Menu Close

Giáng Sinh và Nội Chiến Mỹ

Giáng Sinh trong thời chiến bao giờ cũng xúc động lòng người, khi mà hình ảnh tương phản của niềm vui đoàn tụ và mất mát chia xa, nhất là Giáng Sinh trong bốn năm Nội Chiến Bắc-Nam nước Mỹ. Cuộc Nội Chiến đã làm người dân hai miền nhận thức được giá trị của tự do và hòa bình, làm con người tìm đến niềm tin và sự cứu rỗi của Đấng Tối Cao.

giang-sinh-va-noi-chien-my

Trước đó ở Châu Âu, Giáng Sinh là mùa ăn uống, ca hát và vui chơi, nhưng chỉ là lễ hội như Mardi Gras. Những người theo đạo Công giáo ngày xưa không ăn mừng Giáng Sinh. Trong Kinh Thánh không nói đến ngày Giáng Sinh 25 tháng 12 cho đến thế kỷ thứ 3. Khi những người di dân Thanh Giáo đến vùng thuộc địa Mỹ đầu tiên năm 1620, họ chống đối lại hình ảnh ăn mừng vì Giáng Sinh được xem là linh thiêng và tôn nghiêm. Năm 1644, ở Massachusetts xử phạt 5 đồng shillings cho những ai ăn lễ Giáng Sinh. Từ 1659 đến 1681 thì Giáng Sinh bị cấm ở Boston. Tuy vậy ở thuộc địa Jamestown, thuyền trưởng John Smith ghi lại rằng mọi người vẫn vui hưởng Giáng Sinh mà không gặp khó khăn gì.

Sau khi xảy ra cuộc cách mạng giành độc lập từ Anh quốc, Giáng Sinh do ảnh hưởng từ Châu Âu nên cũng không được xem là đại lễ. Hơn 100 năm sau, khi nước Mỹ bước vào cuộc Nội Chiến Bắc Nam thì cuộc chiến đã định hình một nước Mỹ thống nhất, một nước Mỹ độc lập mang nét riêng biệt khác hẳn Châu Âu. Kể từ đó Giáng Sinh ở Mỹ mới chính thức khởi sắc, trở thành một ngày lễ truyền thống với Ông già Santa Claus, cây thông Noel, trao thiệp chúc mừng, tặng quà và lễ hội như hôm nay.

Trước đó, Louisiana là tiểu bang đầu tiên tuyên bố lễ Giáng Sinh chính thức cho người dân năm 1830. Sau đó các tiểu bang khác cũng bắt chước làm theo, nhưng chỉ tùy từng tiểu bang và thời điểm. Sau khi cuộc Nội Chiến nổ ra và kết thúc năm 1865 thì đến năm 1870 Tổng thống Ulysses S. Grant tuyên bố Giáng Sinh là ngày lễ cho toàn quốc. Ðây là dịp hai miền thống nhất hàn gắn vết thương chiến tranh.

giang-sinh-va-noi-chien-my3
Lễ Giáng sinh 1862. Hình Thư viện Boston Public Library

Trước tiên phải nói đến công lao của Charles Dickens đã đem cuốn “A Christmas Carol”, xuất bản năm 1843, đến với dân chúng Mỹ. Sau đó là họa sĩ vẽ tranh minh họa tài năng Thomas Nast đã tạo dựng hình ảnh Ông già Noel bụng bự, râu trắng, phúc hậu, mặc áo đỏ mang quà đến cho mọi người. Chính những tấm tranh minh họa vào thời kỳ ảnh chụp còn phôi thai đã giúp lịch sử được ghi lại sống động và rõ nét. Hãy xem một tấm minh họa Christmas Eve của Thomas Nast cho Harper’s Weekly, năm 1862. Giữa tấm hình là hình ảnh người vợ quỳ gối cầu nguyện bên song, tuyết rơi trắng xóa, hai đứa con thơ ngủ say trên giường trong giấc mơ về cha. Bên trái là người cha làm lính nơi chiến trường, mặc chiếc áo choàng dày ngồi cạnh đống lửa trại, tay cầm hình ảnh gia đình yêu thương, súng tựa vai mà nặng trĩu hồn quê. Phía dưới tấm hình là lá cờ sao sọc, có nghĩa trang nằm giữa nhắc nhở tang thương của cuộc chiến. Bên góc dưới phải là súng cà nông và chiếc chiến hạm lật nghiêng tràn sóng biển. Bên góc trái là các trận chiến dàn ngang trên cánh đồng. Trên góc cao thấp thoáng bóng ông già Santa Claus trên ống khói lò sưởi của thành phố, đàn tuần lộc (reindeer) và trẻ em háo hức nhận quà…

