Kỳ 2
Người Việt làm kinh doanh ở Leeds, và ở Anh nói chung, đa số làm nghề nails
Khi chuyển sang sống ở Leeds, một thành phố ở phía Bắc nước Anh với dân số khoảng 784,800 trong nội ô (năm 2017, theo wikipedia) trong đó người Việt có chỉ khoảng vài trăm người, tôi nhận thấy ngành làm đẹp ở Anh rất phát triển. Từ dịch vụ làm móng (nails), trang điểm, cắt uốn tóc, tô vẽ lông mày bình thường cho tới xăm lông mày, rồi dịch vụ xăm hình (tattoo) v.v. Và mặc dù cộng đồng người Việt ở Leeds rất ít, nhưng có thể nói đa phần các cửa hàng làm móng ở đây đều là của người Việt. (Tôi được biết ngành làm móng của người Việt ở London còn phát triển kinh khủng nữa, chả thua kém gì ở Mỹ).
Một tiệm cỡ trung bình hay hơn trung bình của người Việt ở đây có khoảng chục bàn làm móng tay, vài ghế làm móng chân, có khi kèm thêm trang điểm hoặc massage, spa. Nguyên nhân đầu tiên là do làm nails không khó. Ai làm cũng được, chỉ cần chăm chỉ, khéo tay một chút, không cần kiến thức ngôn ngữ gì. Nhưng tất nhiên để trở thành thợ có tay nghề giỏi, làm được đủ thứ từ tô vẽ các kiểu, làm móng acrylic, làm móng giả v.v… thì phải làm thời gian lâu, có kinh nghiệm.
Giá của một bộ chăm sóc, làm móng tay móng chân dao động từ 20, 25 tới 35, 40 bảng Anh, tùy theo chăm sóc bình thường, đắp acrylic, làm móng giả, tô vẽ cầu kỳ hay chăm sóc đặc biệt. Chăm sóc đặc biệt gọi là Luxury Manicure and Pedicure — như sử dụng sáp paraffin nóng (Paraffin Wax) đắp da tay da chân cho mịn, dùng dầu bôi, sử dụng găng tay hay giầy có sưởi ấm bằng điện v.v… nhằm tẩy da chết, làm mịn da, mở lỗ chân lông, giảm độ cứng khớp trong trường hợp bệnh nhân bị viêm khớp và giảm đau, tăng lưu thông máu, cải thiện làn da khô và lớp biểu bì khô v.v. Thợ làm móng giỏi có thể kiếm một tháng hơn 2,000 bảng Anh là chuyện bình thường. Nhưng kiếm nhiều nhất là chủ tiệm.
Khó học hơn là nghề cắt, uốn tóc — đòi hỏi cả ngôn ngữ để học lý thuyết lẫn kỹ năng, và phải học dài ngày hơn. Nếu học Ðại học cũng phải 3 năm, nếu học trường tư mất khoảng 1 năm. Xăm hình (tattoo) cũng đòi hỏi kỹ năng và nhiều năm thực tập, phải có bằng cấp đàng hoàng. Ở Na Uy dịch vụ làm đẹp không phát triển nhiều như ở Anh. Trước hết là do khó tìm ra khóa học. Do dân số ít, ở Na Uy không có nhiều cơ sở dạy đủ mọi loại khóa học đa dạng về ngành nghề với thời gian học ngắn ngày, từ xa, online v.v. Muốn học cái gì cũng phải vào trường đại học (3 năm hệ đại học) hoặc trường nghề (2 năm lý thuyết, 2 năm thực tập). Thứ hai, giá cả dịch vụ làm đẹp như vậy ở Na Uy rất đắt nên thường là người ta tự làm. Tôi ở Oslo 6 năm trời, mãi sau này mới thấy vài tiệm nails của người Việt.
Trong khi dân Việt đua nhau làm móng hay làm tóc thì phụ nữ một số nước Hồi giáo lại theo nghề tô vẽ lông mày. Một tiệm nhỏ xíu, chỉ chừng 20-25 mét vuông để được chừng ba cái ghế xoay và chỉ có một hoặc hai kỹ thuật viên nhưng cũng đã sống được, vì giá tô vẽ một bộ lông mày bao gồm tô màu, wax lông, se chỉ để nhổ bớt những sợi mọc thừa và vẽ, khoảng từ 25-35 bảng Anh. Còn nếu xăm vẽ lông mày (microblading) thì giá khoảng 350-400 bảng Anh/lần, làm một lần để được khoảng một vài năm.

