Hắn xếp từng chiếc xe gắn máy một cách hết sức ngăn nắp và có trật tự. Thao tác của hắn nhẹ nhàng, động tác nhanh nhẹn, dứt khoát. Hắn là bảo vệ kiêm giữ xe. Không ai yêu cầu nhưng hắn luôn ăn mặc bảnh bao với tóc vuốt keo, áo sơ-mi trắng và quần tây đen loại rẻ tiền giặt sạch sẽ được ủi thẳng nếp. Chưa hết, hắn đeo cặp kính mát đen ngầu như tài tử trong phim bộ Hồng Kông. Gặp ai hắn cũng chòng ghẹo đôi câu, bông đùa đôi chữ. Lâu lâu hắn còn lẩm nhẩm hát và lắc lư theo mấy bản nhạc thịnh hành của Sơn Tùng-MTP. Trông hắn thật là lố lăng hết sức.
Thỉnh thoảng hắn chĩa cặp kính mát đen ngầu đời vào cuốn sách tôi đang đọc, một tác phẩm của Akutagawa Ryunosuke. Tôi kể cho hắn nghe truyện Hà Ðồng (Kappa) mà tôi coi là kiệt tác. Hắn lắc đầu bảo nội dung kỳ cục vô lý quá. Hắn chẳng thể hiểu được sự khác nhau giữa tác phẩm hư cấu và phi hư cấu. Nói chuyện với hắn thật nhạt nhẽo. Có lúc cao hứng tôi từng định khoe với hắn rằng mình tốt nghiệp loại giỏi khoa sư phạm văn. Chắc chắn hắn sẽ ồ lên khen tôi giỏi quá, rồi ngay sau đó sẽ hỏi vì sao thủ khoa đại học lại đi làm công việc này? Ý định khoe khoang nhanh chóng ứ nghẹn trong họng thành một nỗi bẽ bàng.

Tôi nhìn những ô cửa sổ của khu tái định cư trước mặt vẫn còn sáng đèn, trông như những màn hình LED đang chiếu nhiều bộ phim cùng một lúc. Ở một ban công, áo quần phơi đang bay phất phơ trong gió, một chiếc quần lót bị gió tốc thổi bay xuống ban công tầng dưới. Những cái nịt ngực dường như nặng hơn, trĩu xuống móc, nhìn rõ là loại nịt ngực rẻ tiền đã nhão ra sau vài lần giặt. Trên một ô cửa sổ, ông bố trẻ bế đứa bé tầm vài tháng tuổi đi qua đi lại trong khi mẹ nó huơ huơ món đồ chơi và gõ keng keng vào cái chén để gây chú ý. Trên một ô cửa khác, ông già ngồi thổi harmonica nhưng vì đuối hơi chẳng nghe ra giai điệu gì. Tầng dưới cùng bà cụ già đang hát ru đứa cháu có bố mẹ đi làm xa. Bà hát mãi những điệu à ơi, à ơi hoa cải lên trời, rau răm ở lại chịu đời đắng cay.
Tiếng ti-vi từ giường ông Ngoại vọng ra ngoài cửa chỗ tôi đang ngồi, âm lượng to khủng khiếp. Ông Ngoại lảng tai. Thỉnh thoảng ông ho sù sụ những tràng dài. Tôi chạy tới vỗ vào lưng ông mấy cái bồm bộp. Ông thiêm thiếp đi trong khi ti-vi vẫn mở oang oang. Ngày nào cũng như ngày nào, những chuyện này đều đặn diễn ra, lặp lại, buồn tẻ.
