Menu Close

Từ chuyện con cá đến những hiểm họa môi sinh

Ngày nay ở Mỹ, cá “snakehead” là loại hàng kiểu… quốc cấm, mọi việc mua bán đều bị nghiêm phạt. Các thám tử của Cục Điều Tra Liên Bang FBI không ít lần phá vỡ những đường dây buôn bán “snakehead fish” ở những tiểu bang như New York, Texas, Florida, Missouri… Gần đây, lại có tin tiểu bang Maryland treo thưởng $200 “gift card” cho người nào bắt hoặc giết được “snakehead fish”.

alt

Cá “đầu rắn” này hao hao giống con cá lóc của người Việt, nhưng… bự hơn nhiều, và cũng… dữ dằn hơn. Cá “Snakehead” nguồn gốc Phi Châu, đặc biệt có thể sống nhiều ngày trên đất liền. Chúng du nhập vào làn nước Bắc Mỹ bằng con đường lắt léo nào đó. Hiện tại chúng đang… quậy tưng bừng, gây vô số phiền toái, làm đảo lộn trật tự hệ sinh thái tại nhiều địa phương ở Mỹ, khiến nhiều cấp thẩm quyền vò đầu bứt tóc không yên. Câu chuyện tiểu bang Maryland treo thưởng săn lùng cá “đầu rắn” cũng tình cờ gợi lại một đề tài gai góc. Để rõ hơn nguồn cơn người ta bực bội với cá “đầu rắn”, mời bạn cùng chúng tôi tìm hiểu một số ý niệm bao quát quanh sự thâm nhập của các loài lạ, và tác hại của chúng lên môi trường tự nhiên ở địa phương.

Thật ra, cá “đầu rắn” chỉ là trường hợp gần đây nhất. Theo dòng di dân tứ xứ đổ về, tự nhiên người ta cũng mang theo mình nhiều “của ngon vật lạ” từ đất cố hương — cho dù có bị hải quan Hoa Kỳ ngăn cản. Trong số này có thể gồm cá, thịt, hải sản, các loại hạt giống, trái cây, v.v…

Thỉnh thoảng ta lại nghe có thẩm quyền địa phương la làng vì đủ loại cá lạ chưa từng thấy, nay lại bơi lội nườm nượp, nhất là ở những nơi nhiều ao hồ, các tiểu bang nằm dọc con sông Mississippi. Một trong những thách đố lâu đời, khó giải quyết nhất, cũng rắc rối nhất, liên quan đến loài cá chép Á Đông (Asian carp).

Từ mãi 30 năm trước, thời cuối thập niên 1970, người ta đã bắt được những con Asian carp đầu tiên trên dòng sông Mississippi. Đặc điểm của loài cá này là sinh sản rất nhanh, to xác, dữ tợn, ăn như… hạm đội, lại biết tự điều chỉnh để thích hợp môi trường rất nhanh. Loài cá này mau lẹ… chiếm lãnh con sông Mississippi River, rồi lăm le tràn vào lãnh thổ llinois.

alt


Bắt cá chép “Asian Carp” khổng lồ

Bao nhiêu nỗ lực của người Mỹ bản xứ như giăng lưới, đánh bắt, thậm chí chích điện, đều không làm giảm đà tăng trưởng của con cá lì lợm này. Chúng ăn thịt cá bản xứ bé hơn,  hoặc giành hết thức ăn, làm đảo lộn trật tự sinh thái. Không ít người Mỹ bi quan cảnh báo nếu không trừ tận gốc loài cá chép Á Đông, để chúng nhân giống lan tràn sang vùng Ngũ Đại Hồ, có thể gây cạn kiệt nguồn thức ăn, thậm chí an nguy đến… kỹ nghệ đánh bắt cá với doanh số $7 tỉ hằng năm.

Thế là khơi ngòi các chương trình diệt trừ cá chép Á Đông có hệ thống. Đi từ phương pháp thủ công nhất là tát đầm, ao, để bắt chúng. Ra khỏi ao hồ nhỏ, người ta không thể… tát cả con sông, nên đã từng thử thả thuốc độc giết cá dưới sông. Nhiều chánh khách vùng Ngũ Đại Hồ “Great Lakes” còn kêu gọi tìm cách lắp đặt  hoặc xây các loại rào chắn, tường ngăn, để cản phần nào còn đường đi của cá chép Á Đông.

alt

Kelly Baerwaldt, một chuyên viên sinh vật học thuộc US Army Corp, đang khám nghiệm một con cá chép “Asian carp”

