qua những người vợ và hầu thiếp — chưa kể số con với những người đàn bà không chính thức khác.

thanh-cat-tu-han3
Tượng TCTH. nguồn: history.com

“Genghis” không phải là tên thật

“Ðại Ðế” Mông Cổ ra đời gần con sông Onon vào khoảng 1162. Tên thật ông là Temujin, có nghĩa là “Sắt” hay “Thợ Rèn”. Cái tên “Thành Cát Tư Hãn” không xuất hiện mãi cho đến năm 1206, sau khi được tấn phong là Lãnh Ðạo của dân Mông Cổ trong một cuộc họp của những Bộ Tộc, gọi là “Kurultai”. Chữ “Khan”, theo truyền thống, có nghĩa là “lãnh đạo” hay “cai trị”. Nhưng các sử gia không biết chữ “Genghis” thì từ đâu ra;  có thể là “đại dương” hoặc là “toàn thiện” nhưng trong ngôn từ thường được dịch là “Thống lãnh” hay “Nguyên soái”.

Không có hồ sơ xác minh nhân dạng của Thành Cát Tư Hãn

Mặc dù là một nhân vật lịch sử hết sức nổi tiếng, nhưng ta lại biết rất ít về đời tư và ngay cả hình dáng của Thành Cát Tư Hãn. Không có một chân dung hay tượng đài nào của ông còn tồn tại. Những thông tin về lịch sử không đủ xác tín. Người ta thường tả Thành Cát Tư Hãn là một người khỏe mạnh, cao, tóc râu dài, rậm. Có một chi tiết nhân dạng lạ lùng về ông được sử gia Rashid al Din ở Ba Tư vào thế kỷ 14 ghi lại: Thành Cát Tư Hãn có mái tóc bờm màu đỏ, mắt xanh. Tuy nhiên, sử gia này chưa hề gặp Thành Cát Tư Hãn, và chi tiết này cũng không giống lắm dân Mông Cổ thời đó.

thanh-cat-tu-han2
Phim Thành Cát Tư Hãn. nguồn: historicmystery.com

Thành Cát Tư Hãn ít khi để tình hình không ổn định

Thành Cát Tư Hãn thường cho những nước mình xâm chiếm cơ hội sống một cách yên bình nếu họ tuân thủ luật pháp người Mông Cổ. Nhưng ông cũng không ngần ngại vung gươm tàn sát những nước chống đối. Một trong những vụ trả thù nổi tiếng xảy ra vào năm 1219, sau khi vị Quốc Vương của Ðế Chế Khwarezmid (Iran) phản bội hiệp ước với Mông Cổ. Thành Cát Tư Hãn đã có với Quốc Vương Iran một thỏa ước hiệp thương rất giá trị cho việc trao đổi hàng hóa dọc Con Ðường Tơ Lụa. Nhưng khi người sứ giả đầu tiên của Thành Cát Tư Hãn bị ám sát, ông giận dữ tung toàn bộ lực lượng tràn vào Khwarezmid ở Ba Tư theo chiến thuật biển người. Trận chiến này đã làm suy sụp hoàn toàn Ðế Chế và giết chết nhiều triệu người. Nhưng Thành Cát Tư Hãn đã không ngừng lại ở đó. Trên đà chiến thắng, ông vòng qua hướng Ðông gây chiến với nước Xi Xia (vùng Tây Tạng, Trung Quốc). Một nhóm Mông Cổ đã tìm ra những người từng từ chối cung cấp lính cho Thành Cát Tư Hãn tấn công Khwarizm. Sau khi bao vây lực lượng Tangut và tàn phá thủ đô của Xi Xia, Thành Cát Tư Hãn đã ra lệnh hành hình toàn bộ Hoàng Tộc Tangut vì tội bất trung.

Thành Cát Tư Hãn chịu trách nhiệm cái chết của khoảng 40 triệu người

Chúng ta không thể biết bao nhiêu người đã bỏ mạng suốt thời kỳ chinh phạt của Mông Cổ. Nhiều sử gia ước tính con số đó khoảng 40 triệu, dựa trên thống kê dân số thời Trung Cổ cho thấy dân số Trung Quốc giảm hơn 10 triệu người trong cùng thời kỳ. Nhiều nhà học giả cho rằng Thành Cát Tư Hãn đã tiêu diệt khoảng ¾ dân số Iran trong suốt cuộc chiến tranh với Ðế Chế Khwarezmid. Tất cả điều ấy cho thấy những trận chiến của Mông Cổ đã làm giảm 11% dân số thế giới.

thanh-cat-tu-han1
Kỵ binh đưa thư Mông Cổ. nguồn: pinterest.com

Thành Cát Tư Hãn đã thiết lập một trong những hệ thống thư tín quốc tế đầu tiên

Cùng với cung tên và tuấn mã, sức mạnh của Mông Cổ còn đến từ một mạng lưới thông tin liên lạc rộng lớn. Một trong những phát triển đầu tiên của Thành Cát Tư Hãn là kết nối hệ thống thông tin nhanh, tên là “Yam” — mạng lưới chuyển tin thời Trung Cổ gồm những trạm thư tín và trạm trung chuyển khắp cả Ðế Chế. Người chuyển tin có thể nghỉ ngơi cách vài dặm đường; một người kỵ binh quan trọng có thể đi hàng 200 dặm một ngày. Hệ thống này cho phép hàng hóa và tin tức được chuyển với tốc độ nhanh chưa từng thấy; nó còn là các trạm tình báo của Thành Cát Tư Hãn. Nhờ vậy mà ông đã phát triển được quân đội song song với chính trị, giữ liên lạc với mạng lưới thông tin rộng lớn của các điệp viên và các nhóm thám báo. Hệ thống “Yam” còn giúp các nhà chức sắc cũng như thương gia trong những chuyến lữ hành. Về sau, hệ thống truyền thông nổi tiếng này đã được sử dụng bởi các nhà thám hiểm Marco Polo, John Plano Carpini…

Không ai biết

nguyên nhân qua đời, chôn ở đâu

Qua những huyền thoại bao quanh cuộc đời của Thành Cát Tư Hãn, điều người ta quan tâm nhất là nó kết thúc như thế nào. Những văn bản cổ cho biết ông chết năm 1227 vì trọng thương khi té ngựa. Nhưng có nguồn tin khác cho rằng Thành Cát Tư Hãn bị sốt rét, hoặc bị trúng thương ở đầu gối do tên bắn. Một giả thuyết khả thi là Thành Cát Tư Hãn bị ám sát khi tư tình với một công chúa Tàu. Dù gì chăng nữa thì ta cũng biết khi qua đời ông đã rất đau đớn. Theo truyền thuyết, để giữ nơi yên nghỉ cuối cùng của Thành Cát Tư Hãn hoàn toàn bí mật, tất cả những người tiếp xúc hay tham gia trong cuộc vận chuyển tang lễ đều bị hạ sát. Sau khi ông được chôn cất, cả ngàn kỵ binh đã quần ngựa tới lui trên mộ ông để san bằng và che đậy dấu tích. Ngôi mộ có thể nằm trên hoặc gần một ngọn núi ở Mông Cổ tên Burkhan Khaldun. Tuy nhiên cho tới bây giờ vị trí chính xác nơi Thành Cát Tư Hãn được chôn cất vẫn chưa ai biết.

thanh-cat-tu-han
Triển lãm Kỵ binh Mông Cổ. nguồn: common.wikimedia.org

HĐV

Boston, MA

* Nguồn: Mark Shiffer, Evan Andrew