Menu Close

Đà Nẵng 1966

1966-da-nang1 Hồi Ký

Kỳ 1

Bao năm đã trôi qua, nhiều người Việt-Nam vẫn còn cho rằng Tăng Ni Phật Giáo Miền Trung phát động vụ “Bàn thờ Phật xuống đường năm 1966” là Cộng-Sản.  Những quân nhân Phật Tử và dân chúng đã vào chùa ủng hộ cuộc chính biến đó cũng bị kết tội là mắc mưu Cộng-Sản xúi giục, phá rối trị an. Thực tế không phải như vậy đâu!

Bất cứ chuyện gì xảy ra trên thế gian này đều có nguyên ủy của nó. Nếu không phải là một người đã từng tham gia, dính líu tới cuộc chính biến năm 1966 đó, thì sẽ không thể có một kết luận chính xác cho những gì đã xảy ra.

Nhớ lại thời 1963, Việt-Nam Cộng-Hòa có lãnh tụ là Tổng Thống Ngô Ðình Diệm. Vụ đảo chánh ngày 1 tháng 11 năm 1963 dưới sự dàn dựng của Hoa-Kỳ, cùng sự tham gia của Phật Giáo và quân đội chỉ  nhằm mục tiêu là  lật đổ một lãnh tụ. Sau khi Tổng Thống Diệm bị giết thì đất nước ta lâm vào tình trạng lạm phát lãnh tụ. Ðất nước có quá nhiều lãnh tụ xuất hiện, cũng có nghĩa là đất nước không có ai đủ tài, đủ đức cho dân chúng tôn thờ. Một phe phái chính trị vừa giành được quyền bính thì không lâu sau đã bị phe khác lật đổ, Miền Nam bước sang thời kỳ vô cùng nhiễu nhương, tạo cơ hội cho quân đội đứng lên, nắm giữ chính quyền.

Quân đội một mặt bảo vệ biên cương, đồng thời quân đội cũng cầm đầu chính phủ, nắm vận mệnh quốc gia. Có điều những tướng lãnh cầm quyền không do dân bầu mà là do phe phái đặt để sau những lần đảo chánh, chỉnh lý, hay biểu dương lực lượng. Thêm vào đó, quân đội cũng không còn là một khối thuần nhất nữa; tướng lãnh tranh giành quyền hành, đấu đá nhau liên miên. Không có lãnh tụ chân chính, nên thầy trò, dù là trong quân đội, cũng bỏ nhau, phản nhau là chuyện bình thường.

Năm 1966 Tướng Thiệu, Tướng Kỳ ngự trị ở trung ương. Miền Trung thì Tướng Thi hùng cứ một phương. Thời gian này đất nước ta nằm trong tay các “Sứ quân” tướng lãnh của quân đội. Nhưng Việt-Nam Cộng-Hòa lại là đất nước của dân chủ và tự do, nên dân chúng Việt-Nam Cộng-Hòa luôn luôn khát khao, đòi hỏi phải có một chính quyền dân cử. Nhân cơ hội này, người Mỹ đã đứng sau lưng, dàn dựng và sắp xếp cho các “Sứ Quân” loại bỏ lẫn nhau từ từ. Ðể rồi vụ binh biến Miền Trung xảy ra. Trâu bò húc nhau thì ruồi muỗi chết! Chỉ có lính tráng và dân chúng Miền Trung như chúng tôi là gánh lấy cái khổ. Quân nhân thuộc Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân cũng chỉ là những nạn nhân của cuộc binh biến năm 1966 này.

Thời hậu đảo chánh, Giáo Hội Phật Giáo Việt-Nam lâm vào tình trạng chia rẽ trầm trọng, Ấn-Quang đi theo một đường, Việt-Nam Quốc Tự đi theo một nẻo.  Phật Giáo Miền Trung hầu như hoàn toàn chịu sự chi phối và chỉ đạo của phe Ấn-Quang. Trung tướng Nguyễn Chánh Thi, Tư Lệnh Quân Ðoàn I và Vùng 1 Chiến Thuật là một con cờ của Ấn-Quang. Tháng 2 năm 1966 Trung tướng Nguyễn Chánh Thi công khai ủng hộ “Phong Trào Nhân Dân Tranh Thủ Cách Mạng” của Phật Giáo, chủ trương ly khai và đòi tách Miền Trung ra khỏi Việt-Nam Cộng-Hòa  để thành lập Miền Trung Tự Trị.

