Menu Close

Một giờ với Kim Dung

Lời Tòa Soạn: Ngày 28/6/2002, nhà văn Nguyễn Đông Thức tháp tùng đoàn công ty Phương Nam từ Sài Gòn sang Hong Kong tham dự Liên Hoan Phim. Cùng dịp này anh đã gặp gỡ Kim Dung để trao tặng hai bộ sách đầu tiên của ông vừa được cho in lại ở Việt Nam sau 1975 — “Tiếu Ngạo Giang Hồ”, “Anh Hùng Xạ Điêu” – nhân tiện làm một cuộc phỏng vấn ngắn. Theo lời kể của nhà văn NĐT: “Tôi đã may mắn được trò chuyện với ông trong khoảng một tiếng. Ẩn tượng để lại trong tôi về nhà văn viết truyện kiếm hiệp tài năng này là sự khiêm tốn, giản dị, ẩn sâu bên trong là một nội lực vô cùng thâm hậu về kiến thức và sự tài hoa. Gặp Kim Dung tiên sinh chính là một ‘sự kiện’ trong đời tôi.” Với sự cho phép của tác giả, Trẻ xin gởi đến bạn đọc bài viết của nhà văn Nguyễn Đông Thức về “sự kiện” trên, như một nén hương tưởng niệm nhà đại văn hào từng làm say mê bao thế hệ độc giả miền Nam một thời.

mot-gio-voi-kim-dung
ảnh Lý Mỹ

Nguyễn Đông Thức

Kim Dung tiên sinh, 78 tuổi nhưng trông vẫn còn rất khỏe mạnh, minh mẫn. Như nhiều người miền Nam, tôi từng mê mẩn đọc truyện của ông trong thập niên 1960, được các báo ở Sài Gòn đón dịch hàng ngày từ báo ở Hồng Kông chở máy bay sang. Hai cây bút chuyên dịch lúc ấy là Từ Khánh Phụng và Hàn Giang Nhạn. Tôi thích văn dịch của Hàn tiên sinh hơn…

Nhà văn Kim Dung, tác giả những bộ truyện kiếm hiệp rất được yêu thích tại  Hồng Kông, Ðài Loan, VN… hiện đang định cư tại London (Anh). Ðã 78 tuổi, nhưng ông vẫn bay đi bay lại như con thoi giữa Anh Quốc – Trung Quốc – Hồng Kông, vì ông hiện đang cùng lúc là giáo sư Ðại học Bắc Kinh (TQ), Ðại học Oxford (Anh) và có một công ty riêng ở Hồng Kông (Công ty Minh Hồ).


Kim Dung tên thật là Tra Lương Dung, sinh năm 1924 tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Có thể nói ông là một nhà văn viết truyện kiếm hiệp nổi tiếng nhứt thế giới. Từ truyện đầu tay là “Thư Kiếm Ân Cừu Lục” viết năm 1955, đến bộ cuối cùng là “Lộc Đỉnh Ký” năm 1972, ông đã viết được 14 bộ truyện và 1 truyện ngắn (“Việt Nữ Kiếm”, 1970). Cho đến nay, các tiểu thuyết của Kim Dung đã bán được hơn 500 triệu bản trên toàn thế giới. Tại lễ trao giải Phát triển Nghệ thuật Hong Kong ngày 27/4/2010, ở tuổi 86, Kim Dung đã được trao giải Thành Tựu Trọn Đời. Ông mất ngày 30/10/2018, hưởng thọ 94 tuổi.


Ngày 28-6-2002, trong dịp đi dự Hội chợ phim Hồng Kông 2002, tôi đã xin tháp tùng Công ty văn hóa Phương Nam (đến mua tiếp bản quyền toàn bộ tác phẩm của ông về dịch tại VN) để phỏng vấn ông. Ông vui vẻ tiếp tôi trên văn phòng ở tầng 25 một cao ốc nhìn ra toàn cảnh vịnh Hồng Kông. Người phiên dịch là chị Lý Mỹ thuộc Công ty Nguyễn Văn Vinh, Sài Gòn.

Nguyễn Đông Thức (NDT): Thưa tiên sinh, tôi đã đọc 12 bộ sách của ông từ hơn 30 năm trước ở Sài Gòn và là một trong những người rất hâm mộ ông. Ông có khỏe không ạ?

Nhà văn Kim Dung (KD): Tôi khỏe. Tháng trước tôi vừa đi du lịch một vòng ở đảo Hải Nam, vịnh Hạ Long và nước Úc. Vịnh Hạ Long của VN thật kỳ vĩ, cảnh rất đẹp như cảnh Quế Lâm của Trung Quốc. Ðúng là một kỳ quan!

