Có người nói: dân Việt mình có cái ngộ: Khi có giặc ngoại xâm là đoàn kết một lòng, như Hội Nghị Diên Hồng! “Toàn dân nghe chăng sơn hà nguy biến. Hận thù đằng đằng nên hòa hay chiến? Quyết chiến. Quyết chiến!”
Còn đất nước không có họa xâm lăng, không có thù ngoài thì giờ tới giặc trong.
Chắc mấy ông nầy ‘huỡn’, buồn chán quá, bèn chiêu binh mãi mã, quay qua đánh lẫn nhau. Trước là đỡ cái buồn rầu; sau là để giành quyền lực làm vua một cõi.
Dân ngu khu đen có người vốn hiếu hòa, ai khoái tối ngày kiếm chuyện đánh nhau lỗ đầu sứt trán thì cứ đánh; còn tui dắt vợ tui đi lánh vô vùng đất phương Nam để ta làm lại từ đầu.
Vậy là “Tía em hừng đông đi cày bừa, má em hừng đông đi cày bừa. Tía em là một người nông dân má em cũng là người nông dân. Cùng sống trên đồng bao la”
Xin đừng cho rằng ngày xưa đó: “Ðến đây gặp vịt cũng lùa; gặp gái cũng ghẹo gặp chùa cũng tu”, là lưu dân không biết nghĩa nhơn. Mà trái lại, no ấm là nhờ Trời, Phật, Thánh, Thần phò hộ. Nên ông bà mình biểu lộ cái lòng biết ơn trời đất đó bằng cách trước sân nhà nào cũng có một bàn ông Thiên, tức là bàn thờ ông Trời.
Bàn ông Thiên cao khoảng một thước tây, trên có đặt một tấm ván hình vuông, tượng trưng cho đất, mỗi cạnh khoảng 4 tấc, đủ để một bình cắm nhang hình tròn, tượng trưng cho Trời, và ba cái chung nhỏ; vẫn còn đủ chỗ cho một dĩa trái cây.
Chập tối, ngày bàn giao cho đêm, là thời khắc linh thiêng để bà con mình thắp một cây nhang, khấn vái cầu Trời khẩn Phật cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, gia đình ai nấy đều mạnh giỏi… Ðó là một hình thức tạ ơn quanh năm suốt tháng của bà con vùng châu thổ sông Cửu Long chúng ta.

o O o
Bà con mình ai cũng biết: Nước Mỹ, lễ Tạ Ơn vào cuối tháng 11 và Giáng sinh vào cuối tháng Chạp là hai dịp lễ lớn.
Rồi có người cũng nói: “Christmas thì ở Việt Nam còn biết, còn Thanksgiving ở Việt Nam không biết. Việt Nam mình không có ngày này, không có ngày tạ ơn trời đất như thế này.”
Có chớ! Chẳng phải cái bàn thiên là hình thức ông bà mình tạ ơn vùng đất mới đó sao?
Người Mỹ, người Canada, khi xưa cũng là thuyền nhân, là người tỵ nạn vì bị bức hại về tôn giáo đến nỗi phải rời bỏ nơi chôn nhau cắt rún để lưu vong.
Sử chép rằng: Tháng Chín, năm 1620, tàu Mayflower gồm 121 người rời Âu Châu! Sau hai tháng vượt biển, ngày 9, tháng Mười Một, tàu Mayflower cập bến Mỹ Châu.
Sau mùa Ðông đầu tiên đó, lạnh giá đã quật ngã nhiều di dân. Trong số 102 người đến nơi bình an giờ đây chỉ còn 55 người sống sót.
Mùa Thu năm 1621, vụ mùa đầu tiên thật sung túc, đủ lương thực sống suốt mùa Ðông cho đến vụ mùa năm sau. Nên một bữa tiệc linh đình kéo dài trong ba ngày, ba đêm được tổ chức để tạ ơn Thượng Ðế (Trời) và vùng đất mới. Hơn 90 thổ dân bản địa mang đến 5 con nai để xẻ thịt làm món nhậu chung vui.
Lễ Tạ Ơn hằng năm, rơi vào ngày thứ Năm của tuần lễ thứ tư tháng Mười Một.
Kỳ lễ kéo dài từ thứ Năm đến hết cuối tuần, tới 4 ngày, nên cả nước Mỹ lên xe, tàu, xe lửa hoặc máy bay, dọc ngang như mắc cửi để mọi người trong gia đình gặp lại nhau, dù ở xa cả ngàn cây số cũng về. Về để cùng nhau đi Nhà Thờ tạ ơn Thiên Chúa!
Rồi cả gia đình về nhà cùng nhau ăn bữa tối. Trên bàn tiệc lễ Tạ Ơn, luôn luôn có bắp, khoai tây nghiền, các loại bánh ‘pie’, rau, thịt heo muối, ngỗng hoặc vịt quay và dĩ nhiên không thể thiếu món gà tây đút lò để nhắc lại bốn chú gà tây rừng đã có mặt trong buổi lễ Tạ Ơn đầu tiên tại nước Mỹ.
Gà tây được hân hạnh được hy sinh vì bao tử của người Mỹ; vì nó bự, mập thù lù như Mỹ, nhứt là cái bụng, nên chỉ cần một con là đủ cho cả nhà ăn cành hông, ăn tràn họng.