Dân chúng từ nông thôn, nghe lời kêu gọi của Giáo Hội Phật Giáo Miền Trung theo chân nhau, ào ào tuôn vào thành phố ủng hộ và tham gia phong trào tranh đấu. Huế, Ðà-Nẵng, chùa chiền nào cũng đầy người và người. Vào Hè, Ðà-Nẵng hừng hực nắng. Thành phố chói lòa vì mái nhà nào cũng lợp tôn. Nắng nung mặt lộ, đường phố bốc hơi. Trong lòng người dân Ðà Nẵng “lửa cách mạng” cũng bừng bừng cháy. Biểu ngữ giăng khắp nơi: “Hoan hô hội đồng nhân dân tranh thủ cách mạng!” – “Một quốc hội dân cử…”- “Ðả đảo chế độ độc tài quân phiệt!”…

Ðầu tháng 3 năm 1966, Trung tướng Nguyễn Chánh Thi bị giải nhiệm, thay thế bằng Thiếu tướng Nguyễn Văn Chuân. Từ đó dấy lên phong trào tranh đấu đòi phục quyền cho Tướng Thi. Giữa tháng 3, Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân bị điều động từ Hội-An ra Ðà-Nẵng cũng nhằm mục đích hỗ trợ cho phong trào này. Ðại úy Nguyễn Thừa Dzu, Tiểu Ðoàn Trưởng 11 Biệt Ðộng Quân, vốn là đàn em thân tín của Trung tướng Nguyễn Chánh Thi nên ông dẫn tiểu đoàn về Ðà-Nẵng để  ủng hộ Tướng Thi cũng là lẽ đương nhiên. Thời gian này, tôi, Thiếu úy Vương Mộng Long, là đại đội trưởng Ðại Ðội 3 của Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân.

Dưới cái nắng như thiêu, ba quân trong hàng, im phăng phắc nghe Ðại úy Tiểu đoàn trưởng ban lệnh:  “Dân chúng muốn Miền Trung tự trị, và sẽ tiếp tục tranh đấu để Việt-Nam có một chính quyền do dân bầu lên, làm việc cho dân, làm việc vì dân. Ý dân là ý trời! Dân chúng đòi ly khai, chúng ta ly khai. Từ giờ phút này, chúng ta đứng về phía nhân dân, chống lại chính quyền Thiệu, Kỳ.”

Trong tiểu đoàn này, Ðại úy Tiểu đoàn trưởng là cấp chỉ huy tối cao. Cấp chỉ huy nói gì, chúng tôi tin nấy, cấp chỉ huy muốn sao, chúng tôi làm vậy, vì kỷ luật là sức mạnh của quân đội. Vả lại, chúng tôi là con dân Miền Trung, dân chúng Miền Trung đòi ly khai, chúng tôi  ly khai theo dân là đúng với ý trời rồi còn gì?

Tiểu đoàn chỉ có ba đại đội 1, 3, và 4 kéo về đây, vì Ðại Ðội 2/11 của Ðại úy Tôn Thất Trực còn nằm trong Hội-An. Tôi nghe nói anh Trực đang chỉ huy Ðại Ðội 2/11 cùng một nửa Tiểu Ðoàn 39 Biệt Ðộng Quân giữ nhiệm vụ phòng thủ Chùa Tỉnh Hội Quảng-Nam nhận lệnh trực tiếp từ Ðại tá Ðàm Quang Yêu, Tư Lệnh Biệt-Khu Quảng-Ðà.

Chúng tôi đóng quân trong sân vận động Chi-Lăng. Cứ cách vài hôm đại đội tôi lại tới phiên trực, phải leo lên lưng thiết vận xa M113 hành quân tùng thiết; đi, về trong ngày để tảo thanh du kích Việt-Cộng lẩn quất quanh vùng Non Nước, Cầu Ðỏ, Lăng-Cô ngoại ô Ðà-Nẵng…

Ðóng quân ở sân vận động cùng hai đại đội bạn (1 và 4) được ít lâu, Ðại Ðội 3/11 nhận được lệnh di chuyển về chốt giữ nhà máy đèn Ðà-Nẵng để kiểm soát con đường dẫn vào Quân Y Viện Duy Tân và phi trường Ðà-Nẵng.

Cuối tháng 3 năm 1966, đại đội tôi được tăng cường một khẩu đội SKZ 57 ly và một khẩu đội cối 81 ly. Thời gian này, tôi phải trực máy truyền tin 24/24 để sẵn sàng thi hành một nhiệm vụ đặc biệt do Ðại úy Tiểu đoàn trưởng giao phó.

