Menu Close

Những đứa con Trung-Học Trần Quí Cáp 

Hồi ký

3 Kỳ- Kỳ 1

Giữa thập niên 50 của thế kỷ 20, đậu vào Ðệ Thất Trung-Học Công Lập Trần Quí Cáp Hội-An là một thành tích xuất sắc đáng hãnh diện của một cậu học trò Quảng-Nam mới qua cấp tiểu học; vì Trần Quí Cáp là trường trung học lớn nhất và danh tiếng nhất của tỉnh. Năm đó, ước lượng, có gần hai ngàn thí sinh tranh nhau 170 chỗ, kể cả dự bị, dành cho bốn lớp Ðệ Thất Trần Quí Cáp. Tôi được ghi danh vào lớp Ðệ Thất 3 cùng với hơn 40 nam nữ sinh khác.Trong bộ đồng phục quần xanh áo trắng, tôi cảm thấy mình lớn hẳn lên, và chững chạc hẳn ra. Ðời học trò, lên Ðệ Thất là bước vào một thế giới mới. Chân trời trước mặt rực rỡ, đầy hoa thơm cỏ lạ ngát hương, và thánh thót tiếng chim.

Thời gian này, trường đang mở rộng cơ ngơi, hàng rào bê tông được dựng lên, cùng với cái cổng xi măng vững vàng sơn phết đàng hoàng. Tiếp đó là cái trụ cờ, và những sân bóng chuyền, bóng rổ nhanh chóng hình thành. Những hàng phượng vĩ đã bắt đầu cho bóng mát.

Hai năm Ðệ Thất, Ðệ Lục chỉ là thời gian làm quen với nếp giáo dục mới, với chế độ học giờ, học với nhiều thầy giáo, thay vì chỉ có một thầy giáo. Chúng tôi biết học nhóm, và biết thế nào là hình phạt cấm túc. Trong hai năm này, thầy hiệu trưởng Tăng Dục, thường ghé lớp, kể cho chúng tôi nghe những thành tích vẻ vang của các đàn anh lớp trước. Thầy nói rằng nước nhà mới độc lập, đang cần bàn tay xây dựng của các công dân trẻ. Thầy mong muốn chúng tôi luôn luôn chăm chỉ học hành, để sau khi thành đạt, ra giúp nước, làm rạng danh cho trường.

nhung-dua-con1
Thầy và trò Trung Học Trần Quí Cáp 1958 – Source: Cô Bạch Vân

Với tôi, trường Trung-Học Trần Quí Cáp là ngọn đèn soi lối cho tôi ngày mới lớn. Tôi cảm thấy vô cùng yên tâm dưới sự che chở của những bàn tay trìu mến bao dung, đang dẫn dắt tôi. Làm sao tôi có thể quên những người suốt đời tận tụy vun xới cho tương lai của đất nước như cô Luyện, cô Nguyên, cô Huỳnh Tân, thầy Kiệm, thầy Nhâm, thầy Tước, thầy Phan Khôi, thầy Tống Khuyến, thầy Hoàng Trung, thầy Dương Ðức Nhự…

Qua giờ học đầu tiên với cô Luyện, tôi mới hiểu phải tốn bao nhiêu công sức bỏ ra từ khi hạt mạ gieo xuống, cho tới lúc chúng ta có bát cơm ăn mỗi ngày. Vào giờ Pháp Văn tôi cứ tưởng tượng như được thầy Tống Khuyến dẫn đi thăm công viên Luxembourg ngắm lá đổ chiều Thu, leo lên tầng gác chót của tháp thép Eiffel soi bóng nước sông Seine giữa Paris, hay lênh đênh trên giòng Danube vào những đêm lung linh trăng sáng.

Mặt khác, với những hiểu biết sâu xa về lịch sử Việt-Nam và thế giới qua mọi thời đại, thầy Phan Khôi đã nhóm ngọn lửa yêu nước trong lòng tôi cùng với giấc mộng làm một viên tướng tiên phong xua quân chinh phạt giặc Tầu. Tôi từng mơ có ngày hạ trại, đóng quân trên những pháo đài dọc dải Vạn Lý Trường Thành. Tôi cũng ước ao một cuộc ra khơi vượt Ðịa-Trung-Hải tới thành Trois, tìm vết tích con ngựa gỗ và viếng ngôi mộ của người anh hùng Hector.

