Menu Close

Vài mẩu chuyện Lễ Tạ Ơn

Ngày Lễ Tạ ơn năm nay rơi vào ngày 22 Tháng 11, tức Thứ Năm của tuần lễ thứ tư. Và theo truyền thống, trong những bữa tiệc sum họp gia đình là phải có món gà tây trên bàn. Không có gà tây cho buổi tiệc của ngày Lễ Tạ Ơn thì cũng giống như ngày Tết không có bánh chưng bánh tét vậy, sẽ mất đi ít nhiều hương vị ngày lễ.

vai-mau-chuyen-le-ta-on

Lễ Tạ Ơn và salmonella

Nhưng Lễ Tạ Ơn năm nay diễn ra đúng lúc khi mà dịch bệnh của vi khuẩn salmonella được tìm thấy trong thực phẩm có chứa thịt gà tây sống, trong thức ăn có gà tây sống dành cho chó và thậm chí trong những con gà tây chưa bị làm thịt – cho đến nay vẫn chưa chấm dứt.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Bệnh dịch (CDC), kể từ Tháng 7 đến nay đã có thêm 74 người nhiễm bệnh, nâng tổng số người nhiễm bệnh trong thời gian một năm qua lên 164 tại 35 tiểu bang. Trong số 164 trường hợp được báo cáo nhiễm bệnh, có 63 người đã phải vào chữa trị ở bệnh viện.

vai-mau-chuyen-le-ta-on3
Bữa tiệc Lễ Tạ Ơn truyền thống – nguồn Asbury Park Press

Sự việc vi khuẩn salmonella lây lan trong thịt gà tây sống lần đầu tiên được phát hiện là vào dịp Lễ Tạ Ơn năm ngoái và cho tới nay vẫn chưa giải quyết xong. Theo dữ liệu của CDC, Texas, California, Illinois, Minnesota và New York là những tiểu bang bị vi khuẩn salmonella hoành hành khá nặng. Trong đó Minnesota với 17 trường hợp và Illinois với 16 trường hợp là hai tiểu bang bị nhiễm vi khuẩn cao nhất. Cũng theo CDC, California phát hiện được 13 trường hợp, Texas 12 trường hợp và New York 11 trường hợp.

Nói như thế không có nghĩa là Lễ Tạ Ơn năm nay không được ăn gà tây. Cho đến nay, cơ quan CDC vẫn không khuyến cáo là không nên ăn gà tây và chỉ đưa ra lời khuyên là nên cẩn thận khi chuẩn bị nấu nướng món gà tây. Phải rửa tay thật sạch sau mỗi lần đụng vào thịt gà tây còn sống. Nếu là gà tây còn đông đá thì nên để gà tây trong tủ lạnh và xả đá. Khi làm gà tây thì không nên đặt trên mặt bàn (countertop) của nhà bếp mà nên để trên một cái thớt sạch. Và điều quan trọng hơn hết là phải nấu cho gà tây thật chín.

Nàng Meghan và Lễ Tạ Ơn

Mùa hè vừa qua, hoàng gia Anh đã tổ chức một đám cưới thật linh đình cho hoàng tử Harry để cưới cô Meghan Markle. Từ một thường dân, hơn nữa lại là một người Mỹ, từng trải qua một vài cuộc tình và một cuộc hôn nhân ngắn, bỗng dưng một ngày nọ cô gặp Hoàng tử Harry và được hoàng tử đem lòng yêu mến và hai người đi đến hôn nhân. Ðây hẳn là câu chuyện thần tiên của “cô bé lọ lem” tân thời.

Meghan từng là một diễn viên, mang hai dòng máu đen trắng, xinh đẹp, khả ái. Sau khi cưới Hoàng tử Harry, cô được mang tước hiệu của hoàng gia là Nữ Công tước thành Sussex. Có thể nói cô là người có được đầy đủ yếu tố để trở thành một “cục cưng” của giới truyền thông Mỹ. Hình ảnh của cô xuất hiện mỗi ngày trên các trang báo và trên các mạng truyền thông, được người đời chú ý tới từng kiểu giày, từng màu áo cô mang trên người. Và do đó điều không ngạc nhiên khi có người thắc mắc là sau khi làm dâu của hoàng gia rồi, không biết Meghan có còn giữ truyền thống mừng Lễ Tạ Ơn của người Mỹ nữa không?

vai-mau-chuyen-le-ta-on2
Nàng Meghan và Hoàng tử Harry – nguồn ABC News

Lễ Tạ Ơn là của người Mỹ thì mắc mớ gì đến người Anh, hơn nữa lại là hoàng gia Anh. Dịp Lễ Tạ Ơn năm ngoái, người ta thấy hoàng tử William và nữ công tước Catherine có những sinh hoạt hết sức bình thường chứ không có gì đặc biệt: họ đưa con đi chơi đá banh và sau đó tham dự một buổi nhạc kịch buổi tối. Một điều cần nhắc lại ở đây là bốn ngày sau Lễ Tạ Ơn, Meghan và Harry đã làm lễ đính hôn. Vậy vào thời điểm đó chắc chắn họ biết là sẽ có một cô em dâu tương lai người Mỹ, thế nhưng không thấy ai trong hai người này tổ chức một bữa tiệc gà tây cho cô em dâu tương lai cả.

Meghan được biết là một người rất coi trọng ngày Lễ Tạ Ơn. Năm ngoái, trong lúc còn đang đóng dở dang bộ phim truyền hình ở Toronto, cô đã bay về Los Angeles dành nguyên ngày Lễ Tạ Ơn để được sống gần với mẹ là bà Doria Ragland.