Một đêm, trong giờ giới nghiêm, Ðại úy Tiểu đoàn trưởng với một xe Dodge có 6 Biệt Ðộng Quân vũ trang hộ tống tới gặp tôi. Ông chỉ thị cho tôi ngày hôm sau phải chận đoàn xe từ phi trường ra, và bắt cho được vị tướng ngồi trong chiếc xe Falcon đen.

Chẳng hiểu ất giáp gì cả, nhưng tôi cứ im lặng thi hành lệnh này. Tôi cho căng một cuộn thép gai vòng chận ngang con đường từ phi trường về Bộ tư lệnh quân đoàn rồi cho quân bố phòng chờ đợi. Suốt hai ngày không có chuyện gì xảy ra. Tới ngày thứ ba thì Ðại úy ghé thăm và cho phép đại đội tôi sinh hoạt bình thường trở lại.

Nhà tôi ở trong Hội-An, cả tháng rồi tôi chưa ghé thăm nhà. Ðược dịp ông Tiểu đoàn trưởng giải tỏa lệnh trực 24/24 thì ngay trưa hôm đó, như sáo sổ lồng, tôi giao đại đội cho Thiếu úy Ðạt rồi cùng Hạ sĩ Nguyễn Hồng Phong leo lên chiếc Dodge 4 phóng đi ngay.

1966-da-nang
Thiếu úy Vương Mộng Long -1966

Ngày đầu đáo nhậm đơn vị (10 tháng 2 năm 1966) tôi đã được cấp chiếc Dodge 4 này nên lái nó cũng quen rồi. Ðúng ra thì Ðại đội trưởng Biệt Ðộng Quân phải có một xe Jeep, nhưng tôi lại chưa từng được “sờ” tới cái xe Jeep lần nào. Chiếc xe này đã theo ông cựu Ðại đội trưởng từ lúc ông ta bị thương, rồi tiếp tục bị biệt phái theo ông ta khi ông ta xuất viện về làm sĩ quan Ban 3.

Thực tình thì tôi cũng chẳng màng tới chuyện xe cộ. Miễn là được làm Ðại đội trưởng, có quân, có quyền, hành quân thì đi riêng một cánh, chẳng dưới quyền ai là thích lắm rồi. Tôi về nhà thăm mẹ tôi một buổi. Tới chiều, tôi sang nhà anh bạn Trần Ngọc Lợi bên bờ sông Thu Bồn ngồi nhâm nhi mấy chai bia cổ cao. Tôi ngủ qua đêm ở nhà thằng bạn, dự trù sáng hôm sau sẽ trở về đơn vị.

Sáng hôm sau, “đề” hoài mà chiếc Dodge thổ tả cứ ì ra không chịu nổ máy. Tôi phải mượn cái Honda hai bánh của anh bạn, chạy vào tiểu khu nhờ ông trưởng ban quân xa của đại đội yểm trợ tiếp vận tiểu khu giúp đỡ. Quân xa của tiểu khu kéo được chiếc Dodge của tôi về tới công xưởng thì xế chiều rồi. Hai ông thợ máy phải làm việc hì hục tới mười giờ đêm mới sửa xong xe cho tôi.

Mười giờ sáng ngày sau nữa tôi mới về tới đại đội. Hạ sĩ Phụng, người mang máy truyền tin đại đội hớt hải chạy ra nắm áo tôi,

– Nguy rồi thẩm quyền! Ðại bàng tìm thẩm quyền hai ngày nay. Không gặp thẩm quyền, ổng nổi tam bành! Chửi thề luôn miệng!

Tôi chột dạ,

– Ủa! Chứ Thiếu úy Ðạt đâu?

– Thẩm quyền vừa đi khỏi thì Thiếu úy Ðạt cũng đi mất. Chắc ổng “dù” về Huế thăm nhà rồi!

Tới trưa hôm đó thì xe của Ðại úy xuất hiện. Mặt ông lầm lì, ông không hé môi. Ông ngoắc tay cho tôi lên ghế sau rồi ra dấu cho tài xế chạy thẳng về sân vận động.

Ông nhảy xuống xe, liếc mắt ra dấu cho tôi đi theo. Vào phòng, đóng cửa lại xong xuôi, ông mới trợn mắt,

– Mấy ngày nay ông bỏ đơn vị đi đâu?

– Tôi ghé thăm nhà trong Hội-An.

– ”Ð! Má!” Ông có biết ông đã làm hỏng hết kế hoạch hành quân của người ta rồi không?

