Vũ Khắc Khoan là một tác giả nổi bật của Văn Học Miền Nam, ngay cả ở những tháng năm lưu vong trên nước Mỹ.
Trong kỳ trước, chúng ta đã ghi nhận, “Sinh thời, trong nghiệp viết lách, Vũ Khắc Khoan có mối giao tình thắm thiết, bền chặt với Mai Thảo, Phạm Đình Chương, Nghiêm Xuân Hồng, Trần Hồng Châu…” Và chúng ta đã ghi lại bài viết của Mai Thảo và Trần Hồng Châu. Sau đây thêm một bài viết của Nguyễn Xuân Hoàng, với bóng hình tác giả Thần Tháp Rùa trong tâm tưởng các văn hữu cùng thời. NGUYỄN & BẠN HỮU
Nguyễn Xuân Hoàng
….
Tôi không thân với Vũ Khắc Khoan, nhưng giữa ông và tôi có nhiều điều để nhớ. Trên Văn số tháng Mười 1986, tôi đã viết về một kỷ niệm với tác giả Thần Tháp Rùa sau những ngày 30 tháng Tư: Một Hạt Bụi Của Vũ Trong Sài Gòn Ðỏ. Một lần nói chuyện với Vũ Thị Thơ, ái nữ của ông, tôi nhắc kỷ niệm khi gửi một truyện ngắn cho Vấn Ðề, truyện ngắn mà ông nhiều lần nhắc tôi khi bước vào toà soạn Văn trước khi lên toà soạn của Vấn Ðề ở tầng trên. Và, truyện ngắn đó của tôi sau khi có mặt trên Vấn Ðề đã trở thành “một vấn đề” cho tờ tạp chí do ông điều khiển.
Sau vụ đó ở quán Cái Chùa, Sài Gòn, nói chuyện với Thanh Tâm Tuyền về vở kịch Thành Cát Tư Hãn, anh nói lâu lắm rồi, anh đã viết một bài về vở kịch này. Rằng ông Khoan là một nhà văn thức tỉnh, quá thức tỉnh, khiến những vấn đề ông đặt ra trong tác phẩm được giải quyết một cách gần như dứt khoát. Không có chuyện mập mờ và tối tăm trong tác phẩm của ông. Nhân vật của ông đứng khựng lại trước biên giới của ý thức. Ông không cho phép chúng dò kiếm lời giải bằng cách mở ngõ tiềm thức. Ðó là cá tính của nhà văn họ Vũ. …” Thanh Tâm Tuyền cho biết “vở kịch có nhiều biến động của hoàn cảnh, nhưng nội giới các nhân vật vì bị nhốt trong ý thức chật hẹp không có những âm vang dữ dội thường thấy trong các bi kịch.”
Giờ đây, một năm sau ngày Vũ Khắc Khoan mất, tháng Chín 1987, tạp chí Văn Học** trong số đặc biệt về Văn nghiệp Vũ Khắc Khoan đã cho đăng lại bài của Thanh Tâm Tuyền: Nghĩ về Thành Cát Tư Hãn: Cái Cớ Của Vũ Khắc Khoan, viết từ năm 1962. “Một tác phẩm bao giờ cũng là một nhận thức của tác giả trước sự vật. Nhận thức của tác giả có thể hợp với số ít hay đám đông, điều đó không quan hệ đến giá trị tác phẩm. Tôi nghĩ rằng giá trị của tác phẩm không ở chỗ thuyết phục được người đọc hay không. Khi viết tác phẩm, tác giả chỉ làm công việc trình bày nhận thức của mình và sự hiện diện tồn tại của tác phẩm tùy theo nó có là một sự kiện đặc sắc khiến người đọc phải dùng nó để đối chiếu kiểm điểm về mình hay không…. Không chỉ riêng tôi, bất cứ cái “tôi” nào, nếu có những quan niệm để đối chiếu, đều có thể khác biệt với Vũ Khắc Khoan. Nhưng, không phải vì thế mà không nhận Thành Cát Tư Hãn là một tác phẩm giá trị.”

