Menu Close

Tầm thường nhưng hữu dụng

Sách vở thường nhắc đến các chương trình khám phá vũ trụ, các loại trị liệu tân kỳ giúp con người khắc phục bệnh tật…, nhưng không mấy ai để ý đến những vật dụng nhỏ bé nhưng vô cùng cần thiết trong đời sống thường nhật.

tam-thuong-nhung-huu-dung2

Cái nhìn ấy ngày nay đã thay đổi ít nhiều. Bá tánh bắt đầu để ý đến những vật dụng thiết thực, thẩm định sự hữu ích của chúng rồi vinh danh các nhà thiết kế / các công ty chủ nhân của các phát kiến ấy.

Tháng Chín vừa qua tổ chức Fast Company đã trao giải Innovation By Design Awards cho một số công ty với các mẫu thiết kế được xem là sáng kiến hay nhất trong năm 2018. Trang nhà của tổ chức này công bố danh sách 17 công ty đoạt giải thưởng trong số các sản phẩm, 16 thể loại khác nhau, được đề cử gồm 2,800 món. Giải thưởng dựa trên những tiêu chuẩn như phát kiến phẩm chất cao, hữu dụng; thiết kế theo kiểu mẫu “đẹp mắt” và “giản dị”, bất kể kích thước lớn nhỏ. Các công ty đoạt giải có cùng một mục đích: phát kiến thành hình để vượt qua những trở ngại, khó khăn. Nghĩa là vật dụng, phát kiến được chế tạo với mục đích rõ ràng, không chỉ để … bán kiếm tiền!

Trong 16 thể loại từ những vật dụng điện tử như “Apps & Games”, thời trang & thẩm mỹ… đến các món thí nghiệm (“Experimental”), nổi bật nhất, theo ý riêng, là thể loại kiểu mẫu, vật dụng đoạt giải là con dao bào của hãng OXO “Good Grips peeler”.

Dao bào tự nó không phải là một vật dụng mới mẻ, và chính Good Grips peeler hay “the Swivel Peeler” cũng đã xuất hiện trong thập niên 90 của thế kỷ trước, khi công ty chế tạo vật dụng nhà bếp cho ra lò một chuỗi sản phẩm mới, Good Grips line, để tiết giảm tai nạn, các vết cắt cứa, khi dùng dao trong nhà bếp. Con dao bào được thiết kế với một tay cầm bằng cao su cứng để không trơn tuột, kích thước vừa đủ để dễ cầm, dễ nắm; được chế tạo cho những người bị thấp khớp sử dụng!

Ðây là sản phẩm chính trong chuỗi sản phẩm được thiết kế với “mục đích” đặc biệt do nhóm thiết kế Smart Design vẽ kiểu riêng cho công ty OXO International vào năm 1990. Ý niệm ấy rất giản dị: Từ con dao bào xơ xài đến con dao có tay cầm bằng cao su, và chỉ có thế nhưng món hàng lại trở nên vô cùng phổ thông trong một thời gian ngắn. Không chỉ những người bị thấp khớp mới ưa chuộng Swivel Peeler, những người khác cũng cảm thấy dễ sử dụng con dao bào kia. Từ đó, vật dụng này đã khởi đầu cho một cuộc “cách mạng”, thay đổi hoàn toàn các kiểu mẫu về đồ dùng trong nhà bếp.

Phổ thông quá xá nên năm 1994, The Swivel Peeler đã được rinh vào viện bảo tàng The Museum of Modern Art (MomA) để trưng bày cho bá tánh nhìn ngắm như một phát minh về kiểu mẫu thực dụng! Ba mươi năm sau, trên Amazon, con dao bào này vẫn được bá tánh trao tặng 4.8 / 5 ngôi sao và vẫn chỉ mang bảng giá dưới 10 Mỹ kim! Dù đã được thay đổi chút đỉnh nhưng con dao bào vẫn thực dụng và đẹp mắt nên kiểu mẫu ấy đã đoạt giải thưởng về Kiểu Mẫu Vượt Thời Gian (“Timeless Design”) năm 2018.

Khi được báo chí phỏng vấn, ông Davin Stowell, người thành lập công ty Smart Design đã kể lại một số chi tiết ly kỳ về con dao bào nổi tiếng lẫy lừng kể trên.

Dao bào không xa lạ chi với bá tánh. Ta dùng dao bào để gọt trái cây, rau củ, đó là một con dao với hai lưỡi, bọc quanh là một vỏ kim loại ngăn ngừa sự rủi ro cắt cứa vào tay người dùng. Một vật dụng khá giản dị trong nhà bếp, giản dị như thế, dễ sử dụng như thế nhưng lại một trở ngại lớn cho những người bị thấp khớp, arthritis; các khớp xương ngón tay họ bị đơ cứng và không thể nắm chặt chuôi dao. Cầm dao không chặt thì khó lòng sử dụng theo ý muốn. Ðó là nỗi bực bội, khó chịu của bà Betsy Farber.

tam-thuong-nhung-huu-dung

Betsy Farber là người từng làm việc nhiều năm trong ngành kiến trúc và thiết kế; bà ấy đã từng giúp đỡ người chồng, Sam Farber, nhiều lần trong việc nhìn ngắm, thử dùng và cho ý kiến về các vật dụng do Copco sản xuất, một công ty chuyên chế tạo các vật dụng nhà bếp.  Ông Farber là người thành lập công ty này.