Tôi ngớ người, ú ớ,

-Có chuyện gì vậy đại bàng?

– ”Ð! Má!” Hôm qua phái đoàn của thằng cha Có [Trung Tướng Nguyễn Hữu Có] từ Sài-Gòn ra. Tôi gọi ông để thi hành mật lệnh, ông không có nhà, thằng phụ tá của ông cũng vắng mặt. Không túm được cha Có thì làm sao gây áp lực với tụi trung ương để phục hồi chức vụ cho “Ông Thầy” đây? Ông làm hỏng hết kế hoạch của “Mặt Trận” rồi, ông có biết không?

Vì thường nghe Ðại úy Nguyễn Thừa Dzu gọi Trung tướng Nguyễn Chánh Thi là “Ông Thầy” nên tôi hiểu ra liền: Kế hoạch của phe ly khai là bắt sứ giả của chính phủ trung ương (Trung tướng Nguyễn Hữu Có) để mặc cả chuyện phục hồi chức vụ cho Trung tướng Nguyễn Chánh Thi!

Tôi đành lí nhí,

– Tôi nhận lỗi! Tùy Ðại úy xử phạt.Tôi sẽ không khiếu nại.

Mặc tôi đứng trơ giữa phòng, Ðại úy chắp tay sau đít, hậm hực đi đi, lại lại loanh quanh cả chục vòng rồi tiến ra mở cửa,

– Ði đi!

Tôi bước ra khỏi phòng, sau lưng tôi Ðại úy ra lệnh cho anh tài xế,

– Ðưa anh ta về đại đội!

Từ hôm xảy ra vụ bắt hụt sứ giả của chính phủ trung ương, tôi bị ông Tiểu đoàn trưởng liệt vào loại “lừng khừng chống cách mạng.” Tuần lễ sau tôi được lệnh đem Ðại Ðội 3/11 về đường Bạch-Ðằng, canh gác tư dinh của tướng Tân Tư Lệnh Vùng. Tư Lệnh Vùng 1 bây giờ đã là Trung tướng Tôn Thất Ðính. Tôi chỉ giáp mặt Tướng Ðính có một lần. Hầu như mọi việc trong nhà đều do ông Thiếu tá Tôn Thất Trai, Chánh Văn Phòng của Tướng Ðính quán xuyến.

Cũng từ đó, đại đội tôi được miễn hành quân. Tôi và Thiếu úy Ðạt, đại đội phó, cứ luân phiên lang thang trên phố. Vào một buổi chiều, Ðại úy Tiểu đoàn trưởng gọi tôi về trình diện. Ông đưa cho tôi một danh sách thăng thưởng những quân nhân hữu công của đại đội tôi rồi nói,

– Ngày mai có xe đón các anh về Hội-An dự lễ gắn huy chương trận Tháp Bằng-An.

Trận Tháp Bằng-An xảy ra ngày 22 tháng 2 năm 1966, khi đó tôi chỉ là một thiếu úy trung đội trưởng với thâm niên mười hai ngày công vụ. Nhưng vài phút trước trận đánh, tôi đã được đảm nhiệm chức vụ Ðại Ðội Trưởng Ðại Ðội 3/11 thay thế Trung úy Lê Bá Ngọ bị thương.

Trong trận đánh này, đại đội tôi lập công đầu, hạ sát trên một trăm địch quân, tịch thu được 105 vũ khí cá nhân và cộng đồng. Ðại úy tiểu đoàn trưởng nói rằng Trung tướng Nguyễn Chánh Thi đã đề nghị thăng cấp trung úy đặc cách mặt trận cho tôi rồi, ráng chờ ít lâu nữa, có nghị định của Bộ Tổng Tham Mưu, ông sẽ gắn lon mới cho tôi.

Buổi lễ tuyên dương công trạng đã diễn ra trong sân cờ của Tiểu Khu Quảng Nam. Ðại úy Nguyễn Thừa Dzu Tiểu Ðoàn Trưởng 11 Biệt Ðộng Quân được Trung tướng Tôn Thất Ðính gắn cho một Ðệ Ngũ Ðẳng Bảo Quốc Huân Chương; Ðại úy Nguyễn Văn Của, Chi Ðoàn Trưởng 3/4 Thiết Vận Xa được vinh thăng Thiếu tá.

