3 Kỳ- Kỳ 2
Chúng tôi ba đứa Long, Rân, Mục đang tản bộ nơi ngã ba Ty Thông Tin thì đụng đầu toán yêng hùng Lò Heo.
Bốn tay hảo hán chặn đường ba đứa chúng tôi lại,
– Thằng Rân có ngon thì bước ra đi!
Ông nội Ngô Rân lui ra phía sau, xô tôi tới trước,
– Hôm nay tau nhức đầu, mày thay thế tau một trận.
Người gọi tên Ngô Rân thách đấu là anh Mãnh, một dân chơi xóm Lò Heo. Tôi và anh Mãnh đã có dịp đọ sức một lần, lâu rồi, ở sân sau Trường Nam. Nguyên nhân cũng chỉ vì anh Ngô Rân cứ đảo qua đảo lại trước nhà một cô đẹp đẹp nào đó gần nhà anh Mãnh. Anh Mãnh thấy ghét cái bộ dạng của Ngô Rân, nên thách Ngô Rân đấu tay đôi sau sân trường Nam Tiểu Học. Tới hẹn, Rân bị nhức đầu, nhờ tôi đánh thay. Lần đó tôi đang lấn điểm thì ông phu trường xuất hiện. Ông cầm cây, rượt tụi tôi chạy vắt giò lên cổ. Anh Mãnh có nhắn rằng, sẽ gặp lại Ngô Rân, mặc dầu sau đó Ngô Rân không dám bén mảng tới khu phố có nhà chị Quế.
Tự dưng bị bạn đưa ra làm lá chắn, nhưng tôi vẫn thản nhiên,
– Tôi đại diện cho thằng Rân tiếp anh.
Anh Mãnh nhanh nhảu,
– Thôi thì tiện đây mình giải quyết món nợ cũ cho xong.
Tay chân vung lên, hai đứa đánh toàn là đòn độc. Cuộc chiến diễn ra giữa phố. Anh Mãnh cao hơn tôi một cái đầu, vì thế tôi cố tiến sát địch, đánh cận chiến. Tôi gồng mình chịu ba bốn cú thôi sơn vào ngực, vào hông. Nhưng rồi tôi đã thành công với hai phát chém bằng sống tay trúng ngay mặt địch thủ. Chắc mũi địch thủ của tôi phải xẹp lép vì hai cú chém này. Tôi nhấn thêm một bước cho gần địch thủ hơn. Tôi vung chân phải lên, ngáng cẳng sau của địch, đồng thời bàn tay phải tận lực đẩy ngay cằm anh ta. Nếu trúng đòn này, một con bò cũng phải té bật ngửa.

Nhưng anh Mãnh quả là tay bản lãnh rất cao. Anh ta xoay nhanh theo chiều kim đồng hồ, tay trái đấm một phát chí tử trúng ngay cằm tôi.
“Bốp!”
Lãnh cú đòn này, hai mắt tôi nổ đom đóm, hai tai kêu lùng bùng. Tôi nghiến răng, liều mạng, dùng đầu làm vũ khí, húc ngược lên.
“Cốp!”
Ðỉnh đầu tôi chạm cằm của anh Mãnh rất mạnh. Anh ta lảo đảo. Tôi nhào vào kẻ địch, vật nó xuống. Hai đứa quấn vào nhau, lên gối lia lịa…’Hự!… Hự!…” Hai đấu thủ lăn lộn giữa đường phố. Một lúc sau, thì bốn cánh tay khóa chặt, chân mỏi nhừ, chẳng đứa nào đánh thêm được cú nào nữa, đành nằm ôm nhau thở phì phò…
Lúc tôi đang nằm dưới, Mãnh đè phía trên thì nghe tiếng con gái la rối rít,
“Cảnh Sát! Cảnh Sát tới!”
Một ông cò cầm dùi cui xuất hiện,
– Ê! Hai thằng kia, ngừng lại!
Nghe tiếng ông cò nạt, Mãnh buông tôi ra. Tôi vội nhoài người, đứng dậy.
Ông Cảnh Sát quất cho mỗi đứa một dùi cui vào mông đít,
– Ði về! Lớn rồi còn đánh lộn hả?