Tất nhiên các hình ảnh này gần gũi với các binh sĩ. Binh lính phe miền Bắc phần lớn nhận được khẩu phần và quà Giáng Sinh dồi dào hơn phe miền Nam, nhưng cuộc chiến kéo dài bốn năm đã làm gián đoạn các hãng xưởng và sản xuất thực phẩm, giá cả lên cao. Bậc cha mẹ ở tiểu bang miền Nam đã nói với trẻ con rằng Santa không đến được do phe miền Bắc ngăn chận bởi các phòng tuyến. Một số khác bảo với trẻ em rằng Santa là Yankee (lính phe Bắc) nên quân Confederate không cho Santa lọt qua hàng rào. Với mùa Giáng Sinh về trong không khí điêu tàn của chiến tranh làm hai phe đều day dứt về tương lai và nỗi nhớ quê nhà, người thân da diết. Nhưng Giáng Sinh cũng làm họ quên đi trong giây lát sự xung đột chia cắt hai miền. Binh sĩ có một ngày để nghỉ ngơi, lòng hướng về người thân. Và ở quê nhà, nến vẫn được thắp, bàn tiệc vẫn được dọn ra; mọi người đều nhìn về chiếc ghế trống nơi dành cho người cha, người chồng, người yêu đang xa xăm…

Lính Union ăn mừng Giáng Sinh bằng các cây thông trong lều trại, treo thịt heo muối và bánh khô, hát carol như “Oh Come, All Ye Faithful” và “Silent Night.”  Riêng gia đình Tổng thống Abraham Lincoln, trong năm đầu tiên của Nội Chiến, ông đã đón chào Giáng Sinh ở Bạch Ốc năm 1861. Ngày hôm trước Tổng thống đã bận bịu giải quyết xong vụ bắt giữ hai đại biểu của phe miền Nam đã tìm cách lôi kéo Anh và Pháp vào cuộc chiến. Năm sau đó, mùa Giáng Sinh ông viếng thăm các thương binh ở bệnh viện. Ðệ nhất phu nhân Mary Todd Lincoln thì gây quỹ cho bữa tiệc Noel, và con trai Tad mang quà tặng đến bệnh viện, đó là những cuốn sách và áo quần.

giang-sinh-va-noi-chien-my2
Cảnh vợ chồng chia ly trong chiến tranh (Nast, 1862)

Năm 1863 được đánh dấu bằng những trận chiến khốc liệt ở Gettysburg và Vickburg mà phe miền Nam bị tổn thất nặng nề. Thomas Nast đã minh họa hình ảnh Santa mặc áo sao, phát quà cho chiến sĩ để nâng cao tinh thần quân Union. Hình ảnh các cuộc đoàn tụ trở về hay ngày phép ngắn ngủi được về thăm nhà trong dịp Giáng Sinh, trong vòng tay người yêu làm nao lòng mọi người. Như viễn cảnh của hòa bình trong tầm tay.

Ở miền Nam, binh lính và người dân chịu nhiều thiếu thốn hơn do các chiến hạm của quân Union chận hết các đường biển xuất nhập cảng, các đường hỏa xa, đường sông. Miền Nam, chủ yếu dựa vào xuất cảng bông gòn, bị đình trệ và hoàn toàn cô lập. Giá thực phẩm vô cùng đắt đỏ. Nhiều nông trại bị bỏ hoang và các gia súc cầy cấy đều bị trưng dụng vào cuộc chiến. Giáng Sinh cuối của cuộc Nội Chiến, năm 1864, tướng Lee dẫn đội quân bụng rỗng, áo quần tả tơi tuần tra quanh chiến hào ở Petersburg, Virginia. Tướng Confederate Gordon ghi lại: “Những đường rầy xe lửa mòn hư ở cuối miền Nam không thể mang một nửa số thực phẩm cần thiết cho chúng tôi. Và ngay cả nếu chúng mang được quà Giáng Sinh ấy đến thì những người ở quê nhà cũng đã quá kiệt sức để gởi chúng.”

