Nếu xem cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc giống như một cuộc chiến tranh như chúng ta vẫn thường hiểu thì tới một lúc nào đó cả hai bên phải tìm cách ngưng chiến, hay ít ra là hưu chiến để đàm phán tìm kiếm một giải pháp khác.

Ðó chính là kết quả sau cuộc gặp mặt qua một bữa ăn tối giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề thượng đỉnh G20 tại Argentina. Bữa ăn tối diễn ra vào ngày Thứ Bảy 1/12 và sau đó cả hai lãnh tụ đã tuyên bố hưu chiến trong 90 ngày, trong khoảng thời gian này Hoa Kỳ sẽ tạm thời không tăng thêm thuế lên các món hàng nhập cảng từ Trung Quốc như đã dự định từ trước.
Khi tin tức về cuộc hưu chiến được đưa ra đã làm giới đầu tư tỏ ra phấn khởi, và trong hai ngày đầu tuần, chỉ số thị trường chứng khoán của Hoa Kỳ và Trung Quốc đều liên tiếp tăng vọt. Tuy nhiên, điều không ai ngờ là cuộc hưu chiến này vừa mới bắt đầu thì đã gặp vấn đề mà chỉ đến hôm Thứ Tư 5/12 thế giới mới ngã ngửa là ngay trong buổi tối khi bữa cơm tối đang diễn ra thì cách đó bảy ngàn dặm, giới chức an ninh của Canada, theo yêu cầu của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, đã bắt giữ một phụ nữ Trung Quốc là bà Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou) tại phi trường Vancouver, Canada, trong khi bà này đang chờ đổi chuyến bay.
Mạnh Vãn Chu không phải là một nhân vật tầm thường. Bà là tổng giám đốc tài chánh, chủ tịch hội đồng cố vấn và là con gái của nhà sáng lập Nhậm Chánh Phi (Reng Zhengfei) của công ty Huawei (Hoa Vi), một trong những công ty kỹ thuật lớn nhất của Trung Quốc, bị chính phủ Hoa Kỳ cáo buộc là đã vi phạm luật cấm vận của Hoa Kỳ đối với Iran. Và đó là lý do bà Mạnh bị bắt giữ.

Hiện bà Mạnh Vãn Chu đang chờ để bị dẫn độ về Mỹ để ra toà. Theo một số quan sát viên, vụ bắt giữ này chắc chắn sẽ làm cho những cuộc đàm phán thương mại giữa hai nước trong thời gian 90 ngày hưu chiến sẽ trở nên phức tạp và khó khăn hơn nhiều. Thị trường chứng khoán cũng tỏ ra bi quan, và chỉ số Dow Jones trong tuần qua tính chung đã rớt 1,150 điểm, tương đương 4.5 phần trăm.
Công ty Huawei, có trụ sở chính đặt tại Thẩm Quyến, sản xuất và bán điện thoại thông minh và dụng cụ viễn thông đi khắp thế giới. Hồi đầu năm nay, theo International Data Corporation (IDC), công ty này trở thành hãng sản xuất điện thoại thông minh lớn hàng thứ nhì thế giới, chỉ sau Samsung, và thậm chí bán được nhiều điện thoại hơn cả Apple.
Là một trong những công ty hàng đầu của Trung Quốc trong lãnh vực kỹ thuật, Huawei đóng một vai trò quan trọng trong tham vọng của Trung Quốc để trở thành một siêu cường kỹ thuật toàn cầu. Hiện nay Huawei đang trong một cuộc chạy đua để phát triển kỹ thuật 5G và nắm giữ vị trí trọng yếu trong kế hoạch phát triển tương lai của Trung Quốc để thống trị những mạng lưới vô tuyến (wireless – điện thoại di động, internet v.v…) 5G siêu nhanh sẽ được đưa vào hoạt động trong năm tới. Mạng lưới 5G hoạt động nhanh hơn 1000 lần so với 4G mà chúng ta đang sử dụng hiện nay.
Tuy nhiên, hiện đang có nhiều quan ngại cho rằng các thiết bị của Huawei có thể được sử dụng để thu thập dữ liệu cho chính quyền Trung Quốc và do đó có khả năng gây nguy hại cho an ninh quốc gia. Các cơ quan tình báo Hoa Kỳ đã khuyến cáo công dân Mỹ không nên sử dụng điện thoại của Huawei, và các cơ quan chính phủ đã bị cấm mua dụng cụ kỹ thuật của công ty này. Khối Liên hiệp Âu châu (EU) mới đây cũng đã lên tiếng báo động về nguy cơ an ninh của Huawei. Trong khi đó, theo một bài báo của tờ Financial Times, công ty Huawei đã chịu chấp nhận thay đổi lối làm ăn của họ sau khi chính phủ Vương quốc Anh lên tiếng lo ngại các thiết bị của Huawei có thể gây thiệt hại cho nền an ninh của nước này. Tuần qua, công ty Viễn thông Anh quốc (BT) thông báo cho biết họ sẽ ngăn không để Huawei tham gia nòng cốt trong việc xây dựng mạng lưới 5G của họ. Hồi đầu năm, Úc và Tân Tây Lan đã tháo gỡ phần thiết bị của Huawei ra khỏi mạng lưới 5G tại hai quốc gia này. Gần đây nhất, chính phủ Nhật Bản cũng đã thông báo là họ sẽ cấm các cơ quan chính phủ mua dụng cụ kỹ thuật từ cả Huawei lẫn ZTE, một công ty sản xuất kỹ thuật khác của Trung Quốc từng vi phạm vào luật cấm vận của Hoa Kỳ.