Tuy nhiên mấy em mình, người Việt ở Mỹ, việc nấu nướng là nghề của nàng, cực khổ mấy em cũng chịu được, nếu anh yêu ăn ngon, nhậu vui là em cũng vui hè. Nên không làm biếng như Mỹ chỉ ra siêu thị mua một con gà tây béo mập, nhét tùm lum tùm la đủ thứ vào rồi đút lò cho nó gọn …Thì mấy em ‘Mít’ mình chọn gà hay vịt thay thế gà tây. Có em, (làm chủ năm, ba cái tiệm neo tiền bạc rổn rảng), chơi luôn cả tôm hùm cho nó ‘oách’!
Mấy em quan niệm rằng cái hồn của lễ Tạ Ơn mới chánh. Còn ăn con gì, nấu món gì thì tùy khẩu vị của từng dân tộc, thấy ngon thì quất láng; chớ đâu nhứt thiết phải bo bo giữ truyền thống tiệc Tạ Ơn đầu tiên, Mỹ ăn gì thì mình phải ăn y hịt mới đặng (?!)
Chính vì quan niệm phóng khoáng như vậy mà mấy con gà tây Mỹ nó thích mấy em ‘Mít’ mình lắm đó. Gặp mấy em là nó kêu ‘cà lót, cà lót’ rượt theo, rỉa mấy cọng lông chưn… để hàm ý biết ơn.
Năm 2014, nước Mỹ nuôi tới 242 triệu con gà tây để ăn thịt trong lễ Tạ Ơn. Một cuộc thảm sát gà tây kinh hoàng cũng vì truyền thống. Nên ngày nầy còn gọi là ‘Turkey Day’!
Ôi tui thấy con gà tây nằm trần truồng, chết trên bàn tiệc lễ Tạ Ơn mà cảm thấy quá mủi lòng! Chẳng qua cái tâm cảm sướt mướt của tui chịu ảnh hưởng của Tổng thống Abraham Lincoln. Người vốn từ tâm, san sẻ bớt tội lỗi của dân Mỹ mình vì giết gà tây nhiều quá xá, năm 1864, đã dùng quyền ân xá của Tổng thống để tha chết cho một con gà Tây.
(Con gà nầy được ‘Tad’, con trai ông, nuôi làm thú cưng; để buồn buồn nghe nó kêu ‘cà lót, cà lót’ cho vui).
Rồi từ đấy, năm nào Tổng thống Mỹ cũng phóng sinh, tha chết cho một con trong buổi lễ tại Tòa Bạch Ốc.
Con gà nào may mắn sống sót, hên như trúng số Power Ball, được đưa tới vườn Bách Thú để sống tới già, rồi chết một cách tự nhiên, không phải bị cởi truồng, nằm tô hô trên bàn tiệc.
o O o
Lễ gì Úc cũng có nhưng lễ Tạ Ơn thì tại sao không? Thì thằng bạn Úc cắt nghĩa (đâm xuồng bể) như vầy: “Ông bà cố của tao là ‘convict’ (tội phạm) ăn cắp chỉ có chai rượu và khúc xúc xích nhậu cho vui thôi; mà bị bắt đi đày hàng ngàn dặm tới đây.
Rồi leo lên bờ thì bị thổ dân vác boomerang rượt, phang thiếu điều lỗ đầu. Ðà điểu cả bầy rượt theo mổ lia mổ lịa; kangaroo rượt theo đá đau muốn tức thở; cá sấu chờ sẵn dưới sông, mới lui cui xuống rửa cẳng, là nó táp nghe cái ‘phập’, hổng lẹ chưn nhảy ngược lên bờ là tiêu hết cả bộ đồ lòng.
Thân phận tù đày, nước non ngàn dặm phải ra đi, đâu có ai ‘welcome’ mình đâu, (hổng thấy người tầm trú nào bén mảng tới đây là bị điệu ra đảo Nauru, giữa Thái Bình Dương mà nhốt mút chỉ cà tha đó, thì tại sao phải tạ ơn chớ?)
o O o
Bà con người Việt mình làm ơn không thèm nhớ nhưng chịu ơn chẳng hề quên. Là thân phận một người tỵ nạn đến nước người, giờ cũng sống được phẻ re như con bò kéo xe, (chớ còn mắc kẹt lại trong nước là tui đã chết ngắc lâu rồi).
Ai giúp tui, dù ít dù nhiều, là tui phải tạ ơn chớ! Thế nên tui mạo muội đề nghị vầy nhe: Bà con mình trên toàn thế giới từ Âu qua Mỹ rồi xề xuống Miệt dưới, Úc Châu, cũng nên bắt đầu một truyền thống tạ ơn đất nuớc cho mình và con cháu mình tạm dung, nương náu, trùng với ngày lễ Tạ Ơn của Mỹ cho nó tiện.
‘Long weekend’ nghỉ nhiều ngày, đoàn tụ gia đình, năm một lần, ăn nhậu cho tới bến, cho nó đã. Sau là gợi cho con cháu mình nhớ tại sao mình tới đây? Ðể giữ hoài cái hồn dân tộc, cái tình yêu nước, thương nòi; kẻo sắp nhỏ sau nầy lớn lên nó lạc, nó quên ráo thì thêm báo.
Bà con nào ở Footscray, gần nhà tui, đồng ý xúm làm lễ Tạ Ơn nước Úc bắt đầu từ năm nay nhe! Nếu có ăn nhậu gì xôm tụ, vui vui, nhớ hú tui một tiếng! Tui vác cái miệng tới liền!
DXT
Melbourne, ÚC