Cô giáo Huỳnh Tân đã bắt chúng tôi tập đi tập lại nhuyễn nhừ bài “Au Claire de La Lune” ; đồng thời Thầy Tước cũng dạy chúng tôi bài “Red on The Sunset” khi lớp tôi vừa học xong cách phát âm hai mươi sáu chữ cái trong Anh Ngữ. Chỉ với hai bài hát ngắn tiếng Pháp, tiếng Anh này, cũng khiến mặt tôi vênh lên “lấy le” với đám con nít xóm Hồ-Sen, đa phần là các gia đình Bảo An Ðoàn Bắc-Kỳ Di Cư. Năm mươi năm sau, hai bài hát này tôi vẫn còn nhớ.

Lên tới Ðệ Ngũ chúng tôi thành ma cũ. Vào năm này, chúng tôi sang tuổi trổ mã, áo quần cứ ngắn và chật hẳn đi. Phong trào rèn luyện thể chất của lực sĩ đẹp Nguyễn Công Án đang lên. Những bộ ngực kiến càng của anh Cẩn, Bảo An Ðoàn, và anh Bính Trưởng Ty Thanh Niên, đã trở thành những bộ ngực lý tưởng của lớp nam sinh. Chiều nào tôi và bạn bè cũng tới tập tạ trong trụ sở Thanh Niên Cộng Hòa đối diện Trường Trung Học Diên-Hồng. Những võ sĩ tên tuổi như Văn Ðại, Minh Cảnh, Ðặng Bốn, Võ Long Châu thỉnh thoảng lại về Hội-An giao đấu biểu diễn. Nhiều lò Thiếu Lâm, Võ Ta, Nhu Ðạo, Quyền Anh, mọc lên dưới Sơn-Phong, trên Chùa Cầu, ngoài Nhà Thờ.

Chúng tôi bắt đầu được chấm chọn vào đội túc cầu của trường để đem chuông đi đánh xứ người, trong Tam-Kỳ hay ngoài Ðà-Nẵng. Lớp Ðệ Ngũ 3 có anh Trịnh Thành và anh Tâm Ðen  là hai tiền đạo xuất sắc của đội túc cầu học sinh Hội-An.

Ðội văn nghệ của trường tôi cũng xôm tụ lắm. Những giọng ca sáng giá thời đó phải kể là, Minh Thu, Ngô Rân, Khưu Vỹ Hoàn. Chị Giang người Bắc Di Cư, nhà ở trên Vĩnh-Ðiện được nhìn nhận như là kịch sĩ Kim-Cương của ngày mai. Thầy Nhâm vừa là ông bầu vừa là đạo diễn của ban nhạc Trần Quí Cáp.

Ðệ Ngũ cũng là năm nhiều bạn hữu của tôi chập chững bước vào con đường tình. Vào lứa tuổi mười bốn, mười lăm, tình yêu là “cái bệnh hay lây”. Người “mắc bệnh” này thường ưu tư muộn phiền vô cớ.  Từ đó, một ánh mắt, một nụ cười, một tiếng nói, cũng có thể trở thành kỷ niệm một đời. Mắc bệnh này cũng nguy hiểm lắm, bị đánh sưng mặt như chơi. Những kỷ niệm buồn vui thời trung học, nửa thế kỷ qua rồi, tôi vẫn chưa quên.

Năm đó mùa Ðông về sớm, gió Bắc lạnh tái tê. Một tối, trước thềm chùa Âm-Bổn, tôi và Trần Ngọc Lợi, ngồi bên nhau, hút thuốc lá, chuyện gẫu chờ thằng Phùng Tiến và thằng Ngô Rân. Hai đứa bạn hút hết bốn điếu Ruby rồi mà hai thằng kia chưa tới.

Bỗng đâu, từ hướng phố, trên đầu dốc, xuất hiện hai chiếc xe đạp. Xe lạng một cái vèo, đậu ngay giữa sân. Một trong hai kỵ sĩ áo đen, chống nạnh hất hàm,

– Ê! Sẵn sàng chưa? Thằng Tiến đâu?

