Người Việt ngày xưa xác định rõ ràng chúng ta ở phía Nam từ thời Hai Bà Trưng, Trung Hoa là phía Bắc (“Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta”, “Uy danh động đến Bắc phương / Hán sai Mã Viện lên đường tiến công”- Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca), phía Đông là đường ra biển, tức biển Đông ngày nay (“Kể từ khi Đế Lai tràn xuống, nhân dân Lĩnh Nam phải phục dịch vô cùng cực khổ, mãi rồi cũng không chịu được nên họ liền hướng về phía biển Đông mà gọi lớn: “Bố ơi! Mau về cứu dân chúng con!”. Vừa dứt tiếng gọi thì Lạc Long Quân lập tức trở về.” – Cổ Tích Việt Nam).

Tuy nhiên, thế kỷ XVI các nhà truyền giáo châu Âu đến Việt Nam thì người Việt không biết những “người lạ” cao to, mắt xanh, mũi lõ, tóc xoăn nhiều màu này từ đâu tới, không phải Bắc, không phải Nam, không phải Ðông, vậy là dân ta gán ngay cho “người lạ” xuất xứ từ phía Tây và tất cả những gì có liên quan đến người Tây đều có chữ Tây đính kèm: quần áo Tây (veston), giày Tây (giày da), nhà Tây, món ăn Tây… Ðến thời thuộc Pháp thì dân ta chính thức có lịch Tây (Dương lịch) và Tết Tây (Ngày 1 Tháng Một năm Dương lịch).
Kể từ đó về sau, để thuận lợi cho công việc cũng như các giao dịch quốc tế, hòa nhập quốc tế, người Việt làm việc theo lịch Tây, ăn Tết Tây đồng thời với ăn Tết Ta (còn gọi là Tết cổ truyền, Tết Nguyên Ðán). Thời trước, Tết Tây nghỉ được một ngày, Tết Ta nghỉ được bốn ngày (từ ngày 30 đến hết ngày Mùng Ba, Âm lịch). Thập niên 20 Việt Nam cũng theo luật lao động quốc tế mỗi tuần làm việc không quá 40 giờ và nghỉ hai ngày cuối tuần Thứ Bảy, Chủ Nhật, nên kỳ nghỉ Tết Ta kéo dài cả chục ngày là bình thường. Vậy là mấy năm gần đây, rầm rộ có ý kiến cho rằng Việt Nam không nên ăn Tết Ta vì các lý do: Tết Ta nghỉ Tết kéo dài, cỗ bàn linh đình, ăn nhậu gây tốn kém, mệt mỏi hại sức khỏe, tai nạn giao thông gia tăng, vì ăn Tết Ta nên Việt Nam không phát triển nổi, nghèo nàn, lạc hậu, v.v… Ðặc biệt, có “nhà đấu tranh” còn cho rằng muốn chống Trung Cộng thì chỉ ăn Tết Tây thôi, phải bỏ Tết Ta, không dùng ngày Âm lịch vì Tết Ta và ngày Âm lịch là của Tàu (?!)
Tôi không hiểu lập luận “Tết Ta là của Tàu” móc từ đâu ra, riêng tôi được học từ bé tí ti Tết Ta của người Việt đã có từ thời Hoàng tử Lang Liêu thứ 18 (tức Vua Hùng Vương đời thứ 7) với phong tục bánh chưng, bánh dày dâng cúng tổ tiên ngày Tết. Nếu nói ăn Tết Ta là không “văn minh” thì Thái Lan, Singapore, Nam Hàn, Nhật Bản là những quốc gia có vị trí địa lý tương đồng Việt Nam họ vẫn ăn Tết cổ truyền mà vẫn phát triển vượt bậc. Nhật Bản nhập chung Tết Tây và Tết cổ truyền làm một thành kỳ nghỉ dài và tổ chức các nghi thức, tập tục không khác gì Tết cổ truyền cả. Mặt khác, người Nhật còn có thêm ba kỳ nghỉ dài trong năm. Những người có ý kiến chỉ ăn Tết Tây để “tiết kiệm thời gian” có lẽ họ cũng không bao giờ phải xa nhà, cũng không đọc tin tức mỗi ngày, nên họ không biết rằng có hàng vạn người nghèo các tỉnh xa phải tha phương cầu thực ở Sài Gòn và Hà Nội, mỗi năm chờ đợi có một dịp duy nhất được nghỉ Tết Ta mới có đủ thời gian trở về sum họp gia đình trong vài ngày ngắn ngủi, rồi lại tất tả trở ra thành phố lớn lăn lưng vào cuộc mưu sinh vất vả. Với những người này cũng chưa bao giờ có “mâm cao cỗ đầy” cầu kỳ cho ngày Tết Ta để được gọi là “phung phí của cải”. Tôi sống ở Việt Nam 47 năm cũng chưa bao giờ biết đến mấy chữ “mâm cao cỗ đầy” trong gia đình tôi ngày Tết. Với cha mẹ tôi, ngày Tết Ta là thời gian nghỉ làm dài ngày, chợ không bán thức ăn tươi nên phải mua dự trữ để có cái ăn đủ cho đến ngày Mùng Bảy mà thôi. Vì vậy, phung phí hay tiết kiệm là do con người, do sự giáo dục mà người đó nhận được, chớ không phải do ăn Tết Tây rồi ăn thêm Tết Ta. Nếu đã cố tình phung phí, lợi dụng để ăn chơi, để tạo điều kiện đưa/nhận hối lộ… thì trong một năm có mấy chục ngày để họ “lợi dụng”. Nào là thôi nôi, đầy tháng, sinh nhật, mừng thọ, kỷ niệm đám cưới (vàng, bạc, đồng), con cái tốt nghiệp, khai trương, “rửa” (mừng sắm đồ mới, lên chức, lên lon), Vu Lan, Trung Thu, Noel, lễ của phụ nữ, phụ nam, ngành, nghề, v.v… dày đặc suốt 365 ngày, không cần phải chờ đến Tết Ta.