Một đám học trò con gái bu lại. Có mấy đứa cùng lớp tôi, đang chí chóe với nhau. Có đứa lấy dầu cù là bôi lên cằm tôi, chỗ vừa bị đấm. Tôi nghe tiếng Võ Thị Quý,
“Cứa thèng Lang quỷ sứ nài cứ đi đắn lộộn hùa!” (Cái thằng Long quỷ sứ này cứ đi đánh lộn hoài!)
Hôm sau, vào lớp, chị Kim Tư cằn nhằn,
-Long!Lớn rồi, đừng đánh lộn nữa nhé!
Tôi bẽn lẽn, trả lời chị,
– Vâng, từ nay Long không đánh lộn nữa. À mà ai mách cho chị chuyện này vậy?
– Quý chứ ai! Quý, Xuân Lan, Diệu Hồng, đi học Pháp Văn về. Thấy Long đang đánh nhau, tụi nó dừng lại coi. Xuân Lan nó bôi dầu lên chỗ đau cho Long, không nhớ sao?
Tôi có nhớ gì đâu? Tôi chỉ ậm ừ.
Võ Thị Quý chõ miệng vào,
– Mắc cỡ! Ðánh lộn bị thua, nằm dưới. Nếu không có ba của Ngô Rân tới can thì bị một bữa ăn đòn đau rồi.
Nghe Quý nói, tôi mới nhớ ra. Cái ông Cảnh Sát lùn tịt đó, thấy sao mà quen quá! Thì ra ông ấy là bố thằng Rân. Ðêm tối nhập nhoè, tôi không nhìn ra ông. Chắc ông già nhận ra tôi, nên chỉ phết cho một dùi cui rồi đuổi đi. Chứ nếu không, ổng túm về ty, giam cho một đêm, chắc là bị muỗi đốt cho khờ khạo.
Nhìn cái miệng Võ Thị Quý cứ xoen xoét hài tội, tôi ức lắm, nhưng không làm gì được nó. Tôi đành rủa thầm:
“Cái con khỉ này sao mà lắm mồm thế!”
Tôi quay đi không thèm đôi co thêm với các cô này. Cũng từ đó, tôi chấm dứt các cuộc tỉ thí võ nghệ tay đôi. Và chuyện tình của thằng Tiến, thằng Rân chẳng còn dính dáng gì tới tôi nữa.
Năm đó, cứ vào giờ thầy Tống Khuyến dạy Pháp Văn lớp Ðệ Ngũ 3, thì lớp Ðệ Tam được nghỉ. Những đàn anh “đứng đắn” thì túa ra sân bóng rổ luyện thể lực, hay lang thang trong sân trường tìm ý thơ. Những tay “ba nhe” thì cứ liệng qua liệng lại trước hiên các lớp dưới có con gái đẹp. Hai chữ “ba nhe” có nghĩa gì, tôi cũng chẳng biết. Thấy chúng bạn dùng danh từ này để chỉ những kẻ xấu, tôi cũng dùng theo.
Chúng tôi thường xuyên bị những tay “ba nhe” lớp trên quấy rầy, chỉ vì lớp tôi cũng có vài cô dung nhan khá dễ thương. Bọn phá phách này cứ đi qua, đi lại ngoài hàng hiên, miệng oang oang như những cái loa Ty Thông Tin,
“Lune d’automne!”…
“Lune d’automne!”
(Nguyệt Thu!… Nguyệt Thu!)
“Nuage!”… “Nuage!”
(Vân!… Vân!)
Chúng tôi ngồi trong lớp mà cứ nhấp nhổm, muốn nhảy ra túm cổ bọn nhí nhô đấm vài phát cho bõ ghét. Chúng tôi gọi những tay quậy phá này là bọn “quái vật”.
Một hôm, thầy Khuyến cất giọng, sai tôi,
– Long! Nước cam cho thầy!
Tôi biết là phải ra ngoài nhà ông phu trường mua giùm thầy chai nước cam. Thầy mà khô cổ, không có nước cam, thầy giảng bài không được.
Vừa bước ra khỏi cửa, tôi đụng đầu ngay một đàn anh. Anh ta đang gân cổ gáy,
“Lune d’au…”
Tôi hét lên,
– Con quái vật này! Ông đấm… (bể mõm bây giờ!)
Tôi chưa la hết câu, thầy Khuyến đã thò đầu ra.
