Nhóm bạn già độ trên tám “bó”(chục) thỉnh thoảng tụ họp tại nhà bà Hai.
Bữa nay có một thành viên mới, bà Mười, cũng trạc tuổi các bà trong nhóm. Bà Hai giới thiệu đó là người bạn thân của bà thời trung học.
Mọi người khoan khoái thưởng thức món bánh khọt, là món ruột của chủ nhà. Bữa tiệc sôi nổi rôm rả tiếng nói tiếng cười với những chuyện tếu táo:
– Cảnh tui góa bụa một thân một mình buồn quá. Ai biết ông nào làm mối cho tui với. Giờ còn trẻ phải lo kiếm chồng để nữa già còn có người bôi dầu cạo gió bóp chân.
– Tiêu chuẩn?
– Chàng chừng tám mươi hoặc trên chút xíu cũng OK. Ðừng mai mối ông trên một trăm nghen. Về ở với nhau mấy bữa ổng bye bye thì tha hồ mà sợ ma. Tình đang nồng chắc ổng cứ hiện về thăm thì cũng mệt lắm.
Chuyện bỗng chuyển sang đề tài mà các bà đã thấy rất bình thường:
– Tui cũng sợ ma lắm.Tui dặn con cháu khi tôi chết đừng chôn tui ngoài nghĩa địa.
– Tui thì không muốn bị thiêu. Sợ nóng lắm.
Bỗng bà Mười đứng dậy xin cáo từ:
– Tôi phải về nấu cơm cho thằng bé.
– Thế cậu ấy bao nhiêu tuổi ạ?
– Dạ thằng bé nhà tôi bốn tám.
– …
Bà Mười ra về, còn lại những người bạn già quen thuộc. Ai đó thở dài:
– Chắc con trai chị Mười bị bịnh, phải nằm một chỗ? Khổ thân chị ấy!
– Tội nghiệp chị ấy, chừng tuổi nầy lẽ ra được thảnh thơi. Ủa, mà nếu người con đó bị bệnh, hẳn đã được hưởng chương trình chăm sóc của chính phủ.
– Ừm, dù có người chăm sóc, người nhà cũng nên để mắt vào. Ðôi khi thức ăn họ nấu không hợp với cậu ta.
Bà Hai đang loay hoay dọn món tráng miệng, lên tiếng:
– Con trai chị Mười có bịnh tật gì đâu. Nó khỏe mạnh bình thường. Nó là con một. Hồi nhỏ giờ chị ấy cưng nó như cưng trứng mỏng. Chỉ hổng cho thằng bé đụng tay đụng chân bất cứ việc gì. Việc của thằng bé là ăn, ngủ, đi chơi, học hành. Hồi ở Việt Nam, sáng sớm chị ấy bưng thức ăn vào phòng thằng bé rồi chở nó tới trường. Trưa chị ấy rước thằng bé về. Mâm cơm tươm tất sẵn trên bàn. Chiều có người tới nhà dạy kèm cho thằng bé, nhưng cái chính là giúp nó làm homework. Tối thằng bé cũng có sẵn cơm nước trên bàn. Thường đợi con ăn xong chị ấy mới ăn. Chị ấy thì đầu tắt mặt tối với cửa hàng tạp hóa nhưng không bao giờ nhờ con giúp chút việc gì. Qua đây, chị ấy cũng muốn chăm chút con như hồi ở Việt Nam nên chỉ lãnh đồ về nhà may ban đêm, nhận giữ trẻ tại nhà ban ngày.
– Cậu ấy đi làm?
– Tui không rõ. Thỉnh thoảng tới thăm chị Mười, tui thấy “thằng bé” ngồi trước computer. Chị Mười vẫn mang cơm nước vào phòng cho nó.
– Nó có vợ con?
– Hồi nọ nó cũng có vợ. Nhưng nghe đâu được mấy năm thì ly dị. Thôi thì mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh.
Ai đó chép miệng:
– Chà, hổng biết mai mốt chị ấy mất rồi ai lo cho “thằng bé” đây?
KC
Orange County, CA