Con Nhỏ nghe lại đoạn ghi âm. Nó thấy giọng mình không tệ, trong trẻo và ấm cúng, chữ phát âm rõ ràng, tốc độ nói vừa phải. Ít ra nó cũng học được những thứ giá trị đó ở trường sư phạm. Tuy nhiên, đoạn ghi âm nghe chưa ấn tượng lắm, lẽ ra nên thêm một chút giễu nhại kín đáo sau những đoạn như lố lăng hết sức hay chĩa cặp kính mát đen ngầu đời. Cũng như những lần trước, Nhỏ thất vọng vì đoạn ghi âm không dùng được do bị quá nhiều tạp âm, đặc biệt là tiếng ho lụ sụ của ông Ngoại. Ông Ngoại hồi nhỏ từng được học trường tiểu học Pháp văn, nhưng cả đời nó chưa thấy ông Ngoại nói một chữ Pháp nào. Ông trải qua hai cuộc chiến, nhưng phần lớn thời gian mà Nhỏ chứng kiến là cuộc chiến của ông với hết lần tai biến này đến lần tai biến khác. Giấy khen của Nhỏ và huân chương của ông Ngoại treo cạnh nhau, kín một mảng tường của tiệm tạp hoá, nơi nhiều người hay lui tới. Mỗi khi khách chờ lấy hàng, họ thường đứng ngắm bức tường đầy giấy khen và huy chương. Ðôi khi họ còn chăm chú đọc những dòng thành tích trên từng tấm giấy khen hay chỉ trỏ những tấm huân chương và trầm trồ. Ngay cả thầy tiếng Anh Julien khi ghé tiệm cũng tò mò nhìn bức tường và hỏi cái gì treo trên đó vậy. Nhỏ phải thuyết minh rằng đây là các loại giấy khen cho thành tích học tập từ nhỏ tới lớn của nó, kia là huy chương điền kinh của em họ nó, còn lại là huân chương kháng chiến của ông Ngoại. Thầy bảo bức tường giống như một tượng đài danh dự.
Lẫn vào đoạn ghi âm còn có tiếng chương trình thời sự từ ti-vi vọng tới, phát thanh viên đọc bản tin về chuyến công du châu Âu của thủ tướng, những đoạn phỏng vấn người dân bày tỏ lo ngại về ô nhiễm không khí và thức ăn nhiễm bẩn. Nghe rõ hơn cả tiếng ti-vi là giọng lè nhè của thầy Julien từ đâu lừ lừ xuất hiện.
– Cho một gói ba số và một chai Sài Gòn xanh, please!
Hầu như không lúc nào Nhỏ thấy Julien trong trạng thái hoàn toàn tỉnh táo. Julien là giáo viên tiếng Anh người Mỹ, tầm hơn bốn mươi tuổi, nước da có lẽ ban đầu màu trắng nhưng vì phơi nắng nhiều mà thành ra màu đỏ loang lổ như con tôm hùm bị luộc quá lửa. Tóc thầy vàng nhạt lưa thưa gần như hói, râu ria xồm xoàm phủ kín từ mang tai xuống cằm. Tiếng bước chân của thầy nghe có vẻ nặng nề, chắc do khổ người to béo. Nghe nói thầy đã tăng mười hai kí-lô từ ngày tới Việt Nam, không phải do hợp khí hậu, mà do bia Việt Nam quá rẻ. Julien ghé tiệm tạp hoá hầu như mỗi ngày để mua bia. Lúc nào thầy cũng có ánh nhìn trìu mến, luôn mỉm cười và bắt chuyện rất thân thiện. Tuy nhiên, thầy cũng đem cả cái giọng lè nhè cố hữu lên bục giảng, đôi khi đi lại loạng choạng trong lớp, thậm chí va vấp phải bàn ghế. Phần lớn giờ tiếng Anh của thầy Julien giống như những tiết mục hài mà ở đó thầy tình cờ trở thành ngôi sao.
