Menu Close

Lòng biết ơn tổ quốc mới

Làm một công dân Mỹ, mang tấm hộ chiếu quyền lực, bầu cử và tham gia các công việc chính phủ liên bang, bảo lãnh thân nhân đoàn tụ, thụ hưởng các phúc lợi xã hội bình đẳng như bao người Mỹ và nhiều quyền lợi khác. Đó là những động lực, mơ ước cho di dân được trở thành công dân Mỹ. Ngày nay đòi hỏi nhiều điều kiện và thủ tục để trở thành công dân Mỹ. Nhìn lại lịch sử để thấy được nỗi thăng trầm và biến động của quá trình nhập quốc tịch (Naturalization) ảnh hưởng đến số phận của những di dân năm xưa.

long-biet-on-to-quoc

Nước Mỹ tự do, hùng mạnh và có được nền dân chủ tối cao như hôm nay nhờ dựa vào Hiến Pháp. Một Hiến Pháp vì dân, do dân. Hiến Pháp ra đời khi đất nước độc lập từ Anh quốc đến nay đã có nhiều bổ sung với các Tu Chính Án để hợp lòng dân. Thế nhưng Hiến pháp không có dòng nào về di trú, nhập tịch, hộ chiếu hay trục xuất… Ngoại trừ một luật định cho phép Quốc hội soạn thảo luật nhập tịch.

Năm 1715, Arien Gerritsen, một người Tin Lành Hòa Lan ở thuộc địa New York trình một tờ giấy để xin nhập quốc tịch nơi vùng Tân Thế Giới. Trước đó Hoàng đế Anh George I vừa ban chiếu chỉ cho phép các cư dân ngoại kiều theo Tin Lành đang sống ở các thuộc địa của Anh có thể xin gia nhập quốc tịch Anh. Ðứng trước quan tòa của hạt Ulster, Arien từ bỏ quốc tịch gốc Hòa Lan và tuyên thệ trung thành với mẫu quốc Anh, sau khi điền một tờ đơn viết tay bằng bút lông, được đóng dấu bằng sáp đỏ. Tấm giấy chứng nhận quốc tịch mới này được xem như hộ chiếu của nước Mỹ đầu tiên trong thời thuộc địa, đầy những lỗi chính tả, những từ cổ khó hiểu và nhiều chi tiết cá nhân. Trông như là một hợp đồng thương mãi.

Trước cuộc Cách mạng giành độc lập, Hiến pháp đầu tiên của 13 thuộc địa chưa ra đời, quá trình nhập tịch vào mẫu quốc thường được ưu tiên dành cho những người theo Ðạo Tin Lành. Vài di dân có thể xin nhập tịch tùy thuộc vào thuộc địa họ sinh sống với một lệ phí cao. Khi nước Mỹ thắng Anh, quá trình và thủ tục cùng luật lệ nhập tịch bắt đầu hình thành. Ðất nước được lập nên trong khói lửa và gồm nhiều chủng tộc, địa phương. Một tờ giấy viết tay, chữ nghiêng nắn nót và có nhân chứng ký tên trước quan tòa ở thành phố chính của 13 thuộc địa, không bắt buộc phải nói tiếng Anh. Và như thế trở thành công dân Mỹ. Không có một tiêu chuẩn hay một luật lệ quy định nào về việc nhập tịch.

long-biet-on-to-quoc3
Chứng Nhận quốc tịch cho di dân Hòa Lan ở thuộc địa New York 1715

Cho đến 4 năm sau, Ðạo luật Nhập tịch đầu tiên năm 1790 mới bắt đầu hình thành, quy định các kiều dân da trắng tự do, có hành vi đạo đức tốt, sống ở Mỹ ít nhất 2 năm, có thể xin nhập tịch. Các phụ nữ da trắng có chồng, sẽ hợp lệ theo chồng có quốc tịch. Luật nhập tịch từ đó thay đổi nhiều lần tùy thuộc vào tình hình đất nước đầy biến động. Khi làn sóng nhập cư lên cao vào những năm các nước ở Châu Âu mất mùa màng, thay đổi địa chính trị, làn sóng chống đối di dân ở Mỹ lên cao, ảnh hưởng của Anh và Pháp còn mạnh; thì năm 1798, John Adams với Ðảng Liên Bang, đã thắng cử Tổng thống, thay thế George Washington và nâng thời gian quy định hợp lệ cho nhập tịch từ 5 đến 14 năm. Nhằm hạn chế lá phiếu bầu cử của công dân từ đảng đối lập Dân Chủ – Cộng Hòa do Thomas Jefferson lãnh đạo. (Ðảng Không Biết Gì – Know-Nothing Party, một đảng bài ngoại cực đoan còn đề xuất điều kiện cư trú tối thiểu của di dân lên đến 21 năm.) Ðến năm 1802, thì điều kiện đòi hỏi cho di dân trở lại còn 5 năm. Thời gian này, các tờ rơi và tài liệu in ấn đã phát hành những điều lệ cho di dân muốn tìm hiểu và thi nhập tịch. Nhà in ở New York năm 1828 đã in ra 6 điều thay đổi mới cho di dân tìm hiểu về luật nhập tịch.