Tổng thống Confederate Jefferson Davis cùng vợ đã cố gắng lạc quan để tổ chức một buổi tiệc Giáng Sinh “huy hoàng” ở Richmond, Virginia, thủ đô của phe miền Nam. Các trẻ em trong nhà thờ St. Paul’s Episcopal được mời đến dự đã chóa mắt với cây thông trang trí bằng đèn cầy, các dây màu bằng vải, các búp bê nhồi bông và các món quà bằng gỗ thông. Trên bàn tiệc có bánh khô, trà, cà phê, đường và nhiều thứ…

giang-sinh-va-noi-chien-my1
Tiệc Giáng sinh phe Union, tranh của Thomas Nast. December, 1864

Cần phải kể chi tiết Giáng Sinh năm cuối của cuộc Nội Chiến. Ngày 15 tháng 11, 1864, sáu mươi ngàn quân Union dưới trướng của tướng William T. Sherman từ Atlanta tiến quân qua 285 dặm về Savannah, Georgia. Trước đó vào ngày 2 tháng 9, 1864 quân Union đã chiếm giữ Atlanta, một thắng lợi quan trọng, bởi vì Atlanta là địa điểm chiến lược với các tuyến đường hỏa xa tỏa đi khắp nước, và là trung tâm kỹ nghệ công nghiệp của phe miền Nam. Atlanta có các xưởng chế tạo vũ khí, lò đúc, nhà kho… cung cấp quân nhu và tiền tài cho quân Confederate.

Sau khi mất Atlanta quân Confederate lùi về hướng Tây ở Tennessee và Alabama. Trên đường đi họ tấn công đánh phá các nguồn vận chuyển quân sự của phe miền Bắc. Tướng Sherman không màng các trận đánh nhỏ, ông không truy đuổi theo mà tập hợp quân Union chia làm hai cánh lớn. Tướng George Thomas dẫn 60 ngàn quân tấn công Nashville và Sherman dẫn 62 ngàn quân qua Georgia về chiếm Savannah, “san bằng cho đến bờ biển” ông tuyên bố.

Ngày 22 tháng 11, 3,500 quân Confederate chạm súng với quân Union ở trận đánh Griswoldville. Quân Confederate tổn thất nặng nề với 650 thiệt mạng trong khi chỉ có 62 quân Union tử thương. Ba tuần sau tướng Sherman đến Savannah ngày 21 tháng 12, 1864. Thành phố thất thủ, 10 ngàn quân Confederate tháo chạy. Lính Union cắm hai cành cây vào tai ngựa như reindeer, mang thực phẩm và hàng hóa đến các gia đình đói khát ở Georgia. Sherman đánh điện tín cho Tổng thống Abraham Lincoln ngày 22 tháng 12, 1864: “Như món quà Giáng Sinh tôi dâng Ngài, thành phố Savannah với 100 con ngựa và 50 súng cà nông, nhiều đạn dược, cùng 25 ngàn kiện bông vải.” Món quà Giáng Sinh quý giá đó là khởi đầu hồi cuối của cuộc Nội Chiến.

Tổng thống Lincoln không vui hưởng trọn vẹn với món quà Giáng Sinh này được lâu; ông bị ám sát chỉ vài ngày sau khi tướng Lee đầu hàng vào tháng Tư, 1865. Nhưng Tu Chính Án thứ 13, ra đời vào ngày 18 tháng 12 năm ấy, đã kết thúc vĩnh viễn chế độ nô lệ, nguồn gốc chia rẽ đất nước. Ðó là niềm vui trọn vẹn nhất cho nước Mỹ: một mùa Giáng Sinh trong hòa bình vĩnh viễn của một đất nước đã được thống nhất và hùng mạnh lên từ đấy.

SB

Austin, TX