Năm ấy sau khi ông Farber đã về hưu, họ đi nghỉ mát tại Pháp. Một lần nọ khi bà Farber loay hoay gọt táo để làm bánh, Apple Tart, thì các ngón tay thấp khớp đau quá xá, con dao bào trở nên bất khiển dụng, và bà Farber bực bội than phiền với ông chồng… đồ dùng phải có một cái tay cầm khá hơn… Thế rồi bà Farber bắt đầu tự chế tạo cái chuôi dao bằng đất sét. Ý tưởng ‘đồ dùng cần tay cầm tốt hơn’ bắt đầu thành hình; thành hình từ sự thất bại của dụng cụ [kiểu] cũ. Món hàng nào cần sự khéo léo, uyển chuyển của các ngón tay, rẻ tiền cũng như đắt giá, đều khó sử dụng như nhau khi người dùng bị chứng thấp khớp.

Quen biết làm ăn lâu năm với những công ty thiết kế, ông Farber trở lại thương trường qua việc đầu tư vào chương trình thiết kế “tay cầm” cho vật dụng nhà bếp với Smart Design. Họ trải qua nhiều lần thử thách, thay đổi để đạt tiêu chuẩn ‘dễ sử dụng’ cho mọi người nhất là những người bị thấp khớp [như bà vợ ông Sam Farber, người đầu tư nhiều nhất]. Và dĩ nhiên là phải đi kèm với mức “giá phải chăng” để món hàng có thể bán nhanh, bán chạy!

Ông Stowell kể thêm về phần tài chánh của việc đầu tư kể trên, ông Farber “chung” khoảng 20 -30 ngàn Mỹ kim trong khi nhóm Smart Design “góp” thời giờ và tài năng. Phần đóng góp của Smart Design lên đến bạc triệu trước khi con dao bào và các vật dụng nhà bếp khác bán chạy và chiếm được thị trường! Nói giản dị là ông Farber với một ý tưởng đặc sắc đã góp “của” và phía ông Stowell đã góp “công”, rất nhiều công lao, chưa kể sự “say mê” từ cả hai phía. Nghĩa là cả hai bên đều dốc lòng dốc sức vào chương trình thiết kế để phát triển một dụng cụ tầm thường nhưng vô cùng hữu ích cho người dùng. Chính sự say mê nọ khiến họ trở thành “bạn”, không chỉ là những “partner” đầu tư để làm ăn chung.

Từ chương trình thiết kế này, họ thành lập một công ty mới, công ty OXO, chuyên sản xuất nhiều món dụng cụ dùng trong nhà bếp. Nôm na là có thể áp dụng cùng ý tưởng, dùng vật liệu tương tự cho cả chục món hàng khác nhau. Ðể thử mức tiện dụng, công ty OXO đã nhờ những người tình nguyện trong hội Thấp Khớp Hoa Kỳ (the American Arthritis Foundation) thử dùng món hàng mẫu rồi thu góp ý kiến. Sau nhiều lần thử, sửa chữa…, OXO nhận ra rằng món hàng phải đạt các tiêu chuẩn như kích thước vừa đủ, không quá lớn cũng không quá nhỏ; tay cầm không trơn tuột, dễ nắm giữ ngay cả khi tay đang ướt! Thủa ấy, chẳng có món vật dụng nhà bếp nào đáp ứng đủ với các tiêu chuẩn kể trên. Từ kiểu mẫu sang vật liệu, lựa chọn các xưởng sản xuất vật dụng theo kiểu mẫu, và voila, OXO xuất hiện trên thị trường. Các món hàng vừa mắt lại dễ dùng kia bán chạy như tôm tươi, người nọ mách cho người kia chưa kể mua làm quà tặng!

tam-thuong-nhung-huu-dung1
Betsy & Sam Farber

Từ đó, OXO tiếp tục phát triển thị trường qua việc thiết kế các vật dụng khác, tiêu chuẩn vẫn là dễ dùng và vừa mắt.

Các vật dụng khác của OXO, thoát thai từ con dao bào Swivel Peeler:

Kể lại câu chuyện “phiêu lưu” ly kỳ khởi đầu từ con dao bào dẫn đến cả chục vật dụng khác của công ty OXO, ông Stowell kết luận rất gọn rằng tất nhiên chuôi dao tự nó không phải là lý do người mua chọn món hàng của OXO. Dao thì lưỡi phải sắc mới bào, mới gọt hay cắt được, nhưng chuôi dao giúp người dùng sử dụng con dao dễ dàng hơn. Do đó, tiêu chuẩn đầu tiên là ‘món hàng có công dụng gì?’ Có làm được việc không? Sau đó mới đến kiểu mẫu, và kiểu mẫu phải “nói” được công dụng của món hàng ấy.

Riêng Dế Mèn thì phục lăn cái nhìn rất mới của bà Betsy Farber, con dao khó cầm thì khó dùng, ta phải tìm cách sửa chữa, cải biến thế nào để chuôi dao vừa tay mà sử dụng. Bằng không con dao bào kia chỉ xếp xó. Nghĩa là từ “thất bại”, ta đi đến “thành công”, biến món hàng đáng “xếp xó” thành một vật dụng dễ dùng qua các nỗ lực cải biến, thay đổi.

TLL

Orlando, FL

* Hình ảnh của công ty OXO