Từ buổi mới bước vào đời, Nguyễn cũng như bao bạn bè làm văn làm thơ khác, đã biết yêu hình ảnh và không khí đêm Giáng Sinh. Cho đến khi có tình yêu thì được cùng người yêu đi nhà thờ và dự Lễ Nửa Đêm. Rồi chiến tranh. Rồi lính tráng. Ba lô lên vai, đáo nhậm đơn vị ở Pleiku. Bước xuống phi trường Cù Hanh mà lòng ngao ngán, nhìn những dãy núi xa và ruộng bắp ngô xơ xác trong màu đất đỏ mà chỉ muốn bỏ ngũ về lại Sài Gòn
Nhưng rồi đời lính cũng quen, phải không các bạn, và có những niềm vui ấm áp. Ở đây có Kim Tuấn -thi sĩ tiệm thuốc Tây “cơm nhà quà vợ” nay không còn nữa, than ôi!- và Tô Mặc Giang. Ở Pleiku chừng nửa năm thì được Diên Nghị -bạn học bạn thơ ngày trước, lúc bấy giờ là trưởng phòng Tâm Lý Chiến Quân Ðoàn- bốc sang Ðà Lạt làm phát thanh Quân Ðội. Từ đó, gắn bó với Ðà Lạt, nhưng vẫn đi về Pleiku thường xuyên. Ở Ðà Lạt nhiều năm, tất nhiên Nguyễn đã qua nhiều mùa Giáng Sinh nơi đó. Ðêm Noel lạnh, khí trời trong vắt, sao lấp lánh đầy trời, vương trên những ngọn thông. Nguyễn đã bắt đầu tìm đến những mẩu chuyện trong Tân Ước, và hình dung thấy các đạo sĩ Phương Ðông đang tìm tới hang Bethlem chiêm ngưỡng Chúa Hài Ðồng. Ý thức và cảm hứng tôn giáo chớm nở từ đây. Và ở đây, Nguyễn đã gặp các bạn Ðinh Cường và Trịnh Công Sơn rồi Khánh Ly và bao nhiêu người nữa. Giáng Sinh, kéo nhau đi uống bia, rồi về đàn hát ở studio Ðinh Cường trên đường Rose. Có đêm uống rượu ở kiosque Dì Ba, hay vào Night Club dưới chân Ðài Phát Thanh nghe Khánh Ly hát. Ngoài ra, không thể không nhắc tới Thanh Sâm. Một tình bạn thật đẹp, những ngày tháng thật đẹp. Giáng Sinh, trên những cành thông, còn vọng lời ca Silent Night. Holy Night. All is calm. All is bright…
Bây giờ là thời chiến tranh, và tiếng chiến trận đã ở trên Vết Lăn Trầm và Xin Mặt Trời Ngủ Yên của Trịnh Công Sơn. Ðó là những năm sau 65. Chiến tranh ở xa Ðà Lạt nhưng đã bắt đầu ám ảnh tâm trí thanh niên. Lê Uyên Phương kể lại thời ấy như sau trong Không Có Mây Trên Thành Phố Los Angeles, (KCMTTPLA) xuất bản 1990 ở Mỹ: ”Không thể nào quên được những đêm thật tuyệt vời ở Ðà Lạt vào những năm của thập niên 60. Chúng tôi như phần đông những người trẻ lúc đó, thường hay la cà ở các quán cà phê ở Ðà Lạt, nhất là cà phê Tùng ở gần chợ Hòa Bình. Cái phòng vuông vức với những hàng ghế liền bọc plastic đỏ, những chiếc bàn thật thấp, trên tường có một bức tranh lớn vẽ một người chơi guitar theo lối nửa lập thể nửa ấn tượng, và cái không gian đầy khói thuốc trộn lẫn với âm nhạc nhẹ phát ra từ chiếc loa không lớn lắm đặt trên cao, tất cả đã trở thành một thứ ma túy đối với chúng tôi.” Thật ra, bức tranh vừa nói ký tên Vị Ý, khiến nhớ The Old Guitarist (1903) của Picasso. Hồi đó, sau 1965, ở Tùng còn treo bức Thiếu Nữ Màu Xanh lớn của Ðinh Cường. Mới đây, Nguyễn nghe ai viết ở đâu đó nói rằng ở phòng dưới của Tùng chỉ còn bức của Vị Ý còn bức Thiếu Nữ của Cường đã được đưa lên lầu. Nghĩa là cà phê Tùng vẫn còn cái gì đó của ngày xưa, nhưng khi xem đến tấm hình của PTNhư Ngọc chụp trước tiệm thì Nguyễn hỡi ơi: vỉa hè tróc lở với những người đẩy xe đạp xiêu vẹo ngang qua. Cũng trong KCMTTPLA, Lê Uyên Phương kể “ở đây, trong quán, người ta thường nói về chiến tranh và cái chết ở nơi này nơi khác, về cái phải và không phải của cuộc chiến này, về cả nghệ thuật và văn học thế giới… Một đêm, anh H. sinh viên nghiện ma túy, bỗng ra dấu cho mọi người yên lặng, anh cầm cái thẻ sinh viên của anh đưa lên cao cho chúng tôi nhìn thấy rồi xé làm đôi, anh tuyên bố từ hôm nay anh chặt đứt mọi hệ lụy trong quá khứ của mình, ngày mai anh lên đường đi trình diện nhập ngũ.” Và Lê Uyên Phương kết luận đoạn viết: “Chiến tranh đôi lúc đã giải quyết một cách hữu hiệu những vấn đề cá nhân như thế.”

Chiến Tranh và Giáng Sinh ở Ðà Lạt những năm cuối 60 và đầu 70 của thế kỷ trước… Noel ở Ðà Lạt là tuyệt vời. Nguyễn vẫn còn hình dung thấy cô bé hippie, tóc xõa trên vai, mắt mở lớn, cầm một nhánh hoa hồng đi trong chiều Giáng Sinh. Và đêm về, người ta từ quanh khu Hòa Bình, men theo bờ hồ qua cầu, đi ngược lên dốc nhà thờ Con Gà chói lọi ánh đèn mà lòng chợt thấy ấm lên. Ôi nhà thờ Con Gà trong tranh Ðinh Cường. Và ở đâu nữa, trong một thành phố của nước Pháp có bóng họa sĩ Corot ngày xưa, như lời kể của Nguyễn Ðạt ở Sài Gòn. Và rồi nhà thờ Con Gà của những Chủ Nhật ở thành phố Avray (Les Dimanches de la ville d’Avray) -như Nguyễn đã kể lại trong một bài viết kỳ trước. Còn nhớ, đêm Noel cuối cùng ở Ðà Lạt, 1973, Nguyễn và các bạn cùng Lê Uyên và Lê Uyên Phương thực hiện chương trình Ðọc Thơ & Hát Thơ ở Lục Huyền Cầm. Một kỷ niệm không quên.
(còn tiếp)