Tuy nhiên, cái giá để diệt trừ “Asian carp” cũng không phải nhỏ. Một lần, khi quyết định thả thuốc độc xuống các con sông quanh vùng Chicago, kết quả thu về hơn 100,000 pound cá chết, mà không tìm ra mấy con cá chép, vì chúng đã mau lẹ trốn đi nơi khác. Chưa kể các chất độc hại thả xuống nước còn gây nên những tác hại môi trường khó lường.

alt

Các nhà sinh vật học thuộc trung tâm môi sinh “Upper Midwest Environmental Sciences Center” (La Crosse, Wisconsin) nghiên cứu hiệu quả chất độc lên cá “Asian carp. ảnh Chris Walker/Chicago Tribune/MCT

Dần dà, giới thẩm quyền nhiều nơi lần lượt quay về giải pháp căn gốc: đưa thông tin và gây ý thức môi trường bằng nhiều cách khác nhau. Khi người ta hiểu ra một con cá “catfish” có thể sống đến 40 hoặc 50 năm, và cá “Asian carp” sống dai 50 đến 80 năm, họ sẽ tự làm quyết định liệu có mua chúng về làm cá kiểng hay không. Được trang bị đúng thông tin, khi bắt được một con cá chép, người ta tự biết mình không nên thả vào nước trở lại. Truyền thông báo chí thì kêu gọi dân chúng tránh thả cá xuống sông hồ, đôi khi rất vô tình, như việc thả mồi câu cá chẳng hạn.

Với ý thức rằng mọi thứ đi vào nguồn nước đều có thể gây hại cho sức khoẻ của con người lẫn của môi trường, về lâu về dài, chính người dân Mỹ — cũ và mới — sẽ là người giúp chánh quyền ngăn ngừa, không để xảy ra các chuyện bất ưng tương tự cá chép, hay cá “snakehead”.

Có thể có người hồ nghi, nhưng trên thực tế từng có cuộc điều tra môi sinh đưa đến kết luận mọi sự rắc rối chỉ do có người giật nước bồn cầu, đẩy  mấy con cá vàng đã chết vào dòng nước, gây nhiễm độc. Không bao lâu sau, nhiều cá và chim chóc ngã lăn ra chết, các chú vịt thì bị tê liệt…

Sự kiện các dị loài xâm nhập vào Bắc Mỹ không chỉ riêng có cá. Vùng bờ biển Đông Nam (tiểu bang Texas) và ven vịnh Gulf of Mexico cũng đang bị một loài tôm… khủng long hoành hành dữ dội. Con tôm này tên là tôm vạch vàng (yellow striped shrimp) cũng gốc Á Đông, dài hơn 10 inch, có con nặng tới 1/4 pound. Con tôm này ăn các loài tôm nhỏ hơn, cũng như cua, và nhiều loại hải sản khác, miễn là… vừa miệng chúng. Cơ thể tôm vạch vàng tự chúng còn là ổ vi khuẩn, chứa đủ loại dịch bịnh, dễ dàng lây sang các loài khác, có thể tiềm ẩn nguy cơ làm biến mất đời sống thủy sinh vật cả một vùng.

alt


Tôm sọc vàng. ảnh Martha Duvall, Southern Miss GCRL

Vấn đề sinh vật lạ… xâm lăng và tàn hại môi trường mới cũng không phải chỉ xảy ra ở Bắc Mỹ. Những chuyện tương tự có thể thấy bên Úc Châu, Nhật Bổn, thậm chí cả Âu Châu. Không phải là cường điệu khi nói đây là một vấn nạn toàn cầu. Những hành vi thiếu ý thức lẻ tẻ đó đây có thể đã góp một phần nguyên do khiến dân số các loài sinh vật trên trái đất giảm bớt 30% từ năm  1970 đến nay.

Đáng ngại hơn là những mối hoạ môi trường tiềm ẩn, có thể tác động đến chính sự tồn vong của nhân loại. Ngày nay, có nhiều nơi đời sống sinh vật bị tuyệt diệt đến 60% vì chuyện phá rừng và đô thị hoá. Dân số trái đất 7 tỉ người, mỗi ngày một tăng, tạo áp lực khủng khiếp lên khả năng trái đất tạo ra đủ thực phẩm từ nguồn tự nhiên. Với hiểu biết và ý thức nâng cao, người ta có thể đối xử với môi trường sống một cách khéo léo hơn, giảm thiểu sự nguy hại, cùng lúc duy trì nguồn dự trữ hiện hữu, để chúng tiếp tục đồng hành và chia sẻ trái đất với nhân loại dài dài trong tương lai.

alt


Để nhân loại có lương thực hằng ngày dùng đủ…

TD