Menu Close

2018 – Năm của phụ nữ

Năm 2018 được xem là thêm một năm với nhiều biến động trên thế giới. Một số lãnh tụ độc tài tiếp tục nắm quyền kiểm soát quốc gia của họ và thẳng tay đàn áp tiếng nói người dân trong nước; nạn khủng bố và tội ác vì thù hận có chiều gia tăng; và các nhà khoa học nói rằng tình trạng biến đổi khí hậu nay đang tiến gần kề tới mức có thể đưa tới những hậu quả thảm khốc trong tương lai. Và cuộc nội chiến tại Yemen kéo dài từ năm 2015 nay đã đẩy đất nước này rơi vào một nạn đói khủng khiếp…

2018-nam-cua-phu-nu3

Tuy nhiên, năm 2018 không hẳn là một năm hoàn toàn quá xấu như ta tưởng – mà trên phương diện nào đó vẫn có những sự kiện tích cực xảy ra, đặc biệt là trong lãnh vực quyền của phụ nữ.

Ví dụ, quốc gia Tây Ban Nha hiện đang có một nội các chính quyền với phụ nữ chiếm đa số. Tại Ả Rập Saudi, phụ nữ nay đã được quyền tự mình … lái xe. Và nhiều ứng cử viên nữ – đặc biệt là phụ nữ da màu – đã làm nên lịch sử trong cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ vào Tháng 11 vừa qua.

Nếu tính riêng ra, những tiến bộ này có thể không đáng kể. Nhưng nếu ta gom tất cả lại, chúng nhắc nhở cho ta rằng 2018 thật sự là một năm rất quan trọng và có thể sẽ là năm mở đường cho thêm nhiều những tiến bộ khác trong tương lai.

Sau đây xin được liệt kê một số tiến bộ mà phụ nữ đã đạt được trong năm 2018:

Nội các mới ở Tây Ban Nha

Vào Tháng 6, tân Thủ tướng Pedro Sánchez của Tây Ban Nha đã làm nên lịch sử sau khi thành lập nội các với đa số thành viên là phụ nữ. Trong số 17 bộ trưởng, có tới 11 vị – tức gần hai phần ba – là phụ nữ.

Thủ tướng Sánchez tuyên thệ nhậm chức vào ngày 2 Tháng 6 và trong một cuộc họp báo sau đó đã mô tả thành phần nội các của ông là “ủng hộ bình đẳng giới tính, bao gồm được nhiều thế hệ khác nhau, mở ra với thế giới nhưng trụ chính yếu vẫn là trong khối Liên hiệp Âu châu.” Chỉ mới vài thập niên trước thôi, Tây Ban Nha không có một nữ bộ trưởng nào, do đó sự kiện này là tượng trưng cho một sự chuyển hướng lớn.

Sự kiện này cũng đặt Tây Ban Nha trong một vị thế tách biệt: Qua mặt Thuỵ Ðiển và Pháp để trở thành quốc gia có số thành viên trong nội các là phụ nữ cao nhất tại Âu châu. Kể cả Hoa Kỳ cũng còn lâu mới “đuổi kịp” Tây Ban Nha trên phương diện này.

Phụ nữ Ả Rập Saudi được quyền…lái xe

Mùa hè qua, phụ nữ tại Ả Rập Saudi rốt cuộc đã có được quyền hợp pháp để tự mình lái xe.

Sau khi vua Salman tuyên bố vào Tháng 9 năm 2017 rằng luật cấm phụ nữ lái xe sẽ được bãi bỏ và phụ nữ tại quốc gia vùng vịnh này có quyền ghi danh để thi lấy bằng lái và được phép lái xe trong Tháng 6. Nhiều tài xế phụ nữ cho biết họ đã được chào đón nồng nhiệt trên đường phố bởi các tài xế phái nam bằng tiếng còi xe và đã ra dấu ủng hộ họ, nhiều cảnh sát còn tặng hoa cho họ để cùng nhau đón mừng sự kiện độc đáo này.

2018-nam-cua-phu-nu2
Phụ nữ Saudi được quyền lái xe – nguồn Protothema

Việc bãi bỏ luật cấm phụ nữ lái xe cũng có nghĩa là từ nay phụ nữ Ả Rập Saudi có nhiều tự do di chuyển hơn trước, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề cần phải vượt qua. Như một nhà báo đã viết trên trang mạng Vox:

Phụ nữ Saudi vẫn còn bị đặt dưới sự áp chế bởi một hệ thống giám hộ bởi đàn ông, bắt buộc người phụ nữ phải xin phép một thành viên nam trong gia đình (cha, anh, em trai, chồng, con trai) mới được quyền làm hầu như bất cứ chuyện gì, từ việc lấy chồng cho đến những công việc bên ngoài nhà và thậm chí kể cả quyền tự do căn bản để di chuyển bên trong và bên ngoài quốc gia. Phụ nữ Saudi chỉ mới được quyền đi bầu vào Tháng 12, 2015.