Khoảng đất lớn phía đối diện tiệm tạp hoá trước đây từng là những ruộng bắp cải. Hai chị em Nhỏ và Bé đi học phải băng qua những ruộng bắp cải còn ngai ngái mùi phân bón và ngang qua những đàn bướm trắng bay rập rờn. Con Bé lúc đó hay múa may xoay vòng quanh đôi chân con Nhỏ dính đầy bùn đất; nó không biết xấu hổ là gì khi tự nhận mình là nàng Hàm Hương trong phim Hoàn Châu công chúa. Sau này khu đất quy hoạch thành khu nhà tái định cư. Những người nông dân trồng cải chuyển sang làm nghề khác, chỉ có ba mẹ Nhỏ vẫn bám trụ với mảnh vườn còn sót lại. Nhỏ yêu nghề sư phạm, nó mê bục giảng, thích học sinh. Tốt nghiệp đã gần một năm nhưng Nhỏ vẫn chưa xin được việc ở trường nào. Dì của Nhỏ là nhân viên công chứng ở uỷ ban, có nhiều mối quan hệ quen biết hơn ba mẹ. Ba Nhỏ dự định sau khi bán vụ cải tới sẽ dùng số tiền đó nhờ dì chạy cho Nhỏ một chân giáo viên hợp đồng ở trường cấp ba ngay thị xã. Trong khi chờ trở thành giáo viên, Nhỏ làm tạm vài việc khác. Ban ngày nó ghi vé xe ở nhà trông xe của khu tái định cư, buổi tối nó trông ông Ngoại đồng thời trông coi luôn tiệm tạp hoá cho Dì. Bé là con của Dì, tức là em họ Nhỏ. Bé thường đổi ca cho Nhỏ, nó trông tiệm tạp hoá và ông Ngoại vào ban ngày, đi học tiếng Anh vào ban đêm. Không biết con Bé kiếm đâu ra một cái máy ghi âm nhỏ, nó nói là quà của bạn gởi từ Mỹ.
Nó còn có sáng kiến ghi âm giọng hai chị em đọc những tự truyện, tản văn hay tiểu thuyết tự sáng tác rồi phát hành trên mạng dưới dạng chương trình audio book, hoặc thậm chí là một kênh radio trực tuyến. Khi các tiệm internet đang mọc lên ngày một nhiều giữa khu định cư mới, ý tưởng đầy hứa hẹn của con Bé mang lại những viễn cảnh thật sống động.
Tôi hỏi hắn sao cứ phải đeo kính mát hoài vậy, trời có nắng đâu. Tôi biết thừa hắn chỉ cố tỏ ra bảnh tỏn. Hắn còn tự nhận mình là bản sao của Sơn Tùng – MTP. Buổi tối khi hết giờ làm, hắn hay ra tiệm internet xem video của Sơn Tùng rồi về nhà tập vũ đạo theo. Nghe nói hắn còn ghi danh tham gia một cuộc thi tìm ca sĩ trẻ. Hắn thích trêu ghẹo mọi người nhưng mỗi khi tôi dè bỉu cặp kính mát của hắn thì hắn chỉ lảng ra và cười ngượng nghịu. Hắn cũng hay lân la làm thân với tôi bằng mấy trò đùa vô duyên, đôi khi là vẻ hiểu biết giả tạo.
Ðoạn ghi âm vẫn không dùng được vì bị nhiều tạp âm, nhưng Nhỏ không còn cảm thấy thất vọng nữa. Tiếng gió rít và tiếng mái tôn giật rầm rập lẫn vào giọng đọc của nó. Ðoạn ghi âm mà nó dành để dè bỉu gã đeo kính mát lại thành ra đoạn âm thanh báo hiệu một trận bão lớn. Quả có vậy, mưa ầm ã cả đêm không dứt. Tiếng sấm gầm gừ. Tiếng sét như vỡ cả trời đất. Sét đánh gãy cái cây lớn gần cửa hàng tạp hoá của dì Nhỏ. Ngày hôm sau, ba Nhỏ đứng chết trân trước vườn cải đã hoàn toàn tan hoang mà không thốt ra nổi một từ nào. Mưa thấm từ trên mái xuống tường tiệm tạm hoá làm tất cả tường vốn ẩm mốc càng hư hỏng nặng. Những tấm huân chương của ông Ngoại xộc xệch vì gió lớn. Dây treo huy chương vàng điền kinh ướt đẫm và hôi mùi nước ẩm. Toàn bộ giấy khen dán bằng băng keo sơ sài đều cong mép, một số còn bị rách, trông nhàu nhĩ như giấy lộn.
