Menu Close

Cái quần

Câu chuyện (như thường lệ) xảy ra vào một ngày đẹp trời. Thầy Khánh, dạy môn Địa Lý tại trường Trung học cơ sở Trần Huỳnh ở Thành phố Bạc Liêu, vẫn đi làm như mọi ngày trong tám năm hành nghề “gõ đầu trẻ”. Thầy không hề hay biết vài bữa sau mình sẽ nổi tiếng khắp cõi mạng; càng sẽ không thể ngờ được sự nổi tiếng của thầy lại liên quan tới một cái… quần.

cai-quan

Thầy Khánh vô lớp, phát hiện lớp của thầy tuy thiếu vài em học sinh nhưng bỗng dư ra cái quần đùi, màu đen. Cái quần không nằm dưới đất, trong ngăn bàn hay trên nóc nhà, mà kiêu hãnh nằm vắt chéo… chân ở bàn giáo viên, nơi “hành nghề” của thầy. Theo tâm lý chung, dĩ nhiên đầu tiên là thầy thấy… gớm, vì tra hỏi rất lâu vẫn không biết được xuất xứ và độ vệ sinh của cái quần này! Kế tiếp là thầy tức giận, vì chẳng biết học sinh nào ghét thầy mà bỏ chiếc quần này lên bàn giáo viên. Sau khi tra không ra thủ phạm, thầy la chung cả lớp một trận và cho người bỏ cái quần vô thùng rác. Qua ngày hôm sau, thầy Khánh nhận được thắc mắc của chủ nhân về “cõi đi về” của cái quần của mình, đó là một em học sinh nữ tên Trâm, học lớp 9 cùng trường (lớp 9 ở Việt Nam đã ở tầm 15, 16 tuổi). Thầy Khánh, có lẽ là người thật thà, nên đã trả lời rằng thấy cái quần mà không biết là của ai, sạch hay dơ, nên thầy cho học sinh bỏ vào thùng rác rồi. Dĩ nhiên, sau khi có câu trả lời thỏa đáng thì em Trâm ra về.

Nếu câu chuyện ngưng lại ở đây thì chắc mọi chuyện sẽ ổn, vì tôi tin rằng chẳng có học sinh nào trong thời đi học mà không để quên hay mất một thứ nào đó ở trên ghế nhà trường, vì một phòng học ở các trường VN thường có nhiều lớp học chia nhau các “ca” sáng, chiều, tối. Nên sau mỗi lớp học một buổi thì học sinh lớp đó hoặc bộ phận vệ sinh có nhiệm vụ dọn dẹp sạch sẽ cho “ca” khác có phòng sạch vào học. Những thứ để quên lại, thường sẽ vào thùng rác hoặc vào giỏ ai đó (nếu có giá trị). Hiếm lắm mới có món còn nguyên ở hộc bàn (để lưu lạc lên bàn giáo viên như cái quần cuả em Trâm).

cai-quan4
Phụ huynh đua nhau đòi quần – Từ Báo Mới

Lý do tiếp theo, các trường Việt Nam xưa nay ít có phòng và bộ phận giữ đồ mất cho học sinh, và trong nội quy nhà trường đều có nội dung yêu cầu học sinh tự bảo quản đồ đạc của mình. (Nhắc lại thật là buồn, hồi đi học tôi là một minh chứng tiêu biểu cho “công thức” trên, đến nỗi sau này, mỗi khi đi đâu tôi đều có thói quen ngó lại toàn bộ chỗ mình ngồi xem có quên gì không? Mặc kệ lúc đó, có thể tôi không mang gì cả.) Bên cạnh đó, cũng chẳng có một giáo viên nào chưa từng “được” học sinh chơi ác trong hành trình “sự nghiệp trồng người” của mình. Những trò tương tự, có khi ác hơn như thế! Ví dụ như thay quần bằng trái mắt mèo (gây ngứa) hay sâu, rắn, nhện, thậm chí là hồ, keo dán, si rô lẫn thư… tình! Dĩ nhiên, không ai dại mà nhận việc mình làm trừ khi có kẻ tố cáo. Mà học sinh thường… đoàn kết lắm, đâu ai dại tố cáo bạn cho bị cô lập, bo bo xì. Nhưng nếu đơn giản như vậy thì tôi… kể làm gì.