Tôi chưa hiểu chuyện gì, thì Lợi đã mau mắn trả lời,

– Lúc nào cũng sẵn sàng! Thằng Tiến chưa tới.

Nhờ ánh điện đầu đường mờ mờ, tôi nhận ra hai người bận đồ đen này là Lưu Lương Cơ và Nguyễn Ðức Tâm, hai anh này học trên chúng tôi hai lớp. Họ là hai tay Huyền Ðai Nhu Ðạo có hạng của Hội-An.

Anh Tâm nhanh nhảu,

– Ðể khi khác tụi này hỏi tội thằng Tiến. Bây giờ thì hai chọi hai. “Moi” với “Toi” chơi trước.

Lợi quay qua tôi căn dặn, trước khi bước ra sân,

– Mi lược trận cho tau, nếu thằng Cơ can thiệp, thì chận nó lại.

Bước ra giữa sân, võ sĩ Nguyễn Ðức Tâm xuống tấn, chân trái trước, chân phải sau, hai tay xoè song song giơ ra phía trước trong một  thế Judo căn bản. Anh Tâm đang chờ địch thủ xông vào để ném địch thủ xuống nền đá dưới chân.

Võ sĩ Trần Ngọc Lợi, học trò ruột của Thầy Năm Sửu thì tạ mình xuống thấp, chân duỗi chân co, sẵn sàng một đường Thiếu-Lâm. Dáng dấp của Lợi như một chàng Sơn-Ðông mãi võ sắp đi quyền.

Thoáng một cái, Trần Ngọc Lợi xoay người, đá dứ chân trái, trước mặt Tâm. Ðôi tay của Nguyễn Ðức Tâm chưa kịp tóm bàn chân đối thủ, thì nhanh như chớp Trần Ngọc Lợi đã xoay người quạt một cú đá tạt bằng gót phải trúng vai Tâm.

Bị cú đá bất ngờ khá mạnh trúng sau vai trái, Tâm chưa kịp lấy lại thế quân bình thì Lợi tiếp một ngọn cước cũng bằng chân phải móc ngược lên, nhắm cằm của Tâm. Cú đá này nhanh và sắc như một nhát cuốc chỉ thiên. Phải là tay Judo bản lãnh lắm, Tâm mới kịp ưỡn người ra sau để tránh. Cằm anh chỉ cách lưỡi cuốc vài phân.

Sau đó, nhanh không kém, lợi dụng lúc Trần Ngọc Lợi chỉ còn trụ trên một chân, Nguyễn Ðức Tâm xoay người lòn ra sau lưng Lợi. Tâm nhập nội, hai tay túm được vai áo của đối thủ. Anh nghiêng người, kê hông phải làm đòn bẩy, nâng Lợi lên sau vai…

Tôi thót tim. Chắc phen này thằng bạn chí cốt của tôi sẽ bị quật giãy “đành… đạch!…” trên nền đá sân chùa, như con cá lóc bị người ta đập đầu làm thịt!

Ai dè, Tâm chưa kịp quật Lợi xuống đất thì cái cùi trái của Lợi đã vèo tới cằm anh. Ðể tránh bị vỡ hàm, Tâm đành buông Lợi ra. Sức nặng của Lợi lơi ra làm cho Tâm mất thăng bằng.

Ðúng là bên tám lạng, bên nửa cân! Cặp này biểu diễn còn hấp dẫn hơn cặp võ sĩ nhà nghề Ðặng Bốn “Ðầu Tàu Xe Lửa Phan-Rang” và Minh Cảnh “Ðôi Găng Vàng Thủ-Ðô” vừa diễn ra trước đây một tháng tại sân quần vợt tỉnh, nhân dịp Linh Mục Nguyễn Văn Vàng du thuyết đề tài “Tuổi Trẻ và Quê Hương”

Ðứng ngoài, tôi và Lưu Lương Cơ hứng chí vỗ tay “đồm độp!” tán thưởng.

Chưa xong! Trong lúc Nguyễn Ðức Tâm bị trượt chân, còn đang chao đảo, thì ngọn cước chân trái của Trần Ngọc Lợi lại tới. Dân Thiếu-Lâm có những cú đá vô cùng lợi hại,

“Bốp!”