Và mặc dù việc bãi bỏ luật cấm phụ nữ lái xe hẳn nhiên là một bước đi đúng hướng, phụ nữ Ả Rập Saudi vẫn còn phải tranh đấu nhiều nữa cho những quyền căn bản khác.

Phụ nữ Mỹ và cuộc bầu cử giữa kỳ

Kết quả của cuộc bầu cử vào Tháng 11 vừa qua khi con số kỷ lục những nữ ứng cử viên được bầu vào Hạ viện quốc hội, và nhiều chức vụ khác trên khắp nước, phụ nữ – đặc biệt là phụ nữ da màu – đã làm nên một chương sử mới cho nước Mỹ.

Hai phụ nữ gốc da đỏ và hai phụ nữ Hồi giáo lần đầu tiên được bầu vào quốc hội. Một phụ nữ da đen đầu tiên đại diện cho tiểu bang Massachusetts ở Hạ viện. Và tiểu bang South Dakota lần đầu có một nữ thống đốc.

Những bước thay đổi này rất quan trọng và tầm ảnh hưởng có thể vượt xa hơn ra ngoài phạm vi của cuộc bầu cử.

2018-nam-cua-phu-nu1
Những khuôn mặt phụ nữ mới tại quốc hội – nguồn esendom.com

Theo một phúc trình của Viện Brookings tại Washington, có thêm phụ nữ trong vai trò làm luật nghĩa là có thêm luật ảnh hưởng đến phụ nữ và gia đình được ban hành trong tương lai.

Một nghiên cứu khác cho biết phụ nữ trong quốc hội thường có khuynh hướng chịu hợp tác làm việc với những đồng sự khác đảng phái, chấp nhận liên minh và đưa ra những chính sách mới hơn là những đối tác nam giới.

Mặc dù phụ nữ Mỹ vẫn còn phải tiếp tục tranh đấu để quân bình con số người đại diện cho họ ở trong chính phủ, tại các công ty, và nhiều nơi khác, tuy nhiên, kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2018 là một dấu hiệu quan trọng cho thấy phụ nữ đang làm thay đổi nước Mỹ.

Và… những tiến bộ khác

Tại Iran, phụ nữ lần đầu tiên được ngồi coi World Cup trong một vận động trường cùng với nam giới trong nhiều thập niên nay. Mặc dù luật cấm vẫn còn hiện hành, đây là một biểu tượng quan trọng cho thấy họ đang được cải thiện.

Tại New Zealand, Thủ tướng Jacinda Ardern trở thành vị nguyên thủ thứ nhì do dân bầu, sanh con trong khi đang tại chức, và là nhà lãnh đạo đầu tiên do dân bầu được nghỉ phép ở nhà trông con mọn – điều này cho thấy phụ nữ vẫn có thể làm trọn cả hai vai trò: vừa là thủ tướng và vừa là mẹ.

Giải Nobel Hoà bình năm nay được trao chung cho hai nhân vật là Denis Mukwege, một bác sĩ Congo làm công việc chữa trị cho các nạn nhân bị hiếp dâm, và Nadia Murad, một phụ nữ Iraq và là thành viên của nhóm thiểu số Yazidi, từng bị nhóm khủng bố ISIS bắt giữ. Murad nay là một nhà tranh đấu luôn mạnh mẽ lên tiếng kêu gọi bảo vệ cho các nạn nhân của nạn buôn người trên thế giới, và là phụ nữ Iraq đầu tiên được nhận giải.

2018-nam-cua-phu-nu
Phong trào #MeToo xuống đường – nguồn Global Citizen

Và điều tiến bộ cuối cùng, ở tại nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Ðộ, Úc, Nhật Bản và thậm chí kể cả Nam Dương, phong trào #MeToo đã lan toả ra khắp nơi và khơi nguồn cho một cuộc đối thoại mang tính quốc tế về những hành vi sách nhiễu và tấn công tình dục, và bắt đầu một tiến trình quan trọng để buộc những người đàn ông đầy quyền lực phải chịu trách nhiệm về việc lạm dụng quyền lực của họ để áp chế phụ nữ dưới quyền. Một số đã bị mất việc. Một số khác phải vào tù. Và tình trạng sách nhiễu tình dục trong xã hội đang có những thay đổi đáng  kể.

Trên đây chỉ là những điều giới hạn được kể ra, và chắc chắn còn nhiều ví dụ khác nữa. Nhưng nếu đem gom tất cả những tiến bộ trên vào chung một mối, ta thấy năm 2018 không đến nỗi tệ như ta tưởng – và ở một vài điểm nào đó, cũng có thể được xem là một năm tương đối khá, nhất là với phụ nữ. Hy vọng rằng, nhờ những bước tiến bộ này, ta có thể tin tưởng nhiều điều tốt đẹp hơn sẽ đến trong năm mới.

VH