Nhằm ghi dấu một thời của văn học Miền Nam, chúng tôi giới thiệu sau đây nhà văn Lữ Kiều qua một tản văn của chính tác giả và bài viết của Mang Viên Long. Mời bạn đọc cùng chia sẻ. NGUYỄN & BẠN HỮU
LỮ KIỀU
Năm 1961, cô giáo vừa rời trường Sư phạm và dạy môn Triết học lớp đệ nhất văn chương và vạn vật trường Quốc Học.
Bấy giờ cô 24 tuổi, chúng tôi ở độ tuổi đôi mươi. Cô đẹp. Ðẹp và dịu dàng. Cô vừa lập gia đình xong. Những lời giảng triết lý của cô về sự Thật, về cái Thiện, về cái Ðẹp đã cùng ánh mắt và nụ cười của cô đi vào lòng bọn trai trẻ chúng tôi, lũ bọn trai mà: “hồn lưu lạc chưa hề thờ một Chúa…” trong câu thơ của Huy Cận.
Bốn mươi năm sau, chúng tôi gặp lại cô. Thời gian xa cách tưởng như không hiện hữu, bởi vì cô vẫn là cô, cho nên chúng tôi vẫn là những chàng trai thời đệ Nhất trong xác phàm của những trung niên hư hao. Tôi nói điều đó với Châu Văn Thuận, chàng trưởng lớp đệ nhất C1 ngày ấy, vẫn mang quả tim nồng nàn không có tuổi vượt qua bao tai ương. Ðôi mắt cô không còn đen như trước, đã có những vẩn đục vì đời, vì người, vì tháng năm, nhưng nụ cười của cô vẫn dịu dàng xinh đẹp như ngày nào. Và nhất là tấm lòng cô, bất chấp thời gian, vẫn nguyên vẹn sự hồn nhiên tin cậy, tin người, tin đời, tin điều tốt lành, tin những lời cô giảng 40 năm về trước. Có thể chúng tôi giờ đây già hơn cô, đã trải qua bao tai ương cay nghiệt của lịch sử, chúng tôi là một thế hệ nghi ngờ, hoang mang cho nên cần vô cùng một chút lòng tin. Của tin còn một chút này (Nguyễn Du). Của tin ấy còn đầy trái tim cô giáo cũ.

Có lần tôi cùng cô dự một đám tang. Cô mặc một màu đen, trang điểm kín đáo. Cô vẫn muốn đến với mọi người bằng dung nhan đẹp nhất, như hoa nở cho đời. Lần ấy, tôi ngồi cạnh cô, nhìn sóng mũi thanh tú của cô (hình như đó là dấu nhấn trên khuôn mặt cô, như điểm nhấn trong bức tranh vậy), tôi nghe tiếng tụng kinh buồn bã, ngửi mùi trầm hương, lòng ngậm ngùi về sự tàn phai của kiếp người, những tình yêu chết đi không cứu vãn được. Tôi nói điều đó với cô, cô trả lời:
– Không, ở tuổi nào, người ta cũng bắt đầu yêu được…
Giọng cô chân tình, xác tín làm tôi bàng hoàng. Có thật ở tuổi nào cũng có thể yêu? Hình như ngày ấy, tôi tưởng lòng mình là viên đá chạm đáy hồ không còn loạn động vì những đợt sóng đời. Lời cô làm tôi tỉnh thức. Cô đã truyền cho tôi lòng tin cậy. Tôi nhớ đến một nhân vật của Dostoyevsky, nàng Sonia tội nghiệp đã đem tình yêu của nàng phục sinh chàng sinh viên sát nhân tội lỗi.
Tôi nhớ đến người bạn gái trong căn nhà cuối hẻm, nàng sống một mình chịu đựng bao nhiêu khổ lụy, nàng là nỗi khổ, nhưng nàng vẫn dành cho cuộc đời nụ cười bao dung, nhẫn nại và tin yêu.
Hình như ai cũng cần một niềm tin. Cũng như một chút may mắn. Cô giáo cũ đã giúp tôi nhìn ra điều ấy…
Ðêm ấy, tôi gọi điện thoại cho người bạn gái bất hạnh, tôi nói rằng tôi cầu mong em hãy yêu như thể chưa hề bị ai phụ bạc.
LK
MANG VIÊN LONG
Lữ Kiều: nhà văn – nhà viết kịch
Tên thật Thân Trọng Minh
Sinh năm 1942 tại Thừa Thiên – Huế.
Học sinh Quốc Học niên khóa 1959-1962.
Là Bác sĩ – Tiến sĩ Y khoa.
Bút hiệu khác: Nàng Lai.