Một người coi trọng ngày Lễ Tạ Ơn như cô Meghan thì lẽ nào một sớm một chiều dễ dàng từ bỏ truyền thống tốt đẹp này được, cho dù cô nay đã là một công dân Anh Quốc, lại mang tước hiệu nữ công tước, hơn nữa lại là một nữ công tước tuyệt vời dưới mắt của nhiều người Mỹ. Thế nên có người nói rằng Meghan cứ hiên ngang tổ chức một bữa tiệc gà tây đi rồi mời cả hoàng gia tới ăn để làm nở mày nở mặt người Mỹ về truyền thống tốt đẹp này chứ.

Và mùa mua sắm cuối năm

Không chỉ người dân Mỹ nao nức chờ ngày Lễ Tạ Ơn để được dịp gần gũi với gia đình và người thân đâu. Giới kinh doanh cũng nao nức chờ ngày lễ đặc biệt này lắm, là vì mùa mua sắm cho dịp Lễ Giáng sinh chính thức bắt đầu một ngày sau Lễ Tạ Ơn – tức ngày Thứ Sáu Ðen. Chữ đen ở đây hoàn toàn không có nghĩa xấu, mà ngược lại, nó là dấu hiệu tốt đẹp cho giới buôn bán lẻ. Theo ngôn ngữ chuyên môn thuộc lãnh vực kinh tế, màu đen tượng trưng cho lời và màu đỏ tượng trưng cho thua lỗ. Và mùa mua sắm cuối năm là cơ hội mang lại số lời trong sổ kế toán của các cửa hàng bán lẻ ở Mỹ.

Và vì vậy, ngày Thứ Sáu Ðen giữ một vai trò quan trọng trong nền kinh tế của Mỹ và là ngày có mức mua bán cao nhất đối với các cửa hàng bán lẻ mà không một ngày nào khác trong năm, kể cả ngày Thứ Hai ảo (Cyber Monday), có thể qua mặt được nó.

Năm nay giới buôn bán lẻ còn được may mắn hơn nữa là có tới 34 ngày – là số ngày nhiều nhất có được giữa Lễ Tạ Ơn và Lễ Giáng Sinh – để người mua sắm chuẩn bị quà cáp cho người thân và bạn bè.

Mặc dù mùa lễ Giáng Sinh dường như bắt đầu mỗi năm mỗi sớm hơn – với hầu hết các cửa hàng bán lẻ ở Mỹ đã cho trang hoàng và trưng bày các món hàng Giáng sinh ngay sau khi ngày Halloween vừa hạ màn – thời gian của mùa mua sắm cuối năm vẫn đóng một vai trò quan trọng, và các cửa hàng bán lẻ rất phấn khởi với con số 34 ngày, trong đó có năm ngày Thứ Bảy rơi vào trong khoảng thời gian này.

vai-mau-chuyen-le-ta-on1
Cửa hàng mua sắm dịp lễ cuối năm – nguồn Pixabay

Vào những năm khác khi ngày Lễ Tạ Ơn tới trễ hơn, tức rơi vào tuần cuối cùng của Tháng 11, thì người ta chỉ có bốn ngày Thứ Bảy cho dịp mua sắm cuối năm.

Ngày Thứ Bảy trong tuần luôn luôn là ngày buôn bán bận rộn nhất vì người ta có nhiều thì giờ rảnh rang hơn và không phải lo trở lại sở làm ngày hôm sau. Thế nên thời gian mua sắm kéo dài hơn trong năm nay nghĩa là có thêm ngày mở cửa, thêm ngày để mua sắm, và quan trọng hơn hết là có thêm doanh thu cho các cửa hàng bán lẻ.

Từ nhiều thập niên trước, ngày Thứ Sáu Ðen theo truyền thống vẫn được xem là ngày khởi đầu cho mùa mua sắm, nhưng nay người ta thấy mỗi năm nhiều mặt hàng cho dịp lễ cuối năm cứ từ từ âm thầm được xếp trên các kệ hàng trong những cửa hàng bán lẻ loại lớn ngay từ dịp hè. Và đương nhiên, để cạnh tranh và lôi kéo khách hàng, nhiều cửa hàng cũng đã tung ra những chiến dịch quảng cáo hạ giá nhiều mặt hàng rất sớm.

Năm nay, những công ty lớn như Amazon.com, Walmart và Target đã cho hạ giá một số mặt hàng ngay từ ngày đầu của Tháng 11 thay vì chờ cho đến ngày Thứ Sáu Ðen như theo thông lệ trước đây.

Theo dữ liệu của Liên đoàn Bán lẻ Toàn quốc (NRF), có khoảng 10 phần trăm người tiêu thụ ở Mỹ bắt đầu mua sắm cho dịp lễ cuối năm ngay từ Tháng 8, khi nhiệt độ bên ngoài trời còn ở mức 90 độ F hoặc hơn. Nhưng điều này không có nghĩa là vì sự háo hức cho mùa lễ mà có thể là vì họ muốn có nhiều thì giờ hơn để tránh không bị hấp tấp.

Thế nên với 34 ngày mua sắm trong năm nay là điều đáng kể. Năm ngoái, giới mua sắm chi tiêu rộng rãi và các cửa hàng bán lẻ làm ăn phát đạt một phần nhờ kinh tế nước Mỹ khởi sắc và việc giảm thuế, nhưng bên cạnh đó cũng nhờ người ta có được thời gian 33 ngày, trong đó có năm ngày Thứ Bảy để tha hồ mua sắm. Và năm nay, sinh hoạt mua sắm cho dịp lễ cuối năm chắc cũng không kém phần nhộn nhịp so với năm ngoái.

VH

Arlington – TX