Cơn bão không phải thứ duy nhất kéo qua gia đình Nhỏ. Lòng dì Nhỏ còn tan hoang hơn cả vườn cải khi con Bé thông báo nó sẽ cưới thầy Julien và đi Mỹ. Con Bé ương bướng bất chấp gia đình nói gì, nó tuyên bố rằng nó đã quyết định rồi và sẽ không bao giờ lay chuyển.
Từ sau tuyên bố bất ngờ của con Bé, không khí gia đình trầm lặng như nhà có đám. Dì nó thỉnh thoảng không kìm lòng nổi, bật ra mấy câu thở than hoặc quay đi che nước mắt rơm rớm. Nhỏ nhìn về phía những ô cửa và những bóng đèn trong khi tiếng ti-vi từ giường ông Ngoại vẫn vọng đến với âm lượng khủng khiếp. Tiếng bình luận viên gọi tên các cầu thủ, hô những tiếng “Sút!” và ảo não hét lên “Không vào rồi!”
Nhỏ nghĩ về con Bé, về thầy Julien và về tình yêu. Nó thấy tất cả rối mù. Con Nhỏ lại nghĩ về mình. Sau khi mất trắng vụ cải thì nó biết mình không còn cơ hội nào để trở thành giáo viên nữa. Giấc mơ bục giảng đã vỡ tan. Nhỏ cảm thấy chẳng còn gì để hy vọng cho tương lai. Khi khó khăn kinh tế cứ ngày một chồng chất thế này, có thể năm sau ba mẹ sẽ kiếm một đám tử tế quanh đây và gả chồng cho nó để nó có một chỗ nương tựa mà ổn định cuộc sống. Ba mẹ nó là những người quanh năm gắn với ruộng vườn, vẫn còn giữ lối suy nghĩ cổ hủ không dễ gì lay chuyển. Con Nhỏ rầu rĩ nghĩ về viễn cảnh tương lai, nơi không còn những ô cửa sổ sáng đèn, không còn Akutagawa Ryunosuke, không còn giọng đọc của chính mình trong máy ghi âm. Những áng văn nó từng đọc, những áng văn nó từng viết, tất cả trôi vào đời nó rồi tan đi như chưa từng tồn tại. Nó muốn đi đâu đó thật xa, nhưng đi đâu? Làm sao đi được?
Gã đeo kính mát hình như có tham gia thi tìm kiếm ngôi sao. Hắn vẫn âm ỉ nuôi ước vọng đổi đời. Nhưng nghe đâu hắn bị loại từ vòng gởi xe, vì ngoại hình không sáng hay vì giọng hát tệ hay vì vũ đạo tồi, hay vì tất cả những thứ đó cộng lại thì không ai biết.
Hắn bảo tôi có sách gì hay mang cho hắn đọc với. Hắn cũng muốn đọc sách trong lúc rảnh rỗi để học được cái gì đó mà không phí thời gian. Có thể hắn chỉ nói vậy thôi chứ tôi chưa thấy hắn đọc sách bao giờ. Tôi nghĩ mãi, kiểu người như hắn thì đọc loại sách gì cho hợp? Ðọc sách kinh doanh làm gì nếu hắn không có lấy một đồng làm vốn, sách văn chương cũng không hợp vì hắn không có óc tưởng tượng, sách dạy làm ngôi sao thì tôi không có. Cuối cùng, tôi hứa sẽ soạn cho hắn vài tiểu thuyết trinh thám và những truyện phiêu lưu du ký. Ðể cảm ơn tôi, hắn trình diễn một bài hát của Sơn Tùng – MTP, giọng hắn không tệ, nhưng nhiều đoạn hát lạc tông.
