Hôm nay, tôi sẽ kể vài câu chuyện mang tính tâm linh (hoặc tâm… thần) liên quan đến những vị khách bất đắc dĩ luôn xuất hiện sau cùng (có thể là “trùm cuối” nhưng cũng có thể làm nhiệm vụ “phá team”), mà bản thân tôi cảm thấy thú vị (còn người khác thế nào thì tôi không chắc). Và, như thường lệ, ngoài yếu tố tâm linh (và tâm thần) thì những câu chuyện này sẽ chẳng liên can chi nhau cả!

Câu chuyện thứ nhất
– Mẹ ơi. Sao cô dâu lại mặc toàn màu trắng
– Tại vì hôm nay là ngày đẹp nhất, vui nhất và hạnh phúc nhất trong đời
– Vậy tại sao chú rể lại mặc toàn màu đen?
Ðó là một câu chuyện cười có vẻ hơi xưa vì tôi đã đọc rất là lâu rồi. Lúc đầu thấy vui là do phát hiện ra yếu tố tâm… linh của câu chuyện này. Qua định nghĩa trắng và đen của đồ cưới cô dâu chú rể trong lời của người mẹ. Tôi không biết tại sao cái gì màu sáng luôn được cho đứng cạnh những ý nghĩa xinh đẹp và trong trẻo còn màu tối đa phần đứng cạnh các từ liên can đến sự hắc ám tối tăm, nhưng bản thân tôi lâu lâu cũng… thấy vậy. Sau nhiều lần vô tình đọc lại câu chuyện trên nhờ sự lưu truyền của tha nhân, tôi lại có cảm nhận khác nữa. Ngoài yếu tố tâm linh thì câu chuyện này còn vui ở yếu tố tâm… thần. Ðó là suy nghĩ trước ngưỡng cửa hôn nhân giữa người nam và người nữ. Có thể, cũng khác nhau như màu sắc trang phục họ mặc. Thông thường, với phụ nữ, đa phần xem hôn nhân là bến đỗ, là nơi họ tìm thấy bình yên và sự an tâm (thoát ế). Nhưng với đàn ông, nhiều khi họ lại xem là cái neo buộc con thuyền của họ lại, ngăn lại sự vẫy vùng và những phiêu lưu còn dang dở… Trong nhiều trường hợp, suy nghĩ có thể đổi cho nhau nếu người phụ nữ có tánh tình sôi nổi hơn và người đàn ông cảm thấy đã thấm mệt. Niềm vui và nỗi buồn của họ có thể cần thời gian để… “hóng hớt” rồi mới khẳng định được. Nhưng có một sự thật sẽ luôn không thay đổi, đó là, dẫu họ có vui hay buồn thì người… tức vẫn là những kẻ dự đám cưới mà vẫn còn ế (như tôi), ráng vui mà chúc phúc trăm năm. Mặc dầu trong lòng nghiến răng, nghiến lợi:
– Ðược bao lâu! Tao chong mắt lên mà coi…
Câu chuyện thứ hai
Cách đây mấy tháng dân Việt, đặc biệt người Hà Nội, xôn xao với thông báo từ năm 2021 Hà Nội sẽ cấm tiệt dân tình ăn thịt chó. Những kẻ chê bai cái luật này thì đề xuất Việt Nam nên có những trang trại nuôi chó lấy thịt, cung cấp cho những tiệm “rựa mận” thay vì để họ đi trộm chó hoặc mua từ những tay bắt trộm. Như vậy sẽ vừa giảm tệ nạn, vừa tạo công ăn việc làm cho một số người. Người ủng hộ luật trên thì ra sức chứng minh sự trung thành, thân thiện của loài chó với con người, đồng thời cũng liệt kê những căn bệnh mà chó và thịt chó có thể gây ra cho người ăn thịt chó. Hai bên tranh cãi kịch liệt đến khi có một đối tượng mới, thu hút trọn “gạch” từ hai phe.

