Menu Close

Một câu chuyện buồn

Một giờ đêm. Chim đã thôi hót, dế thôi kêu, chó thôi sủa, trăng đã mỏi nhừ sau những phút giây tận hưởng huy hoàng vì “giành địa bàn” thành công với mặt trời, tất cả đã lặng im trừ sự tức giận và bực bội của tôi…. Thiệt ra, đây không phải lần đầu tôi gặp phải tình trạng đau lòng này, nhưng đây là lần đầu kẻ mang đến xui xẻo này không phải là… tôi!

mot-cau-chuyen-buon3
Không có tiền mua máy tính, thầy giáo vẫn nỗ lực dạy ICT bằng phấn và bảng đen, giao diện MS Word trên Windows đã được thầy giáo này vẽ lại một cách chi tiết. Từ Facebook

Khi tôi nghĩ mình đã làm xong hết mọi việc cho tuần sau, giờ chỉ cần chuẩn bị “menu” ăn chơi nhảy múa. Khi tôi đang rà chuột, kiểm tra lại mọi thứ. Chuẩn bị thao tác cuối cùng để hoàn thành nhiệm vụ một cách hoàn hảo thì bỗng nhiên laptop tắt cái phựt, mọi tài liệu cần thiết chưa lưu hết. Cái màn hình đen thui nhìn tôi đầy thách thức giữa một giờ đêm. Tôi không hề rút lộn dây điện, bấm lộn cái nút nào đó. Nó cứ như vậy mà… hư. Hư một cách vô căn cứ và vô lý… trí!

Sau một hồi loay hoay trong vô ích, thế là, tôi phải ngậm ngùi đi ngủ sớm với hy vọng ngày mai mang laptop ra tiệm, người ta có thể “cứu sống” những tài liệu cần thiết. Dĩ nhiên, nếu mọi hy vọng đều được “đền đáp’ hậu hĩnh, có lẽ tôi đã không ngồi đây để viết những dòng này mà đang ăn chơi nhảy múa ở một nơi nào đó, quên hết sự đời. Sau khi mang laptop ra tiệm, người ta nói với tôi lỗi lần này sẽ được sửa rất nhanh. Vì chỉ cần thay mới một… vài bộ phận quan trọng của laptop, chỉ trong vòng vài chục phút và khoảng hai triệu đồng là tôi đã được đem cái “cần câu cơm” về. Nhưng “cơm” mà tôi dày công “nấu” cả tuần qua và các tài liệu cần thiết lâu nay lưu trên máy và ổ cứng sẽ biến mất sạch. Không cứu được!

Vì vậy, trong suốt thời gian chờ đợi “dắt” laptop về. Tôi bỏ mặt cả thế giới xung quanh để đối mặt với những ray rứt, dằn vặt, đau khổ khi nghĩ đến “nguy cơ” làm lại từ đầu việc của một tuần qua trong một ngày vì hôm nay đã đến kỳ hạn công việc. Tôi nghĩ đến những rắc rối bắt đầu từ đây, và những sai lầm nối tiếp sai lầm sẽ được tôi “phát huy” một cách chu đáo. Vì tôi là người hay phạm cùng một sai lầm nhiều lần, nói chung, nếu các sai lầm biến thành tài sản, tôi có thể là người giàu… nhì thế giới (mặc dầu tôi chưa được gặp người dở hơi hơn mình, nhưng tôi vẫn cảm thấy nên khiêm tốn).Nhưng trong việc “giải quyết hậu quả” tôi lại không phải là thiên tài. Nhất là những sai lầm liên can đến cái “cần câu cơm” chưa nặng tới 3 ký nhưng có thể chứa cả thế giới này. Người ta hay nói “không ai tắm hai lần trên một dòng sông”… trong trường hợp này, câu nói đó đúng! Vì hơn ai hết, tôi biết mình không thể nhớ lại và viết ra y chang tất cả mọi thứ mình đã làm, đã soạn, đã thống kê, đã nghĩ đến và đã làm/viết ra trong những ngày trước đó. Tôi sẽ phải làm lại mọi thứ với cái đầu “chỉ biết ăn thôi chả biết gì” của mình.

mot-cau-chuyen-buon1
Đất nước có bao giờ được như thế này không?