Ngọn cước trúng hạ bộ của địch thủ. Người bị đòn vào “chỗ đó”, đau quá, nhảy tưng tưng, hai tay ôm “ngã ba”, mặt nhăn nhó, miệng rên “ư!…ư!…ư!…”

– Ngưng ngay! Ngưng ngay! Ðề nghị ngưng ngay!

Lưu Lương Cơ thấy bạn trúng thương khá nặng, bèn đề nghị ngừng trận đấu.

Tôi hỏi anh Cơ,

– Thế nào? Tôi và anh sao đây?

Anh Cơ xua tay,

– Hẹn dịp khác!

Lợi gật đầu,

– Chờ kỳ tới, có thằng Tiến.

Thì ra, hôm ấy hai anh Tâm, Cơ đã bỏ công đạp xe khắp nơi để truy lùng thằng Phùng Tiến, để cho nó một trận đòn, chỉ vì nó đã mắc tội “dám yêu” nàng Minh Nguyệt. Cô bé Nguyễn Thị Minh Nguyệt là em gái anh Nguyễn Ðức Tâm. Minh Nguyệt học dưới chúng tôi một lớp, có dáng người thanh thanh như liễu rũ, có màu mắt đẹp như nước hồ thu. Tôi chẳng rõ Minh Nguyệt có nhỏ chút xót thương nào cho cái cây si đang héo hon sau ngõ nhà nàng không? Nhưng chỉ vì cái bịnh yêu của thằng Tiến mà bạn bè của nó bị vạ lây. Thực ra tôi và thằng Lợi chẳng có ân oán, nợ nần gì với anh Tâm cả.

Hai cặp Lợi-Long, Tâm-Cơ bắt tay nhau, lòng không chút hận thù.

Nhị vị đàn anh Trần Quí Cáp phóc lên xe. Ðêm yên tĩnh lại trở về.

“Cậu Long ơi! Từ lần sau, các cậu có dợt võ thì vào sân sau chùa. Dợt ngoài này, lỡ gặp mấy ông Cảnh Sát đi tuần, mấy ổng rầy la đó!”

Có tiếng nói phát ra từ một bóng người trong đêm tối, nơi cửa hông. Ðó là tiếng ông từ giữ chùa. Ông từ vừa có ý kiến với “Cậu Long”.

Trong xóm này “Cậu Long” cũng có uy tín lắm, vì tôi được tiếng là chăm học, chăm làm. Tôi là học trò duy nhứt có học bổng trong số rất đông học trò cư ngụ từ khu Trường Diên-Hồng tới Ðế-Võng, Sơn-Phong. Trừ ba tháng nghỉ Hè, mỗi tháng trong niên khóa, tôi được chính phủ trợ cấp 200 đồng. Thời này anh tân binh quân dịch lãnh lương tháng vỏn vẹn có 120 đồng thôi. Phụ huynh học sinh Bắc Kỳ Di Cư xóm chùa Âm-Bổn thường đem tôi ra làm cái gương tốt cho con em của họ.

nhung-dua-con
Cô Bạch Vân đứng thứ 3 (hàng đầu) từ phải qua- Source: Cô Bạch Vân

o O o

Trong trường Trần Quí Cáp và lớp Pháp Văn của ông Quận Ðĩnh, tôi có nhiều nhóm bạn riêng. Ngay trong lớp Ðệ Ngũ 3 này, bạn trai của tôi có hai, ba nhóm. Nhóm bạn văn nghệ, văn gừng là Trần Ngọc Lợi, Ngô Rân, Lê Hữu Mục, Lê Văn Bảy, Phùng Tiến. Nhóm bạn áo rách, nhà nghèo là Nguyễn Ðình Liếu, Phan Minh Ðông, Nguyễn Văn Ðang, Nguyễn Ðác. Nhóm Bắc Kỳ Di Cư có Vũ Văn Bằng, Nguyễn Hữu Hạnh, Trần Quế Chính…

Bạn gái của tôi cũng có hai phe, mức độ thân thiết và xưng hô khác nhau. Phe thứ nhứt gồm chị Lê Thị Kim Tư, Trần Thị Diệu Hồng, Ngô Thị Xuân Lan, Võ Thị Quý, thêm một bạn trai là Vũ Ðức Phụng. Ngoài chị Lê Thị Kim Tư, chúng tôi kêu bằng “chị” và xưng tên, số còn lại chúng tôi gọi nhau là “mi” và xưng “tau”. Sau này, lên đệ nhị cấp, chúng tôi tan đàn, xẻ nghé, nhưng mỗi lần gặp nhau, kể cả khi đã có vợ có chồng, chúng tôi vẫn “mi …mi…tau…tau…”