Số là 13 năm nay, tầm tháng 10 mỗi năm những người thích chụp ảnh sẽ nô nức chờ mong Cuộc thi sáng tác ảnh nhanh – Canon Photomarathon. Một cuộc thi ảnh nhanh dành cho tất cả những ai yêu thích nhiếp ảnh, không phân biệt nhãn hiệu máy ảnh sử dụng là máy ảnh DSLR hay mirrorless, và hợp lệ cho cả trẻ em từ 06 tuổi trở lên, thuộc mọi quốc tịch đang cư trú hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam, và ở nhiều nước khác ở Châu Á. Cuộc thi được bắt đầu từ 6h30 sáng và chỉ diễn ra trong vòng 1 ngày hôm đó, các thí sinh sẽ chỉ có vài giờ để nộp bài thi dựa trên chủ đề đã đưa ra, trước khi chủ đề tiếp theo được công bố. Ban giám khảo sẽ lựa chọn ra những bức ảnh họ cho là tốt nhất. Những bức ảnh đoạt giải sẽ được công bố và trao giải ngay trong ngày với tổng giá trị giải thưởng lên tới 900 triệu đồng. Các thí sinh đoạt giải đặc biệt sẽ được tài trợ một suất tham gia Canon Photomarathon Asia Championship tại Nhật Bản. Không cần nói về giải thưởng quá hấp dẫn và nhiều hứa hẹn, mà riêng cái “nội quy” trên cũng gây nên hứng thú biết bao nhiêu…
Nhưng không biết có phải do tâm linh hay không mà sau 13 năm diễn ra, hứng thú với cuộc thi này trong lòng các anh em yêu nhiếp ảnh cũng “vơi đi ít nhiều”, những đề bài cuộc thi đặt ra và các ảnh dự thi cũng khiến người ta dần mất niềm tin vào cuộc thi này. Ðỉnh điểm là năm nay, những chủ đề lẫn các bức ảnh đoạt giải được đánh giá cao về độ… xấu và sự định hướng tư tưởng chính trị người xem. Không những thế, đây là cuộc thi mang tính chất nhiếp ảnh đời thường nhưng người ta phát hiện các bức ảnh đoạt giải cao vừa xấu vừa là sản phẩm của sự sắp đặt. Không những vừa xấu, vừa là ảnh sắp đặt, chi tiết trong ảnh cũng bị… photoshop một cách vô lý, càng làm mất đi ý nghĩa của bức ảnh. Thứ nhất ở chủ đề “Tự Hào Việt Nam”, y như định hướng, tấm hình đoạt giải là tấm hình liên quan đến lá cờ đỏ. Cái lá cờ mà những ngư dân đi đánh bắt cá ngoài biển Hoàng Sa Trường Sa không dám phất lên vì sợ bị ví, bị đánh đuổi bởi “tàu lạ”. Khá nhiều người đã không vui vì kết quả, giải thưởng này của ban tổ chức cuộc thi. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Huỳnh Văn Nam phàn nàn: “Thiếu gì thứ nói lên niềm tự hào Việt Nam mà cứ phải lôi lá cờ ra. Bức ảnh này rõ ràng là một sự sắp xếp cố ý, ông treo cờ, hai cháu mặc áo hình lá cờ mà nói là tự hào thì không thể thuyết phục được công chúng”. Tiếp theo, đây mới chính là cái khiến cho hai phe bàn luận rôm rả về thịt chó “quay đầu là bờ”, cùng nhau mắng ban tổ chức Canon Photomarathon. Ðó là bức ảnh đoạt giải đặc biệt (giải cao nhất cuộc thi). Tuy chủ thể trong bức ảnh là những người phụ nữ phụ hồ nhưng nó không hề đặc biệt và gây chú ý, cho đến khi người ta phát hiện sự diệu kỳ này: Trong bức ảnh không hề có thịt chó, chỉ có chữ “thịt chó” rất mờ nhạt, nằm chỏng chơ trên một bản quảng cáo của cửa hàng trong góc kẹt bức ảnh. Thế mà cũng bị ban tổ chức sửa thành “thịt gà” khi công bố ra công chúng (mặc dầu lúc trao giải, ảnh vẫn còn là “Thịt chó”). Với lý do: “Về việc can thiệp Photoshop biến “chó” thành “gà”, Canon cho rằng đây là trường hợp ngoại lệ khi phông nền xuất hiện một vấn đề đang gây tranh cãi của xã hội hiện nay là việc ăn hay không ăn thịt chó. Ðồng thời, Canon không cổ súy cho việc ăn hay mua thịt chó.”

