Menu Close

Kinh doanh từ thiện & lòng từ bi

Đành rằng không phải ai làm từ thiện cũng bị lừa, ai tổ chức từ thiện cũng đi lừa, nhưng cẩn thận vẫn hơn. Hãy làm từ thiện một cách khiêm tốn, trong sáng, tự nguyện nhưng phải làm với sự phối hợp của từ bi và trí tuệ để việc từ thiện thực sự trở thành niềm vui cho người thọ dụng, an lạc cho người phát tâm.

kinh-doanh-tu-thien1
Để khỏi bị lừa, người làm từ thiện tới tận nơi, tự mình tìm hiểu,sau đó mới cho quà

Từng là thành viên tích cực của nhóm từ thiện Thiên Phú (tên đã đổi), bốn năm liền, Thu theo trưởng đoàn Ngọc Ngà (tên đã đổi) – một nữ bác sĩ đang giảng dạy và công tác tại bệnh viện T.N, ‘quần nát’ các xã vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số của các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Quảng Ngãi, Ðắc Nông, Bình Phước…Nhiều chuyến khá gian nan, phải chuyển đồ qua mấy lần xuồng ghe, xe tải (đồ đoàn mang theo khá lỉnh kỉnh để có thể đo điện tim, làm vật lý trị liệu, test đường huyết, châm cứu, phát thuốc tây, bốc thuốc Nam tại chỗ). Mỗi tháng một lần, Thiên Phú chọn một xã nghèo vùng xa, nơi mạng lưới y tế yếu kém, đông người thiểu số sinh sống. Trước đó phải liên lạc xin phép Sở Y tế tỉnh, nộp danh sách thành viên (các bác sĩ phải nộp bản sao bằng cấp). Sau khi có giấy giới thiệu của Sở Y tế tỉnh, đoàn phải gọi cho xã hẹn ngày giờ, nhờ xã ‘lùa dân’ đến nơi khám bệnh và nhận quà (thường là hội trường ủy ban, phòng họp, thiền đường, chánh điện). Từ sáng sớm tới quá trưa, bệnh nhân đều được khám bệnh, phát thuốc, lãnh quà. Ai cũng vui vẻ ra về, tay xách nách mang gạo, mì, thuốc uống, sữa hộp…

kinh-doanh-tu-thien
Đoàn từ thiện Thiên Phú đang khám bệnh cho người dân tộc Stieng ở tỉnh Bình Phước

Qua 8 năm hoạt động, đoàn ngày càng có uy tín, tài chánh, nhân sự dồi dào. Những thành viên đoàn khi nói về ‘Thiên Ph. của tụi này’ đều hãnh diện, tin yêu ‘sái cổ’. Cho tới một ngày trưởng đoàn Ngọc Ngà thu tiền của thành viên, kể cả của một mạnh thường quân đã tài trợ cho chuyến đi và của bác tài xế đã ‘cúng dường’ xăng, xe. Vài bác sĩ bất mãn, nghỉ hợp tác, nhưng bản sao (photocopy) bằng cấp của họ vẫn được bà trưởng đoàn Ngọc Ngà lưu giữ. Trong những chuyến đi khác, khi xin phép Sở Y tế địa phương thì trong danh sách vẫn kê đủ tên và bằng cấp của các người đã nghỉ (bằng nào hết hạn thì được sửa ngày tháng bằng photoshop). Ðể bù vào nhân sự bị hụt, trưởng đoàn ‘chữa cháy’ bằng cách nhận người có bằng giả, người không chuyên môn hoặc không đạo đức nghề nghiệp. Cả thuốc tây cũng bị phù phép bất lương: Những thuốc cận đát, hết đát (xin được hay mua rẻ), được sửa đát rồi phát cho bệnh nhân. Thuốc tốt, thuốc mắc tiền không phát mà chỉ bày trên bàn ‘làm mẫu’ để chụp hình đăng ‘phây’, hay đối phó mỗi khi có đoàn kiểm tra y tế xuống xét. Tất cả những khoản thu chi trưởng đoàn không thông báo cụ thể, đầy đủ.