Qua hôm sau, thầy Khánh nhận được cuộc gọi từ ông Nguyễn Quốc Hùng – ba của em Trâm, hỏi về tông tích cái quần với lời lẽ thô bạo. Lời giải thích được thầy Khánh lặp lại, sau đó ông bắt thầy phải tìm ra người đã để cái quần lên bàn giáo viên và kỷ luật, hạ hạnh kiểm học sanh đó cho bằng được. Thầy Khánh cho rằng đó là lỗi nhỏ, không đáng làm như vậy với học sinh của mình, thì ông Hùng hẹn thầy Khánh ra quán cà phê “nói chuyện phải trái”. Thầy đồng ý hẹn nhưng ở trường chứ không phải quán cà phê.

cai-quan3
Giáo viên đua nhau tát – Từ báo Việt Nam

Những tưởng sẽ là câu chuyện của hai người đàn ông, nhưng đến giờ hẹn, người đến gặp thầy Khánh là mẹ của em Trâm, bà Dương Ngọc Ánh. Là một người tin vào sức mạnh xã hội nên bà vừa “tra khảo”, nhục mạ thầy Khánh về tung tích chiếc quần vừa “live stream” lên mạng nội dung sự việc với dòng “tít” rất giựt gân:  “Một người thầy biến chất ở Trường Trần Huỳnh (Bạc Liêu)”. Suốt đoạn video mà bà Ánh post lên mạng xã hội đã hoàn toàn “tố cáo” sự nhẹ nhàng, từ tốn của… thầy Khánh và sự vô lý, xấc xược của bà thông qua các câu nhục mạ chứng minh giá trị chiếc quần đùi “hiệu LV” của con mình. Ví dụ như khi thầy Khánh nói không biết nguồn gốc quần, không biết nó cũ hay mới nên bỏ thùng rác thì bà Ánh nạt lại: “Thầy đừng nói cái quần đó là cũ. Tôi nói thiệt, nếu thầy nói cái quần đó là cái đồ gớm, ghê, phải vứt bỏ, chưa chắc gì bộ đồ thầy mặc trên người có giá trị hơn cái quần của con tôi đâu nha. Phải chi đó là miếng băng vệ sinh thì thầy đi vứt bỏ…” Sau đó, bà khẳng định: “Bây giờ tui không cần biết, từ đây cho tới ngày mai thầy kiếm cái quần đó trả lại cho con tui. Không thầy phải đền tiền cho con tui”

Không phụ lòng vào “niềm tin” của người mẹ ấy, sau khi video được bà Ánh post lên, thầy Khánh được rất nhiều người quan tâm, an ủi. Bên cạnh đó, hoàn cảnh, xuất thân, tình hình kinh tế lẫn gia phả của ba mẹ em học sinh mất quần được… lật tung lên toàn cõi mạng. Nhờ vậy mà người ta mới biết bà Ánh là con gái một cựu quan chức ở Bạc Liêu, còn bà làm ở VNPT (công ty viễn thông Vinaphone), chi nhánh Bạc Liêu; ông Hùng thì làm ở đài truyền hình Bạc Liêu. Ngay cả chuyện ông Hùng làm truyền thông mà viết… sai chính tả trên facebook cũng được cư dân mạng “quan tâm” nhiệt tình.

Thậm chí ngay sau đó trang Fanpage của công ty VNPT/Vinaphone chi nhánh Bạc Liêu đã có ngay thông báo về việc người mẹ thấy cái quần quý giá hơn nhân cách con người đã không còn làm việc ở đây từ lâu, mọi phát ngôn và hành động của bà Ánh đều không liên can đến công ty. Bởi vì cư dân mạng hô hào tẩy chay công ty nào dám “chứa chấp” loại người này. (Nhiều người cho là hành động này của Vinaphone đáng được đưa vào các giáo trình giảng dạy về truyền thông cõi mạng trong tương lai). Song song đó, Fanpage của đài truyền hình Bạc Liêu cũng bị “thả bom” bình luận lẫn phẫn nộ. Quản trị trang này phải xóa liên tục bình luận, và đề nghị cộng đồng mạng: “Tôi biết các bạn đang bức xúc nhưng các bạn không vì một cá nhân làm ảnh hưởng đến một tập thể cơ quan như vậy….” Ngay cả số điện thoại của vợ chồng bà Ánh, ông Hùng cũng được “thế lực” nào đó truy ra, làm nơi chứa các tin nhắn mắng chửi từ cộng đồng mạng… Ðến lúc này, tôi tin niềm tin của bà Ánh vào “sức mạnh” của cộng đồng mạng thêm đậm đà, vì vậy mà bà đã xóa video đó trên trang của mình (nhưng đã kịp bị người ta sao chép).

cai-quan2
Học sinh đua nhau làm bậy – Từ báo Pháp Luật

Cái gì gây xôn xao trên mạng xã hội thì có nghĩa nó là “miếng mồi ngon” của giới truyền thông và “miếng thịt ôi” cho những kẻ liên can. Vì vậy, sau khi sự việc “bùng nổ”, nhà trường lẫn Phòng giáo dục buộc đứng ra “tìm công lý” cho thầy Khánh nếu không muốn bị làm “bia” cho cư dân mạng “bắn” sau những vỡ lở không tốt đẹp đối với môi trường giáo dục gần đây. Nhưng, ngày 5/12/2018, khi ông Hùng đến trường làm nhiệm vụ “thay mặt vợ” xin lỗi thầy Khánh thì ông càng “giúp” dân mạng nổi giận hơn. Ông liên tục gọi các phóng viên là đồng nghiệp, xưng hiện đang công tác ở đài truyền hình Bạc Liêu, sau đó ông đổ lỗi:

“Nếu hôm đó thầy Khánh chịu đi uống cà phê thì đâu có xảy ra sự việc đáng tiếc vừa rồi”.  Bên cạnh đó, ông còn cho biết vợ mình vì bị cộng đồng mạng tra tấn tinh thần nên… bệnh, khủng hoảng, không thể có mặt xin lỗi trực tiếp thầy Khánh (!?). Nhưng ngay sau đó, chẳng những không hối hận như lời xin lỗi (hời hợt, đùn đẩy trách nhiệm) trước đó của chồng, bà Ánh còn đốp chát lại với “cư dân mạng” : “Xin lỗi nhe. Nếu nói như bạn thì thầy giáo có quyền chê bai quần người khác à? Trên đời này không có lửa làm sao có khói. Làm thầy thì có quyền nói đồ của người khác là thấy ghê gớm à? Còn người khác thì không được nói lại? Sau (sao-bà Ánhviết sai chính tả) trên đời này làm gì có chuyện phi lý như vậy?”.

Ðến cuối, bà vẫn cho rằng chiếc quần của con mình là cái quần hiệu, nó không nên nằm trong thùng rác mà đáng phải được nâng niu, trân quý.  Thế là, câu chuyện lại rơi vào vòng lẩn quẩn như trên, một bên chửi một bên xin lỗi rồi lại đốp chát. Khiến cho sự kiện này không sớm chìm trong đống bùn lầy lội của các câu chuyện kinh khủng của ngành giáo dục như những câu chuyện khác… Tôi không biết tương lai thầy Khánh có bị “trả đũa” từ phụ huynh em Trâm hay không, nhưng với kinh nghiệm nhiều năm đi học, tôi tin các học sinh khác trong trường sẽ nhìn em Trâm bằng đôi mắt soi mói; bản thân em Trâm cũng sẽ là người khó chịu nhất trong chuyện này. Vì hình ảnh của Trâm cũng đang bị cư dân mạng mang lên “thớt”, người ta cho rằng mọi việc từ em mà ra. Ai biểu em sanh ra từ gia đình có… điều kiện, đến chiếc quần đùi cũng là quần hiệu mà không chu đáo giữ gìn sau khi thay đổi…

cai-quan1
Lãnh đạo đua nhau nói phét – từ Vietnamnet

Mặc dầu không sớm thì muộn tất cả mọi việc sẽ qua, nhường chỗ cho sự kiện khác vì Việt Nam là đất nước của các tin giựt gân. Nhất là thời điểm các vụ bê bối trong ngành giáo dục tăng hơn cả… cân của tôi. Mà giáo dục là nơi chi phối toàn thể “gân cốt” của con người trong một xã hội. Khi ông bộ trưởng giáo dục chưa kịp “buồn” xong vì Quảng Bình có cô giáo cho học sinh tát nhau mấy trăm cái đến nhập viện, thì ở Hà Nội cũng có cô giáo cho học sinh tát nhau hơn 50 cái. Khi các vụ kiện sàm sỡ, dâm ô học đường chưa kết thúc thì thầy cô giáo vì chuyện tình cảm xách dao đâm nhau trong trường đến phải nhập viện, khiến toàn thể phụ huynh hoang mang, sợ hãi trước sự “lụn bại, sa đọa” của nghề giáo, ngành giáo.

Bên cạnh đó là truy ra những dẫn chứng hùng hồn chuyện học sinh bỏ học, lao vào các trò chơi xác thịt, thác loạn hoặc ăn thua chỉ vì vài câu bình luận trên mạng. Lúc tất cả mọi phụ huynh chưa lên án ngành giáo dục, lên án các “trái đắng” được ngành giáo dục “trồng” nên xong thì lại xảy ra những vụ ồn ào, xấu hổ từ các vị phụ huynh, như vụ phụ huynh đòi quần ở trên… “Giúp” cho những người làm giáo dục có “cớ” mà lên án lại… Cứ như thế, uy và tín của cả xã hội Việt Nam được người ta biết đến nhờ những trận “phím chiến”,  vì mạng xã hội là nơi đem đến hiệu quả thông tin mạnh mẽ nhất trong một xã hội mà không ai có quyền lên báo chính thống nói, viết thật hiện nay.

Cứ như thế. Tôi tin rằng, vài năm nữa, có lẽ phụ huynh, học sinh thậm chí các giáo viên, những người đứng đầu lẫn trong hay ngoài ngành giáo dục (và các ngành khác ở Việt Nam (dĩ nhiên là ngay cả bản thân tôi)) khi nhìn thấy những cái quần vô cớ xuất hiện trước mặt sẽ không ngạc nhiên và tức giận nữa. Mà họ sẽ thầm cảm ơn ai đó, vì có thể ngày hôm đó thức dậy muộn, phải đi làm trễ, họ không thể đứng bên tủ quần áo hàng giờ, lựa một chiếc quần thật đẹp để… đội ra đường!

DU