Tập truyện Đi Qua Mùi Hương Ngải của Phạm Ngũ Yên gồm có 14 truyện ngắn trải dài trong suốt 261 trang, không kể Lời mở ở đầu sách và Cảm nghĩ từ người khác ở cuối sách ghi theo thứ tự i, ii, iii và A, B, C., nhà xuất bản Heatherglen, Austin, Texas, tháng 12 năm 2017.
Với 14 truyện ngắn trong 261 trang sách là những cuộc tình. Khi thì ở bên nhà với những địa danh khá gần như Vũng Tàu, quê quán của tác giả hoặc xa thêm chút nữa, lên miền cao nguyên Bảo Lộc, Lâm Ðồng; hoặc có lúc xa hơn như các địa danh vùng I, vùng II mà tác giả có lần đã đi qua và ghé lại như Ðà Nẵng, Pleiku, Ban Mê Thuột, Quảng Ðức, Tam Kỳ…; hoặc có những địa danh ngay trên đất Mỹ, mà nhiều nhứt là vùng Austin, thủ phủ của tiểu bang Texas, nơi ông đang sống và làm việc ở đó. Có lẽ vì vậy mà ở bìa sau của tập truyện này, tác giả đã nhấn mạnh: “Biển của quá khứ và núi đồi của hiện tại đã trở thành bối cảnh cho nhiều truyện ngắn về tình yêu.”
Qua 14 truyện có những cái tựa rất ư là tình tứ, lãng mạn mà cũng rất cay đắng, buồn phiền. Chẳng hạn như:
Giống như một đời lá.
Nghe lạnh về nhớ một bàn tay.
Em về giông bão qua vai.
Ðiều quen lạ nơi em.
Nếu chưa ai nói với em.
Hoa chỉ nở về đêm.
Những đời sông không chạm biển.
Sông chảy qua đời.
Hãy làm bạn đừng làm tình nhân.
Không muốn điền vào chỗ trống.
Nếu để chia tay thì đừng.
Nước mắt chị rơi là không thật.
Chia tay đi khi còn có thể.
Với 14 cái tựa như vậy chắc bạn cũng đoán ra được phần nào những câu chuyện tình mà tác giả muốn kể cùng người đọc. Nhưng bạn đọc Phạm Ngũ Yên, dĩ nhiên là bạn muốn đọc những gì tác giả viết lên các trang sách, thành ra bạn sẽ không ngồi đâu đó để tưởng tượng những cốt truyện ấy.
Vâng thì, tôi thấy thế này: Qua 14 truyện ngắn trong tập truyện của Phạm Ngũ Yên là 14 chuyện tình yêu không cuộc tình nào trọn vẹn. Cuộc tình nào rồi cũng quen nhau, yêu nhau, gần nhau, gắn bó với nhau kể cả những lần trăng mật nữa nhưng rồi lại phải xa nhau, Chẳng hạn, bạn thấy đó, trong lời kết của truyện “Hãy làm bạn đừng làm tình nhân”, tác giả đã kết:
“Hai mươi tuổi tôi vào đời. Ba mươi tuổi tôi vực dậy một tình yêu và hôm nay hơn bốn mươi tuổi tôi mạnh mẽ nghĩ rằng mình có thể độc lập tự vun trồng một cây hoa trong vườn để mỗi sáng ngày nhìn ngắm. Nhưng mới vừa đây thôi, chỉ một phút giây bất cẩn, tôi đã để gai nhọn của hoa làm chảy máu.” (trang 194)
Một lời kết khác, trong truyện “Hoa chỉ nở về đêm”, tác giả viết:
“ Còn nàng? Tôi không biết nàng trôi về đâu sau những cơn mưa phù phiếm? Những cơn mưa có khả năng làm những môi lạnh tìm nhau. Những hơi thở phả vào mặt nhau nồng nhiệt. Nhưng cùng lúc cũng làm cho những vết thương thêm rách nát, ngậm ngùi.” (trang 137).
Còn nhiều và nhiều lắm những cay đắng ngậm ngùi như vậy trong các truyện của Phạm Ngũ Yên. Nhưng có một điều mà bạn sẽ nhận ra ở tác giả tập truyện Ði Qua Mùi Hương Ngải, là ông có một ngòi bút tả cảnh rất thần tình. Dưới ngòi bút của ông, con đường dù gập ghềnh, sỏi đá quanh co ông cũng vẽ nó lên thành con đường tình thơ mộng; dù cảnh vật rất bình thường như nhà tranh vách đất, như phố chợ nhộn nhịp ồn ào, nhưng qua tài tả cảnh của Phạm Ngũ Yên, cảnh ấy vẫn là những cảnh mê hồn lãng mạn. Còn nhiều lắm những cảnh mà bạn sẽ thấy khi bạn đọc qua những trang sách ấy của ông.
Có lẽ vì là nhà nghề trong việc tả cảnh, nên trên những trang sách của ông, chúng ta để ý bắt gặp khá nhiều hư từ, những chữ như có chút gì hư ảo huyển mộng nên người đọc quen đọc văn ông từ thời “Thư viết từ đường Heatherglen (tạp ghi) sẽ rất dễ nhận ra ở ông có bút pháp phù phép làm cảnh vật xung quanh trong các truyện như đồng loạt nhảy múa quanh các nhân vật vậy!
Một đặc điểm nữa trong 261 trang sách của tập truyện này của tác giả Phạm Ngũ Yên, tác giả dùng tới 235 chữ “đời”, làm cho người đọc nhà quê già như tôi phải suy nghĩ về cách dùng chữ, đặc biệt chữ “đời” của tác giả.
Thú thật, với một tác giả như Phạm Ngũ Yên vốn có thời ông là Chủ Tịch Văn Bút Nam Hoa Kỳ (2000-2004)(*), tôi không dám có ý kiến gì về cách viết của ông, nhưng, với tôi đó là cách viết vừa quen mà vừa lạ vậy! Quen ở cách tả cảnh và lạ ở chỗ dùng chữ “đời”. Chữ “đời” ở đây mang chút gì triết lý mà chua chát, đắng cay; nhưng lạ một điều là các nhân vật trong truyện của ông vẫn háo hức say mê nhập cuộc như chưa từng bị “đời” cho vấp ngã mấy lần!
HT
Houston, ngày 08 tháng 10-2018
Phụ chú:
(*) Theo tiểu sử tác giả trên trang nhà Phạm Ngũ Yên