Menu Close

Tiền giả thời Nội Chiến

Cuộc nội chiến Bắc Nam đã quyết định số phận nước Mỹ. Khác những cuộc chiến khác trong lịch sử, ngoài sức mạnh quân sự với vũ khí đạn dược, những tờ bạc giả như là“đạn giấy” cũng đã làm tổn thương nền kinh tế phe Confederate, góp phần cho chiến thắng của phe Union, kết thúc bốn năm nồi da xáo thịt kinh hoàng.

tien-gia-thoi-noi-chien

Sam Upham chưa bao giờ thấy báo được bán chạy như thế trong tiệm tạp hóa của mình vào sáng ngày 24 tháng Hai, 1862. Khắp phố, mọi người tranh nhau mua sạch chồng báo Philadelphia Inquirer mới phát hành còn chưa ráo mực. Upham chận hỏi một khách hàng. Người khách trả lời ngắn gọn: “Grayback” (Giấy màu xám), tay chỉ vào đồng tiền giấy 5 đô của phe miền Nam Confederate, in trên trang nhất. Họ gọi để phân biệt với đồng tiền giấy in màu xanh lục “greenback” của Union. (Ngày nay còn gọi là đồng đô la xanh.)

Vào lúc bình minh của cuộc nội chiến, phe Confederate rất tin tưởng vào sự thành công và độc lập của quốc gia mới, với sự ủng hộ nhiệt thành của các tiểu bang miền Nam và tài cầm quân xuất sắc của tướng Lee. Ðồng tiền giấy Confederate được phát hành và dùng trong toàn cõi miền Nam vào tháng 4, 1861. Lúc ấy vàng bạc trong ngân quỹ rất hiếm hoi, tài sản có giá trị của phe miền Nam chủ yếu là bông gòn trên các cánh đồng. Dù không dựa vào kim-bản-vị với vàng và bạc, tiền giấy in ra và lưu hành vẫn được xem là ngân phiếu của nhà băng, được chính phủ cam kết sẽ được trả giá trị thực sau khi miền Nam độc lập. Những tờ tiền giấy này chỉ có giá trị trong một thời hạn nhất định – 6 tháng,1 năm, 2 năm… kể từ ngày phát hành. Tờ tiền mang nhiều mệnh giá, từ 50 xu cho đến 1 ngàn đô.

Thoạt đầu tiền Confederate in tại National Bank Note Company, New York. Tiền được in với hoa văn chi tiết trên bản kẽm tinh xảo, giấy đặc biệt chất lượng cao nhập từ Pháp. Khi bị miền Bắc phong tỏa và cuộc chiến gia tăng, phe Confederate phải tự in tiền bằng kỹ thuật in thạch bản lithograph trên giấy trắng rẻ tiền, nên sau nhiều lần sử dụng mực bị phai biến thành màu xám.

tien-gia-thoi-noi-chien2
Tờ bạc 5 đô Confederate màu xám

Upham là một thương gia thất bại khi tìm vàng từ miền Tây, trở về Philadelphia mở một cửa tiệm nhỏ bán tạp hóa, đồ lưu niệm, nước hoa… Nhưng kể từ sáng hôm đó, Upham trở thành ông trùm làm bạc giả hợp pháp. Cầm tờ báo Philadelphia Inquirer, Upham dán mắt vào mẩu tin có in hình tờ bạc 5 đô của Confederate. Một sáng kiến lóe lên. Upham vội liên lạc với nhà in và mua bản kẽm in hình tiền giấy đó. Ông mua 3 ngàn tờ giấy khổ viết thư nhập từ Pháp. Vài ngày sau, một tấm bảng quảng cáo dựng lên ở góc phố gần cửa tiệm của Upham: “Có bán Tiền Confederate làm kỷ niệm, đại hạ giá!” Thế là dịch vụ kinh doanh sản xuất tiền giả lần đầu tiên ra đời một cách công khai, và Upham được xem là người yêu nước nhiệt thành của phe Union.

Trước đó nhiều tổ chức tội phạm đã làm bạc giả trên toàn quốc, nhưng chúng mau chóng bị phát hiện và bắt giữ. Kỹ thuật in ấn tiền giấy lúc ấy dù tinh vi nhưng vẫn còn thô sơ; chính nguồn giấy đặc biệt và chất lượng in hảo hạng mới quyết định giá trị tờ bạc thật. Trong khi đó, cuộc nội chiến bắt đầu chứng kiến thời kỳ phát triển của cách mạng công nghiệp, của kỹ thuật nhiếp ảnh và in ấn.