Nói cách khác, Huawei đang phải đối đầu với vấn đề quan ngại an ninh quốc phòng từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu diễn ra trong khi cả hai nguyên thủ đang đàm phán cho cuộc hưu chiến đã dấy lên những thắc mắc là chuyện gì thực sự đang xảy ra đàng sau những màn kịch này. Tuy nhiên, điều mà nhiều người biết thì việc bắt giữ bà Mạnh chỉ là một phần trong một loạt cuộc điều tra và bắt giữ của Bộ Tư pháp trong mấy tháng gần đây trong cuộc đối đầu với những nhân vật được mệnh danh là tội phạm kinh tế Trung Quốc. Tháng 10 vừa qua, một giới chức cao cấp của Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc đã bị bắt giữ tại Brussels, Bỉ, dựa trên những cáo buộc hình sự của chính phủ Mỹ là ông này đã tìm cách đánh cắp những kỹ thuật bí mật từ những công ty quốc phòng của Hoa Kỳ.
Trong khi đó, chính phủ và quốc hội Hoa Kỳ đang tung ra một chiến dịch rộng lớn để ngăn chặn Huawei trong những hoạt động thương mại có thể đưa đến nguy hại cho nền an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Các cơ quan tình báo Hoa Kỳ từ lâu đã tin rằng kỹ thuật của Huawei có những lỗ hổng cho phép chính quyền Trung Quốc lợi dụng để làm phương tiện gián điệp và những mục đích khác có lợi cho họ.
Chính phủ Hoa Kỳ cũng đang làm việc ráo riết để thuyết phục các quốc gia đồng minh không sử dụng Huawei trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông của họ. Tại quốc hội, Dân biểu Jim Banks (Cộng hoà, Indiana) và Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng hoà, Florida) đang đi đầu trong nỗ lực xem xét lại những mối hợp tác nghiên cứu của Huawei với nhiều đại học của nước Mỹ.

Tại một buổi ăn tối ở Washington vào hôm Thứ Tư 5/12, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross cho biết 90 ngày sắp tới sẽ xác định xem chính quyền Trump có thể đạt được thoả thuận kinh tế với Bắc Kinh hay không, hay bắt buộc phải leo thang thêm nữa trong cuộc chiến mậu dịch hiện nay.
Bộ trưởng Ross còn nói thêm là phía Mỹ có chút lạc quan tin rằng Trung Quốc nghiêm túc trong việc đàm phán, và nếu đúng như sự lạc quan đó thì đổi lại chính phủ Hoa Kỳ cũng sẽ nghiêm túc để đàm phán.
Câu hỏi quan trọng là sự “nghiêm túc” đó được định nghĩa ở mức độ nào? Ðối với các giới chức tỏ ra thân thiện với thị trường chứng khoán Wall Street, trong đó có Bộ trưởng Ngân khố Steven Mnuchin và Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Larry Kudlow, thì thấy rằng các cuộc đàm phán thương mại chính yếu là phải mở cửa thị trường ở Trung Quốc và giảm bớt thâm thủng mậu dịch. Họ muốn Tập Cận Bình nhượng bộ Trump một chút, mua thêm đậu nành hoặc mở cửa thị trường cho xe hơi Mỹ qua việc giảm thuế xe nhập vào Trung Quốc từ 40 phần trăm xuống khoảng 15 phần trăm (thuế đánh vào xe hơi nhập cảng ở Mỹ chỉ ở mức 2.5 phần trăm), để xem Trump có chịu chấp nhận một thoả thuận giới hạn như trên hay không.
Trong khi đó, những giới chức được cho là diều hâu về an ninh quốc gia như Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton và Cố vấn Thương mại Peter Navarro thì quan tâm nhiều đến âm mưu đánh cắp tài sản trí tuệ và buộc các công ty làm ăn tại Trung Quốc phải chuyển giao các bí mật kỹ thuật cho họ cũng như mối đe doạ về việc một số công ty kỹ thuật Trung Quốc đã cho cài đặt những con chip điện tử vào trong những mạng lưới liên lạc mà các quân nhân Hoa Kỳ và đồng minh cần sử dụng đến ở nhiều nơi trên thế giới.
Cuộc đối đầu kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ còn xấu hơn nữa trước khi thấy được ánh sáng cuối đường hầm, và cuộc hưu chiến 90 ngày chỉ là thời gian tạm bợ để hai bên ngồi xuống xét lại các ưu tiên và cân nhắc lợi hại trong chính sách kinh tế của họ. Những tiếng nói chỉ trích sẽ tô vẽ cho sự leo thang trong thời gian tới như là một chính sách phản kinh doanh hay chống Trung Quốc, nhưng thực ra đấy chỉ là nỗ lực để bảo vệ quyền lợi của nước Mỹ mà thôi.
VH