Tệ vậy nhưng không bị phanh phui vì tiếng là đi chung, hoạt động chung nhưng người nào việc nấy. Ai phát thuốc chỉ biết phát thuốc. Ai đo điện tim chỉ biết đo điện tim. Cho nên mới có chuyện cô P. y sĩ đang làm vật lý trị liệu đầu phòng, thấy cuối phòng, bác sĩ N. ngồi khám bệnh, giở va li đem theo, lấy thuốc đưa cho bệnh nhân, cô cảm động… Cho tới khi biết bác sĩ này xài bằng giả và va li thuốc riêng đó là để bán chứ không phải cho ‘chùa’ thì niềm cảm phục biến thành chán ngán. Từ chỗ chán ngán tới chỗ cùng nhau ngồi ‘nối mạng’ thông tin. Mỗi người kể ra những điều thấy biết, phụ trách, ráp lại thành một kịch bản hoàn chỉnh. Mới biết té ra bà trưởng đoàn đã âm thầm kinh doanh từ thiện nhiều năm liền, bất chấp đạo lý, pháp lý. Biết được mặt thật Thiên Phú, một số giáo viên, doanh nhân, cư sĩ đã im lặng rút lui, thề  ‘từ đây không còn dám tin ai’.

kinh-doanh-tu-thien2
Nhóm O+ tặng quà cho người bệnh tật

Trái ngược với cách nghĩ “chim sợ cành cong” của thành viên đoàn từ thiện Thiên Phú là cách nghĩ dễ dãi, khá phổ biến: ‘Bố thí mà suy nghĩ tính toán thì hết phước đức. Cứ thấy xin là cho, thấy khổ là cứu, còn ai lợi dụng thì tự người đó xuống địa ngục!’ Ðiển hình cho cách nghĩ này là anh Th. hàng xóm kẻ viết bài:

Hai vợ chồng Th. nghèo, phải vay vốn làm ăn. Hàng tháng, khéo co kéo thì vừa đủ sống sau khi đóng lãi. Anh chồng sửa xe, quần áo lem luốc dầu mỡ. Chị vợ ngoài việc cơm nước, đưa rước hai con đi học cũng xăng xái phụ chồng mọi việc trong ngoài. Cả hai đầu tắt mặt tối, được cái khỏe mạnh, dễ thương, làm ăn uy tín nên đông khách. Nhìn vào gia đình họ, ai cũng khen thuận thảo, hạnh phúc. Chỉ kẻ viết bài biết là không phải, vì tuần nào cũng nghe to tiếng. Anh chồng cứ thấy ai cạo đầu mặc áo nhà tu đi bán kinh sách, đèn nhang hay quyên tiền xây chùa, đúc chuông, giúp trẻ mồ côi là sốt sắng ủng hộ. Ông chủ cũ, bà thím dâu ghé chơi, than bệnh nhiều, không có tiền thang thuốc là rình vợ mở tủ…Chị vợ biết, cự nự: ‘Anh cho tui không cấm, khỏi phải lén tui, nhưng làm ơn trừ hết khoản ‘cứng’ hàng tháng, còn dư đâu hẵng giúp đỡ người xa người gần. Chứ hở ra là cho, hở ra là giúp, làm sao…’ Anh chồng bực bội cắt ngang: ‘Nói nhiều! Ðàn bà biết gì!’ Vậy là từ  ‘anh- em’ sang ‘anh- tui’ rồi tới ‘mày- tao’. Từ nói nhỏ thành chén bay, ghế bay, dộng cửa rầm rầm. Qua nhà kẻ viết bài, anh chồng than: ‘Cô coi đó, nó lòng dạ nhỏ nhen ích kỷ, không biết kính Phật, thương người’. Cô vợ cũng than, mà than khác: ‘Chồng con tuổi chó, bởi vậy ngu như chó, nói hoài không biết nghe. Chuyện tiền bạc, một đồng con không dám xài. Lúc nào đầu óc cũng lo tiền này tới hạn, tiền kia tới kỳ. Lo vậy mà ảnh không thèm biết…’ ‘Thì nói cho nó biết’. ‘Nói chớ, mà ảnh đâu chịu nghe. Mỗi lần con bắt đầu nói là ảnh ôm điện thoại, đeo tai nghe vô…’ Kẻ viết bài chép miệng, cười trừ. Ðương nhiên, chị vợ đúng nhưng nói năng chưa khéo nên chưa ‘xi nhê’, ngược lại còn làm chồng khó chịu. Phần anh chồng, rõ ràng là có lòng tốt, hay làm từ thiện dù phải ‘chiến đấu với mụ trâu điên nhà con’ nhưng phương cách làm từ thiện của anh nặng cảm tính, thiếu cân nhắc suy xét, ảnh hưởng ngân quỹ gia đình. Ðã vậy, anh ngoan cố cho mình đúng, chê ‘đàn bà biết gì’, không chịu đối thoại. Cứ đà này, hai vợ chồng còn là ‘chiến đấu’ dài dài!