Upham cho khắc thêm trên tờ 5 đô một hàng chữ nhỏ phía dưới: Fac-Simile Confederate Note (Bản copy tương tự tiền Confederate) Bán sỉ và lẻ tại S.C. Upham 403 Chestnut Street, Philadelphia.  Dân chúng đã mua sạch với giá 1 xu. Thấy kiếm tiền dễ dàng, Upham lại mua thêm bản kẽm in tờ 10 đô từ báo Frank Leslie’s Illustrated và in ra bán với giá 5 xu. Dần dà, Upham thu mua được gần như bộ sưu tập gồm 14 tờ tiền giấy mệnh giá khác nhau của Confederate. Ông đăng quảng cáo bán tiền giả trên các báo New York Tribune, Harper’s Weekly, Louisville Journal và The Philadelphia Inquirer như là “kỷ vật”, đồ lưu niệm của phe Confederate. Ông còn rao mua và trả gấp ba lần giá trị bằng vàng cho các tờ bạc thật, tem thật, của phe Confederate. Hẳn nhiên là mua để làm bản copy. Khách hàng có thể trả 50 xu, cộng với 18 xu bưu phí, sẽ có 100 đô bạc giả gởi đến tận nhà.

tien-gia-thoi-noi-chien1
Copy bạc giả Confederate của Upham phát hành với hàng chữ ghi chú phía dưới

Nhiều người miền Bắc chưa thấy tiền Confederate bao giờ. Họ nghĩ cuộc chiến sẽ chóng tàn, nên vội vàng mua chúng để làm lưu niệm, sưu tập. Nhiều kẻ mua đi bán lại kiếm lời, dần dà đồng tiền giả này được lưu hành lén lút vào biên giới phía Nam, sau khi được cắt xén phần in ghi chú của Upham. Ở đó tiền giả được mua lại với giá “chợ đen” 30 – 40 xu cho 1 đô. Tiền giả còn được trao đổi mua bông vải để chở lậu về miền Bắc. Khi cuộc nội chiến kéo dài và phần thắng nghiêng về Union thì đồng tiền Confederate ngày càng mất giá, mức lạm phát lên đến 9,000%. Gần cuối cuộc chiến năm 1865 thì giá 1 cục xà bông là 50 đô, nửa ký trà giá 35 đô, 1 thùng bột mì giá 1 ngàn đô, bộ vest đến 2 ngàn 7 đô…

Về phía chính quyền Union, mật vụ liên bang đã theo dõi và báo cáo về Upham. Làm tiền giả là tội phạm, họ e ngại tiền Union cũng có thể bị làm giả. Hồ sơ Upham được đưa lên tận Bộ trưởng Chiến tranh Edwin Stanton. Nhưng Upham không bị xem là tội phạm, bởi trong mắt chính phủ Union thì sự ly khai của Confederate là không hợp hiến, là sự nổi loạn của phiến quân. Vì vậy đồng tiền của Confederate không hợp pháp, không có giá trị. Những copy của Upham chỉ là vật lưu niệm. Ngược lại việc làm của Upham lại trở thành có lợi cho nội chiến. Upham là người yêu nước. Những tờ tiền giả là những viên đạn giấy bắn vào phe miền Nam.


Thượng nghị sĩ Mississippi đã lên án Upham trong buổi họp tại Quốc hội Confederate: Upham đã làm tổn thất cho quân miền Nam nhiều hơn là Tổng tham mưu trưởng quân đội – tướng McClellan của Union. Thiệt hại của số tiền giả này làm cho nền kinh tế Confederate ngày càng tồi tệ. Tổng thống Davis và Quốc Hội Confederate đã truy tố tội tử hình và trao thưởng 10 ngàn đô cho mạng của Upham.

tien-gia-thoi-noi-chien3
Samuel Upham

Khi nội chiến bắt đầu thì 1 đô la Union (bản vị vàng) bằng 90 xu tiền Confederate. Trong vòng 18 tháng — từ tháng 3, 1862 đến tháng 8, 1863, Upham đã tung ra hơn 15 triệu đô giá trị tiền Confederate. Tuy con số đó chỉ bằng 3% tổng số tiền lưu hành, nhưng nó đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế èo uột của miền Nam song song với các thất bại trên chiến trường Gettysburg và Vicksburg đẫm máu. Khi cuộc nội chiến gần tàn, tiền Confederate lại càng mất giá thảm hại, chỉ còn 0.017 xu, gần như không còn giá trị thương mãi. Khi người dân và các giao dịch không còn sử dụng tiền miền Nam thì Upham cũng dừng in ấn. Upham trở lại buôn bán tạp hóa bình thường.

tien-gia-thoi-noi-chien4
Các tờ bạc Confederate trên mạng bán đấu giá ngày nay

Nhiều câu hỏi về nguồn giấy tốt để Upham in tiền giả. Có nghi vấn cho rằng mật vụ của Union đã cung cấp cho Upham sau khi quân Union chận bắt và phong tỏa các thương thuyền từ Châu Âu đến miền Nam. Quả thật là trong các đợt in về sau, từ mùa hè 1862 trở đi, tờ bạc giả trông như thật và hoàn hảo, ngay cả chữ ký và mã số lưu hành. Tất nhiên là các đợt in sau này nhằm đưa tiền giả về phía Nam.

Upham qua đời vì ung thư năm 1885 ở tuổi 66, để lại tài sản trị giá 5 ngàn đô, tương đương 1 triệu 3 đô la ngày nay — thành quả hẳn có được từ những viên đạn giấy tinh xảo. Upham đã để lại một huyền thoại trong lịch sử Nội Chiến. Ngày nay những tờ bạc giấy thật và giả Confederate trở thành hiếm quý và được các tay sưu tập đồ cổ khắp thế giới săn lùng. Bạn vào ebay sẽ thấy vài tờ bạc cũ được rao với giá vài chục ngàn đô. Chẳng biết đó là tiền thật hay giả.

SB

Austin, TX