Dù có nhiều sửa đổi cho phù hợp với hiện tình đất nước, nhưng tựu trung luật nhập tịch dành ưu tiên cho các di dân gốc gác từ Châu Âu. Khi nội chiến xảy ra, gần 1/4 người Mỹ da trắng ở miền Nam đã chống lại chính phủ Liên bang, chia cắt gần 1/3 miền đất xinh đẹp này để làm nên cuộc chiến 4 năm kinh hoàng. Quốc tịch Mỹ của các chiến sĩ miền Nam Confederate bị xem là phản loạn, quốc tịch của các ngoại kiều sinh sống ở Mỹ đã tham chiến, đổ máu cho cuộc chiến và quốc tịch của các nô lệ sinh ra trên đất nước này chính là những đề tài tranh cãi gây sóng gió Quốc hội. Mãi đến sau Nội chiến, Tu chính án thứ 14 mới mở rộng điều luật cho phép các nô lệ da đen được trở thành công dân Mỹ. Tiếp đó, để đối phó với các làn sóng nhập cư ồ ạt của 63 ngàn người Hoa vào Mỹ từ thời cơn sốt vàng, Ðạo luật đã ngăn chận người Hoa nhập tịch kéo dài cho đến 1943 mới được bãi bỏ. Riêng về các thổ dân da đỏ, họ được tự động trở thành công dân vào năm 1924. Cuộc chiến Tây Ban Nha và Mỹ ở vùng Thái Bình Dương đã mở rộng cánh cửa nhập tịch cho các cư dân có nguồn gốc Ấn Ðộ và Phi Luật Tân vào năm 1946.

Ðến đầu thế kỷ 19, luật nhập tịch mới bắt đầu với các khảo thí. Dựa trên quan điểm cho rằng quyền công dân không tự nhiên mà có, mà phải đạt được. Các cuộc phỏng vấn dựa trên kiến thức về quyền lợi và trách nhiệm dân sự căn bản cho mọi công dân. Dù vậy các cuộc phỏng vấn đầy may rủi xảy ra trước các quan tòa. Nhiều quan tòa không lưu tâm đến kiến thức lịch sử Mỹ, khả năng Anh ngữ của di dân. Và tất nhiên họ dưới nhiều ảnh hưởng chính trị của lá phiếu cử tri.

long-biet-on-to-quoc2
Giấy Chứng Chỉ Quốc Tịch ở New York 1840

Năm 1929, các nhà in và chính quyền địa phương đã phối hợp và in ra các sách hướng dẫn, các câu hỏi có thể được hỏi trong cuộc thi quốc tịch,với giá rẻ và xuất bản số lượng lớn trên các quầy hàng trên phố thị đông đúc di dân nhập cư. Năm đó có 224,728 công dân Mỹ được tuyên thệ. Con số cao đứng thứ nhì kể từ năm 1907.

Trước đó vào năm 1906, để tránh các tiểu bang tự ban hành luật di trú, Tòa án Tối cao Liên bang đã lập ra Bureau of Naturalization, tiền thân của Sở Di Trú và Nhập Tịch Mỹ (INS). Ðến năm 1930 thì INS đã loại bỏ các câu hỏi khó khăn và dường như không cần thiết cho kiến thức công dân như “Ðài tưởng niệm Bunker Hill cao bao nhiêu mét?”, “Cây đuốc trong bức tranh giành độc lập chống trả quân đội King George III của dân New Yorker.”…Các câu hỏi được chọn chú trọng vào kiến thức căn bản về hiến pháp, chớ không dựa vào các con số, các sự kiện phải học thuộc lòng. Nhân viên sở nhập tịch xem xét và thu hẹp các chủ đề thi, nhắm đến trình độ học vấn và lý lịch của kiều dân. Dù vậy vẫn không có một tiêu chuẩn nào cho cuộc thi viết. Ngay cả sau năm 1950, khi kiến thức lịch sử Mỹ và quyền lợi, trách nhiệm dân sự đã trở thành trọng tâm trong việc xét nhập tịch; thì các câu hỏi vẫn là chính yếu.

Từ năm 1965, ảnh hưởng chính trị và xã hội toàn cầu đã tác động đến chính sách nhập tịch, dựa vào sự đoàn tụ thân nhân, ưu tiên các di dân có kỹ năng, vào nhu cầu kinh tế đất nước hơn là các con số quota hạn định. Cánh cửa di trú và nhập tịch mở rộng trở lại cho di dân Á Châu và Châu Mỹ La tinh.

Ngày nay với tài liệu học thi gồm 100 câu hỏi liên quan đến lịch sử, hệ thống chính quyền, hiến pháp, trách nhiệm và quyền lợi của công dân… đã giúp những thí sinh sau khi trải qua 5 năm trên đất nước này có nhiều tự tin và đầy tự hào khi chuẩn bị hành trang để trở thành công dân mới. Nhìn nhận quê hương xa xôi này chính là quê hương mình. Ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi đầy ắp trong đầu. Tim mang nặng lòng biết ơn về tổ quốc mới đầy bao dung.

long-biet-on-to-quoc1
Sách hướng dẫn Thi Quốc Tịch 1929

SB

Austin, TX