Sau khi đọc được những lời giải thích từ ban tổ chức cuộc thi về các bức ảnh, không ít người bối rối không hiểu người trong ban tổ chức có liên can gì đến ban… tuyên giáo hay không? Mà biến một sân chơi bổ ích trở thành nơi học cảm tình đảng, phổ biến luật. Ðúng là “Ban Tổ Chức có toàn quyền đối với bức ảnh và các giải thưởng”, giải thưởng của họ thì họ làm gì làm, trao cho ai thì trao, ảnh họ “mua” rồi thì muốn sửa thế nào sửa. Nhưng nếu họ không có ý thức thì khác nào vụ ca sĩ nổi tiếng ở Việt Nam ký lên tranh theo yêu cầu của mạnh thường quân trọc phú nào đó (đã mua bức tranh đó sau phiên đấu giá), khiến cho không ít họa sĩ ở Việt Nam phải lên tiếng. Vì thế, cư dân mạng đã “biến đau thương thành hành động”. Ném hăng hái, ném nhiệt tình từng rổ đá vô cuộc thi, quên luôn chuyện ăn thịt chó hay không, quên luôn câu hỏi ban tổ chức cuộc thi và ban tuyên giáo có “liên hệ” mí nhau không… Qua chuyện này, tôi cũng nhận ra ý thức của “dân đen” Việt Nam ngày càng được nâng cao, họ nhìn ra được rất nhanh cái sự thật giả trong vấn đề. Một người bạn rất trẻ chia sẻ về vấn đề trên: “Quan điểm của tôi vậy nè, tôi trước tiên là một người tiêu dùng, tôi bỏ tiền của tôi ra mua thiết bị để sử dụng. Sau đó tôi là một con người, tôi có quan điểm, lập trường, trách nhiệm với xã hội mà tôi ở trong đó. Vì vậy đơn giản là cái gì ích nước, lợi nhà là tôi ủng hộ, cái gì mất dạy, đểu cáng và có hại là tôi phê phán, phản đối và tẩy chay. Nên năm sau, Canon dẹp cái trò nhồi sọ này nhé!”
Câu chuyện thứ ba
Thiệt ra, chuyện này rất liên can mật thiết với câu chuyện thứ hai. Vì ở trên, tôi có nhắc tới những trại nuôi chó lấy thịt – niềm mơ ước của nhiều người mê món thịt chó ở Việt Nam. Thì ở trong chuyện này, chúng ta có những trại nuôi người lấy… thận. Tuy cũng là số phận cung cấp… thịt, nhưng được cái những người trong các trại này là tự nguyện và hoan hỉ chờ đợi ngày mổ cho xong để lấy tiền trang trải cuộc sống, thỏa mãn mộng mơ nào đó muốn thực hiện mà không đủ kinh phí. Họ biết rõ những hậu quả mà mình sẽ nhận lấy sau khi “chia lìa” một trái thận, thậm chí biết rằng mình có thể chết bất đắc tử hoặc chỉ có thể sống lặc lìa lặc lọi đến cuối đời. Họ còn biết đòi hỏi cho mình cuộc sống tốt đẹp nhất ở trại trong thời gian chờ lên bàn mổ. Thậm chí, họ biết rõ giá mình bán cho “cò” chỉ bằng hoặc chưa đến 1/3 giá “cò” bán cho “lái” hoặc đến tay người cần. Ngay cả khi bị bắt, cả người bán và người mua đều không hối hận với việc mình đã làm. Kẻ bán thì đầy tự hào, tuyên bố như mình là một kẻ thành tâm đối đãi người bán thận, giúp họ cách vượt qua khó khăn: “Bán một quả thận sẽ không chết nhưng không có tiền trả nợ sẽ khó sống yên.” Còn hầu hết những người bán thận đều khẳng định giao dịch giữa họ và “cò” đều là sự thỏa thuận tự nguyện. Có người chắc mẩm: “Không bán chỗ này thì bán chỗ khác, thiếu gì!” Nói chung, đây là một hoạt động làm ăn lâu năm, có tổ chức, mối manh, ngay cả nơi mổ cấy ghép cũng là bệnh viện có tiếng. Các nhà báo làm phóng sự này hay độc giả cũng phải… gục ngã trước sự “kiên cường” của họ.

Kẻ xuất hiện “bất thình lình” ở câu chuyện lần này là những kẻ may mắn, không phải buồn tủi như cô nàng ế ẩm đi đám cưới ở chuyện một, hay ban tổ chức phải làm việc theo “sườn” ban tuyên giáo… Họ, là những vị “an ninh giỏi nhất thế giới”, đã xông vào cái “trại” khang trang ấy, “túm gọn” cả đám bán lẫn cò, mang về đồn, rồi phá án ngon ơ sau một loạt bài báo của… người ta.
Anh Ðàm Hà Phú, một nhà văn đã thốt lên: “Công an giỏi quá… nó nuôi bán như nuôi heo bán thịt từ mấy năm nay, giá cả công bố rộng rãi, chuồng trại khang trang quá trời… giờ báo đăng cái xúm đi bắt như đúng rồi, ôi đất nước trọn niềm vui!”
DU (Saigon – Việt Nam)