Tôi đến sớm hơn thường lệ để đưa sách cho hắn. Thấy tôi, hắn bất ngờ luống cuống đeo cặp kính đen vào. Nhưng khoảnh khắc trước đó, tôi kịp nhìn thấy con mắt bên trái của hắn. Chỗ lẽ ra là con ngươi thì chỉ là một mảng thịt lồi. Mảng thịt lồi dị dạng gớm ghiếc khiến tôi sợ đến mức như một phản xạ tự nhiên, tôi bật lùi và nhắm mắt lại, không kịp nhìn ra sự tổn thương lướt qua rất nhanh trên khuôn mặt hắn thoáng co lại vì đau khổ. Tôi thấy giận bản thân mình, vì tất cả những khinh khi dè bỉu trước đây. Gần như ngay lập tức hắn đeo mắt kính đen trở lại và lắc lư hát. Hắn cảm ơn tôi về mấy truyện viễn du phiêu lưu ký. Rồi trở lại dáng vẻ tự nhiên, hắn bộc bạch:
– Anh không muốn làm giữ xe cả đời.
– Vậy anh định làm gì?
– Anh sắp đi Aomori.
– Aomori là ở đâu?
– Ở Nhật, chỗ có ông nhà văn gì em hay đọc ấy.
– Anh làm gì ở đó?
– Anh nhổ củ cải.
Tôi nhìn cặp kính đen của hắn.
– Người ta có nhổ củ cải ban đêm không?
– Anh không biết.
Tay giữ xe nghỉ việc. Hắn đi xa thật, không ai biết chắc hắn có đi Aomori như hắn nói không. Hắn đang nhổ củ cải ở đâu đó hay đã gia nhập một vũ đoàn và vẫn nuôi mộng thành ngôi sao? Hắn cũng mang theo tất cả tiểu thuyết mà hắn tưởng là tôi tặng, trong khi tôi chỉ có ý cho mượn thôi. Hắn đi rồi, không còn cặp kính mát, không còn dáng vẻ trau chuốt và điệu bộ nhố nhăng lặp lại ngày qua ngày. Thiếu hắn, bãi giữ xe buồn hẳn, không gian vắng ngắt như bãi tha ma.
Chính con Bé là người đem về cái máy ghi âm mini. Cũng chính con Bé có ý tưởng ghi âm rồi tung lên mạng bản audio của những truyện ngắn, tản văn hay tự truyện do hai chị em tự sáng tác. Nhưng từ ngày có thầy Julien, con Bé hoàn toàn đắm chìm trong thế giới riêng của bản thân mà không còn mặn mà gì với ý tưởng của chính nó nữa, chỉ còn con Nhỏ nhận ra bản thân cô độc trong trò chơi một mình.
Trên một ban công, ông già thổi harmonica hôm trước đang thu dọn những chậu cảnh bể tan nát sau cơn bão. Nhà bên cạnh, bà mẹ trẻ bế đứa con đung đưa trong khi ông bố đang múa may pha trò. Trên một ô cửa khác, một người đàn ông đang gầm gừ trong điện thoại với thái độ bực tức. Những cái móc treo áo luôn lắc lư trong gió. Những cái khăn phơi trên thành ban công bị gió thổi bay xuống đất. Ở tầng dưới cùng, bà cụ già ru cháu bằng những điệu à ơi, à ơi hoa bay lên trời cây chi ở lại, à ơi hoa cải lên trời rau răm ở lại, chịu đời đắng cay.