Thầy cũng quát lớn,
– Con quái vật kia, mi làm cái chi mà ồn ào rứa?
Nghe tiếng thầy Khuyến hù, những cái loa Ty Thông Tin tắt ngấm. Ðám đàn anh của tôi chạy có cờ.
Hôm đó các chị trong lớp ca tụng thầy Khuyến hết lời. Còn bọn con trai chúng tôi cũng gân cổ đổ đủ thứ tội lên đầu bọn nam sinh Ðệ Tam.
Cái uy của thầy Tống Khuyến cũng hiệu lực được vài hôm, rồi đâu lại hoàn đấy. Cứ tới giờ Pháp Văn, chúng tôi lại nghe tiếng ma kêu, quỷ rú, từ gần ra xa, từ xa về gần “Lune d’automne!… Nuage!…”
o O o
Ðầu thập niên 60, đất nước lâm nguy, đám nam sinh Trần Quí Cáp hăng hái, “đứng lên đáp lời sông núi…” (Quốc Ca)
Trước ngày quân đội đồng minh đổ bộ lên bãi biển Sơn-Trà, Ðà-Nẵng, Trường Sĩ Quan Hải Quân đã mời gọi được những người trai yêu biển cả như Lưu Lương Cơ, Trần Văn Căn, Trần Quế Chính.
Trường Sĩ Quan Không Quân cũng tuyển Nguyễn Hữu Hạnh và Vũ Văn Bằng ngay từ khi hai bạn này vừa xong Tú Tài I.
Nghe đâu anh Mãnh xóm Tây Hồ cũng cùng vài người bạn, đã tòng quân, theo khóa Hạ Sĩ Quan, Nha-Trang.
Tôi quen biết nhiều anh trong số những chàng trai đã cất cao khúc hát “Biệt Kinh Kỳ” thời đó, như Võ Văn Sung, Hoàng Công Thưởng, Trương Ðình Bảy, Khưu Vỹ Hoàn, Lê Hữu Mục, Lê Trung Bòng, Hồ Hùng, Ðỗ Bá …
Một ngày, khi đứng trong đám tân binh của Quân Ðoàn I chuẩn bị lên xe lửa vào Ðà-Lạt nhập Khóa 20 Võ-Bị, tôi thấy anh Nguyễn Ðức Tâm đeo lon Thiếu úy, ưỡn ngực đi qua, đi lại, dưới hàng hiên Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn. Hôm đó, tân Thiếu úy Nguyễn Ðức Tâm Khóa 18 Võ-Bị, vừa ra trường, đang nghỉ phép thăm nhà. Thấy tôi, anh Tâm giơ tay vẫy. Ngày đó tôi lên đường,
“Hát khúc Xuất Quân
Giỡn mặt Tử Thần
Viết những thiên anh hùng ca bằng máu
Từ những chiến trường Tây-Nguyên, Bến-Hải, Cà-Mau”
(Thơ VMLong)
Giữa thập niên 60, đám nữ sinh bạn tôi lần lượt lên xe hoa, về làm dâu… nhà người ta.
Thời gian này tôi đang học trong Trường Võ-Bị Ðà-Lạt nên không có dịp tiễn chân các bạn mình sang sông. Chị Lê Thị Kim Tư lấy một Y Sĩ Trung úy. Võ Thị Quý kết hôn với một ông sĩ quan trưởng kho đạn đồn trú ngoài bãi biển Sơn-Trà.
Có một lần tôi về thăm nhà, tới thăm bạn. Quý vừa nựng con,vừa cười với tôi,
– Nếu mi tìm không ra vợ. Về lại Hội-An tau giới thiệu cho một mớ. Tha hồ mà lựa. Muốn đứa nào, tau nói cho một tiếng là xong. Mà cũng lạ hí? Tụi mình chơi với nhau thân như rứa, mà sao chẳng nghĩ tới chuyện lấy nhau? Lạ hí?
Tôi chỉ cười trừ. Chứ biết trả lời sao với bạn tôi đây?
Càng ngày, chiến tranh càng leo thang. Tôi tham gia hết chiến dịch này qua chiến dịch khác dọc Trường-Sơn, ít khi có dịp về thăm chốn cũ.
Ngày xưa nghe Minh Thu hát,
“Rừng ơi! Ta nhớ những đêm trăng buồn.