Thành viên sáng lập tạp chí Ý Thức, cộng tác với nhiều tạp chí văn học trong & ngoài nước. Anh còn sinh hoạt trong lãnh vực hội họa từ những năm trước 1975. Hiện anh sống & làm việc tại Sài Gòn.
Những tháng ngày gần đây Lữ Kiều rất ít khi viết gì. Cái cảm giác băn khoăn, ray rứt dường như thường trực mỗi khi anh ngồi vào bàn muốn viết “một cái” gì đã làm “khó” anh chăng? Tôi lại nghĩ thêm: sự nghiêm cẩn và ước ao toàn vẹn cho những trang viết đã khiến anh cảm thấy không an lòng? Ngày trước Lữ Kiều làm thơ, viết tạp bút, truyện ngắn, và nhất là kịch bản rất đều đặn. Các kịch bản của anh đã một thời tạo được sự cách tân cần thiết, và cuốn hút nhiều người đọc – nhất là lớp trí thức trẻ. Trong số Ý Thức đầu tiên (1970) Lữ Kiều đã cho giới thiệu kịch bản “Kẻ Phá Cầu”, gây ấn tượng rất sâu đậm trong giới văn nghệ về một ý thức hệ hầu như “nan giải” trong cuộc chiến dai dẳng trên đất nước. Gần đây kịch bản “Con Sâu Trong Mắt”, một lần nữa những thao thức, trăn trở không nguôi bao năm lại trở về với những nhân vật tiêu biểu cho thời đại mà chúng ta đang phải đối diện.
Trong vài vở kịch của anh mà tôi có dịp đọc được, tôi đều có cảm nhận sự dằn vặt hay mâu thuẫn của ý thức hệ trong con người (nói chung) và cuộc chiến tranh VN (nói riêng) là một ám ảnh, một thảm cảnh triền miên đã len sâu vào trong máu thịt mỗi người. Nó đòi hỏi ở người đọc hay người xem một số “hiểu biết” căn bản (nếu không muốn nói là sâu rộng) để có thể chia sẻ được cùng tác giả những tâm tình uẩn khúc, những thao thức cũng như bao kỳ vọng một đời. Nên vì thế kịch của anh có thể rất giới hạn khán giả và độc giả. Có phải vì anh luôn thao thức trong mọi tư duy, luôn thao thức kiếm tìm sáng tạo từ hình thức đến nội dung thể hiện nên Lữ Kiều luôn cô độc, luôn cảm thấy thiếu, chưa bao giờ mãn nguyện với những gì mình đã giãi bày? Với anh viết là sáng tạo không ngưng nghỉ, là tiếng lòng chân thật – không thể khác! Viết với anh là một thái độ sống, một đòi hỏi như nhu cầu cấp thiết, và cũng là một sự phản kháng tích cực. Và sau cùng, nỗi thao thức cô đơn thường trực ấy bên trang viết đã khiến anh hụt hẫng chăng?
Bên cạnh các kịch bản là “sở trường” của Lữ Kiều – các truyện ngắn của anh cũng không ngớt phản ảnh tâm trạng thao thức (và cô đơn) của mỗi nhân vật khi dấn thân vào đời sống dẫy đầy biến động, khổ đau, và chia xa. Tôi thường có cảm tưỏng là anh đã rất “khổ tâm” khi “sống chung” với những nhân vật của mình qua truyện (hay kịch). Có phải vì thế mà về sau Lữ Kiều đã dành trọn thời gian thư thả rất hiếm của anh để gắn bó với hội họa? Ðến với cây cọ và sắc màu có lẽ sẽ êm dịu, an toàn, và “quyến rũ” hơn? Lữ Kiều đã chọn hội họa là phương tiện để giải tỏa bao nỗi niềm ẩn chứa, trong lúc chưa thể “an tâm” ngồi lại với những trang viết tâm huyết như xưa? Rất mong Lữ Kiều sớm được an nhiên trở lại với những kịch bản (và truyện ngắn) để tiếp tục làm “chứng nhân” cho thời đại khi quỹ thời gian không còn hào phóng cho một đời người.
Dù đã được “quen biết” anh từ năm 72 của thế kỷ trước, nhưng những trang viết của Lữ Kiều với tôi, vẫn mãi còn là một “ẩn số” chưa được giải đáp! Ðôi điều “cảm nhận” về Anh – vì thế, cũng chỉ là một khởi đầu cho những ghi nhận tiếp theo.
Năm tháng vẫn còn đang đợi chờ chúng ta phía trước…
Quê nhà, tháng 3 năm 2013
MVL
Nguồn Newvietart.com