Nó nghe lại đoạn ghi âm, lẫn vào giọng đọc của nó là tiếng nấc nhỏ và tiếng thút thít khẽ khàng. Ban đầu nó tưởng tiếng khóc vọng ra từ ti-vi, nhưng không phải. Tìm quanh một hồi, nó thấy con Bé đang trốn vào một xó, rúm ró giữa hai hàng kệ chật ních đồ tạp hoá. Khuôn mặt con bé nhàu nhĩ ướt như những tờ giấy khen cong mép rách bươm sau cơn bão. Nó thừa nhận đầy tuyệt vọng, rằng tình cảm với thầy Julien chỉ là đơn phương và ngộ nhận. Julien đang yêu thầm một cô gái khác. Con Nhỏ cảm thấy từ trong bao tử sôi trào lên cảm giác giận dữ khủng khiếp khi nhìn đứa em họ bị tổn thương, nhưng nó cũng cùng lúc đón nhận cảm giác nhẹ nhõm lan toả xua đi khối cô đơn bất định đen đặc nặng nề của kẻ bị bỏ lại bên lề. Sau khi biết con Bé sẽ không cưới thầy Julien và đi Mỹ như tuyên bố, trong gia đình Nhỏ, không ai nói ra nhưng niềm vui đã trở lại một cách kín đáo âm thầm, như khi chưa có cơn bão của trời và cơn bão của lòng kéo qua. Dù kinh tế gia đình vẫn chật vật, con Nhỏ đã khấp khởi một niềm hy vọng mơ hồ. Nó kiên nhẫn ghi âm giọng mình nhiều lần, rồi nghe đi nghe lại.
Không nghe được tin tức gì về gã đeo kính mát, nhưng tôi đã quen với sự vắng mặt của hắn, không biết hắn đang ở đâu, có lẽ hắn vẫn chưa thành ngôi sao. Cuộc sống cứ thế, ngày qua ngày lặp lại như vậy. Bãi giữ xe vắng, câu chuyện về những thế giới khác đóng lại khi gấp sách, những ô cửa sáng đèn như những màn hình lớn cứ đúng giờ lại chiếu nhiều bộ phim buồn tẻ.
Sau đêm bão, lâu lắm tôi mới lại có một giấc ngủ ngon. Tôi mơ thấy mình đang nhổ củ cải ở một nơi nào hoàn toàn xa lạ, để lại sau lưng mảnh vườn hoang tàn của Ba và những tờ giấy khen được dán lên tường giờ đã bị nước mưa làm lem nhem hết.
Ðoạn ghi âm lần này thật hoàn hảo, giọng đọc xúc động với một chút run rẩy mộng du. Không có tạp âm nào lẫn vào. Ti-vi đã tắt. Không nghe thấy cả tiếng ho lụ sụ hay tiếng thở dốc của ông Ngoại. Tất cả lặng ngắt như tờ. Con Nhỏ nghe lại đoạn ghi âm một lần nữa, hoàn toàn mãn nguyện. Bóng thầy Julien bỗng từ xa bước tới, cái bóng lảo đảo chếnh choáng trên mặt đường trong khi tiếng bước chân nặng nề mỗi lúc nghe một rõ. Hơi thở hôi nồng mùi men, thầy nhìn Nhỏ chằm chặp bằng đôi mắt hằn lên những sọc đỏ ngầu.
– Xin lỗi vì tôi uống hơi nhiều trước khi tới đây. Thầy thở hổn hển trước khi nói tiếp. Khi tỉnh táo quá tôi thường không đủ can đảm. Và thầy thở dốc. Tôi sắp về nhà. Tôi có một mảnh đất nhỏ ở Illinois. Em có muốn đi với tôi không? Ở đó người ta thường trồng bắp ngô, nhưng nếu em muốn, ta có thể thử trồng cải xanh.
Julien hít một hơi sâu, nhìn con Nhỏ bằng ánh mắt chờ đợi. Trong đôi mắt xanh xa lạ của thầy, Nhỏ bỗng thấy giấc mơ kỳ dị đêm qua bất ngờ trở lại.
ĐNT
Sài Gòn, VN