Menu Close

Tưởng niệm nhà văn Phùng Nguyễn

Thấm thoát mà cũng 3 năm, nhà văn Phùng Nguyễn đã một đi không trở lại với các văn đàn và cõi nhân sinh đời đời.

Chủ Nhật 11 tháng 11, 2018, phòng hội nhật báo Người Việt là nơi chào đón người tham dự với một không khí thân tình vô cùng ấm áp.

tuong-niem-nha-van-phung-nguyen5

Ðây là một ước vọng từ lâu mà Website Da Màu cùng người thân của anh mong mỏi được đứng ra tổ chức nhân tưởng niệm ngày anh mất 17 tháng 11, 2015. Ngoài ra, mục đích buổi ra mắt sách hôm nay cũng để bày tỏ lòng quý trọng của họ đối với những đóng góp cho văn học và những di sản tinh thần của anh để lại, đại diện ban tổ chức Da Màu nhà văn Ðặng Thơ Thơ, cho biết thêm. Phùng Nguyễn vốn là một trong các sáng lập viên Da Màu, webmaster và đã đóng góp nhiều công sức cho trang mạng văn học này từ lúc khởi đầu cho đến trước khi mất. Sự ra đi đột ngột của anh khiến các hoài bão và nhiều dự án định trước kia bị gián đoạn. Việc ra mắt hai cuốn sách “Tháp ký ức, Bùa phép ở đường Bourbon” và cuốn tiểu luận của Phùng Nguyễn do gia đình anh và BBT Da Màu cố gắng thực hiện đã tiếp tục được ý nguyện của anh, những gì anh chưa làm được là thành lập nhà xuất bản Da Màu.

Ngoài các diễn giả và ban tổ chức còn có sự hiện diện của các bạn bè văn nghệ, hoạ sĩ, ca sĩ như Cung Tích Biền, Bích Huyền, Nguyễn T Ngọc Lan, Lê Ðình Nhất Lang, Thành Tôn, Trúc Chi, Nguyễn Tư Phương, Huỳnh Minh Lệ, Trịnh Cung, Rừng, Nguyễn Ðức Thuần, Ann Phong, Nguyễn Việt Hùng, Pauline Ðàm Thúy Ngọc, Mây Lan, Thu Vàng, Vũ Thùy Hạnh v.v.

tuong-niem-nha-van-phung-nguyen
Các thân hữu tham dự Ngày Tưởng Niệm

Tiểu sử Phùng Nguyễn

Sinh quán Quảng Nam, VN và định cư ở Hoa Kỳ. Mất ngày 17 tháng 11, 2015

– Tốt nghiệp Quản trị kinh doanh và Tin học. Làm việc trong ngành Tin học – Có nhiều sáng tác văn học và tiểu luận xuất hiện trong các tạp chí Văn, Văn Học, Hợp Lưu, Việt, Thế Kỷ 21 và các báo mạng như talawas.org, tienve.org, damau.org …

– Đề xuất, thiết kế, xây dựng, và bảo trì ấn bản mạng cho các tạp chí Văn Học, Văn, Hợp Lưu, và Việt. Từng đảm nhiệm chức vụ Chủ Bút của tạp chí văn học Hợp Lưu. Đồng sáng lập tạp chí văn chương mạng Da Màu. Biên tập viên và đồng thời phụ trách phần kỹ thuật cho tạp chí Da Màu. Sáng lập và xây dựng Thư viện Kệ Sách eBook (kesach.org). Phụ trách Blog Phùng Nguyễn: Rừng và Cây trên đài VOA.

Sách đã xuất bản: Đêm Oakland Và Những Truyện Khác, Tháp Ký Ức, Bùa Phép Ở Đường Bourbon, Tiểu Luận (của/về) Phùng Nguyễn.