Sau những tự trách, buồn bực không được dai thì tôi bắt đầu thả trôi suy nghĩ của mình vào một số miền… viễn tưởng khác. Tôi bắt đầu tìm cách đổ thừa những sai lầm của mình cho kẻ khác như cách mà mọi người vẫn hay làm. Tiếc là nghĩ mãi không ra người để đổ thừa, vì tôi sống một mình. Nhưng trong cái khó, ló cái khôn. Ðầu tiên, kẻ tôi nghĩ ra đó là kẻ đầu têu cho sai lầm lần này, cái laptop thân yêu của tôi. Người ta nói không gì đau đớn hơn khi bị phản bội bởi chính người thân thiết nhất với mình. Ðây là một ví dụ xác tín nhất. Tôi đâu ngờ được, “kẻ” mà tôi cho là đáng tin nhất, người bạn thân thiết bao năm cùng ăn cùng ngủ (nếu cùng… tắm được chắc tôi cũng… hy sanh). Tôi cứ nghĩ đây là nơi duy nhất bao dung với mọi sai lầm, chịu đựng mọi tra tấn của tôi, cho tôi kiến thức, niềm tin và giữ giùm tôi mọi ý tưởng mới, lạ trong đầu. Nhưng lại chưa từng nghĩ đến có một ngày kẻ thân thiết này lại quay lại giày xéo con tim của tôi một cách bất ngờ như vậy. Bất ngờ hơn cả chuyện một cô gái ở Hồng Kông tên Angel Lee, 19 tuổi mới đây vừa lên báo kể rằng trước năm 13 tuổi, cô luôn nghĩ phải đi làm thêm để phụ giúp gia đình. Mẹ cô khi biết chuyện đã an ủi con gái, không cho cô đi làm thêm mà hãy tập trung vào sự nghiệp học tập. Vì ba cô là  Lý Trí Khang, Phó Chủ tịch kiêm CEO tập đoàn Pacific Century Premium Developments. Ông là một huyền thoại trong giới bất động sản và là trợ thủ đắc lực của tỷ phú quyền lực nhất Hong Kong, nhà đầu tư Lý Gia Thành…. Tuy hai việc này không liên can lắm nhưng tôi đọc được tin này khi đang chờ “giải quyết hậu quả” từ cái bất ngờ của mình và thầm nghĩ phải chi hai việc bất ngờ này giữa tôi và cô ấy được đổi cho nhau thì hay biết mấy! Vì từ nhỏ tôi đã có ý nghĩ vừa học vừa đi làm thêm, sau đó tôi cũng đã vừa học vừa đi làm thêm thật đến tận bây giờ. Bao năm dài đằng đẵng vẫn chưa thấy ai an ủi và tiết lộ bí mật tôi có một ông bố hay bà mẹ giàu sụ như… cán bộ nhà nước cả!

mot-cau-chuyen-buon2
Những người vì dùng internet mà vướng vòng lao tù hoặc tha hương – Từ VOA