Ngồi bên khe vắng nghe suối xa tuôn…”
(Hùng Lân)
Tôi đã thương núi, yêu rừng.
Tới khi quanh năm trong rừng, tôi lại thèm được một ngày trở về Hội-An, để nghe Minh Thu hát.
Sau Tết Mậu-Thân, đơn vị tôi hành quân trên Ðà-Lạt. Tiểu đoàn 11 Biệt Ðộng Quân chạm trận nặng trong rừng Cam-Ly. Ðại đội tôi bị máy bay đánh lầm, phải chạy bán sống, bán chết. Ðại úy Hồ Khắc Ðàm, tiểu đoàn trưởng bị thương. Ðài BBC thổi phồng sự thiệt hại của đôi bên, làm cho dân chúng thành phố xôn xao.
Ngay hôm tôi rút quân về, một người bạn báo cho tôi biết Nguyệt Thu đang ở đây, và đã tới Bộ Chỉ Huy tiểu đoàn tìm tôi nhưng không gặp. Hôm sau tôi và tài xế cùng một người bạn gốc Hội-An tới nhà Thu ở trọ để thăm Thu. Lúc đầu, tôi không thể nhận ra Thu. Thu đang có bầu, mặt đầy tàn nhang, chỉ có đôi mắt to đen, mở lớn là còn nét quen thuộc. Nguyễn Thị Nguyệt Thu đã lập gia đình lâu rồi. Và Thu đang làm cô giáo, dạy tiểu học ở Trại Hầm.
Tôi cám ơn Nguyệt Thu đã tới tìm thăm tôi, khi nghe tin đơn vị tôi vừa chạm trận, thiệt hại nặng.
Nguyệt Thu ngắm cái phù hiệu Biệt Ðộng Quân trên vai áo tôi, giọng bùi ngùi,
– Ngày đó Thu tưởng, sau này lớn lên, Long sẽ thành một nhà văn. Không ngờ Long lại chọn nghề võ.
Nghe Nguyệt Thu nhắc lại kỷ niệm thời Ðệ Ngũ, lòng tôi cũng cảm thấy bâng khuâng.
Cả một khung trời êm đềm của tuổi học trò như vừa hiện về. Tôi chợt thấy an ủi trong lòng, khi nhận ra rằng, dù không gian cách trở, thời gian có trôi qua, nhưng tình nghĩa bạn bè tuổi ấu thơ vẫn còn bền chặt thân thiết như thuở xưa.
Mới đó mà, từ sau năm Ðệ Tứ, chúng tôi đã xa nhau tám năm. Trong tám năm dài đằng đẵng ấy, đã xảy ra bao nhiêu là thay đổi…
Tháng 9 năm 1970 tôi phải về Sài-Gòn chờ đi học một khóa ngắn ngày bên Singapore. Tôi tìm địa chỉ của Phùng Tiến để ngủ nhờ. Tôi không nói ngoa, chứ ở cái nơi cùng kiệt của con hẻm 164 Yên Ðổ ấy, vào ban đêm, khách lạ phải gồng mình lấy sức, để xông qua bức màn muỗi đói dày đặc như nêm cối chắn lối, mới tìm ra cái cửa căn phòng nhà Phùng Minh Tiến. Thằng Tiến thuê căn phòng này để ở trong những năm chuẩn bị cái bằng Cao Học Hành Chánh.
Ðây là chốn tụ tập của những bạn đồng môn Trần Quí Cáp năm xưa. Tại đây tôi gặp mặt Mạc Phi Hoàng, Ðặng Xuân Nghĩa, Nguyễn Tăng Kỷ và Nguyễn Lợi. Nguyễn Lợi vừa là bạn cùng lớp, vừa là bạn cùng xóm Chùa Âm-Bổn của tôi. Nó có hai đứa em gái đẹp lắm. Cô lớn tên là Nguyễn Thị Nhiều, cô nhỏ tên là Nguyễn Thị Chuyện. Ngày nào tôi cũng gặp hai nàng yểu điệu thục nữ cùng xóm này, nhưng chưa bao giờ dám mở miệng làm quen.
Ngày đó tôi ngu quá. Nghe lời thằng Ngô Rân giảng “mo ran” rằng:
“Chỉ những thằng khốn kiếp, mặt dày mới đi cù em gái của bạn!”
nên tôi cứ phải đóng vai lạnh lùng, đạo mạo với mấy cô em gái của tụi bạn tôi.