Nhóm bạn gái thứ nhì của tôi gồm hai cô ở sát nhà nhau là Tô Thị Vân và Nguyễn Thị Nguyệt Thu. Có một thời gian bạn bè trong lớp tưởng rằng người đẹp xứ Huế, sắc nước hương trời Nguyễn Thị Nguyệt Thu có tình ý với tôi. Vì mỗi khi làm xong một bài thơ mới, Nguyệt Thu đều đưa cho tôi xem để tôi cho ý kiến. Và đôi lần, Nguyệt Thu đi học, đem theo trên tay vài bông hồng còn ướt sương đêm mà nàng vừa cắt sau nhà để tặng cho Anh Vọi.

Cho tới một hôm, tôi tới nhà thăm Nguyệt Thu, tôi gặp bác Hàm, thân phụ của Nguyệt Thu. Khi tiếp chuyện với bác, tôi thấy ý bác không muốn chúng tôi thân thiết nhau. Từ đó, tôi không ghé nhà Nguyệt Thu nữa. Năm sau, gia đình bác Hàm chuyển nhà ra Huế. Chúng tôi không còn liên lạc với nhau.

Nhà họ Tô có ba cô con gái. Cô nào cũng đẹp và duyên dáng. Chị Tô Thị Hồng ít khi xuất hiện. Tô Thị Vân học chung lớp với tôi. Tô Thị Lan học thua tôi một lớp. Chị Vân cũng là một “thùng thư”, có nhiều anh trong lớp bỏ thư cho chị lắm.

Năm Ðệ Ngũ tôi còn một lô bạn học chung lớp Pháp Văn nhà lá của ông Quận Ðĩnh ở Hồ Sen. Tôi được Bác Ðĩnh cho học không phải đóng tiền. Ðáp lại, tôi đã rủ rê, chiêu dụ được khá đông học sinh mới cho Bác Ðĩnh.

Từ ngôi “Trường Tây” đèn dầu xóm nhỏ này, tôi đã quen thêm nhiều  bạn mới.

Một hôm, tan lớp tối, có một đoàn nữ binh kéo nhau tới cổng nhà tôi.

Mẹ tôi gọi,

– Long ơi! Có khách.

Tôi ra tiếp khách. Khách chẳng chịu bước vào nhà, mà cứ líu lo dưới gốc cây đu đủ trước sân. Khách vớ vẩn đôi câu hỏi thăm sức khoẻ chủ nhà. Rồi khách vội vàng kéo tay nhau, vừa đi, vừa chí choé. Vài phút sau, đoàn nữ binh đã ào lên xung phong tiến chiếm trọn vẹn hai cái bàn trống trong quán chè Bà Chỉ. Tiếng con gái tranh nhau lựa loại chè còn ồn ào hơn tiếng Nhà Máy Ðèn bên kia đường. Bà Chỉ cười, đưa bàn tay gầy guộc lên che miệng, miệng bà móm sọm.

Khổ một điều, khách toàn là con gái, nên khi khách đi rồi, tôi bị chị        Hảo, người hàng xóm, chọc quê,

– Ðược nhiều người đẹp ghé thăm, Cậu Long đào hoa lắm nhe!

Ba thằng nhỏ trong xóm, một đứa là con Trung Sĩ Tranh, Bảo An Ðoàn cũng phụ hoạ,

– Anh Long có bồ! Anh Long có bồ! Lêu!… Lêu!.. Anh Long!… Lêu!…Lêu!…

Rồi một tối sáng trăng, tôi lại vướng vào một vụ rắc rối khác.

Chúng tôi ba đứa Long, Rân, Mục đang tản bộ nơi ngã ba Ty Thông Tin thì đụng đầu toán yêng hùng Lò Heo.

Bốn tay hảo hán chặn đường ba đứa chúng tôi lại,

– Thằng Rân có ngon thì bước ra đi!

(còn tiếp)