Sau khi nhận thấy đổ thừa cho laptop không ăn thua thì nó chỉ là một đống… sắt, nhựa, chẳng có linh hồn và không thể phản bác những gì tôi nói. Tôi lại nghĩ, nếu ngày xưa người ta không… phát minh ra laptop/internet thì giờ tôi đâu có vì ỷ y vào một đống sắt mà ăn thua thiệt như bi chừ. Phải chi, thay vì phát minh ra laptop/internet sao những người đó không phát minh ra loại thức ăn nào ngon ơi là ngon mà càng ăn càng đẹp, lại không mập và rẻ tiền thì tốt biết bao. Sau khi nghĩ xong, đổ lỗi xong cho người… phát minh ra máy tính, internet thì tôi lại… quành về, vì những người đó đã mất từ lâu rồi, đổ lung tung có khi nào đêm nay họ về… báo mộng không? Với lại, tính kỹ ra thì suy nghĩ trên của tôi cũng… hơi hoang đường. Nhất là trong thời buổi hiện nay, khi hơn 80% các hành động liên quan đến công việc lẫn cuộc sống hàng ngày của con người đều liên can đến internet. Nhờ những đường dây internet vô hình, những bộ nhớ khổng lồ mang tên là mạng internet mà con người chúng ta giờ đây chỉ cần ngồi một chỗ là có thể làm được mọi thứ từ làm việc đến mua sắm, học tập, giải trí, công việc lẫn… du lịch. Thay vì đến tận nơi, đánh cuộc sự hài lòng về chất lượng phục vụ/thái độ của nhân viên thì người ta có thể đặt hàng qua mạng và nhận được các chính sách đổi trả, giá ưu đãi bởi sự cạnh tranh của nền công nghiệp mạng. Thay vì đi đâu đó hít khói, bụi, gặp phải những người mình không ưa thì con người ta có thể tìm vui qua internet, youtube, mạng xã hội… Thay vì phải bắt tận tay, day tận mặt những câu chuyện oái oăm để ưu sầu thì con người có thể lên mạng xã hội để “hóng” chuyện làng, chuyện nước, những tin giựt gân và thật mà báo chí chính thống sẽ không bao giờ đưa tin, vui vì nỗi… buồn của thiên hạ, rút kinh nghiệm từ niềm đau của tha nhân. Thay vì “window shopping” (có nghĩa là đi mua sắm bằng mắt, bạn vòng vèo ngắm nghía các nhãn hiệu yêu thích của mình bao lâu tuỳ ý nhưng tuyệt nhiên không hề có ý định sẽ mua chúng, ngay cả vào phút thứ 89) thì chúng ta nhờ vào internet mà “window travel”.. Thay vì phải đóng thật nhiều tiền để học các chương trình chưa chắc tốt ở các trường nào đó, người ta có thể “săn” tài liệu ở các “ngõ ngách” nào đó trên mạng, trong các group của những con người thích chia sẻ, hoặc đọc các review hữu ích để tìm cho mình chương trình học tốt nhất. Thay vì phải bay cả ngàn cây số với rủi ro máy bay gãy cánh, tàu lửa trật đường ray, tai nạn giao thông thì chỉ cần một nút nhấn, các đối tác từ nhiều nước vẫn có thể nhìn thấy nhau và trò chuyện… Ngay cả bản thân tôi nấu ăn, mở máy lạnh, sửa đồ linh tinh trong nhà cũng phải bật điện thoại, máy tính lên xem công thức, cách làm… Nếu thật sự xã hội con người không có máy tính, internet thì tôi sẽ ra sao, thế giới này sẽ như thế nào và con người sẽ sống cuộc sống ra sao?  Mỗi khi đi đâu mà không muốn lạc chắc phải “vác” theo bản đồ giấy, người nhà tranh giành nhau chiếc điện thoại bàn để “tám”, muốn đọc “email” từ bên kia đại dương phải chờ thư tay dài cả cổ, và khi bạn biết một tin tức “hot” nào đó, có thể đó là chuyện của vài… năm sau khi nó xảy ra vì sự “chăn dắt thông tin” bị đình trệ. Hoặc khi đi du lịch vào các nước khác, bạn sẽ phải chờ nhân viên sân bay lật từng sớ dài tên hành khách để tìm tên và đặc điểm của bạn vì không có cái đầu nào có thể chứa những bộ nhớ dài vô tận như vậy trừ những “đám mây” mà quan chức Việt Nam vẫn cứ nói sẽ “kéo về” Việt Nam cho bằng được. Mặc dù sự phát triển công nghệ đôi khi cũng tiềm ẩn các cơ hội để kẻ xấu lợi dụng và thực hiện các thủ đoạn lừa đảo tinh vi, virus, hacker… nhưng nhìn chung, công nghệ đã tác động và thay đổi nhiều khía cạnh của đời sống con người, đó chính là những thay đổi mang tính đột phá của loài người, đưa thế giới bước từng nấc thang trong hành trình chinh phục giới hạn của nhân loại. Còn sự phát triển theo hướng tích cực hay tiêu cực đều phụ thuộc vào tánh mỗi người.

mot-cau-chuyen-buon
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi mang thế giới về VN – Từ báo Dân Trí

Bởi vì công nghệ đang đi vào đời sống con người với tốc độ rất nhanh. Nên việc cái laptop của tôi bị hư là một “biến cố” rất nghiêm trọng, có thể biến tôi trở thành người “lạc hậu” trong thời đại thông tin thoi đưa như hiện nay, có thể biến tôi thành kẻ thất nghiệp trước nguy cơ chậm trễ công việc, có thể biến tôi thành kẻ nấu ăn dở vì không tìm ra công thức nấu ăn “sáng giá”, có thể biến tôi thành một kẻ suy nghĩ vẩn vơ, viết lảm nhảm trong khi chờ sửa laptop như bây chừ…. Túm lại, sự kiện này đáng giá đứng ở những gạch đầu dòng ưu tiên trong list “biến cố” đáng nhắc tới mà tôi liệt kê mỗi tháng trong nhật ký của mình (Nhật ký cũng được lưu trên laptop và internet).

Cũng bởi vì công nghệ đang đi vào đời sống con người với tốc độ rất nhanh. nên ngay cả các quan chức VN lẫn… Thủ Tướng Việt Nam cũng quan tâm đến vấn đề này. Sở dĩ có chữ “cũng” vì mọi phát ngôn của họ cho thấy họ không hề hoan nghênh công nghệ, họ cho ra các luật lệ hà khắc để chống lại sự tự do của internet (Như luật an ninh mạng)… Vậy mà, họ cũng bày đặt đòi kéo “đám mây ảo” về Việt Nam, rồi còn đòi kéo cả… thế giới về Việt Nam, tuy không biết sự “kéo” này có giống như cách mà hồi xưa dân Bắc Việt kéo vào Sài Gòn hay không. Nhưng tôi rất lo ngại vì trong khi liên tục đòi “kéo” mọi thứ tốt nhất từ công nghệ, mạng internet về Việt Nam, các ông lại liên tục tìm cách để nhốt mạng… Vậy khi “đám mây” và “cả thế giới” về Việt Nam thì sẽ được chuyển qua dạng… trồng trọt hay chăn nuôi?

DU