Khi tôi ở trong nước, thấy nông dân Việt nghèo đói, trồng nhiều lúa và bán với giá rẻ mạt, thấp hơn giá gạo Cambodia và Thái Lan mà không hiểu tại sao. Bây giờ, tôi đi chợ Việt ở Mỹ, thấy hàng hóa Thái Lan gần như “thống trị” các gian hàng thực phẩm, sau đó là hàng của Ðài Loan, Mã Lai, Phi Luật Tân, Nam Hàn, áp chót là hàng Việt Nam và Trung Quốc. Mua gạo Thái về ăn mới hiểu ra nguyên nhân vì sao gạo Việt Nam rẻ như bèo. Thì ra, ngoài chất lượng hột gạo, gạo Thái không lẫn hột tấm nào, hột gạo láng mướt đều tăm tắp. Người Thái họ bán riêng gạo là gạo, tấm là tấm (giá rẻ hơn), không như Việt Nam có kiểu kỳ quặc là gạo lẫn lộn tấm, bán cho dân trong nước ăn có 30% tấm, gạo xuất khẩu đúng “tiêu chuẩn Việt Nam” là 5% tấm. Tôi mua mắm Phi Luật Tân đóng hũ thủy tinh, con mắm khô rang, độ lớn con cá đều nhau, xếp chặt cứng ken dày trong hũ không một khoảng hở và đầy vun tận nắp hũ, thành ra hũ mắm nhìn thấy nhỏ nhưng gắp ra rất nhiều mắm. Nhìn lại thấy Việt Nam toàn làm hàng “đểu”: Mắm đóng hũ thì nước lỏng bỏng, ở dưới cá nhỏ ở trên cá lớn. Ghẹm đóng vỉ lớp trên con ghẹm còn trọng trọng, lớp dưới con nào con ấy nhỏ bằng ngón tay cái. Thịt cua hấp lớp mặt còn được miếng bằng ngón tay, phía dưới nát vụn và nước đá nhiều hơn thịt cua. Các loại cá, tôm đông lạnh khác cũng vậy… Tôi bị lừa một lần thì không bao giờ ngu dại gì mua món hàng đó lần thứ hai. Tôi cho rằng với tâm lý khách hàng thì có rất nhiều người nghĩ như tôi, tất họ sẽ tìm mua thứ hàng hóa chất lượng hơn dù có mắc hơn chút đỉnh, nhưng không phải phẫn nộ, bực tức vì cảm giác bị lừa trắng trợn. Nhớ lại năm 2011 báo đăng người Nhật trả lại Việt Nam lô hàng tôm đông lạnh trị giá rất lớn với lời mai mỉa kèm theo: “Chúng tôi mua tôm chớ không mua nước đá”, tưởng các nhà buôn Việt Nam đã biết rút kinh nghiệm, không ngờ tình trạng này vẫn tái diễn ở Mỹ.
Nãy giờ dông dài nghe có vẻ như lạc đề, nhưng phải nói chi tiết để thấy Việt Nam có phát triển hay không, có văn minh hay không, có chống Trung Cộng được hay không, hoàn toàn không phải cứ bỏ ăn Tết Ta, chọn ăn Tết Tây là có ngay văn minh, giàu mạnh, Tàu sợ… mà ngày nào người Việt Nam còn làm ăn gian dối, lừa lọc, thì ngày ấy vẫn không thể nào chạy theo kịp các quốc gia trong khu vực, đừng mơ tưởng tới chuyện vươn ra thế giới. Ở Mỹ có nhiều người không ăn Tết Ta vì bận đi làm, nhưng cũng có không ít người tổ chức tiệc tùng xôm tụ, múa lân, đốt pháo rình rang và coi đó như một cách giữ gìn truyền thống văn hóa Việt. Vì vậy, chúng ta nên coi Tết Tây là ngày ta dành cho bạn bè, đồng nghiệp ngoại quốc để chung vui với họ thì niềm vui sẽ nhân lên gấp nhiều lần.
TPT
Orange County, CA