Tôi được ông Ðại tá tên là Mô gắn cho một Anh Dũng Bội Tinh với nhành Dương Liễu. Ngoài ra, tôi còn được một ông tướng Mỹ gắn cho một huy chương Silver Star của Hoa-Kỳ. Gần hai chục quân nhân hữu công khác thuộc Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân và Chi Ðoàn 3/4 Thiết Quân Vận cũng được ban thưởng huy chương và thăng cấp.

Dịp này tôi mới biết Trung tướng Nguyễn Chánh Thi đã lên đường xuất ngoại để chữa bệnh hay giữ chức Ðại sứ ở nước nào đó bên trời Tây. Trung tá Trần Văn Hai đã về giữ chức Chỉ Huy Trưởng Biệt Ðộng Quân/ Quân-Lực Việt -Nam Cộng-Hòa thay thế Chuẩn tướng Phan Xuân Nhuận. Tướng Nhuận được điều động ra Huế đảm trách chức Tư Lệnh Sư Ðoàn 1 Bộ Binh thay Thiếu tướng Nguyễn Văn Chuân. Tướng Chuân vào Ðà-Nẵng làm Tư Lệnh Quân Ðoàn I và Vùng 1 Chiến Thuật, chưa đầy một tháng thì từ chức, trao quyền cho Trung tướng Tôn Thất Ðính.

Tôi cũng nghe rằng, Tướng Ðính tuy là người của trung ương phái ra, nhưng lại công khai ngả theo phe ly khai của Phật Giáo (?) Trong tư dinh của Tướng Vùng không có chỗ cho binh lính nấu cơm, nấu nước, vì thế, trong thời gian này thầy trò tôi cứ cơm đường cháo chợ qua ngày.

Một đêm trong khi ngủ say, võng đứt, Thiếu úy Ðạt bị một cái tủ đè vỡ đầu, gãy tay, phải đi nằm nhà thương. Ðại Ðội 3/11 chỉ còn mình tôi là sĩ quan, nên tôi hết dịp lang thang trên phố. Rồi sáng sớm 15 tháng 5 Thiếu tá Trai báo cho tôi biết rằng, Thủy Quân Lục Chiến từ sân bay tiến ra, đã đánh chiếm Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn I. Trung tướng Tôn Thất Ðính phải bỏ chạy sang Sơn-Trà tá túc trong Bộ Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến Mỹ. Thiếu tá Trai cũng chuyển lời nhắn của Trung tướng Tư lệnh cho tôi là:

“Nếu Thủy Quân Lục Chiến đến chiếm tư dinh của ông, thì tôi cứ giao cơ ngơi này cho họ. Nếu họ muốn tôi giải giới, thì tôi giao nạp vũ khí cho họ để tránh đổ máu.”

Một đoàn xe chở Thủy Quân Lục Chiến chạy ngang qua dinh Tướng Ðính, nhưng không dừng lại. Họ hướng về phía Ðài Phát Thanh Ðà-Nẵng. Sau đó thì súng nổ đùng đùng kéo dài khoảng một tiếng đồng hồ rồi im. Tới trưa thì quân chính phủ chiếm được Ðài Phát Thanh. Tôi nhặt chiếc xe đạp của ai đó vứt bên lề đường, đạp về sân vận động xem tiểu đoàn ra sao.

Giờ này, dân chúng đang tụ tập đông như kiến quanh cổng sân Chi-Lăng. Dân chúng khóc lóc thật thảm thiết. Nhiều bà con ai oán gào lên:

“Các con ơi! Sao các con dửng dưng đứng nhìn quân Thiệu, Kỳ chiếm Ðà-Nẵng mà không dám làm gì sao? Các con ơi!”

Xen kẽ là những tiếng hô: “Dân quân Ðà-Nẵng thà chết không đầu hàng bọn Thiệu, Kỳ, Có!”-”Ðả đảo quân phiệt!”-”Miền Trung Tự Trị!”

Nhìn cảnh tượng bừng bừng khí thế này, tôi thấy lời Ðại úy tiểu đoàn trưởng thật là chí lý:

Ý dân là ý trời! Dân chúng đòi ly khai, chúng ta ly khai.”

Tôi nghĩ bụng, dân chúng thà chết không đầu hàng. Là con dân Ðà-Nẵng, chúng tôi sẽ theo ý dân, quyết không đầu hàng! Ðại úy quả là người chỉ huy sáng suốt, quyết tâm trung thành với lãnh tụ của ông, trung thành với dân chúng Miền Trung. Chúng tôi may mắn lắm mới có Ðại úy là con chim đầu đàn dẫn dắt…

(còn tiếp 6 kỳ)