NDT: Tiên sinh khỏe là do có luyện một môn công phu bí kíp nào đó trong các cuốn sách của ông, như Dịch cân kinh hay Cửu dương thần công?

KD: Không (cười). Tôi chỉ tập hít thở và thể dục nhẹ.

NDT: Ông nhận thấy con người VN thế nào? Là người rất sành ăn như Hồng Thất Công, ông có thích thức ăn VN không?

KD: Con gái VN rất đẹp, đặc biệt là chiếc áo dài. Tôi xin tiết lộ, mẹ vợ hiện nay của tôi (Kim Dung đang sống với bà vợ thứ tư) sinh ở Hà Nội, thỉnh thoảng bà vẫn còn nói tiếng Việt và câu mà bà hay nói nhất là: “Hết tiền rồi!” (ông phát âm tiếng Việt rất chuẩn câu này). Về món ăn VN thì tôi rất thích phở bò, chả lụa, chả giò, chạo tôm… Nói chung, món ăn VN ngon lắm!

NDT: Vừa rồi ông đã ủy quyền cho Công ty Phương Nam xuất bản lại các sách của ông ở VN. Hai bộ đầu là Tiếu Ngạo Giang Hồ và Anh Hùng Xạ Điêu đã phát hành được khoảng 8,000 cuốn, một con số khá cao ở VN hiện nay. Cảm giác của ông thế nào?

KD: Tôi rất mừng vì công ty này đã tổ chức dịch rất nghiêm chỉnh, thận trọng. Sách được in giấy tốt, bìa đẹp. Tôi xin cảm ơn công ty, cảm ơn bạn đọc VN.

NDT: 12 bộ sách của ông, có người thích cuốn này có người thích cuốn khác. Người thích Dương Qua, kẻ thích Trương Vô Kỵ, như tôi thì thích Lệnh Hồ đại hiệp. Riêng ông, ông thích cuốn sách nào và nhân vật nào nhất?

KD: Chuyện yêu thích là sở thích riêng của mỗi người, tôi xin cảm ơn tất cả. Với những đứa con tinh thần của tôi, tôi dành một tình cảm như nhau.

NDT: Vì sao tiên sinh lại đến với văn học bằng tiểu thuyết kiếm hiệp mà không phải chuyện tình cảm? Tiên sinh có biết võ không? Có từng đi hết những địa danh của Trung Hoa nơi ông đặt bối cảnh cho các câu chuyện?

KD: Từ nhỏ tôi đã mê truyện kiếm hiệp và truyện lịch sử Trung Hoa. Xuất thân là người làm quản thủ thư viện, tôi đọc sách rất nhiều và làm tài liệu rất kỹ. Tôi chẳng biết môn võ nào cả. Võ nghệ trong truyện của tôi có cái thật (do nghiên cứu sách vở) nhưng đa phần là giả, do tôi bịa ra. Các địa danh tôi cũng đều lấy từ tài liệu. Thí dụ như đảo Ðào Hoa, nước Ðại Lý, vùng Giang Nam, sa mạc Ngoại Mông… Tất cả những nơi đó sau này khi quay phim tôi mới được đến. Cũng mừng là hầu như tôi đã không viết gì sai.

NDT: Xin hỏi tiên sinh một câu, cũng là điều mà những người yêu thích ông ở VN rất quan tâm: ông sẽ còn viết tiếp bộ kiếm hiệp nào không?

KD: Bạn đọc ở Trung Quốc, Hồng Kông, Ðài Loan đều muốn tôi viết tiếp. Rất tiếc, từ sau bộ Lộc Ðỉnh Ký, tôi đã không còn chút hứng thú nào nữa.

NDT: Cuốn đó đúng là một tuyệt chiêu, và phải chăng cảm giác của tiên sinh giống như cảm giác của Độc cô Cầu bại Phong Thanh Dương, mất hết hứng thú sống vì không tìm được đối thủ?

KD: Không dám. Tôi thật không rõ vì sao mình đã mất cảm hứng sáng tác. Tôi chỉ còn dạy học và đi du lịch đây đó.

NDT: Xin cảm ơn tiên sinh. Mong sẽ được gặp ông ở Sài Gòn, biết đâu ông sẽ tìm được hứng thú mới…

KD: Cảm ơn anh, được vậy thì hay quá. Tôi cũng mong có dịp đến Sài Gòn. Qua anh, cho tôi được gửi lời chào và cảm ơn đến bạn đọc VN.

NDT – 6/2002

(Sài Gòn, VN)