Nhắc đến Vũ Khắc Khoan, thi sĩ Viên Linh trong khi trả lời phỏng vấn của Văn Học trong số báo nói trên kể rằng: “Vũ Khắc Khoan lúc nào cũng lừng lững như một pho tượng. Trên sân khấu trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ, chỉ cho Trần Quang một động tác trước khi Thành Cát Tư Hãn kéo màn. Trong Ðêm Mầu Hồng một giờ sáng, ngồi sau một mặt bàn tròn, gõ bàn mà ngâm Hồ Trường. Ði trên hành lang Phủ Quốc Vụ Khanh Văn Hoá, bước xuống quán nhậu Hải Biên, mái tóc chải ngược về phía sau, hai vai chắc nịch, cặp mắt mở lớn, dọi thẳng, bước đi vững chãi, anh có cái điệu bộ đi thẳng vào đám đông như biết đám đông sắp rãn ra, để sau đó nhìn theo sau lưng anh mà ngưỡng mộ một tấm thân nam tử…”
Còn nhớ, tháng Mười, 1986, một tháng sau ngày Thần Tháp Rùa chia tay, tại ngôi chùa Việt Nam ở Los Angeles, chúng tôi tham dự lễ cầu siêu Vũ Khắc Khoan. Hôm đó có Mai Thảo, Phạm Ðình Chương, Phạm Công Thiện, Ðào Trung Ðạo, Lê Trọng Nguyễn, Trúc Chi, Ðỗ Ngọc Yến, Phạm Duy,…chúng tôi, mỗi người đều nhắc đến những kỷ niệm với tác giả Thành Cát Tư Hãn,… Nhà văn Tuấn Huy đã kể lại cảm tưởng của anh: “tôi đứng chiêm nghiệm khuôn mặt một người đàn ông có nước da màu mật ong loãng, có sóng mũi cao, có đôi mắt sáng, và có mái tóc màu cước trắng bồng bềnh. Cái dáng người tầm thước, cái phong thái thanh thoát, cái giọng nói sang sảng đầy châm biếm mà cũng rất ngọt ngào… đang hiện ra lồng lộng trong trí nhớ tôi… tôi nghĩ đến cái chết và cái sống. Nghĩ đến những hội tụ và những chia lìa. Nghĩ đến cái đến và cái đi nhanh mau đột ngột của một đời người. Nghĩ đến Ðinh Hùng. Nghĩ đến Vũ Hoàng Chương. Nghĩ đến Nguyễn Mạnh Côn. Nghĩ đến Thanh Nam và nghĩ đến Vũ Khắc Khoan…Tôi đang nhìn cuộc đời này. Và khoảnh khắc, tôi cảm nhận được tất cả chỉ là những phù du hư ảo của một kiếp người ngắn ngủi…”
Tuần qua, trong những ngày đầu Thu vẫn còn rây lại cái nóng chát của mùa Hè ở bắc California, tôi gọi Cung Tiến thăm hỏi tác giả Thu Vàng là xứ Vạn Hồ của bạn đã “lộng lẫy”nắng Thu chưa, và chúng tôi nhắc lại chuyện xưa, ngày Mai Thảo đến Minnesota tiễn đưa Vũ Khắc Khoan. Tôi nhắc Cung Tiến trong bài điếu văn anh đã đọc trước linh cữu họ Vũ. Và nhắc lại câu sau cùng trong một bài viết của Thầy Huyền Không: “Anh Vũ Khắc Khoan đã đi. Tôi muốn nói như người xưa, đi đây là đi về nghĩa là không phải đi mất. Như Thần Tháp Rùa đã yên ngủ mà vẫn còn dư ảnh đâu đây trong lòng người với sự tái tạo của một con người Vũ Khắc Khoan, nhà văn. Như Thành Cát Tư Hãn đã nằm xuống tự bao giờ mà vẫn còn đâu đó cái khí phách anh hùng đến riêng cõi cô đơn cũng chỉ với sự tái tạo của một con người: Vũ Khắc Khoan, kịch tác gia. Ðến bây giờ, cái con người tái tạo cho những gì đã chết được sống đó lại cũng đã đi về.”
Thế mà giờ đây nhắc lại ngày chia tay Thần Tháp Rùa cũng đã 24 năm. Dài bằng thời gian tôi đặt chân lên đất Mỹ đến nay.
NXH
*Văn số 52, tháng 10, 1986.
**Văn Học số 20, tháng 9, 1987