Ai dè đâu, chỉ vài năm sau, thằng “mặt dày” Ngô Rân cưới được Quý Hương, em gái thằng Trần Ngọc Lợi. Lúc tôi thấy mình ngu, thì tôi đã vào Pleiku mất rồi.
Tôi còn nhớ, lần ghé Sài-Gòn năm đó (1970) bọn thằng Lợi, thằng Nghĩa nài nỉ tôi kể chuyện đời lính Cao-Nguyên cho chúng nó nghe.
Ðang vui câu chuyện, ông vua phản chiến Nguyễn Tăng Kỷ vụt đứng dậy bĩu môi,
– Chỉ vì những thằng hiếu chiến như tụi mi nên mới có chiến tranh!
Hôm đó bùng nổ một cuộc đấu lý kịch liệt, một bên là Nguyễn Lợi và Ðặng Xuân Nghĩa, bên kia là Nguyễn Tăng Kỷ. Tôi hầm thằng Kỷ lắm, nhưng không quen đánh nhau bằng mồm. Chờ lúc tụi nó thở ra, nghỉ mệt, tôi hét vào mặt thằng Kỷ,
– Nếu không có mấy thằng hiếu chiến như tụi tao, thì làm sao mày có thể sống nhơn nhơn ở Sài-Gòn bao nhiêu năm nay được? Cái đồ vô ơn!
Thấy tôi đổ quạu, các bạn tôi ngừng cãi nhau.
Từ Singapore về, tôi lại tới hẻm 164 Yên Ðổ ngủ nhờ, chờ phương tiện về Pleiku. Ngày hai bữa, chúng tôi hẹn nhau về cái chòi căng bằng vải nhựa của một bà bán cơm dĩa trong con hẻm đối diện. Tội nghiệp bà chủ quán. Vào giờ đông khách, trông bà cứ như con vụ, xoay mòng mòng, tả xung, hữu đột, đối phó với bọn khách đang đói bụng. Ít năm sau, bọn khách bình dân này thành Ðốc-Sự, Thanh-Tra, Phó Quận, Phó Tỉnh. Chẳng đứa nào ghé thăm bà chủ quán cơm. Có lẽ chỉ vì bà không có con gái, nên khi thành đạt rồi, chúng nó quên bà ngay.
Vài hàn sĩ thư sinh bạn tôi đã thoát xác để thành một Phó Ty Cảnh Sát Tỉnh, một Ủy Viên Giám-Sát-Viện, một Chánh-Văn-Phòng sau cùng của Thủ-Tướng Trần Thiện Khiêm. Và từ năm 1973, mỗi khi nhắc tới tiểu sử Trung-Học Trần Quí Cáp Hội-An, người ta lại thấy tên Trần Huỳnh Mính trong danh sách hiệu trưởng trường, sau tên quý vị tiền nhiệm Lưu Chí Kiên, Hoàng Trung, Tăng Dục…
Thế sự cứ xoay vần, vận nước cứ đổi thay; làm sao chúng ta đoán biết được tương lai? Nhưng suy cho cùng, “Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả” (Phan Bội Châu) thì ai cũng thành thạc sĩ, tiến sĩ, bác sĩ, có ai dại dột đi làm binh… sĩ như tôi?
Chợt có một lần tôi nghiệm ra rằng trăm nẻo đường đời, nẻo nào cũng có chông gai riêng của nó. Ði lính đã trên chục năm, bất ngờ một hôm tôi thấy dưới quyền mình có một người quen.
Số là sau Tết Dương Lịch 1974 anh Thiếu Úy Nguyễn Tiến Dũng, Sĩ Quan Trợ Y của tiểu đoàn tôi bị lật xe, gãy tay. Tôi gửi điện văn cho Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân Quân Khu 2 xin bổ sung người mới. Vì Pleime là một tiền đồn trọng yếu của Vùng 2, nên yêu cầu của tôi đã được cấp trên thỏa mãn ngay lập tức. Nào ngờ, ông Trung úy sĩ quan trợ y có tên trên lệnh bổ sung gửi cho tôi, lại là một người bạn của tôi thời niên thiếu: Nguyễn Hồng Khanh.
(còn tiếp)