Ðặng Thơ Thơ và Ðỗ Lê Anh Ðào đã phát biểu và chia sẻ kỷ niệm đã có với anh Phùng. Anh Ðào là một người viết trẻ tuy gia nhập làng văn trễ nhưng đã được anh Phùng mời vào BBT Da Màu với mục đích tạo nên một diễn đàn đa dạng, có cả tiếng nói của những người trẻ nói và viết thông thạo hai ngôn ngữ song song. Anh chủ trương mạng Da Màu không phải là một dàn đồng ca mà phải có cái gì lạ và khác đi.  Ðối với Anh Ðào, anh Phùng là một người dễ thân, giản dị, chân thành, cương trực và sống hết mình. Anh đã để lại những lời khuyên gây ấn tượng mạnh cho cô khi rủ cô gia nhập BBT Da Màu. Bởi vì những người nỗ lực làm văn chương mạng phải đối đầu với sự bấp bênh và vô định của nó.

tuong-niem-nha-van-phung-nguyen4
Nhà văn Đặng Thơ Thơ

Nhà văn Hồ Như lên phát biểu với chủ đề “Chiếc bóng quá khứ trong các tác phẩm của Phùng Nguyễn”.

Hồ Như lược sơ các tác phẩm và dẫn chứng bài viết của mình với tâm lý của từng nhân vật và đã theo sát chủ đề. Cô kết luận “Quá khứ là một chiếc bóng không thể tách rời trong những sáng tác của anh”. Anh đã bắt đầu viết lách với những chiếc bóng quá khứ của chính mình trong mọi lúc của cuộc sống. Từ thời mới lớn cho đến khi vào đời, anh đã đi qua các chặng đường lịch sử của chiến tranh và chiến bại, trải qua các mất mát, rồi định cư ở Hoa Kỳ. Chiếc bóng quá khứ hiện diện trong quá trình xây dựng những nhân vật chính trong truyện. Họ tuy cố quay lưng và chống chọi để thoát ra nỗi ám ảnh của quá khứ để vươn ra hiện tại và tương lai, nhưng chúng vẫn đeo bám không rời.

Nhà văn Trần Doãn Nho trong BBT Da Màu đến từ Dallas Texas là diễn giả kế tiếp đã phân loại những tác phẩm của anh Phùng được viết dưới hai hình thức,

tuong-niem-nha-van-phung-nguyen3
Nhà vănTrần Doãn Nho

– Truyện “Hư cấu truyền thống” như các tác phẩm: “Tháp Ký Ức, Oakland, Câu hỏi, Chim gáy sau vườn, Tuổi thơ, Bóng phượng, Rich, Bắt hến trên hồ Isabella“.

– Truyện “Hư cấu hậu hiện đại” hay “Siêu hư cấu” (metafiction) như: Giường và điểm tâm, Cabin, Văn sĩ ngại ngần, Dựng truyện, Bùa phép ở đường Bourbon.

– Ngoài ra là một số truyện pha trộn giữa hai hình thức nói trên, như “Nhà văn”, “Dựng truyện”, “Cựu chiến binh, nhà thơ”…

Ông nhận xét “Truyện ngắn của PN, nói chung, có phong cách Tây phương, trẻ, mới. Có lẽ vì anh chịu ảnh hưởng của văn chương Hoa Kỳ mà anh tiếp thu khi sinh sống ở đây. Ðây là điều khá lạ. Vì anh thuộc loại lớn tuổi, (chỉ thua tôi 5 tuổi), sàn sàn với thế hệ của tôi, lại viết muộn. Thế mà văn chương anh khác xa với thế hệ tôi. Cấu trúc mới, giọng văn mới và nhân vật cũng mới.

Còn trong các tiểu luận, chính luận PN xuất hiện bằng một khuôn mặt khác. Chuyên nghiệp, khách quan, nguồn tài liệu, nhận thức, suy luận…Anh vận dụng tất cả những tính cách của một nhà lý luận để bênh vực cho quan điểm của mình. Không dùng cảm tính. Các đề tài của anh hầu hết là đề tài “động”, không phải là “tĩnh”.”