kinh-doanh-tu-thien3
Tác giả và nhóm O+

Hai trường hợp tham gia từ thiện kể trên, tuy có mất vui nhưng mức thiệt hại tiền bạc chẳng là cái đinh gì nếu đem so với giới tiểu thương, doanh nhân, nghệ sĩ nổi tiếng, hoa hậu, người giàu đột xuất (trúng số, thừa kế…) Những người này ngày thường đã là đích nhắm của bao nhiêu tổ chức, hội đoàn, cá nhân làm từ thiện, đến dịp gần Tết càng bị săn lùng ráo riết. Chẳng nói đâu xa, chỉ đơn cử trường hợp hai con tép riu là hai học trò cũ của kẻ viết bài, một anh may gia công, một anh làm mì gói. Cơ xưởng sáng đèn suốt đêm, công nhân hàng trăm người đánh hàng Tết không kịp thở, vậy nhưng cứ gặp cô giáo cũ là hai anh than: ‘Khổ lắm cô ơi! Hai đứa em nhỏ như hai con tép mà ông hàng ngang (xã, huyện, công an, hải quan, thuế), ông hàng dọc (ngành dệt may, thực phẩm) ông nào cũng nghĩ tụi em bự như tôm càng. Rồi người đòi luộc, kẻ đòi nướng’. Rốt cuộc đành cắn răng chung chi cho tất cả các loại đồng chí kính mến(!) để được yên thân. Bù lại, mỗi ‘tép riu’ được cái bằng công đức về treo trong văn phòng, số a lô của công ty được ‘các anh’ ghi nhớ để ‘có gì còn phò hộ’. Tham gia từ thiện kiểu bị vắt bị ép như vậy, tuy không phát xuất từ sự tự nguyện, nhưng cũng không xấu. Có xấu chăng là làm từ thiện để rửa tiền, chạy chức, chạy tội, hối lộ thánh thần, ‘con gà tức nhau tiếng gáy’…

Càng gần cuối năm, khi tiết trời trở lạnh, trái tim người xa xứ hay đập những nhịp bồi hồi. Có người đặt vé máy bay về Việt Nam ăn Tết. Có người theo nguồn tin do người quen, bạn bè, cư dân mạng ‘chỉ điểm’, gửi chút quà Xuân về địa chỉ ‘chiến hữu’, người già neo đơn, tật nguyền…. Vài lần đi chuyển tiền giùm họ, kẻ viết bài đã ngỡ ngàng, lúng túng, không biết nên làm sao khi đến nơi thấy ông A, em B, cụ C ‘tội nghiệp lắm đó’ không đúng như mô tả, thậm chí không hề hiện hữu. Chẳng đặng đừng phải có bài viết nhỏ này nêu vài trường hợp bị ‘vào tròng’, mong bạn đọc cảnh giác, tránh bị lừa gạt hay lợi dụng bởi bọn “kinh doanh từ thiện” lắm mưu ma chước quỷ.

XH

Sài Gòn, VN