Những vấn đề thường gặp của người Việt khi kinh doanh ở nước ngoài
Dù ở Na Uy, Anh hay bất cứ nơi đâu, chính phủ cho tới người dân thường rất quan tâm đến điều kiện làm việc của người lao động và vấn đề an toàn trong lao động. Nhưng người Việt mình ở nước ngoài, cũng như một số cộng đồng nhập cư khác, lại không thực sự quan tâm và theo đúng luật của nước sở tại. Họ chỉ lo làm sao lợi nhuận cho nhiều mà chi phí thì ít. Lương trả cho người lao động — dù làm việc ở nhà hàng, siêu thị hay làm nails, luôn luôn thấp hơn mức lương tối thiểu nhà nước quy định. Làm ngoài giờ, thứ Bảy, Chủ Nhật hay ngày lễ cũng vẫn một mức lương đó không thay đổi; hễ nghỉ là không có tiền, chứ không phải như khi làm việc cho dân bản xứ. Ví dụ như ở Na Uy, dù bạn làm bất cứ việc gì thuộc loại lao động bình thường nếu làm việc vào thứ Bảy, Chủ Nhật hay ngày lễ được trả lương phụ trội. Một năm được phép nghỉ 5 tuần có lương. Nếu đau ốm có giấy bác sĩ cũng được hưởng lương.
Người Việt kinh doanh thường có xu hướng chọn đồng hương hoặc dân nhập cư chưa có giấy tờ ổn định để dễ bắt chẹt, chủ trả bao nhiêu lấy bấy nhiêu. Người Việt thường cũng ham kiếm tiền nên chấp nhận làm có khi 6 ngày/tuần, 10 tiếng/ngày nếu làm cho nhà hàng hay làm nails. Ðiều kiện lương bổng đã thế, điều kiện vệ sinh và an toàn trong lao động cũng không tuân thủ 100%.
Ở Anh vấn đề «Health and Safety» trong mọi môi trường từ học tập cho tới làm việc luôn luôn được đặt lên hàng đầu; mọi cơ quan, chủ lao động, người lao động đều phải tuân thủ theo. Ngay trong những môi trường như salon làm nails, uốn tóc, xăm lông mày, xăm hình… những nguy hiểm, rủi ro về nhiễm trùng, tai nạn cũng rình rập. Ví dụ như khách bị dị ứng một loại hóa chất nào đó, khách bị các loại bệnh truyền nhiễm về da, bị tiểu đường, đang mang thai… đều không nên phục vụ.
Trước khi làm nails, vẽ lông mày, uốn cắt tóc, xăm hình, kỹ thuật viên phải yêu cầu khách hàng trò chuyện, tư vấn cho khách, rồi bảo khách điền vào một cái form gọi là record card về tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh tật, dị ứng, yêu cầu của khách v.v… vừa để tiện theo dõi cho những lần sau, vừa để phòng khi có chuyện gì xảy ra, khách không thể đổ lỗi cho tiệm và đòi kiện hay bồi thường.
Trước khi uốn tóc, vẽ lông mày, xăm hình kỹ thuật viên cũng phải làm một cái test trên da khách trong vòng 24-48 tiếng xem có bị phản ứng với hóa chất hay không. Môi trường làm việc, dụng cụ luôn luôn phải giữ sạch, tẩy trùng. Từ hóa chất cho tới thiết bị phải được kiểm tra thường xuyên, coi có an toàn không. Kỹ thuật viên thì phải giữ vệ sinh — vừa cho khách vừa để bảo vệ chính mình. Nhưng tất nhiên không phải tiệm làm móng, làm đẹp nào của người Việt cũng tuân thủ theo. Chỉ riêng cái chuyện record card họ cũng không làm vì mất thời gian.
Phần đông người Việt có lẽ đã quen sống trong một môi trường như Việt Nam – không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, không quan tâm bảo đảm an toàn trong lao động, không coi trọng người làm việc cho mình. Nhiều người tuy đã sống nhiều năm ở nước ngoài nhưng vẫn mang tâm lý của người dân một nước nghèo; họ chỉ ham lời, muốn có tiền vào nhưng không muốn đầu tư. Còn người Việt đi làm cho đồng hương — vừa không biết quyền lợi của mình, vừa không hiểu luật pháp, hoặc đang ở trong thế khó về giấy tờ, visa hay ngôn ngữ nên không xin được việc tại các cơ sở của người bản xứ, lại quen cái tâm lý sợ chủ, không dám mở miệng yêu cầu bất cứ cái gì – cuối cùng họ chấp nhận cho đồng bào mình bóc lột lao động, chấp nhận cả mọi rủi ro.
Ðiểm tích cực của cộng đồng người Việt là dù sống ở Na Uy, Anh hay Mỹ, họ thường được xếp vào nhóm cộng đồng nhập cư siêng năng, chịu khó làm việc chứ không thuộc loại lười biếng, ngồi không ăn trợ cấp xã hội.
SC
Anh Quốc