Nhà phê bình văn học Bùi Vĩnh Phúc thì khác, ông đã phân tích các Truyện & Tiểu luận của Phùng Nguyễn qua cái nhìn Thi pháp học văn hóa thật tinh tế và sắc bén.

Trước hết ông đã nói đến sự dấn thân, đóng góp tài năng và thiện chí của anh Phùng mang tính khai phá đối với sự mở rộng và phát triển của văn học Việt ngoài nước trong thời đại digital. Nó không những có tính cách toàn cầu hoá mà còn khiến cho nền văn học Việt hải ngoại mạnh mẽ hơn. Qua vai trò của một người cầm bút, viết cả truyện và tiểu luận, đồng thời, qua vai trò là một người đồng xây dựng, quản lý và phát triển diễn đàn văn học Da Màu, PN và Da Màu đã giới thiệu được nhiều tài năng trong sinh hoạt văn học và văn hoá của người Việt nói chung, hải ngoại nói riêng.

Phần nói chuyện của nhà văn Ðinh Từ Bích Thúy qua một vài tác phẩm hầu như cô tóm lược được những hoạt động văn học tiêu biểu của PN qua các giai đoạn với Da Màu. Cô kể đến ý tưởng anh hợp tác với các cây bút trẻ và chọn con đường đi cùng những người viết sinh sau anh một, hai, ba thập kỷ. Thời điểm Da Màu ra đời vào tháng 8 năm 2006 là thời điểm mà những tiến bộ về kỹ thuật và thông tin đã giúp họ có cơ hội thực hành những dự án có tính cách khảo sát và phục hồi quá khứ của miền Nam Việt Nam.  Thời điểm đó cũng thích hợp để tạo ra những diễn đàn để thảo luận những vấn đề liên hệ đến lịch sử, chiến tranh, chính trị, sự kiểm duyệt và đàn áp của chính trị trên nghệ thuật, giới tính, văn hóa, tôn giáo và màu da.

tuong-niem-nha-van-phung-nguyen2
Nhà văn Đinh Từ Bích Thúy

Bích Thúy nói về dự án quan trọng nhất của Phùng Nguyễn là kệ sách. Cô cũng không quên nhắc đến lương tâm và trách nhiệm của anh Phùng. Là một người cầm bút, anh khó khăn với chính anh, và ngay cả với những tiền bối của anh, bất kể là người viết văn trong nước hay ngoài nước, vì anh tôn trọng trách nhiệm độc lập và quân bình của người viết, qua vai trò một nhân chứng sáng suốt. Trách nhiệm này chính là “đạo luật vàng” của một người viết xứng đáng được gọi là nhà văn. Ðối với anh, việc gì mỗi một người viết—được coi là người trí thức—làm, hoặc không làm, không chỉ ảnh hưởng lên chính mỗi cá nhân của họ mà còn đến nhiều tập thể khác. Anh đã than rằng nhiều người viết đã coi nhẹ hoặc lạm dụng trách nhiệm văn học của họ, thay vì nghĩ đến vai trò có khả năng gây ảnh hưởng sâu rộng này.

Sau phần nói chuyện của các diễn giả là phần chia sẻ của các bạn hữu, Nhà văn Phạm Phú Minh, Trịnh Thanh Thủy và Trúc Chi đã lên chia sẻ những kỷ niệm đã có cùng anh trong quá khứ. Người vợ đầu ấp tay gối 15 năm của anh là Phạm Vương Quỳnh Loan đã có mặt trong buổi tưởng niệm và cám ơn các quan khách tham dự. Cùng trong buổi tưởng niệm tranh của Pauline Ðàm Thúy Ngọc cũng được trưng bày để quan khách thưởng lãm.

tuong-niem-nha-van-phung-nguyen1
Bạn bè, từ trái qua phải: LĐNLang, Trịnh Cung, Văn Công Mỹ, Guest, Mây Lan, Nguyễn Tư Phương, Hồ Như, Huỳnh Minh Lệ, Cung Tích Biền, Đặng Thơ Thơ, Bùi Vĩnh Phúc.

TTT

Tường thuật